Những kiến thức cần biết về doanh nghiệp sản xuất

Doanh nghiệp sản xuất đóng vai trò rất lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế. Các doanh nghiệp sản xuất cũng chính là nơi tạo ta sản phẩm hàng hóa cung cấp cho các doanh nghiệp thương mại lưu thông trên thị trường.

1. Doanh nghiệp sản xuất là gì?

Ta tìm hiểu 1 số khái niệm liên quan trước khi tìm hiểu về doanh nghiệp sản xuất là gì?

  • Sản xuất hay sản xuất của cải vật chất: Được hiểu là hoạt động chủ yếu trong các hoạt động kinh tế của con người. Đó là quá trình làm ra sản phẩm để sử dụng, hay để trao đổi trong thương mại.

Quá trình sản xuất của một doanh nghiệp là sự kết hợp giữa ba yếu tố cơ bản: sức lao động, đối tượng lao động và tư liệu lao động để tạo ra sản phẩm.

Sức lao động: là khả năng của lao động; là tổng thể việc kết hợp, sử dụng thể lực và trí lực của con người trong quá trình lao động.

Đối tượng lao động: là bộ phận của giới tự nhiên mà hoạt động lao động của con người tác động vào nhằm biến đổi nó theo mục đích của mình. Đối tượng lao động gồm hai loại: Loại thứ nhất có sẵn trong tự nhiên (ví dụ: khoáng sản, đất, đá, thủy sản…), liên quan đến các ngành công nghiệp khai thác; Loại thứ hai đã qua chế biến – có sự tác động của lao động trước đó (ví dụ: thép, phôi, sợi dệt, bông…), là đối tượng lao động của các ngành công nghiệp chế biến.

Tư liệu lao động: là một vật hay các vật làm nhiệm vụ truyền dẫn sự tác động của con người lên đối tượng lao động, nhằm biến đổi đối tượng lao động thành sản phẩm đáp ứng nhu cầu của con người. Trong sản xuất, có hai loại tư liệu lao động là: bộ phận trực tiếp tác động vào đối tượng lao động theo mục đích của con người, tức là công cụ lao động (ví dụ: máy móc, thiết bị sản xuất…); bộ phận gián tiếp cho quá trình sản xuất (ví dụ: nhà xưởng, kho, sân bay, đường xá, phương tiện giao thông…). Trong tư liệu lao động, công cụ lao động giữ vai trò quyết định đến năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.

Từ đó có thể rút ra khái niệm doanh nghiệp sản xuất là: những doanh nghiệp sử dụng nguồn lực, tư liệu sản xuất kết hợp với ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất ra sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường.

2. Đặc điểm của doanh nghiệp sản xuất

Quyết định hoạt động của doanh nghiệp: dựa trên những yêu cầu đòi hỏi của thị trường để đưa ra những quyết định trong việc sản xuất các mặt hàng tiêu dùng ra sao, sản xuất cái gì để cân bằng giữa cung và cầu trên thị trường.

Quy trình sản xuất: dựa trên một chuỗi kết hợp giữa nguyên vật liệu, nhân công và các trang thiết bị để tạo nên sản phẩm.

Chi phí sản xuất: là các chi phí phát sinh trong quá trình sản xuất hàng hóa, gồm chi phí nhân công và nguyên vật liệu hàng hóa để điều hành phục vụ cho việc sản xuất hàng hóa.

Giá thành sản phẩm: toàn bộ chi phí để hoàn thành một số lượng hàng hóa nhất định trong thời gian nhất định. Quy trình quản lý doanh nghiệp sản xuất

Hoạt động Quản lý trong doanh nghiệp sản xuất (Quản lý quy trình sản xuất) có sự tham gia của tất cả các bộ phận tại nhà máy (ban giám đốc nhà máy và các phòng ban, bộ phận trực thuộc), với các công việc tuần tự sau:

Bộ phận sản xuất kế thừa “kế hoạch sản xuất” từ bộ phận kinh doanh và xây dựng các “kế hoạch sản xuất” chi tiết theo các công đoạn sản xuất.

Dựa trên kế hoạch sản xuất, tồn kho nguyên liệu khả dụng sẽ tiến hành dự trù nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Kiểm tra và theo dõi thời gian dừng máy để dự trù vật tư sửa chữa, bảo dưỡng.

Lập các đề nghị mua vật tư, đề nghị xuất/lĩnh vật tư chuyển bộ phận kỹ thuật kiểm tra và gửi về phòng mua hàng.

Dựa trên kế hoạch và nguồn lực phù hợp tiến hành lập các “lệnh sản xuất” chuyển tới các phân xưởng, công đoạn sản xuất trong nhà máy để tiến hành quá trình sản xuất.

Theo dõi tiến độ, thống kê sản xuất chi tiết theo các kế hoạch sản xuất.

Phối kết hợp, kiểm tra đánh giá chất lượng thành phẩm hoàn thành.

Xem thêm:

>>> Danh sách các công ty sản xuất thực phẩm tại các thành phố lớn

>>> Phân hệ Phần mềm quản lý sản xuất BRAVO 8