Những kiến thức cơ bản mà dược sĩ nhà thuốc cần nắm vững
Thuốc là một mặt hàng được kiểm soát vì liên quan đến sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân. Nhà thuốc hoạt động với mục tiêu vì sức khỏe người bệnh và an toàn trong sử dụng thuốc, tạo niềm tin, nâng cao uy tín nhà thuốc. Vậy nên Dược sĩ nhà thuốc đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, dược sĩ nhà thuốc cần phải nắm vững những kiến thức và kỹ năng chuyên môn cần thiết.
Nội Dung Chính
Kiến thức
Kiến thức chung
– Nắm vững các môn giáo dục chính trị, pháp luật, khoa học xã hội và nhân văn để tiếp thu kiến thức giáo dục chuyên nghiệp, nâng cao trình độ phù hợp với chuyên ngành được đào tạo;
– Có kiến thức và kỹ năng cơ bản về quân sự phổ thông cần thiết, có đủ sức khỏe để học tập, công tác lâu dài, sẵn sàng phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Kiến thức chuyên ngành
– Nắm vững nguyên nhân, triệu chứng chính, thuốc điều trị và cách phòng một số bệnh thường gặp;
– Mô tả đặc điểm hình thái, bộ phận dùng, cách thu hái, hoạt chất chính, công dụng, cách dùng và bảo quản các cây, con làm thuốc;
– Nắm vững khái niệm, tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật bào chế các dạng thuốc thông thường;
– Nắm vững những nội dung cơ bản của các quy chế, chế độ, chính sách về quản lý, sản xuất, bảo quản, cung ứng nhằm giúp cho việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý;
– Nắm vững những kiến thức cần thiết khi sử dụng các thuốc, đặc biệt thuốc kháng sinh, vitamin, kháng viêm, thuốc dùng điều trị bệnh đường hô hấp, tiêu hóa;
– Nắm vững nguyên tắc chung và một số phương pháp kiểm nghiệm thuốc ghi trong Dược điển Việt Nam;
– Nắm vững những phương pháp bảo quản các dạng thuốc và các loại dụng cụ y tế thông dụng;
– Có kiến thức về các hệ thống quản lý chất lượng như: GMP, GLP, GSP, GDP, GPP,… để quản trị sản xuất một cách hiệu quả.
Kiến thức bổ trợ
– Có trình độ tiếng Anh tương đương trình độ A, có thể đọc hiểu tài liệu tiếng Anh chuyên ngành Dược;
– Có trình độ tin học tương đương trình độ A, biết cách khai thác thông tin trên mạng internet phục vụ cho công việc.
Kỹ năng
– Sử dụng thành thạo kính hiển vi để kiểm nghiệm được các vị thuốc đã cắt vụn hoặc tán thành bột, phát hiện sự nhầm lẫn hay giả mạo;
– Pha được một số dung dịch chuẩn độ và tiến hành định tính, định lượng một số dung dịch, hóa chất, thuốc thành phẩm;
– Xử lí được một số bệnh cấp cứu thông thường;
– Hướng dẫn trồng và sử dụng an toàn, hợp lý được một số cây thuốc, vị thuốc thông thường;
– Bào chế được một số công thức thuốc theo đúng quy trình;
– Hướng dẫn sử dụng thuốc thiết yếu tại cộng đồng, đảm bảo hợp lý, an toàn, hiệu quả;
– Kiểm nghiệm được một số dược liệu, nguyên liệu và dạng thuốc thông dụng, đảm bảo chất lượng thuốc và chất lượng thí nghiệm.
– Ngoài ra các dược sĩ nhà thuốc còn phải cập nhật kiến thức chuyên môn thường xuyên thông qua người chịu trách nhiệm chuyên môn hoặc tham gia các khóa học cập nhật kiến thức chuyên môn của các cơ sở đào tạo y dược.
– Để tăng cường các kỹ năng khác hỗ trợ cho công việc quản lý, bán thuốc, hướng dẫn sử dụng thuốc, dược sĩ nhà thuốc cần rèn luyện qua quá trình làm việc, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, cập nhật kiến thức để nắm vững chuyên môn khi tư vấn cho khách hàng.
Vai trò của dược sĩ tại nhà thuốc
Dược sĩ khi làm việc tại nhà thuốc có các vai trò, nhiệm vụ như sau.
