Những kiến thức cần thiết để trở thành nhà phát triển Web – Blog | Got It AI
Trở thành những nhà phát triển web là mong muốn của rất nhiều các bạn trẻ theo đuổi lĩnh vực công nghệ thông tin. Vậy đâu là những kiến thức quan trọng nhất mà một web developer cần phải “nằm lòng”? Tất cả sẽ được Got It giải đáp trong bài viết sau đây!
1. Git & GitHub
Khi viết code, các web developer có thể sẽ cần phải xem lại đoạn code mình đã làm trước đây. Có một phương pháp đơn giản là dùng tính năng undo/redo của trình biên soạn. Tuy nhiên, bạn có thể bất cẩn ấn nhầm phím khác thay vì redo khiến lịch sử trạng thái lưu lại bị ghi đè hoặc không thể redo hoặc editor không lưu lại lịch sử sau khi đóng.
Bên cạnh đó, việc nhiều người cùng làm việc trong dự án đòi hỏi các thành viên phải chia sẻ các thay đổi mình tạo ra với nhau. Việc làm này nhằm đảm bảo mọi người đều đang làm việc trên cùng một phiên bản dự án.
Git & GitHub – hai công cụ mà dân dev ai cũng từng nghe tên
Git ra đời để giải quyết các vấn đề nêu trên. Nó là một hệ thống quản lý phiên bản phân tán phổ được sử dụng nhiều nhất hiện nay. Nhờ Git, việc quản lý code và làm việc nhóm trở nên đơn giản hơn. Để trở thành một nhà phát triển web, bạn sẽ không thể thiếu kiến thức về Git.
Còn GitHub là cung cấp dịch vụ lưu trữ các dự án được kiểm soát phiên bản bởi Git dựa trên đám mây, có trang chủ tại địa chỉ https://github.com/. Nó hoạt động giống như một mạng xã hội cho lập trình viên. Các lập trình viên có thể clone lại mã nguồn từ một repository và Github chính là một dịch vụ máy chủ repository công cộng, mỗi người có thể tạo tài khoản trên đó để tạo ra các kho chứa của riêng mình để có thể làm việc.
2. HTTP/HTTPS
Có thể bạn đã biết: Tất cả các trình duyệt mà bạn truy cập sẽ thấy tiền tố HTTP hoặc HTTPS được thêm vào sau địa chỉ URL của website đó.
Không khó để thấy HTTP/HTTPS sau URL của các Website
HTTP (tên đầy đủ: Hypertext Transfer Protocol) là giao thức truyền tải siêu văn bản. Nó được sử dụng trong www (World Wide Web) để truyền tải dữ liệu từ dạng văn bản, âm thanh đến hình ảnh giữa Web server đến các trình duyệt Web và ngược lại.
Còn HTTPS (tên đầy đủ: Hypertext Transfer Protocol Secure) là giao thức truyền tải siêu văn bản an toàn. Hiểu đơn giản, đây là giao thức HTTP nhưng tích hợp thêm Chứng chỉ bảo mật TLS/SSL nhằm mã hóa các thông điệp để tăng tính bảo mật cho website.
Đây đều là những kiến thức căn bản mà bất cứ một nhà phát triển web nào cũng cần sở hữu.
3. Cấu trúc dữ liệu và thuật toán
Hiện nay, các website ngày càng trở nên phức tạp và chứa một lượng dữ liệu ngày càng lớn và đa dạng. Điều này đã dẫn đến sự xuất hiện của 3 vấn đề quan trọng mà mọi nhà lập trình web đều phải đối mặt:
- Tìm kiếm dữ liệu: Sẽ là bất khả thi để có thể thực hiện việc tìm kiếm một dữ liệu bất kỳ trong hàng triệu dữ liệu khác
- Tốc độ bộ vi xử lý: Mặc dù bộ vi xử lý có tốc độ rất cao, nhưng nó cũng có giới hạn. Khi lưu lượng dữ liệu lên tới hàng tỷ bản ghi, tốc độ xử lý cũng sẽ chậm đi đáng kể.
- Đa yêu cầu: Khi hàng nghìn người dùng cùng thực hiện tìm kiếm trên một Web Server, thật khó khăn để có thể xử lý cùng lúc tất cả các yêu cầu đó
Các website ngày càng trở nên phức tạp và chứa một lượng dữ liệu lớn
Cấu trúc dữ liệu là một giải pháp được sinh ra để xử lý các vấn đề nêu trên. Cấu trúc dữ liệu (Data Structure) là cách tổ chức và lưu trữ dữ liệu nhằm mục đích tối ưu hoá khả năng sử dụng và quản lý.
Thuật toán hay giải thuật (Algorithms) là một tập hợp hữu hạn các lệnh được thực hiện theo một thứ tự đã được xác định trước nhằm mục đích giải quyết một vấn đề nào đó. Để đạt được kết quả mong muốn, bạn cần phải linh hoạt trong việc áp dụng các thuật toán khi lập trình.
- Đọc thêm: Những điều cần biết khi học cấu trúc dữ liệu và giải thuật
4. Clean code
Các nhà phát triển web không chỉ viết những dòng code để giao tiếp với máy tính. Họ cũng sử dụng code như công cụ giao tiếp một cách gián tiếp với nhau. Qua đó, các lập trình viên mới hiểu được logic đằng sau đoạn code của đối phương. Trên thực tế, các lập trình viên mới chập chững vào nghề thường chỉ cố gắng viết ra những đoạn code “chạy được”. Họ không hề quan tâm đến vấn đề dễ đọc, dễ hiểu của đoạn code đó.
