Những lễ hội ở Quảng Ninh thu hút du khách 4 phương – Grand Fleuve Boutique
Vùng đất mỏ Quảng Ninh không chỉ hấp dẫn du khách bởi vịnh Hạ Long nổi tiếng mà còn rất nhiều nét văn hóa đặc sắc được quảng bá. Các lễ hội ở Quảng Ninh được tổ chức vào mùa xuân hàng năm là cơ hội để mọi người được du ngoạn, dâng hương cầu bình an, may mắn cho gia đình, người thân. Cùng Grand Fleuve tìm hiểu những lễ hội truyền thống lớn của Quảng Ninh bạn nên trải nghiệm một lần trong đời nhé!
Nội Dung Chính
1. Lễ hội Yên Tử
Lễ hội Yên Tử được xem là lễ hội lớn ở Quảng Ninh. Lễ hội được tổ chức hàng năm trong khoảng thời gian mùng 10 tháng giêng đến hết tháng 3 âm lịch diễn ra ở vùng núi Yên Tử thuộc xã Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí. Lễ hội thu hút rất nhiều du khách thập phương tới tham gia, chiêm bái. Đây không chỉ là cơ hội để Phật tử thập phương đến trẩy hội mà còn cơ hội để du khách khắp nơi đến tham quan, khám phá.
Đến với lễ hội Yên Tử Quảng Ninh, người ta như được tĩnh tâm, tách mình khỏi trốn hồng trần xô bồ để thực hiện chuyến hành hương thành kính, linh thiêng giữa khung cảnh núi rừng thiên nhiên hùng vĩ. Du khách hướng về Yên Tử với một cõi lòng nghiêm trang, tôn kính, thường hay đi bộ lên đỉnh núi để tỏ tấm lòng thành vì thế mà dòng người lên đỉnh Yên Tử luôn kéo dài và tấp nập đến thế.
Đến được chân chùa Yên Tử, người ta cúi đầu bái lậy, tĩnh tọa tâm an, cầu được ban phước nhân sinh cho tâm hồn thanh tịnh, bình an. Ngoài ra, cảnh quan chùa Yên Tử cũng là một vẻ đẹp hấp dẫn du khách dừng chân chụp ảnh kỷ niệm hay, thăm thú ngắm cảnh mỗi khi đến tham quan vùng đất này.
2. Lễ hội đền Cửa Ông
Lễ hội đền Cửa Ông là một trong những lễ hội lớn ở Quảng Ninh, được diễn ra hàng năm từ mùng 2 Tết đến hết tháng 3 âm lịch, ngày hội chính tổ chức vào ngày 2 tháng 3 âm lịch.
Đền Cửa Ông là di tích lịch sử nổi tiếng của nhà Trần, với bố cục 3 khu: đền Hạ, đền Trung và đền Thượng tạo thế hình chân vạc trông ra vịnh Bái Tử Long hùng vĩ.
Vào mùa hội đến, đền Cửa Ông đón du khách nườm nượp từ khắp mọi miền đất nước. Khách đến vui hội có thể đi bằng đường bộ qua thành phố Hạ Long, hoặc đi bằng đường thủy ven vịnh Hạ Long, qua vịnh Bái Tử Long để đến sát cửa đền Hạ.
Sau khi các nghi thức tế lễ truyền thống được tổ chức thì diễn ra nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian hấp dẫn như múa rồng, cờ bỏi, bịt mắt đập niêu, bịt mắt đánh trống, tổ tôm điếm, đẩy gậy, kéo co, thi nấu cơm,…
Không chỉ hòa mình với không khí lễ hội trang nghiêm, vui chơi với những trò chơi truyền thống, du khách còn thưởng thức cảnh sắc sông nước hữu tình, nên thơ của vịnh Bái Tử Long
3. Lễ hội Bạch Đằng
Lễ hội Bạch Đằng là lễ hội nhằm tưởng nhớ công ơn của những vị anh hùng dân tộc chống giặc cứu nước bằng trận địa cọc gỗ trên sông Bạch Đằng như các vị tướng Ngô Quyền, Lê Hoàn, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn các danh tướng nhà Trần. Chính bởi vì thế lễ hội còn có tên khác là Giỗ trận.
