Những món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết Nguyên Đán

Những món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết Nguyên Đán

20/01/2023

Ẩm thực là một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam, mỗi dịp Tết đến xuân về những mâm cỗ ngày Tết được mọi gia đình chú trọng. Mâm cỗ cúng ngày lễ Tết được coi là một nét văn hóa đặc trưng của người Việt. Mâm cỗ có thể lớn hoặc nhỏ tùy theo điều kiện của mỗi nhà và mỗi vùng miền lại mang nét đặc trưng riêng. Ngày nay, tùy theo sở thích của mỗi gia đình mà mâm cơm món ngày Tết có thêm các món ăn khác và vì thế lại trở nên phong phú và hấp dẫn hơn. Cho dù đi xa đến mấy thì mâm cơm ngày Tết vẫn luôn mang ý nghĩa thiêng liêng trong mỗi tâm hồn Việt. Tùy vào mỗi vùng miền mà mâm cỗ cúng sẽ có những món ngon khác nhau, được bày biện vô cùng đẹp mắt. Hôm nay, hãy cùng Đại học FPT Cần Thơ điểm qua một vài món ngon đặc sắc trong mâm cỗ cúng ngày Tết ba miền nhé!

Mục lục:

Những món ngon ngày Tết

Những món ăn ngày Tết không thể thiếu trong mâm cỗ miền Bắc

1. Bánh chưng

2. Giò chả

3. Xôi gấc

4. Thịt đông

5. Dưa hành

6. Nem rán

Những món ăn ngày Tết không thể thiếu trong mâm cỗ miền Trung

1. Bánh tét

2. Dưa món

3. Tôm chua

5. Nem chua

6. Tré

Những món ăn ngày Tết không thể thiếu trong mâm cỗ miền Nam

1. Bánh tét

2. Canh khổ qua

3. Thịt kho tàu (thịt kho trứng)

4. Lạp xưởng

5. Dưa cải chua

6. Củ kiệu trộn tôm khô

Ý nghĩa mâm cỗ ngày Tết trong văn hóa người Việt

Những món ăn ngày Tết không thể thiếu trong mâm cỗ miền Bắc

  1. Bánh chưng

Ông bà xưa thường có câu: “Thịt mỡ dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Bánh tượng trưng cho mặt đất, được dùng để thể hiện lòng biết ơn của hoàng tử Lang Liêu với Vua Hùng đời thứ 16 và đất trời. Bánh chưng là một trong những món bánh truyền thống của dân tộc Việt Nam và được xem như linh hồn của mâm cỗ ngày Tết ở miền Bắc thể hiện nhiều ý nghĩa sâu sắc khác nhau. Đầu tiên là lòng biết ơn trời đất đã giúp mưa thuận gió hòa cho mùa màng bội thu, mang lại cho chúng ta một cuộc sống ấm no. Thêm vào đó, việc biếu dâng bánh chưng còn thể hiện được lòng hiếu thảo đối với cha mẹ và ông bà. Hay trong các gói quà Tết, người ta thường đặt một cặp bánh chưng xanh, điều này tượng trưng cho lời chúc may mắn và cầu mong sự sung túc trong năm mới.

Bánh chưng được gói bằng lá dong, phần ruột bánh làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt heo. Mặc dù nguyên liệu đơn giản và dễ kiếm nhưng để làm được chiếc bánh chưng đẹp và ngon thì thì đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ trong từng bước gói bánh. Bánh khá khó nấu nên để có bánh ngon thì bạn phải khéo tay và có chút kinh nghiệm. Bánh chưng có vị dẻo của gạo nếp, vị ngậy béo của thịt hòa cùng vị bùi của đỗ xanh và hương thơm dịu của lá rong rất hấp dẫn, đặc biệt khi ăn với dưa hành sẽ rất hợp, tạo nên không khí đầm ấm và thiêng liêng trong ngày Tết.

Giò chả

 

Giò chả là một món không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết tại Hà Nội. Món ăn này được làm từ thịt heo, giã nhuyễn trong cối đá và gói bằng lá chuối rồi luộc chín. Những miếng giò trắng mịn, giòn dai, thơm ngon không chỉ là món ăn ngon mà có thể dành tặng cho những thành viên trong gia đình mình. Từng miếng chả giò trong mâm cỗ ngày Tết phải thật gọn gàng, xếp đều lên dĩa, màu sắc tươi tắn, đậm đà mùi thịt. Với vị trí trung tâm của mâm cỗ ngày Tết, món ăn này mang ý nghĩa là “trong ấm ngoài êm, phúc lộc đầy nhà”, một phần không thể thiếu của ẩm thực Việt.

