Những lưu ý không được bỏ qua khi tẩy tế bào chết cho da mụn
Nhiều người lo sợ rằng, da mụn đã bị tổn thương nên khi chăm sóc cần tối giản các bước, có thể bỏ qua tẩy tế bào chết. Tuy nhiên tẩy da chết lại đem lại rất nhiều lợi ích cho làn da như: làm sạch da, làm sáng da, ngăn ngừa bít tắc và hình thành mụn, giúp dưỡng chất thẩm thấu vào da tốt hơn,… Vậy tẩy tế bào chết cho da mụn như thế nào cho đúng cách?
09/11/2020 | Bước tẩy tế bào chết cho da quan trọng như thế nào?
09/11/2020 | Chuyên gia gợi ý tẩy tế bào chết cho da mặt đúng cách
Nội Dung Chính
1. Tẩy tế bào chết cho da mụn – nên hay không nên?
Mụn trứng cá hình thành là tình trạng rất thường gặp trong da, gây ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ và tâm lý. Mụn trên da hình thành theo cơ chế như sau: Bã nhờn, bụi bẩn và da chết bít tắc trong lỗ chân lông, tăng dần kích thước và hình thành nhân mụn. Tùy theo trường hợp mà nhân mụn phát triển thành mụn cám, mụn bọc, mụn mủ hay mụn đầu đen.
Da mụn bít tắc có nên tẩy da chết để đảm bảo luôn sạch sẽ
Thông thường mụn cám và mụn đầu đen chỉ đơn thuần và sợi bã nhờn và bụi bẩn tích tụ. Còn mụn bọc, mụn viêm là do sự gây hại của vi khuẩn kết hợp. Không thể phủ nhận tẩy da chết đem lại rất nhiều lợi ích cho làn da, tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng thực hiện được?
1.1. Những trường hợp nên tẩy da chết cho da mụn
Đối với những loại da mụn bít tắc như: mụn đầu trắng, mụn ẩn, mụn đầu đen thì việc Tẩy tế bào chết rất quan trọng. Nếu thực hiện đúng cách, bước này sẽ giúp ngăn ngừa hình thành mụn hiệu quả.
Ngoài ra, nếu bạn chỉ gặp phải vài nốt mụn sưng viêm, chủ yếu vẫn là mụn tắc nghẽn thì vẫn có thể dùng tẩy da chết bình thường. Cần chú ý các biểu hiện trên da, nếu thấy tình trạng mụn viêm lan rộng, có kích ứng da thì cần dừng lại ngay.
Trường hợp da bị kích ứng nặng không nên tẩy da chết
1.2. Những trường hợp không nên tẩy da chết cho da mụn
Tuy nhiên da bị mụn nặng hơn thì cần cân nhắc. Cụ thể nếu da bị nhiễm hóa chất nặng (thường do mỹ phẩm hoặc môi trường sống) hoặc bệnh lý dẫn đến mụn viêm sưng nổi nhiều trên da, việc tác động lên da nói chung và tẩy da chết nói riêng không nên thực hiện. Nguyên nhân do da lúc này bị tổn thương nghiêm trọng, hàng rào bảo vệ da gần như không thể hoạt động, vì thế mọi tác động lực hoặc hóa chất đều gây hại lớn cho da.
Lúc này trước hết cần khôi phục hàng rào bảo vệ da, giảm kích ứng trước rồi mới thực hiện các bước chăm sóc da như tẩy da chết. Với da mụn nặng và nhiều, bạn nên chọn loại tẩy tế bào chết dạng bôi thoa có nồng độ nhẹ, không nên chọn tẩy da chết dạng hạt hoặc phương pháp cần dùng lực mạnh. Ngoài ra tránh mọi tác động có thể khiến mụn bị vỡ ra, nhiễm trùng và lây lan sang các khu vực da khác.
2. Lưu ý khi tẩy tế bào chết cho da mụn
Dù tình trạng da mụn của bạn như thế nào, nguyên nhân do thay đổi nội tiết tố, làm sạch da không tốt hoặc nhiễm hóa chất thì khi tẩy tế bào chết cần lưu ý những điều sau:
Da mụn ẩn hoặc mụn đầu đen nên tẩy da chết thường xuyên
2.1. Về tần suất sử dụng
Nhiều người cảm nhận thấy rõ làn da mịn màng, mềm mại hơn rất nhiều sau khi tẩy tế bào chết nên lạm dụng nhiều lần. Thực tế các chuyên gia khuyên rằng chỉ nên thực hiện bước này từ 1 – 2 lần mỗi tuần, tối đa 3 lần nếu da chết nhiều.