Lễ hội Bạch Đằng được tổ chức hàng năm vào ngày mùng 8 tháng 3 âm lịch, có năm kéo dài đến tận 3 đến 4 ngày. Lễ hội được tổ chức tại các đền, đình trong vùng đó là đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà, bãi cọc Bạch Đằng, đình Yên Giang, Đình Trung Bản, Đền Trung Cốc, Đình Đền Công, … trên đất Yên Giang, Yên Hưng, Quảng Ninh.
Cũng như bao lễ hội ở Quảng Ninh và các lễ hội dân gian khác, phần lễ được tổ chức tại đền thờ Trần Hưng Đạo và miếu Vua Bà để dâng hương khấn bái. Sau đó, dân làng tập trung rước kiệu dọc bờ sông, và không thể thiếu là tục bơi trải gắn liền với cư dân miền sông nước. Phần hồi diễn ra đặc sắc với nhiều trò chơi như đánh cờ, chọi gà, đấu vật,… cùng với đó là tổ chức trò diễn tái hiện cuộc tập trận trên sông, cuộc thi bơi thuyền và diễn xướng truyền thống thu hút rất nhiều du khách đến tham gia.
4. Lễ hội chùa Long Tiên
Chùa Long Tiên được xem là ngôi chùa lớn nhất Hạ Long, có lịch sử hơn 80 năm (xây dựng năm 1941) là một di tích lịch sử, danh thắng nổi tiếng của Quảng Ninh. Có thể nói, chùa Long Tiên không có ngày nào không là hội. Khách đến vãng cảnh chùa, dâng hương, khấn phật,…rất đông vào những ngày rằm, mùng một đầu tháng hay dịp Tết âm lịch. Tuy nhiên, ở chùa Long Tiên có một lễ hội lớn được tổ chức vào ngày 24 tháng 3 âm lịch hàng năm mà nếu du khách có dịp đến Hạ Long thì nhất định không nên bỏ lỡ.
5. Lễ hội Trà Cổ
Được đánh giá là lễ hội lớn và có giá trị bậc nhất, tiêu biểu cho loại hình lễ hội dân gian tại Móng Cái, Quảng Ninh, lễ hội Trà Cổ là lễ hội hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân trong vùng và du khách đến tham gia. Lễ hội được diễn ra hàng năm từ ngày 30 tháng 5 đến mùng 6 tháng 6 âm lịch tại đình Trà Cổ thuộc phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái. Lễ hội Trà Cổ vừa để thể hiện lòng biết ơn cùng sự tưởng nhớ đối với các vị thành hoàng làng trong vùng vừa thể hiện ý thức trách nhiệm, tham gia bảo vệ và xây dựng biên giới càng giàu mạnh của người dân ở đây.
Ngay từ ngày 25 tháng 5 âm lịch, đã có đoàn thuyền rước từ Trà Cổ về quê tổ Ðồ Sơn. Đến ngày 30 tháng 5 âm bắt đầu diễn ra hội cũng là lúc thuyền từ Ðồ Sơn quay về đến Trà Cổ. Ngày mùng 1 tháng 6 âm lịch, khởi đầu với lễ rước Vua ra bể (còn gọi là rước vua ra miếu), với nghi thức một đội quân cầm vũ khí, cờ thần, phường bát âm, bát bửu, sau đó là có người cầm cờ đặc biệt phải là người cường tráng trẻ đẹp và có đạo đức được làng bầu chọn từ cuối hội năm trước cùng những người khiêng kiệu. Ở lễ hội còn có hội thi “Ông Voi” rất đặc sắc, là cuộc thi giữa 12 chú lợn tạ được 12 ông đám nuôi và chăm sóc – đại diện cho 12 vị tiên công đã có công tìm ra Trà Cổ xưa.