Tư vấn cho khách hàng
– Dược sĩ nhà thuốc là những người được đào tạo tại các trường cao đẳng, đại học về chuyên ngành dược. Theo quy định của Bộ y tế thì các nhà thuốc đạt chuẩn GPP phải có khu vực riêng để Dược sĩ tư vấn cho khách hàng, do đó, dược sĩ nhà thuốc đóng một vai trò rất quan trọng trong các nhà thuốc.
– Vai trò của dược sĩ nhà thuốc khi tư vấn cho khách hàng gồm:
● Hướng dẫn cách sử dụng thuốc, đường dùng, liều dùng, thời điểm dùng thuốc trong ngày.
● Tư vấn về tác dụng của thuốc và các phản ứng không mong muốn cũng như các cách xử trí gặp phải các tác dụng không mong muốn đó.
● Các vấn đề có thể gặp phải khi phối hợp các thuốc, các chú ý khi ăn uống để tránh gặp phải tương kỵ với thuốc đang sử dụng.
● Những trường hợp, tình huống mà người bệnh cần đi gặp bác sĩ khi sử dụng thuốc.
– Bên cạnh đó, dược sĩ nhà thuốc còn như một tư vấn viên ngành y tế, nhân viên chăm sóc khách hàng của nhà thuốc. Họ sẽ tư vấn và giới thiệu cho khách hàng những sản phẩm tốt nhất, phù hợp với tình trạng của khách hàng nhất.
– Tất cả các công việc của dược sĩ nhà thuốc là làm tăng hiệu quả điều trị của thuốc và đảm bảo an toàn cho người bệnh khi sử dụng thuốc cũng như các sản phẩm chức năng, sản phẩm bảo vệ sức khỏe. Giúp người bệnh giảm tối đa chi phí điều trị và giúp người bệnh có lối sống lành mạnh hơn.
Đặt hàng và quản lý dược phẩm
– Các nhà thuốc, quầy thuốc thường nhập sản phẩm dược phẩm tại nhiều nguồn khác nhau, do đó, hạn dùng của sản phẩm cũng khác nhau và số lượng sử dụng của từng sản phẩm tại nhà thuốc cũng khác nhau.
– Vì vậy, các dược sĩ nhà thuốc cần phải kiểm tra hạn dùng của các sản phẩm trước khi đưa cho khách hàng và kiểm tra hạn dùng của các sản phẩm còn lại của nhà thuốc, nắm được số lượng hàng tồn kho,… để nhà thuốc có phương hướng nhập hàng và sử dụng các sản phẩm đó một cách phù hợp.
Quản lý hồ sơ
– Tất cả các nhà thuốc đề có bộ hồ sơ GPP, các thông tin hướng hướng dẫn của Sở Y tế liên quan đến nhà thuốc. Hầu hết các nhà thuốc đang hoạt động đề đạt GPP, tuy nhiên khi có sự thay đổi về mặt nhân sự, đào tạo thì hồ sơ, các giấy tờ cũng cần phải thay đổi và bổ sung thêm và có những giấy tờ phải thay đổi theo thời gian như đúng quy định của nhà nước.
– Hàng năm, Sở Y tế và Phòng Y tế sẽ có những hướng dẫn cụ thể và cập nhật các giấy tờ cũng như đi khảo sát thực tế về các giấy tờ đó. Vì vậy, khi là một dược sĩ nhà thuốc bạn cần nắm rõ được các giấy tờ, hồ sơ có liên quan đến nhà thuốc cũng như liên quan đến dược sĩ để cập nhật và bổ sung đầy đủ.
– Bên cạnh đó, các dược sĩ nhà thuốc cũng cần phải quản lý và cất giữ cẩn thận các loại sổ sách và giấy tờ liên quan đến các đơn hàng nhập thuốc và các sản phẩm không phải nhà thuốc để có thể trình bày khi được các cơ quan có trách nhiệm hỏi đến.
Dược sĩ nhà thuốc là một ngành nghề liên quan trực tiếp, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân, do đó, khi bạn là một dược sĩ nhà thuốc bạn cần phải có đủ trình độ chuyên môn, được đào tạo để đảm bảo các kiến thức chuyên ngành đê có thể tư vấn thuốc, bệnh tốt nhất cho khách hàng. Bên cạnh đó, bạn cần phải thường xuyên cập nhật các thông tin liên quan đến các thay đổi về thuốc, về các sản phẩm khác không phải thuốc trong ngành dược để có thể đảm bảo các thông tin mình cung cấp cho khách hàng là chính xác nhất.