Những món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết ở 3 miền

Ngày Tết Nguyên đán mang giá trị văn hóa truyển thống, trong đó có những đặc trưng ẩm thực của mỗi vùng miền.

Bánh chưng

Bánh Chưng là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm Tết. Giống như linh hồn của mâm cơm ngày tết vì chất liệu của bánh chưng là tinh hoa của trời đất. Bánh được làm từ gạo nếp, thịt lợn và đậu xanh, vì vậy đặc điểm đặc trưng của loại bánh này là hương vị thơm ngon, đậm đà của dân tộc. Một cặp bánh chưng xanh trong gói quà Tết có ý nghĩa mang lại sự thịnh vượng và may mắn trong năm mới.

mon an ngay tet 1

Bánh tét

Bánh tét có ý nghĩa là sự hội tụ của đất và trời, một trong những món ăn truyền thống không thể thiếu trong mâm cỗ Tết của người miền Trung. Nếu miền Bắc có bánh chưng được gói bằng lá dong thì bánh tét miền Trung gói bằng lá chuối.

Mặc dù giống nhau về nguyên liệu nhưng bánh tét được gói lại thành từng đòn hình trụ. Nhờ sự đơn giản của bánh mà người ăn có thể cảm nhận rõ rệt vị ngon của từng nguyên liệu bên trong, rất ngon và hấp dẫn.

Gà luộc

Thịt gà luộc – một món ăn khoái khẩu của nhiều người, nhất là người miền Bắc. Thịt gà thường để cúng trong dịp lễ, rằm, điều dĩ nhiên, nó cũng xuất hiện trong mâm cỗ ngày Tết. Vào dịp này, người ta sẽ luộc gà nguyên con và đoán vận mệnh qua chân gà luộc. Thịt gà ăn kèm với lá chanh, muối tiêu có mùi vị riêng biệt, không thể lẫn vào đâu được.

mon an ngay tet 2

Dưa hành

Cùng với thịt mỡ và bánh chưng, dưa hành là một món ăn không thể thiếu trong ngày tết cổ truyền của người Việt. Dưa hành thường được muối duy nhất một lần một năm vào dịp Tết. Dưa hành dùng ăn kèm với các món ăn khác sẽ không bị ngấy, đặc biệt là đồ ăn nhiều dầu mỡ.

Giò lụa

Giò lụa, giò chả hay chả lụa là tên gọi của món ăn được làm từ hai nguyên liệu cơ bản là thịt nạc thăn lợn giã nhuyễn kết hợp với nước mắm ngon, gói trong lá chuối và luộc chín. Giò lụa được xem là một món ăn vừa phổ thông vừa sang trọng. Đây cũng là món ăn quen thuộc của người Việt trong năm chứ không chỉ ngày Tết. Khi bày cỗ giò thường được thái theo khoanh, chia thành miếng gọn gàng, trông đẹp mắt và dễ gắp.

mon an ngay tet 3

Giò xào

Giò xào có thành phần chính là thịt thủ (phần thịt ở đầu con lợn), lưỡi… xào chín cùng một số nguyên liệu khác như mộc nhĩ, hạt tiêu, muối rồi gói và nén chặt. Bắt nguồn từ miền Bắc, món ăn này hiện phổ biến khắp nước.

Xôi gấc

Theo quan niệm của người xưa cho biết thì màu đỏ là màu của may mắn, màu của hạnh phúc lứa đôi. Vì vậy mà trong những ngày rằm, ngày lễ, đặc biệt là ngày Tết thì nhất định phải có 1 đĩa xôi gấc. Xôi gấc được nấu từ gạo nếp ngon và được trộn với gấc tươi rồi cho vào nồi hấp. Sau khi được đun chín thì xôi sẽ có màu đỏ tươi rất đẹp và hấp dẫn.

mon an ngay tet 4

Canh măng khô

Ngày Tết thường không thể thiếu bát canh măng. Có rất nhiều loại măng khác nhau như măng xé, măng lá… thế nhưng măng lưỡi lợn là lựa chọn thường thấy nhất trong mâm cỗ ngày Tết. Nồi canh măng nấu cùng chân giò là một món ăn không thể thiếu của người dân miền Bắc và của người Hà Nội mỗi dịp Tết đến xuân về. Đó cũng là một nét văn hóa thể hiện truyền thống của người Việt từ xa xưa với thói quen ăn những món có nguồn gốc từ thiên nhiên như măng, khoai… Thiếu đi món ăn này, mâm cơm không còn mang nét đặc trưng của ngày Tết nữa.

