Những mẹo đối phó với ông chồng ưa nhậu
1h sáng, về nhà vừa nhìn thấy vợ, anh Hùng đã xua tay: “Mai em hẵng mắng nhé, say quá”. Thu quắc mắt, định xạc cho một trận thì anh đã nằm vật ra nôn thốc nôn tháo, thế là lại cuống quýt đánh gió, lau dọn…
Nhậu – thú vui của rất nhiều quý ông.
Ảnh: Hoàng Hà.
Tuần 7 tối thì có đến 5 tối Hùng (Thanh Xuân, Hà Nội) về khuya, mà lý do là nhậu. Ông bạn ở xa về chơi: nhậu mừng gặp mặt. Lúc ông bạn rời Hà Nội: nhậu chia tay. Rồi thì gặp đối tác, mừng người bạn sắp giã từ thời độc thân, hay đội bóng đá Việt Nam thắng trận quan trọng…, bất cứ cái gì cũng thành lý do của cuộc nhậu.
Nhiều khi đã hẹn về ăn cơm với vợ nhưng anh Hùng vẫn mất hút. 8h tối, chị gọi điện, anh bảo đang trên đường về. 10h gọi lại, vẫn “đang trên đường về”, đến 11h thì tắt máy. Nhiều hôm đã nửa đêm mà nhà chị Thu vẫn có khẩu chiến, thực ra là một cuộc “nã pháo” đơn phương của chị, vì đối phương đã say bí tỉ.
Sáng hôm sau, chồng chưa dậy, chị đã tất tả đi chợ, đi làm nên không có dịp mắng mỏ nữa, và đến tối lại mỏi mòn chờ. Chị đã áp dụng đủ cách, ngọt ngào có, căng thẳng có, khích bác có nhưng chỉ nhận được những lời hứa của chồng. “Bây giờ thì tôi bó tay chấm com rồi” – Thu than thở.
Không chỉ chờ đợi, chị Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) còn mấy lần phải bắt taxi đi đón chồng, bởi anh đã quá say. Khác với Hùng, anh Thiết chồng chị “cấm” gọi điện giục về, vì “em làm thế mất mặt anh”. Có lần con trai 6 tuổi gọi cho bố, hỏi sao bố tối nay dạy con làm đèn ông sao mà mãi không về, đám bạn Thiết cười: “Vợ cậu lại có chiêu mới rồi, giỏi thật”. Thế là tối ấy hai vợ chồng lại cãi nhau về chuyện ai quá đáng hơn ai.
Với rất nhiều phụ nữ, chồng nhậu khuya là “chuyện thường ngày ở huyện”. Không ít người vợ tủi thân cảm thấy mình như bà mẹ độc thân, từ chuyện nhà cửa con cái, đối nội đối ngoại đều một mình cáng đáng, có rắc rối gì cũng không than thở được với chồng vì lúc gặp nhau thì đã khuya, lại đang tức giận. Thất bại trong việc giảm tần suất nhậu của ông xã, dần dần họ cũng xác định “sống chung với lũ”, nhưng nhiều lúc mệt mỏi quá lại sinh ra cãi cọ, chán nản.
“Chả lẽ bỏ chồng vì một lý do như vậy, nhưng cứ sống như thế cả đời thì oải quá” – chị Thủy, 32 tuổi, nhà ở Đống Đa, nói.
Lời biện hộ của các ông chồng
“Giá như các bà vợ hiểu được chúng tôi cũng yêu vợ thương con thế nào, có điều nhậu thì vẫn cứ phải nhậu thôi” – anh Kiên, một kiến trúc sư hiếm khi về nhà trước 11h đêm, nói.
Theo anh Kiên, các cuộc nhậu có 2 kiểu: Một là giao dịch công việc, nhiều lúc mệt phờ người, rượu bia vào mồm thấy đắng ngắt chứ chả sung sướng gì, muốn về với vợ lắm vẫn phải cố. Hai là các cuộc nhậu với bạn bè để xả stress, nhằm giải tỏa những ức chế đến từ công việc và cả từ những cuộc nhậu kiểu thứ nhất kia. “Đây là lúc tái sản xuất sức lao động, các bà phải thông cảm.” – Kiên lý sự.
Anh Long, một nhà báo kiêm nhà thơ, thì cho rằng nhậu là phần không thể thiếu của đàn ông, nhất là những người có chút máu nghệ sĩ. “Đàn ông phải quảng giao, mà cuộc rượu là nơi thể hiện tình cảm huynh đệ, nơi tìm cảm hứng cho cuộc sống, cho công việc”.
