Những mốc thời gian cần nhớ trong dịp Tết cổ truyền

Đức Mạnh

  –  

Chủ nhật, 30/01/2022 10:42 (GMT+7)

1. Tất niên

Sau cúng rằm tháng Chạp và Tết ông Công ông Táo (23 tháng Chạp) là đến ngày Tất niên. Ngày này có thể rơi vào 30 tháng Chạp (nếu là năm đủ) hoặc 29 tháng Chạp (nếu là năm thiếu).

Đây dịp gia đình sum họp lại với nhau để ăn uống. Sau đó người ta sẽ sắp dọn bàn thờ, chuẩn bị mâm cỗ để cúng Giao thừa.

2. Giao thừa

Giữa ngày 30 (hoặc 29) tháng Chạp và ngày mồng 1 tháng Giêng, thời điểm bắt đầu giờ Chính Tý (0 giờ 0 phút 0 giây ngày mồng 1 tháng Giêng) đánh dấu sự chuyển giao năm cũ và năm mới, nó được gọi là Giao thừa.

Trong thời khắc này, mọi người trong gia đình thường dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất.

Cúng Giao thừa cũng là lễ cúng quan trọng. Theo đó, người dân thường làm hai mâm cỗ. Một mâm cúng gia tiên tại bàn thờ ở trong nhà và một mâm cúng thiên địa ở trước sân.

3. Ba ngày Tân niên

Ngày mồng 1 Tết được quan niệm là ngày quan trọng nhất trong suốt dịp Tết. Theo quan niệm, gia chủ sẽ chọn người hợp tuổi với mình để tới xông nhà, mong cầu những điều tốt đẹp đến trong năm mới. Ngày này mọi người sẽ đi Tết họ nội theo phong tục mồng 1 Tết cha.

Ngày mồng 2 sẽ diễn ra những hoạt động cúng lễ tại gia vào sáng sớm. Tiếp đó, người ta chúc Tết họ ngoại theo tục mồng 2 Tết mẹ. Riêng đàn ông chuẩn bị lập gia đình sẽ phải đến nhà cha mẹ vợ tương lai để chúc Tết theo tục đi sêu.

Ngày mồng 3 thường được biết đến là dịp học trò đến chúc Tết thầy dạy học theo tục mồng 3 Tết thầy. Trong những ngày này người ta thường đi thăm hỏi nhau những điều đã làm trong năm cũ và dự định mong muốn trong năm mới.

   Phong bao lì xì đỏ là điều đặc trưng và không thể thiếu vào những ngày Tết. Ảnh: Thanh Vân

4. Hóa vàng

Trong ba ngày Tết, các bậc gia thần, tổ tiên luôn ngự trên bàn thờ. Vì thế nên đèn hương luôn sáng đỏ, các đồ dâng cúng phải đợi đến ngày hóa vàng mới được hạ xuống.

Thông thường, hóa vàng sẽ diễn ra từ mồng 3 đến mồng 10 tháng Giêng Âm lịch. Trong ngày này, người Việt làm lễ cúng tổ tiên đã về ăn Tết với con cháu và đốt vàng mã để tiền nhân về cõi âm có thêm tiền vốn đầu năm, cầu mong một năm mới an khang thịnh vượng.

5. Khai hạ

Ngày mồng 7 tháng Giêng (nhiều nơi là mồng 6 tháng Giêng) là ngày cuối cùng của chuỗi lễ hội Tết. Vào ngày này, người Việt làm lễ hạ cây nêu, gọi là lễ Khai hạ để kết thúc dịp Tết Nguyên đán và bắt đầu bước vào việc làm ăn trong năm mới từ ngày mồng 8 hoặc mồng 9 tháng Giêng.