Xôi gấc

 

Xôi gấc không chỉ xuất hiện trong những ngày trọng đại của người miền Bắc như cưới, hỏi, thôi nôi, giỗ chạp… mà cả dịp Tết chúng cũng có mặt như một món ăn mang lại may mắn cho năm mới. Theo quan niệm của người xưa cho biết thì màu đỏ là màu của may mắn, màu của hạnh phúc lứa đôi. Xôi gấc là món ăn góp phần tạo nên sự đặc sắc và thú vị cho mâm cỗ ngày Tết. Xôi gấc được chế biến bằng cách đem gạo nếp ngon trộn với gấc tươi, nước cốt dừa rồi cho vào nồi hấp. Sau khi hoàn tất, xôi sẽ có màu đỏ tươi rất đẹp mắt và hấp dẫn.

 

 

Thịt đông

 

Thịt đông là món ăn đặc biệt, mang tính truyền thống, độc đáo và tinh túy của ẩm thực miền Bắc. Trong những món ngon ngày Tết đậm đà hương vị cổ truyền đây là món không thể thiếu. Thịt đông được làm từ thịt lợn, thịt gà hoặc đôi khi là cả chân giò lợn, thêm chút mộc nhĩ, nấm hương, gia giảm gia vị vừa ăn rồi ninh nhừ. Sau đó để ngoài trời cho đông lại hoặc bảo quản trong tủ lạnh. Thành phẩm sẽ có lớp mỡ trắng mịn trên bề mặt, tạo cảm giác béo ngậy, thanh mát, cực kỳ thú vị khi thưởng thức. Độ ngậy, mát khiến thịt đông trở thành món ăn hấp dẫn và đưa cơm.

Dưa hành

 

Mâm cỗ ngày Tết miền Bắc cũng không thể nào thiếu món dưa hành. Đây là món ăn dân dã, giản dị và cách thực hiện đơn giản. Để chế biến dưa hành, người Việt sử dụng nguyên liệu chính là hành củ và thực hiện theo phương pháp lên men vi sinh. Vì thế, món ăn này có vị chua, cay nhẹ. Rất nhiều người yêu thích dưa hành, bởi nó là món ăn chống ngán hữu hiệu trong ngày Tết. Dưa hành sẽ càng ngon hơn khi được thưởng thức cùng bánh chưng hay thịt đông lạnh.

 

Nem rán

 

Món ăn này được rất nhiều người ưa chuộng nên còn được coi là “quốc hồn quốc túy” của người Việt Nam. Một trong những món ăn nào trong ngày Tết ở miền Bắc được xếp vào danh sách cầu kỳ, kỹ lưỡng nhất là chính là nem rán. Đây là món ăn thể hiện cho sự chau chuốt, tỉ mỉ của người miền Bắc đối với mâm cỗ ngày Tết. Thịt sẽ được băm nhỏ cùng hành tây, cà rốt, nấm hương, mộc nhĩ, miếng rồi trộn đều với trứng gà và gia vị. Sau đó cho phần nhân đã chuẩn bị vào bánh đa tráng mỏng, cuốn lại rồi đem rán. Chiếc nem phải cuộn thật đều tay, rán với lửa vừa phải thì mới chín đều và đẹp. Nem rán có lớp vỏ bên ngoài màu vàng óng, bên trong chứa đầy thịt, mộc nhĩ và giá, đây là món ăn độc đáo và hấp dẫn không thể thiếu trong những ngày Tết của người miền Bắc.

Những món ăn ngày Tết không thể thiếu trong mâm cỗ miền Trung 

Bánh Tét

Bánh Tét có ý nghĩa là sự hội tụ của đất và trời, một trong những món ăn truyền thống không thể thiếu trong mâm cỗ Tết của người miền Trung. Đây là một trong những món ngon ngày Tết có cả ở miền Nam và miền Trung. Tuy nhiên, bánh Tét miền Trung lại giản dị hơn rất nhiều. Không cần có quá nhiều màu sắc, hình thức cầu kỳ, chỉ cần vài bát gạo nếp, một chút tiêu, thịt lợn,… cùng với lớp lá chuối xanh cũng đã đủ tạo nên món ăn đặc trưng cho ngày Tết. 