Còn anh Liệu, nhân viên một bộ ở Hà Nội, cho biết nhậu là cách để giải khuây khi cảm thấy bế tắc, thất bại, và nhiều khi là để “trốn” sự hạch tội của vợ:
Những chiêu đối phó của các bà vợ
Để chồng ít nhậu và về sớm hơn, chị em đã sáng tạo ra cả nghìn lẻ một cách, và đây là kinh nghiệm của một số người:
Chị Hương (29 tuổi, tập thể Nam Đồng, Hà Nội): “Có lần biết lão về sớm, tớ uống chút rượu cho mặt đỏ tưng bừng rồi giả vờ say, giãi bày tâm sự rằng lâu nay buồn thế nào, vất vả, cô đơn thế nào. Rồi tớ nôn ra nhà, lão phải dọn”. Sau hôm đó, chồng Hương ít nhậu hẳn, có đi cũng báo trước và về đúng giờ hẹn. Chắc anh đã hiểu phần nào nỗi khổ của người vợ có chồng đi nhậu quá nhiều.
Chị Phượng (24 tuổi, Hà Đông, Hà Tây): Vợ chồng bằng tuổi, lấy nhau từ khi thời sinh viên nên ít ai chịu ai. Thuyết phục, giận dỗi, nhờ phụ huynh khuyên bảo không xong, có lần chồng nhậu về nôn mửa, Phượng không dọn, sang phòng khác ngủ, lại còn chụp ảnh nữa. Sáng hôm sau phải tự dọn, lại được vợ cho xem những bức ảnh của mình, chồng Phượng thấy “thấm” và xấu hổ, không ngờ mình lúc say lại bê tha thế. “Từ đó tuy hắn vẫn nhậu nhưng nhậu có tư cách hơn nhiều” – Phượng hể hả.
Chị Trang (35 tuổi, thành phố Hải Dương): Chồng nhiều tuổi, gần đây hay ốm nên cũng lo cho sức khỏe. Biết vậy, nhiều lúc chị “vô tình” kể chuyện người nọ người kia chết, hay bệnh nặng, khổ sở vì các bệnh liên quan đến nhậu. “Rồi thấy có vẻ ngấm, mình bảo anh cứ vui vẻ, nhưng nhớ giữ sức khỏe vì mẹ con em. Tình hình có vẻ khá hơn trước nhiều” – Trang khoe.
Chị Hà (37 tuổi, Ngọc Thụy, Gia Lâm, Hà Nội): Mẹo của chị là nhờ con lên tiếng. Con gái thủ thỉ với bố là muốn được ăn cơm cùng bố, có nhiều chuyện cần tâm sự, hỏi ý kiến nhưng bố toàn về muộn. Có lần chị bóng gió cho biết con gái đã chứng kiến bố về muộn trong tình trạng say sưa. Anh có vẻ suy nghĩ và ít nhậu khuya hơn. “Có điều làm cách này phải thật khéo, nếu lộ ra là mẹ xui con thì sẽ phản tác dụng” – chị Hà nói.
Chị Thương (28 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội): Thường hay than là mùi bia rượu khó chịu, nhưng chồng không lưu tâm. Có lần trước khi “yêu nhau”, chị bảo “em uống một chút nhé, cho nó hợp với mùi của anh, không thì…”. Từ đó, ông xã Thương có vẻ chừng mực hơn khi nhậu đêm.
Chị Lan (29 tuổi, Kim Giang, Hà Nội): Chán vì nói mãi không được, Lan thôi than phiền. Đến giờ, chị ăn trước; chồng về thấy nhà cửa tinh tươm, vợ vẫn tươi cười ra vẻ không quan tâm chuyện sớm hay muộn, vẫn nghe nhạc, đắp mặt nạ, chơi với con. Nhiều hôm chị đưa bé đi chơi, hoặc gửi con cho mẹ rồi gặp gỡ bạn bè, cố ý về muộn hơn chồng. “Ông xã thấy vắng mình mà vợ vẫn hơn hớn, trang điểm ăn mặc đẹp, đi chơi suốt thì đâm lo, lại tủi thân vì có vẻ như mình là người thừa” – Lan kể. Có hôm, cậu con trai 5 tuổi vô tình khoe “có chú gì khen mẹ càng ngày càng xinh”. Dần dần chị thấy anh về sớm hơn, hôm nào nhậu cũng tự giác “báo cáo” vợ.
Việc áp dụng cách nào để “trị” chứng thường xuyên nhậu khuya của chồng phải thật linh hoạt. Các bà vợ nên lựa theo tính nết của ông xã, tùy vào hoàn cảnh cụ thể để tùy cơ ứng biến, nếu không sẽ lợi bất cập hại.
Hải Hà