Nem rán

Nem rán mang đến vị ngon và giòn rụm khiến nhiều người rất ưa thích. Đây là món ăn không chỉ được sử dụng trong mâm cỗ ngày Tết mà còn được sử dụng trong những bữa ăn hàng ngày của gia đình Việt.

Nem rán mang nhiều hương vị chua cay mặn ngọt với những nguyên liệu chính như thịt lợn, mộc nhĩ, nấm hương, rau, giá nên được coi là món ăn tượng trưng cho “quốc hồn, quốc túy”.

mon an ngay tet 5

Tôm chua

Một món ăn nữa không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của người miền Trung đó chính là tôm chua, đặc sản của Huế. Vị ngọt bùi của tôm, béo ngậy của thịt, vị cay và thơm của riềng, tỏi ớt, vị chua của khế, chát của vả, hương của các loại rau thơm,… Tất cả tạo nên một “bản hòa tấu hương vị” hấp dẫn khiến bất kì ăn qua một lần sẽ phải nhớ mãi.

Thịt kho nước dừa

Trong vô số các món ăn ngon tại Sài Gòn thì món ăn Tết truyền thống nổi tiếng nhất đối với người dân miền Nam có lẽ chính là thịt kho nước dừa, hay còn gọi với cái tên khác là thịt kho rệu, thịt kho hột vịt.

Những ngày giáp Tết, bên cạnh công việc nấu bánh tét thì các hộ gia đình Nam Bộ còn hay chuẩn bị một nồi thị kho nước dừa to để ăn vào những ngày này. Món này trông rất hấp dẫn, dễ ăn và rất ngon miệng. Nếu bạn muốn thưởng thức món này mà không cảm thấy ngấy thì bạn có thể ăn món này kèm dưa giá.

mon an ngay tet 6

Lạp xưởng

Lạp xưởng là món ăn phổ biến của của người miền Nam, thường là tự làm vào ngày Tết để ăn hoặc đãi khách đến chơi như một món quà đầu năm đầy ý nghĩa.

Lạp xưởng trong miền Nam có nhiều loại: lạp xưởng khô, lạp xưởng tươi, lạp xưởng tôm, lạp xưởng cá,… rất dễ kết hợp với món ăn khác trong mâm cỗ ngày Tết tạo ra một món ăn hoàn toàn mới nhưng vẫn mang hương vị đặc trưng của lạp xưởng.

Thịt ngâm mắm

Mỗi dịp Tết đến Xuân về thì món thịt ngâm mắm là cách muối thịt phổ biến nhất ở nhiều tỉnh miền Trung. Nguyên liệu có thể là thịt heo hoặc thịt bò đều được, sơ chế xong được ngâm vào nước mắm đường đã pha nấu theo một tỉ lệ nhất định. Món thịt này ăn có vị mặn, ngọt và thường ăn kèm với dưa món, củ kiệu chua ngọt và rau sống, rau thơm.

mon an ngay tet 7

Canh khổ qua

Đối với người miền Nam, canh khổ dồn thịt qua mang ý nghĩa cầu mong khó khăn đi qua để đón điều thuận lợi may mắn và tươi sáng cho một năm mới đến. Món canh khổ qua được nấu từ những nguyên liệu chính là: Khổ qua tươi, thịt băm, xương hầm. Món ăn này tuy có vị hơi đắng nhưng lại có công dụng tốt cho sức khoẻ, nhất là trong dịp Tết.

Củ kiệu tôm khô

Nếu mâm cơm truyền thống ngày Tết của người miền Bắc luôn có dưa hành thì người phương Nam lại chẳng thể thiếu hũ củ kiệu hay đĩa tôm khô trộn củ kiệu chua ngọt. Điều đặc biệt ở miền Nam là củ kiệu không ăn cùng với bánh tét mà thường ăn kèm tôm khô, tạo thành một món riêng.

mon an ngay tet 8

Thịt đông

Nếu trong ngày Tết, các gia đình miền Nam chuộng món thịt kho tàu thì ngoài miền Bắc lại chuộng món thịt đông. Điều này xuất phát do điều kiện khí hậu có sự khác nhau của hai miền. Trong năm mới, thông thường thời tiết miền Bắc sẽ se lạnh, lý tưởng để làm món thịt đông, vừa để được lâu và lại mang hương vị ngon ngon, mềm mềm như thạch. Phần thịt trong như thạch biểu tượng cho sự an lành. Ngoài ra, sự hòa quyện, gắn kết giữa các nguyên liệu trong món thịt đông cũng như một lời chúc may mắn.

Linh Chi (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-mon-an-khong-the-thieu-trong-mam-co-ngay-tet-o-3-mien-a556730.html