 

Nếu miền Bắc có bánh chưng được gói bằng lá dong thì bánh tét miền Trung gói bằng lá chuối. Mặc dù giống nhau về nguyên liệu nhưng bánh tét được gói lại thành từng đòn hình trụ. Nhờ sự đơn giản của bánh mà người ăn có thể cảm nhận rõ rệt vị ngon của từng nguyên liệu bên trong, vô cùng ngon và hấp dẫn.

Dưa món

 

Ở miền Bắc trong ngày Tết có dưa hành thì miền Trung lại có dưa món. Đây là sự kết hợp của nhiều nguyên liệu khác nhau như củ cải, củ kiệu, cà rốt, dưa leo, đu đủ,…tạo nên một món ăn ngon khó cưỡng. Dưa món giòn giòn, chua chua ăn kèm cùng những lát bánh tét dẻo mềm sẽ tạo nên hương vị rất riêng trong những ngày Tết.

Tôm chua

Một món ăn khác không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của người miền Trung chính là tôm chua, đặc sản của Huế. Đây chính là món được xem như đặc sản tinh tế và vô cùng hấp dẫn. Thậm chí chúng xuất hiện hầu hết ở mọi mâm cỗ ngày Tết của người dân miền Trung.

 

 

Tôm chua sẽ bao gồm đa dạng nguyên liệu khác nhau như: Củ riềng, tỏi, ớt, khế, quả vả một số rau thơm. Sự hấp dẫn của món ăn đến từ phong vị đậm đà, ngọt bùi và một xíu chua chua, cay cay. Chính vị ngọt bùi của tôm, béo ngậy của thịt cùng vị cay và thơm của riềng, tỏi ớt,…đã tạo nên một “bản hòa tấu hương vị” hấp dẫn khiến bất kỳ ai ăn qua một lần cũng sẽ phải nhớ mãi.

Xôi đậu xanh

 

Xôi đậu xanh là món ăn ngày Tết cực kỳ quen thuộc đối với tất cả người dân miền Trung. Không những vậy, xôi đậu xanh còn được dùng trên các mâm cúng trong ngày Tết. Đối với người dân miền Trung, món ăn này thể hiện cho tình thân bền chặt, gắn kết cùng sự sung túc, đủ đầy. Chỉ với 2 nguyên liệu quen thuộc là gạo nếp và đỗ xanh chúng ta đã có được một món ngon ngày Tết miền trung vừa đẹp mắt vừa chứa đựng nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Dĩa xôi đậu xanh được đồ đầy ụ trên mâm cúng cùng với hương thơm tỏa ra mang ý nghĩa một năm mới đủ đầy và an lành.

Nem chua

 

Món ngon không thể thiếu của các gia đình miền Trung trong dịp Tết đó chính là món nem chua. Món ăn đặc sản này được làm từ thịt heo, sau khi đã được tẩm ướp gia vị, thịt được gói lại trong lá ổi, lá chùm ruột để trong vài ngày có vị chua thanh, giòn giòn, cay cay. Nem chua là đặc sản Thanh Hóa và được người dân ở đây xem là món quà để đem đi biếu tặng mỗi dịp tết đến xuân về. Có người giải thích nem chua để thờ cúng tổ tiên, cầu may mắn, sung túc do trước đây nó được làm để tiến vua trong dịp Tết.

Tré

 

Tré là món ăn đặc sản từ Bình Định. Tuy nhiên, gần đây thì món này được người dân tại miền Trung và cả nước thêm vào danh sách những món ăn ngày Tết có trên mâm cỗ. Tré là món ăn xuất phát từ cung đình và chỉ dành cho các bậc vua chúa vương giả. Cách chế biến của món ăn này là rất đa dạng. Bạn có thể dùng tré để trộn gỏi với xoài, chả, cóc, rau, dưa leo,… hoặc ăn không cũng đều ngon. Ngày nay, người ta quan niệm rằng ăn tré trong ngày Tết sẽ tạo được bầu không khí ấm cúng, sum vầy trong gia đình.