Nguyên nhân do lớp da chết cũng góp một phần bảo vệ làn da trước tác hại từ môi trường, nếu lấy đi lớp da này liên tục, da bên trong có thể bị mất khả năng đề kháng và hàng rào bảo vệ. Hơn nữa, sử dụng các sản phẩm tẩy da chết quá nhiều sẽ khiến da bị khô hơn, có thể bị bào mòn và mất cân bằng độ ẩm.
2.2. Về thời gian sử dụng
Thời gian lưu trên da với sản phẩm tẩy tế bào chết cũng cần lưu ý theo hướng dẫn của sản phẩm. Cụ thể, các sản phẩm tẩy tế bào chết dạng sữa rửa mặt thì nên massage trên da 1 – 2 phút. Còn tẩy da chết dạng rửa hoặc mặt nạ thì thời gian lưu trên da lâu hơn, từ 10 – 15 phút.
Có một số sản phẩm tẩy tế bào chết hóa học, nếu làn da chưa quen có thể bị kích ứng gây ngứa rát. Lúc này bạn không cần phải đợi đến thời gian được khuyến cáo mà có thể rửa mặt ngay để tránh da bị tổn thương sâu.
Nên massage da nhẹ nhàng tránh gây kích ứng mụn
2.3. Về thao tác khi tẩy tế bào da chết
Nhiều người có thói quen dùng lực tay rất mạnh khi rửa mặt hoặc tẩy da chết vì nghĩ rằng như thế da mặt sẽ sạch hơn, da chết được loại bỏ nhiều hơn. Thực tế không phải vậy, việc làm này chỉ gây tổn thương da, gây bào mòn da hơn mà thôi. Đặc biệt với da mụn, việc tác động lực quá mạnh càng dễ gây kích ứng, gây sưng viêm hoặc vỡ mụn non.
Do đó, khi tẩy da chết cho da mụn, bạn cần nhẹ nhàng, không được chà xát mạnh và massage theo hình tròn bằng các đầu ngón tay.
2.4. Về cấp ẩm cho da sau khi tẩy tế bào chết
Dù là da mụn hay làn da bình thường, ngay sau khi tẩy tế bào chết, da thường thiếu độ ẩm dẫn tới tình trạng bong tróc, ngứa rát rất khó chịu. Khi da bị thiếu ẩm, chức năng da cũng bị suy giảm, tình trạng mụn có thể diễn ra nặng hơn.
Vì thế, sau khi tẩy tế bào chết, nên cấp ẩm cho da bằng xịt khoáng (cấp ẩm cấp tốc) cùng các sản phẩm dưỡng ẩm khác. Các loại serum hoặc kem dưỡng cũng đủ để dưỡng ẩm cho da sau bước này, nếu muốn hiệu quả cao hơn có thể dùng mặt nạ cấp ẩm chuyên biệt.
2.5. Chọn sai sản phẩm tẩy da chết
Làn da bị mụn nhạy cảm hơn, dễ bị kích ứng hơn với mọi sản phẩm dưỡng da. Hơn nữa không phải mọi sản phẩm tẩy da chết đều phù hợp với da mụn, nhất là tẩy da chết vật lý có những hạt nhỏ dễ gây kích ứng da mụn.
Da mụn nên chọn sản phẩm tẩy da chết nhẹ nhàng
Với da mụn, nên ưu tiên chọn tẩy da chết dạng gel hoặc lotion, các hạt nhỏ và lành tính để loại bỏ da chết. Chọn tẩy da chết hóa học cũng là biện pháp tốt để tránh tác động lực tối đa trên mặt.
Ngoài các loại mỹ phẩm tẩy tế bào chết trên, bạn có thể cân nhắc sử dụng máy rửa mặt, máy tẩy tế bào chết có chế độ dành cho da mụn. Thiết bị này được thiết kế chế độ và chức năng, cho phép điều chỉnh phù hợp với tình trạng da, đem lại hiệu quả tẩy tế bào chết nhanh mà an toàn không thua kém các phương pháp khác.
Như vậy, chị em đã biết có nên tẩy tế bào chết cho da mụn hay không cũng như cách thực hiện tốt cho làn da nhất. Nếu không hiểu rõ về làn da của mình, không biết da mình phù hợp với sản phẩm nào, có thể liên hệ với bác sĩ, chuyên gia MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn.