Những lợi ích chưa biết từ vỏ quế khô, bột quế – Sài Gòn Tiếp Thị
(SGTTO) – Vỏ quế khô, bột quế hiện được bán rất nhiều trên các trang thương mại điện tử, rất có ích để sử dụng làm gia vị nấu ăn, pha nước uống và dùng làm thuốc trị bệnh, làm đẹp hiệu quả.
Vỏ quế là lớp vỏ bên ngoài của thân cây quế, chứa nhiều tinh dầu (từ 1 đến 2% tamin), các chất nhựa cùng với đường, protein, canxi, cùng nhiều axit amin khác.
Đây là loại cây to mọc hoang trong rừng có vỏ ngoài nứt nẻ được dùng làm gia vị hoặc thuốc, nguyên liệu làm đẹp. Cây quế được trồng 5 năm thì có thể sử dụng nhưng để có công năng tốt nhất, vỏ quế thượng hạng phải trên 20 năm. Vỏ quế được ngâm nước một ngày, sau đó được hong mát cho đến khi khô hẳn là có thể sử dụng.
Thức uống với hương vị đặc biệt
Mài miếng vỏ quế thành bột, hòa với nước đun sôi để nguội dùng để uống trực tiếp. Có thể pha quế để uống như nước trà bằng cách dùng dao gọt miếng vỏ quế thành từng lát mỏng, đem bỏ vào cái chén có nắp đậy ở trên, đổ nước sôi vào, rót bỏ ngay nước đầu để loại bỏ bụi bẩn, tạp chất.
Khi trời lạnh, một ly trà quế có thể giúp bạn ấm lên. Có thể pha quế chung với trà gừng để tăng vị thơm ngon. Ngoài ra, người giảm cân cũng hay pha nước detox táo và quế. Quế có tác dụng ngăn chặn quá trình tích tụ chất béo, điều tiết lượng đường trong máu, làm giảm nồng độ cholesterol xấu nên hỗ trợ giảm cân nhanh và hiệu quả.
Bột quế có vị ngọt nhẹ tự nhiên, nên khi được thêm vào đồ uống có thể giảm bớt lượng đường trong cà phê. Ngoài ra, bột quế khi hòa quyện với cà phê sẽ mang đến hương vị rất đặc biệt, lạ miệng.
Gia vị không thể thiếu trong món bún, phở
Bột quế hay vỏ quế có thể được dùng làm gia vị cho các món ăn do tính cay nồng của bột quế, vỏ quế. Mục đích là để tăng hương vị thơm ngon hoặc loại bỏ đi vị tanh của cá, thịt.
Đây cũng là gia vị giúp nồi nước dùng trong các món bún, phở thêm phần đậm đà mà không còn chút mùi tanh của thịt. Bạn có thể ướp bột quế chung với thịt cá hoặc thêm vào cùng với ớt, sả, hành tiêu… để loại bỏ hoàn toàn mùi tanh từ cá, thịt. Các món ăn dùng vỏ quế kết hợp thảo quả, hoa hồi như bún bò, phở bò, bò kho, cà ri, đồ nướng…
Bài thuốc chữa bệnh
Theo y học cổ truyền, quế có tính ấm, vị hơi cay nồng, pha chút ngọt họng cùng với mùi thơm và ăn khá nóng. Trong Tây y, quế và tinh dầu của quế được xem là một vị thuốc có tác dụng mạnh trong việc kích thích làm tăng sự tuần hoàn máu, tăng hô hấp.
Vỏ quế có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm, ngừa bệnh tim, điều trị tiểu đường, chống thoái hóa thần kinh, chữa tiêu chảy, ra mồ hôi… Ngâm chân với nước quế có tác dụng trị nấm và một số bệnh ngoài da. Ngoài ra việc ngâm chân với nước quế cũng giúp tăng cường lưu thông máu ở đôi bàn chân.
Nhai vỏ quế hoặc giã nhuyễn vỏ quế để đắp vào chỗ bị đau răng sẽ giúp làm giảm đau nhanh chóng. Đồng thời ngăn ngừa bệnh về răng miệng rất tốt. Nếu tóc có dấu hiệu khô xơ, gãy rụng hay chỉ đơn giản là muốn tránh rụng tóc và tăng cường sự phát triển của tóc, hãy đắp mặt nạ quế lên tóc. Hỗn hợp mặt nạ gồm dầu ôliu, bột quế, mật ong đun nóng.
Khi mua các loại dược liệu nói chung và vỏ quế nói riêng, người mua nên thận trọng tìm mua ở các cửa hàng uy tín để tránh việc mua nhầm dược liệu kém chất lượng, giá rẻ. Theo chia sẻ của những người kinh doanh vỏ quế lâu năm, vỏ quế thật khi ngửi phải có mùi thơm nồng đặc trưng, nếm thử có vị cay, ngọt thanh. Nếu không có mùi thơm và vị ngọt, cay là quế kém chất lượng. Giá bán của vỏ quế có sự chênh lệch rất lớn giữa các nơi bán, dao động từ 100.000 – 250.000 đồng/kg. Người mua có thể mua theo ki lo gam hoặc mua dạng bịch đóng gói sẵn loại 1kg, có thương hiệu, xuất xứ rõ ràng. Một số nơi bán vỏ quế theo vùng miền như vỏ quế Trà My loại 1 với giá 360.000 đồng/300g; vỏ quế Yên Bái có giá bán 290.000 đồng/kg…
Gia Hằng tổng hợp