  

Những món ăn ngày Tết không thể thiếu trong mâm cỗ miền Nam

 

Bánh Tét

Trong khi bánh Tét ở miền Trung được làm một cách khá là giản dị thì ở miền Nam đã được “cải tiến” một cách rõ rệt. Bánh Tét miền Nam có hai loại chính là bánh Tét nhân ngọt và bánh Tét nhân mặn. Với nhân mặn thì bên cạnh các nguyên liệu như đậu và thịt mỡ truyền thống, nhiều gia đình còn cho thêm cả trứng muối, lạp xưởng để tạo nên nhiều hương vị khác nhau. Ngược lại, bánh tét nhân ngọt thì bao gồm có nhân chuối, đậu đỏ, đậu xanh…

 

Một đòn bánh Tét chuẩn miền Nam phải được gói bằng lá chuối, vuông vức, chắc và nhân nằm ở giữa. Thông thường bánh tét sẽ được nấu vào đêm giao thừa và ăn chung với các món ăn khác vào những ngày mùng. Một trong số những địa phương nổi tiếng với món bánh Tét thập cẩm không chỉ ngon miệng mà còn đẹp nữa chính là bánh Tét Trà Vinh với bánh Tét Trà Cuôn.

 

 Canh khổ qua

 

Theo quan niệm của người miền Nam, canh khổ qua là món ăn giúp xua đi những khổ cực của năm cũ, chào đón một năm mới tốt lành, thuận lợi, bắt đầu một năm mới thật suôn sẻ và hạnh phúc. Canh khổ qua được chế miến đơn giản với khổ qua nguyên trái, làm sạch ruột, nhân thịt heo xay nhuyễn hoặc chả cá, nấm mèo để nấu lên sẽ dai và thanh ngọt nước dùng. Ngoài ra, canh khổ qua còn làm cho bữa ăn nhiều thịt mỡ ngày Tết trở nên nhẹ nhàng mà thanh mát hơn nhờ đặc tính giải nhiệt, thải độc của mình.

 

Thịt kho tàu

 

Thịt kho tàu là món ăn ngày Tết đặc trưng của người dân Nam Bộ. Món này có sự kết hợp giữa trứng (hột vịt), thịt kho, nước dừa rất ngon và hấp dẫn. Thịt kho trứng có ý nghĩa trên thuận dưới hòa, giàu sang phú quý, có thể gọi với nhiều cách như thịt kho tàu, thịt kho rệu, thịt kho nước dừa. Miếng thịt vuông vức, hột vịt tròn biểu trưng cho cân bằng âm dương. Trứng tròn còn là biểu tượng của sung túc, sinh sôi, mong một năm mới an khang, con đàn cháu đống. Hầu hết các gia đình đều kho một nồi thịt kho lớn để ăn dần trong ngày Tết vì phong tục không nấu nướng vào những ngày đầu năm.

 

 

 

Lạp xưởng

 

Theo quan niệm Á Đông, màu đỏ là màu tượng trưng cho sự may mắn. Theo quan niệm của người Trung Hoa, lạp xưởng có kiểu dáng giống với một xâu bao tiền đỏ về mặt hình dáng nên được gọi là lạp xưởng thể hiện cho sự mong cầu một năm giàu sang, may mắn. Do đó lạp xưởng cũng trở thành một món đặc trưng trong món ngon ngày Tết.  Lạp xưởng được làm từ thịt nạc và thịt mỡ lợn xay nhuyễn trộn với rượu, đường rồi nhồi vào ruột lợn khô để làm chín bằng cách lên men tự nhiên.

  

Dưa cải chua

 

Người dân miền Nam thường đề cao sự đơn giản trong mâm cỗ lễ Tết của gia đình mình. Và họ cũng rất chú trọng trong việc kết hợp các món ăn sao cho chúng thực sự hài hòa với nhau. Vì vậy mà bên cạnh những món nhiều dầu mỡ, để giảm ngán hiệu quả không thể thiếu món dưa cải chua. Với nguyên liệu cực kỳ đơn giản như dưa cải, muối, đường,… kết hợp với một vài gia vị khác. Món ăn có màu vàng bắt mắt cùng vị giòn ngon hấp dẫn. Ăn kèm với bánh chưng hoặc bánh tét thì đúng là trọn vị.