Đó là lý do khái niệm “Clean code” ra đời. Clean code (hay code “sạch) là thuật ngữ chỉ sự định hướng về cách tư duy để tối ưu code. Nhờ đó, code sẽ trở nên dễ đọc, dễ hiểu và dễ phát hiện lỗi. Đặc biệt, “code sạch” cũng dễ bảo trì hơn và ngôn ngữ lập trình nào cũng có thể áp dụng.
Với việc sử dụng những dòng clean code sẽ tăng đáng kể giá trị cho dự án. Bên cạnh đó, nó cũng giúp các nhà phát triển web khác có thể hiểu được ý nghĩa, cấu trúc một cách thuận lợi. Đây là một kỹ năng mà bất kỳ developer nào cũng cần có, không chỉ riêng web developer.
Clean code là một kỹ năng mà bất kỳ developer nào cũng cần có
5. Web API
Để hiểu về API, hãy thử tưởng tượng: Bạn đến một nhà hàng và menu đang ở trước mặt bạn. Nhà bếp là nơi sẽ chuẩn bị những món ăn trong menu mà bạn gọi. Vậy, làm thế nào để yêu cầu của bạn đến được nhà bếp? Và làm sao để nhà hàng đưa được món ăn đến bàn của bạn? Đây chính là lý do cần đến sự xuất hiện của người phục vụ. Người này đóng vai trò như API.
API hay Application Programming Interface là một trung gian đóng vai trò kết nối các ứng dụng và thư viện khác nhau. Nó cho phép các ứng dụng có thể giao tiếp, trao đổi dữ liệu qua lại. Web API là hệ thống API được sử dụng trong các hệ thống website, ví dụ như: Google, Facebook…
Như ở trường hợp tại nhà hàng ở trên, người phục vụ (hay API) sẽ tiếp nhận yêu cầu gọi món của bạn và truyền đạt lại với nhà bếp (hệ thống). Tiếp sau đó, người phục vụ sẽ phản hồi ngược lại cho bạn, bằng cách mang thức ăn sau khi nhà bếp hoàn thành đến tận bàn cho bạn.
6. Linux
Nếu bạn muốn trở thành một nhà phát triển web “hợp thời”, muốn khám phá những giải pháp công nghệ hiện đại thì chắc chắn phải biết cách dùng Linux.
Linux là hệ điều hành phổ biến nhất đối với các server
Dưới đây là một số lý do điển hình:
Phần lớn các server sử dụng hệ điều hành Linux
Đối với các server, Linux là hệ điều hành phổ biến nhất bởi một vài lý do sau:
- Miễn phí: Hệ điều hành Linux sẽ không tốn của một đồng chi phí nào cho tiền bản quyền
- Tiết kiệm tài nguyên phần cứng: Linux được coi là hệ điều hành ít tốn tài nguyên phần cứng hơn Windows.
- Cập nhật nhanh chóng: Linux là mã nguồn mở. Vì vậy, khi phát hiện lỗi, bạn sẽ nhận được những lời khuyên từ cộng đồng người dùng trên khắp thế giới.
- Tính bảo mật cao và chạy mượt mà trên cả những chiếc máy tính có cấu hình thấp
Những lý do trên đã cho thấy, Linux là một hệ điều hành vô cùng phù hợp với túi tiền. Nhờ đó, bạn hoàn toàn có thể chi tiêu nhiều hơn cho phần cứng của server.
Môi trường lý tưởng cho các công nghệ Open Source
Là một open source, Linux dễ dàng kết hợp và tương thích với các công nghệ open source khác.
Bên cạnh đó, việc phát triển các sản phẩm open source đang là xu hướng hiện nay. Minh chứng cho điều này, ông lớn Microsoft cũng đã cho ra đời sản phẩm open source của mình mang tên “VSCode”. Hơn nữa, vài năm gần đây, Microsoft đã mua lại GitHub và npm, vốn là 2 nền tảng liên quan tới open source.
- Tham khảo thêm các open source của Microsoft tại: https://opensource.microsoft.com
7. HTML/CSS
HTML/CSS là những yếu tố quan trọng để bạn hoàn thiện một trang web. Đây là 2 loại ngôn ngữ cơ bản mà các nhà phát triển web cần nắm rõ khi xây dựng website.
HTML (HyperText Markup Language) giúp xác định các phần tử trên website. Nó hoạt động bằng cách dùng các thẻ tag để đánh dấu và gắn vai trò riêng biệt cho từng phần trong bố cục. Ngôn ngữ này chính là phương thức giúp trình duyệt và người dùng có thể “giao tiếp được với nhau” thông qua cách thức hiển thị trên trang web.
CSS (Cascading Style Sheets) khiến website trở nên bắt mắt và chuyên nghiệp hơn thông qua việc hỗ trợ trình duyệt hiểu các thiết lập định dạng và bố cục của web. Nhờ vậy, bố cục trang web được hoàn thiện hơn, có thêm màu sắc, theme và font chữ cho văn bản.
Tạm kết
Hy vọng bài viết trên sẽ giúp bạn có thêm thông tin về các kiến thức cần có trở thành một nhà phát triển web. Thường xuyên cập nhật những thông tin hữu ích và thú vị về lĩnh vực IT tại blog của Got It các bạn nhé!