Những loại bánh độc đáo ngày Tết chỉ có ở Quảng Trị

GD&TĐ – Vào dịp Tết Nguyên đán, nhiều vùng quê ở Quảng Trị ngoài làm bánh chưng, bánh tét thì còn làm thêm một số loại bánh đặc biệt mà không nơi nào có.

Đây là những loại bánh đặc sản đã được lưu giữ từ nhiều đời trước.

Bánh hộc hương vị đồng quê

Bánh hộc làng Mai Xá, xã Gio Mai (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) là một đặc sản truyền thống nổi tiếng, thường chỉ xuất hiện trong những ngày Tết cổ truyền.

Bánh vừa có vị ngọt bùi của gạo nếp đồng quê, vừa thơm phức mùi gừng, lạc. Đây là sản phẩm mang đậm tính dân dã của vùng nông thôn Quảng Trị, nhưng nức tiếng xa gần.

Nghề làm bánh hộc ở làng Mai Xá được duy trì từ nhiều đời nay. Cứ vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán, về làng Mai Xá người ta dễ nghe thấy tiếng gõ lốc cốc, cùng mùi thơm từ gừng quyện với nếp rang.

Gia đình ông Trương Văn Thắng (73 tuổi) và bà Lê Thị Dụng (ở làng Mai Xá, xã Gio Mai) đã trải qua 4 đời làm bánh hộc. Ông Thắng luôn tự hào vì đã duy trì, phát triển nghề do cha ông truyền lại.

Ông Thắng cho biết, ở làng Mai Xá có rất ít người cao tuổi như vợ chồng ông vẫn bám nghề. Ông Thắng biết làm bánh từ nhỏ. Nghề làm bánh dù không mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân nhưng giải quyết được công việc khi nhàn rỗi.

Khoảng một tháng trước Tết, gia đình ông Thắng lại sửa soạn dụng cụ tất bật làm bánh để cung cấp ra thị trường. Dịp Tết hàng năm, gia đình ông làm khoảng 400 – 500 hộc bánh.

Bà Lê Thị Dụng, vợ ông Thắng, nói rằng, mỗi năm gia đình bà chỉ làm vào dịp Tết. Nguyên liệu làm bánh gồm có mè, đậu lạc, nếp rang, bột nếp, gừng, đường… Ban đầu rang nếp bung, rang đậu lạc thơm giòn, sau trộn với nhau, thêm đường và gừng rồi đưa vào đóng thành khuôn. Muốn bánh thơm ngon, chất lượng phải tuân thủ đầy đủ quy trình.

Con trai ông Thắng là anh Trương Văn Phúc cũng bén duyên và duy trì với nghề làm bánh hộc. Anh Phúc tâm sự: “Từ nhỏ thấy cha mẹ làm bánh, sau lớn lên cũng biết phụ giúp một số công đoạn rồi dần theo đuổi nghề của ông cha”.

Theo anh Phúc, nghề làm bánh hộc có thể xem là nét văn hóa đặc trưng của bà con trong vùng. Làm bánh hộc rất đa công, trong đó 2 khâu rang nếp và đóng cần sự tỉ mỉ.

Khi rang nếp cần lửa đều để không bị cháy, nổ đều, đây cũng là công đoạn lâu nhất. Khi trộn với các vật liệu khác cần có kỹ thuật và kỹ năng cho vừa dẻo không ướt mà cũng không bị khô. Bước tiếp theo là công đoạn đổ nếp bung vào khuôn gỗ, phải cần người khỏe để đóng bánh được chắc chắn, dùng được lâu hơn.

“Hiện, bánh hộc Mai Xá được đưa đi khắp mọi miền, con cháu mang ra nước ngoài. Dịp Tết, tranh thủ thời gian nhàn rỗi để đóng bánh cũng kiếm được khoản thu nhập khá để sắm Tết”, anh Phúc nói.

Bánh hộc được tạo hình từ chiếc khuôn gỗ hình chữ nhật. Theo người dân địa phương, bánh hộc gắn bó với người dân từ khi lập làng và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Người dân làng Mai Xá tự hào vì hương đất của làng được thiên nhiên ban tặng nên đã tạo ra hạt nếp, hạt lạc và củ gừng ngon hơn, chất lượng hơn. Vì thế mà bánh hộc của làng cũng luôn là đặc sản nổi tiếng.

