Những món ăn “giết sâu bọ” tốt cho sức khỏe trong Tết Đoan Ngọ

Huyền Chi

  –  

Thứ tư, 01/06/2022 10:00 (GMT+7)

Trong dịp Tết Đoan Ngọ , các món ăn thanh đạm, có vị chua được quan niệm sẽ đem lại may mắn, diệt trừ sâu bọ.

Tết Đoan Ngọ, hay còn gọi là lễ “Giết sâu bọ” là ngày lễ truyền thống của người Việt nhiều đời nay. Theo tục lệ từ xưa, người dân thường cúng vào buổi sáng ngày 5.5 Âm lịch.

Dịp Đoan Ngọ là thời điểm chuyển mùa, nóng nực, sâu bọ, côn trùng sinh sôi phát triển gây bệnh cho người, vật nuôi và cây cối. Vì vậy, người dân thực hiện các nghi lễ diệt sâu bọ và dâng hương cầu may, mùa vụ suôn sẻ.

Với ý niệm “tiêu diệt sâu bệnh” bên trong cơ thể, các gia đình thường lựa chọn các món ăn sau đây để cúng lễ trong ngày Tết Đoan Ngọ.

Các loại quả chua, trái cây theo mùa

Mâm quả dâng lên bàn thờ tổ tiên là điều không thể thiếu trong dịp Tết Đoan Ngọ. Các loại quả có vị chua như xoài, mận, dứa, cóc… được cho là có tác dụng xua đuổi sâu bệnh, côn trùng gây hại.

Nhiều gia đình cũng chuẩn bị bữa cỗ “giết sâu bọ” vào sáng sớm với các loại trái cây đầu mùa như: vải, chôm chôm, dưa hấu, đào, chuối… với mong muốn hoa trái đầy nhà, sinh sôi nảy nở.

Mâm quả ngũ sắc là hình ảnh quen thuộc mỗi dịp Tết Đoan Ngọ. Ảnh: ST.Mâm quả ngũ sắc là hình ảnh quen thuộc mỗi dịp Tết Đoan Ngọ. Ảnh: ST.

Cơm rượu nếp

Ở miền Bắc, cơm rượu nếp là món ăn phổ biến trong mâm cúng ngày lễ giết sâu bọ. Theo dân gian, rượu nếp được ăn ngay khi vừa ngủ dậy. Thành phần chủ yếu của món ăn này là xôi còn nguyên hạt lên men, còn gọi là “cái”.

Người dân thường dùng các loại gạo nếp trắng và cẩm đồ thành xôi, để nguội rồi rắc men, ủ trong ba ngày. Thúng xôi ủ được đặt trên một chiếc chậu, hứng lấy nước rượu để khi ăn, trộn với cái, tạo vị ngọt, cay rất dễ chịu.

Cơm rượu nếp là món ăn người lớn, trẻ em đều có thể thưởng thức. Ảnh: ST.Cơm rượu nếp là món ăn người lớn, trẻ em đều có thể thưởng thức. Ảnh: ST.

Thịt vịt

Thịt vịt có tính hàn, thường được ưa chuộng trong những ngày nóng bức dịp Tết Đoan Ngọ. Món ăn này mang ý nghĩa cân bằng âm dương, làm mát cơ thể. Mặt khác, tháng 5 âm lịch cũng là thời điểm vịt béo, thịt ngon và không có mùi hôi.

Vì thế, trong Tết Đoan Ngọ, ở hầu hết các gia đình, họ đều mua vịt và chế biến thành nhiều món ăn khác nhau.

Thịt vịt dễ ăn, ít mỡ và có nhiều cách chế biến hấp dẫn. Ảnh: ST.Thịt vịt dễ ăn, ít mỡ và có nhiều cách chế biến hấp dẫn. Ảnh: ST.

Bánh tro

Vào ngày nóng bức của tháng 5 âm lịch, những chiếc bánh  tro có tác dụng giải nhiệt, thanh đạm và dễ tiêu hóa. Bánh mềm dẻo, vị nhạt, tính mát, thường ăn cùng mật mía. Ở các địa phương, bánh tro được gói thành hình dạng khác nhau, có nơi gói thuôn dài, có nơi gói hình chóp tam giác.

Bánh được làm bằng gạo đã ngâm từ nước tro được đốt bằng củi các loại cây khô hay rơm, gói trong lá chuối. Nhân bánh thường dùng đậu xanh hoặc không nhân.

Miền Nam và miền Trung luôn có món bánh tro trên mâm cơm cúng dịp Đoan Ngọ. Ảnh: ST.Miền Nam và miền Trung luôn có món bánh tro trên mâm cơm cúng dịp Đoan Ngọ. Ảnh: ST.