Củ kiệu trộn tôm khô

 

Món củ kiệu trộn tôm khô chính là một món ăn ngày tết miền Nam mà cực kỳ nhiều người yêu thích. Bảo đảm đây là một món ăn ngon mà những “dân nhậu” sẽ không thể bỏ qua trong dịp lễ tết. Với vị chua của dưa kiệu cùng vị thơm ngọt của tôm đất làm người ăn càng nhai càng cảm thấy bùi. Nếu ăn món ăn này cùng bánh tét sẽ là một món ăn ngon hết ý mà ai cũng phải thích mê. Chính vì vậy mà người miền Nam cực kỳ yêu thích món ăn này.

Ý nghĩa mâm cỗ ngày Tết trong văn hóa người Việt

 

Trong truyền thống của người Việt Nam, mỗi dịp Tết đến Xuân về mọi người đều mong muốn được sum vầy tụ họp và chuẩn bị một mâm cỗ Tết thật đầy đủ, tươm tất và thịnh soạn để dâng lên ông bà tổ tiên với mong ước một năm bình an, suôn sẻ, phát tài. Chính vì vậy, dù nhiều hay ít thì mâm cỗ Tết vẫn luôn phải được chăm chút thật tỉ mỉ và chỉn chu. Mâm cỗ ngày Tết luôn mang nhiều ý nghĩa của trong văn hóa của người Việt từ xưa đến nay. 

Thể hiện tấm lòng biết ơn và kính trọng đối với ông bà, tổ tiên

Mâm cúng ngày Tết đầu tiên đó là mang ý nghĩa về việc tưởng nhớ đến Gia tiên, Tổ tiên, ông bà, những người đã khuất cũng như mong muốn một năm mới vạn sự may mắn và bình an. Trong mâm cơm ngày Tết, bạn có thể thấy rằng mâm cơm được chuẩn bị với những món ăn ngon như bánh chưng, bánh tét, thịt đông, thịt kho tàu, dưa hành, củ kiệu, giò thủ,…được dâng lên cùng với những bộ bát đĩa mới đẹp nhất. Thể hiện cho lòng biết ơn của người chuẩn bị cùng với lòng thành kính của con cháu trong gia đình.  

Mang ý nghĩa đoàn tụ, sum họp

 

Tết nguyên đán là dịp mà để những người con xa quê có thể về nhà cùng với gia đình. Cứ mỗi khi Tết đến Xuân về thì điều mà người dân nào, ai ai cũng mong ước đó chính là hình ảnh cả nhà các thành viên sum họp, quây quần bên nhau bên mâm cơm, cùng chia sẻ với nhau, ngồi trò chuyện bên nhau, cùng nhau thưởng thức những món ăn ngày Tết, quên đi những bận rộn. Chỉ có dịp Tết mới có thể thấy được con cháu sum vầy, vì thế mà mâm cơm ngày Tết lại càng được chuẩn bị đầy đủ hơn, thịnh soạn hơn bao giờ hết cùng với những món ăn cổ truyền ngày Tết mà ai cũng yêu thích. Hình ảnh những gia đình vui vẻ quây quần bên nhau, cùng nhau chia sẻ những câu chuyện của mình, những gì đã đạt được trong năm cũ và những điều mong ước trong năm mới, trao cho nhau những lời chúc an lành.

  

Tượng trưng cho những mong ước

Trong mâm cơm ngày Tết, mỗi món ăn được chuẩn bị đều mang cho mình những ý nghĩa khác nhau, đều mang những hy vọng hay những mong ước mà người chuẩn bị cùng với người thưởng thức đều mong đến. Biểu trưng cho đất trời hài hòa với nhau đó chính là chiếc bánh chưng xanh và chiếc bánh giầy, tượng trưng cho mong ước một năm mới được mưa thuận gió hòa, vạn sự như ý. Và đặc biệt với người dân miền Nam thì một món ăn không thể thiếu trong ngày lễ Tết đó là canh khổ qua, trong ngày đầu năm mới với mong muốn cho những muộn phiền đau khổ đều sẽ qua, chỉ để lại những vận may vì thế mà mọi người đều ăn canh khổ qua.

Món ngon ngày Tết trên mâm cỗ không chỉ dừng ở sự ngon miệng, mà còn là chất gắn kết tình cảm giữa những người thân trong gia đình. Điều đó có thể lý giải qua việc thức ăn được dùng chung trên mâm, người ăn tự gắp hoặc sẽ gắp thức ăn cho cha mẹ, ông bà và ngược lại. Điều này thể hiện được văn hóa cộng đồng, gia đình của người Việt Nam.