Những loại bánh độc đáo ngày Tết chỉ có ở Quảng Trị  ảnh 1

Độc đáo bánh hình bán nguyệt, xanh như ngọc bích

Khoảng một tháng trước Tết Nguyên đán, người dân thôn Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) lại nổi lửa nấu bánh chưng, bánh tét để cung cấp ra thị trường. Đây là loại bánh tét hết sức độc đáo của người dân Quảng Trị.

Từ những nguyên liệu tự nhiên như gạo nếp, đậu xanh, lá cây và thịt lợn… người dân nơi đây đã tạo ra những chiếc bánh với hình dáng độc đáo. Thay vì được làm bằng hình tròn, hay hình vuông, bánh tét của bà con nơi đây lại được tạo thành hình bán nguyệt, có màu xanh ngọc bích được trộn bằng nước ép lá thực vật, hương vị thơm ngon.

Sản phẩm bánh chưng, bánh tét làng Đại An Khê mang hương vị đậm đà của quê hương đã được người tiêu dùng trong nước và cả nước ngoài đón nhận. Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, người dân trong làng lại hối hả làm bánh để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân khắp nơi.

Ngoài dịp cao điểm là Tết Nguyên đán, người dân cũng thường làm bánh vào các dịp rằm tháng Giêng, mùa Vu Lan, Tết Trung thu…

Gia đình ông Đào Bá Vây là một trong những hộ làm bánh tét lâu năm tại địa phương. Ông Vây cho biết, trước khi làm bánh phải chọn loại nếp dẻo, thơm. Một nguyên liệu không thể thiếu là lá rau ngót, một loại rau người dân hay trồng để nấu canh ăn thường ngày. Loại rau này khi giã nhuyễn thành nước đem trộn với nếp sẽ giúp chiếc bánh có màu xanh như ngọc bích.

Bên cạnh việc tạo màu xanh hoàn toàn tự nhiên cho chiếc bánh, nước lá rau ngót chứa nhiều dinh dưỡng, khi trộn vào vừa làm mềm bánh, vừa cho vị ngon khác lạ, có ích cho sức khỏe. Đây cũng là nét đặc trưng của bánh tét làng Đại An Khê so với các loại bánh những nơi khác. Nhân bánh được làm bằng đậu xanh luộc mềm, chà mịn đem trộn với hành, tiêu, dầu ăn…

Khi bánh nấu xong, cắt thành miếng bày ra đĩa, hòa trộn màu xanh của nước lá rau ngót, màu vàng của nhân đậu xanh, chiếc bánh như một tác phẩm nghệ thuật.

“Người dân mong muốn sự thanh bình, yên ả của làng quê nên mượn màu xanh lá ngót để tượng trưng sự bình yên này, mượn hình bán nguyệt tượng trưng cho mảnh trăng treo trên lũy tre đầu làng, biểu hiện sự no ấm. Khi gói 2 chiếc bánh thành một cặp còn tượng trưng cho sự hạnh phúc, hòa hợp trong gia đình”, ông Vây giải thích.

Bên cạnh đó, những chiếc bánh chưng được gói vuông vức, thơm ngon có màu xanh lá cũng được người dân Quảng Trị say mê và xem đó là món bánh không thể thiếu trên mâm cúng tổ tiên vào những dịp lễ và trong dịp Tết Nguyên đán.

Những loại bánh độc đáo ngày Tết chỉ có ở Quảng Trị  ảnh 2

Ông Đào Ngọc Giã cho biết, bánh tét hình bán nguyệt là sản vật đặc trưng của địa phương, bánh có từ thời xa xưa và được duy trì đến ngày nay. Chính vì những đặc trưng riêng biệt, nguyên liệu tự nhiên mà bánh tét nơi đây được người dân các nơi đón nhận với sự tin cậy về chất lượng.

Hơn nữa, bánh tét hình bán nguyệt mang hương vị quê hương nên được sử dụng làm quà biếu cho người thân, bạn bè ở phương xa. Từ đó, bánh chưng, bánh tét bán nguyệt đã có mặt khắp nơi, cả trong Nam, ngoài Bắc và ra tận nước ngoài.