Những kiến thức cần có khi làm nghề logistics – Sao Nam

Cùng với sự phát triển của kinh tế, đặc biệt là ngành xuất nhập khẩu khiến ngành logistics ở nước ta được đặc biệt coi trọng và thu hút sự quan tâm của giới trẻ. Xuất nhập khẩu và logistics dường như là 2 khái niệm luôn gắn bó chặt chẽ với nhau. Nếu bạn hiểu Xuất nhập khẩu là hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế thì logistics là dịch vụ vận chuyển, kho bãi, hải quan,…để lô hàng đó có thể đến tay người nhập khẩu.

Vậy trong thời đại ngành logistics phát triển mạnh mẽ, khao khát nguồn nhân lực, bạn cần trang bị những kiến thức gì để có thể trụ vững trong ngành này?

1. Dịch vụ logistics là gì?

Bạn cần hiểu rõ các công ty forwarder/ công ty logistics họ đang làm gì, những dịch vụ mà họ cung cấp như thế nào để có sự chuẩn bị tốt về kiến thức và kĩ năng làm việc tại các doanh nghiệp này.

Dịch vụ hải quan và vận chuyển nội địa tại DN Logistics: rõ ràng là điều dễ hình dung nhất khi nói về hoạt động Logistics, hầu hết các bạn chưa làm nghề đều biết điều này, tức là việc hỗ trợ Doanh nghiệp xuất nhập khẩu làm các thủ tục hải quan và đưa hàng về kho.

Dịch vụ vận chuyển quốc tế: hiểu một cách đơn giản nhất là khi DN xuất nhập khẩu muốn xuất hay nhập với bất kỳ điều kiện giao hàng nào thì đều cần có đơn vị vận chuyển như hãng tàu hay hãng hàng không, hoặc có thể thông qua các đại lý vận chuyển

Như vậy phần lớn luôn hình dung làm Logistics là làm vận chuyển và hải quan, nhưng thực tế vị trí công việc hay nghiệp vụ liên quan còn nhiều hơn thế. Logistics còn cung cấp cả dịch vụ cho thuê kho bãi và phân phối hàng hóa cho DN xuất nhập khẩu (được hiểu như là chuỗi cung ứng). Đương nhiên điều này giúp cho DN xuất nhập khẩu giảm bớt nghiệp vụ liên quan nhưng sẽ tăng chi phí. Dù vậy, điều này cho thấy Logistics còn nhiều hơn những gì các bạn trẻ thường hình dung. Và chắc chắn nó sẽ giúp các bạn đang tìm hiểu và muốn dấn thân vào nghề tăng thêm tự tin vì sẽ có nhiều con đường hay vị trí để lựa chọn.

2. Kiến thức cần có của một nhân viên làm tại công ty logistics

Với từng vị trí công việc trong ngành logistics sẽ có những yêu cầu khác nhau về nghiệp vụ, kĩ năng. Nhưng dù bạn làm ở vị trí nào đi chăng nữa thì bạn vẫn cần trau dồi những kiến thức sau:

Incoterms – các điều kiện thương mại quốc tế. Việc hiểu rõ từng điều kiện Incoterms sẽ giúp bạn hình dung công việc của người xuất khẩu và nhập khẩu. Incoterms cũng là yếu tố quyết định đến địa điểm giao hàng, về các thông tin trên bộ chứng từ giao nhận hàng hóa,… Vì vậy người ta vẫn thường gọi Incoterms là “Kim chỉ nam” trong ngành xuất nhập khẩu – logistics.

Bộ chứng từ xuất nhập khẩu. Chắc chắn bạn phải biết về bộ chứng từ để làm các thủ tục giao nhận hàng hóa.

Bảo hiểm hàng hóa. Logistics cũng có liên quan đến việc mua bảo hiểm hàng hóa cho khách hàng. Thậm chí nhiều công ty logistics cũng có thêm dịch vụ cung ứng bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu.

Tiếng anh chuyên ngành xuất nhập khẩu – logistics. Nếu bạn giỏi tiếng Anh chưa chắc bạn đã hiểu hết nghĩa của những thuật ngữ tiếng anh ngành chuyên ngành xuất nhập khẩu, logistics. Vì vậy, hãy trau dồi nhiều nhất có thể những thuật ngữ tiếng anh chuyên ngành.

Khai báo Hải quan Vnaccs. Đây là kĩ năng cơ bản của một nhân viên logistics, tất cả các doanh nghiệp logistics hiện nay đều làm nghiệp vụ này.

Thủ tục giao nhận hàng hóa. Quy trình giao hàng, nhận hàng như thế nào, tất cả các forwarder đều phải biết và chắc chắn bạn phải nắm bắt được.

HS code, tính thuế, làm kiểm tra chuyên ngành. Đây cũng là dịch vụ mà các công ty logistics cung cấp cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Họ sẽ tính thuế, tra mã HS code và làm các kiểm tra chuyên ngành cho công ty XNK. Nói chung, ngành logistics cung cấp rất đa dạng các dịch vụ khác nhau theo nhu cầu ngày càng phong phú của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hiện nay.