Những kiến thức cơ bản về xe máy cần phải biết
Thật khó để đòi hỏi một cô gái phải biết nhiều về chiếc xe đang đi, nhưng những kiến thức cơ bản thì cần phải có để sử dụng tốt và an toàn nhất.
1. Động cơ
Một khối động cơ xe máy một xi-lanh. Ảnh: Đức Huy.
Bộ phận này là trái tim của mỗi chiếc xe, bỏ qua mọi yếu tố về thiết kế, nếu như động cơ không “khỏe mạnh” thì chiếc xe của bạn coi như bỏ đi.
Động cơ mà hầu hết xe máy lưu thông trên đường hiện nay là loại 4 thì (hoặc 4 kỳ). Tức là có 4 chu kỳ bao gồm hút, nén, nổ, xả hỗn hợp khí và nhiên liệu trong buồng đốt của xi-lanh. Sự vận hành liên tiếp của các chu kỳ tạo nên chuyển động tịnh tiến của piston (gắn vào trục khuỷu) và sau thông qua trục khuỷu chuyển hóa thành chuyển động quay.
2. Chế hòa khí
Chế hòa khí hay còn được gọi bình xăng con là bộ phận trộn không khí và nhiên liệu theo một tỷ lệ thích hợp tạo thành hỗn hợp hòa khí cho buồng đốt của xi-lanh. Hiện nay các xe mới sử dụng hệ thống phun xăng điện tử FI (Fuel Injection) thì không còn chế hòa khí nữa, thay vào đó là các kim phun và cảm biến vi tính để tính toàn thời điểm, tỷ lệ phun nhiên liệu vào buồng đốt thích hợp nhất.
3. Bugi
Bugi cắm vào xi-lanh và nối vớ nguồn điện.
Bugi là ngòi châm nổ cho hỗn hợp nhiên liệu và khí trong động cơ. Nếu bugi bị bẩn, ướt, hư hỏng không đánh được lửa thì hỗn hợp không thể phát nổ, do đó động cơ không làm việc.
4. IC
Như đã biết ở trên, để hỗn hợp hòa khí trong buồng đốt phát nổ cần phải có bugi để châm lửa. Nhưng động cơ chỉ cần châm nổ ở kỳ nổ (trong 4 kỳ hút, nén, nổ, xả) nên cần có bộ phận để điều chỉnh bugi đánh điện đúng lúc. Bộ phận đó chính là IC. Nếu không có IC thì bugi sẽ đánh lửa liên tục.
5. Hộp số
Mô phỏng cơ bản sự liên kết các bánh răng.
Hộp số cùng với xích, nhông là bộ phận truyền tải lực kéo tạo ra từ chuyển động của trục khuỷu tới bánh xe sau, đẩy xe tiến về phía trước.
Cấu tạo hộp số bao gồm trục sơ cấp và trục thứ cấp liên kết với nhau qua hệ thống các bánh răng. Các bánh răng này có loại cố định, di chuyển và quay tại chỗ. Mỗi lần thay đổi cấp số 1,2 ,3,4 sẽ cho thứ tự liên kết khác nhau giữa các bánh răng, từ đó tạo ra các tốc độ tương ứng.
Các xe tay ga sử dụng hộp số biến thiên vô cấp CVT (Continuously Variable Transmission). Ở loại hộp số này không sử dụng xích và bánh răng, thay vào đó là dây đai (cu-roa) và bánh đai (pulley) tạo ra sức kéo hợp lý ở các tốc độ khác nhau mà không cần thay đổi cấp số.
6. Ắc-quy
Đây là bộ phận lưu trữ điện năng dưới dạng hóa năng để sử dụng cho những bộ phận dùng điện trên xe như còi, đèn, âm thanh, bộ đánh lửa… Nếu ắc-quy hết hoặc bình ắc-quy có vấn đề sẽ không thể phóng điện, xe không nổ được máy. Cần kiểm tra thường định kỳ theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Không nên để hệ thống điện làm việc khi xe không chạy, sẽ nhanh chóng bị hao tổn ắc-quy không cần thiết.
7. Dầu máy
Dầu máy nên được thay định kỳ.
Dầu máy là dung dịch bôi trơn đồng thời làm mát các bộ phận bên trong động cơ, hộp số, ly hợp. Khi xe hoạt động, các bộ phận tiếp xúc với nhau gây ra ma sát lớn, nếu không có lớp dầu đệm sẽ nhanh chóng bị mài mòn, hư hỏng. Ngoài ra dầu máy còn có tác dụng làm kín khe hở piston và thành xi-lanh, làm sạch muội than trong quá trình cháy, hoặc chống gỉ sét cho các bộ phận.
8. Phanh đĩa
Các lỗ trên đĩa phanh có tác dụng thoát nước và bụi, tránh ma sát làm mòm má và đĩa phanh.
Có thể dễ dàng nhận biết cách thức hoạt động của phanh đùm vì nó cũng tương tự như phanh đùm trên xe đạp. Tuy nhiên phanh đĩa phức tạp, độ an toàn cao hơn và cũng dễ “phản chủ” nếu không biết điều tiết.
Nguyên lý hoạt động của phanh đĩa gồm các má phanh kẹp chặt vào đĩa khi có lực tác dụng từ tay phanh. Cụ thể, lực tác dụng của tay phanh đẩy hệ thống dầu thủy lực bên trong đường ống làm việc, ép má phanh chặt lên đĩa. Vì khả năng phanh rất nhạy bén nên phụ nữ không quen thường bị mất lái khi phanh gấp. Do đó cần thực hành cách phanh từ từ, kết hợp cả phanh sau và phanh trước.
9. Bảo dưỡng xe
Nếu không biết nắm cơ bản các kiến thức ở trên thì điều đơn giản nhất một người phụ nữ nhất thiết phải nhớ là chu kỳ bảo hành xe. Vì không phải bao giờ cũng có một người đàn ông bên cạnh nhắc nhở bạn khi nào thay dầu, khi nào bơm lốp.
Thông thường, nên thay dầu máy sau mỗi 1000-1500 km, bơm lốp đủ áp suất, đảm bảo hệ thống phanh, đèn, còi và các loại tín hiệu khác hoạt động bình thường. Định kỳ bảo hành các bộ phận theo hướng dẫn chi tiết trong sổ tay xe máy của bạn. Bảo dưỡng toàn bộ xe sau khoảng 6 tháng.
Theo VNEXPRESS
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ: 0945 94 1177
Tổng đài: 1900.575744
Honda Phát Thịnh rất hân hạnh phục vụ quý khách!!