Những khó khăn khi các doanh nghiệp áp dụng TQM tại Việt Nam

Với tầm quan trọng của chất lượng sản phẩm trong việc làm thỏa mãn các yêu cầu của khách hàng, TQM đang dần trở thành một công cụ quan trọng cho các doanh nghiệp bước vào nền kinh tế thị trường cạnh tranh đầy khốc liệt. Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp áp dụng TQM tại Việt Nam còn gặp nhiều hạn chế và khó khăn. Vậy những khó khăn đó là gì? Các doanh nghiệp nên làm thế nào để khắc phục nó? Hãy theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi.

Giới thiệu về Hệ thống quản lý chất lượng toàn diện – TQM

TQM là hệ thống quản lý chất lượng toàn diện được phát triển và áp dụng phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về TQM nhưng chúng ta có thể hiểu, TQM là “một hệ thống quản lý tổng thể, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của khách hàng bằng việc tận dụng tối đa các nguồn lực của doanh nghiệp với chi phí nhỏ nhất”.

Cách xây dựng, áp dụng và thiết lập hệ thống TQM thường dựa trên một số nguyên tắc như: PDCA, định hướng vào khách hàng, làm việc nhóm, cải tiến liên tục,…

TQM có thể áp dụng cho bất kỳ tổ chức nào, không phân quy mô , loại hình hay lĩnh vực, chỉ cần doanh nghiệp bạn có mong muốn thực hiện và duy trì hệ thống quản lý chất lượng toàn diện nhằm hướng tới sự tối ưu trong hiệu quả quản lý của doanh nghiệp.

Hệ thống quản lý chất lượng toàn diện – TQM đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, song để áp dụng thành công TQM không phải là điều dễ dàng. Trên thực tế, việc các doanh nghiệp áp dụng TQM còn gặp rất nhiều khó khăn. 

 

Clip: Những khó khăn khi các doanh nghiệp áp dụng TQM tại Việt Nam

 

Lợi ích của việc áp dụng TQM

Đối với các doanh nghiệp, việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng toàn diện – TQM đã và đang đem lại rất nhiều lợi ích, cụ thể như:

  • Tiết kiệm được chi phí do giảm thiểu các lãng phí

  • Duy trì tính ổn định của chất lượng sản phẩm

  • Nâng cao năng suất lao động, tăng cường vị thế và danh tiếng cho doanh nghiệp

  • Mở rộng mối quan hệ quốc tế, tăng khả năng trúng thầu đối với các dự án có yêu cầu dự thầu khắt khe

  • Xây dựng được phong cách làm việc mang tính hệ thống, dễ dàng giám sát ở mọi lúc, mọi nơi

  • Tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý vĩ mô

  • Hướng đến sự phát triển bền vững trong tương lai. 

Những khó khăn khi các doanh nghiệp áp dụng TQM tại Việt Nam?

Mặc dù, TQM là một trong các phương thức quản lý hữu hiệu để cải tiến chất lượng sản phẩm nhằm thỏa mãn tốt nhu cầu của khách hàng và đang được áp dụng rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới. Nhưng tại Việt Nam, sự quan tâm cũng như việc áp dụng hệ thống quản lý này còn nhiều hạn chế. Số lượng doanh nghiệp áp dụng TQM còn rất ít, tập trung vào một số doanh nghiệp lớn, có tiềm năng tài chính như Sony, Vinamilk, Cadivi, Matsushita… Vậy tại sao việc các doanh nghiệp áp dụng TQM tại Việt Nam lại chưa phổ biến và còn gặp nhiều hạn chế? Dưới đây là những khó khăn mà các doanh nghiệp thường gặp phải khi áp dụng TQM:

Nhận thức về TQM và hạn chế từ phía ban lãnh đạo

Nhận thức được xem là rào cản lớn nhất đối với các doanh nghiệp khi tiếp cận hệ thống quản lý TQM. Một cuộc khảo sát với 45 doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn Hà Nội cho thấy 40/45 doanh nghiệp cho rằng lý do khiến họ khó tiếp cận và xây dựng hệ thống TQM là do không hiểu rõ về hệ thống này. Một trong các nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ trình độ quản lý và trình độ quản lý chất lượng của các chủ doanh nghiệp. Họ còn quá yếu trong các kiến thức về quản lý chất lượng cũng như áp dụng các công cụ quản lý chất lượng.

Tuy nhiên hầu hết các nhà quản lý đều hiểu rằng để đảm bảo chất lượng sản phẩm thì cần phải kiểm soát tốt ở các khâu, các quy trình sản xuất và các bộ phận nhưng việc quản lý đó như thế nào, áp dụng tiêu chuẩn hay các công cụ ra sao mới thực sự là mấu chốt của vấn đề bởi họ cũng không thể nắm rõ được hết.

Trong những trường hợp như thế này, việc triển khai TQM sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn. Đó cũng chính là lý do mà tại sao 42/45 doanh nghiệp khảo sát tại Hà Nội lại yêu cầu được đào tạo và tư vấn về TQM.

Hạn chế về tài chính

Kết quả điều tra chỉ rõ, chỉ có 26/45 doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Hà Nội khẳng định khả năng sẵn sàng chi trả cho việc áp dụng hệ thống TQM. Còn 19/45 doanh nghiệp trả lời chưa sẵn sàng chi trả cho hoạt động áp dụng hệ thống này, nguồn vốn tài chính của họ chủ yếu tập trung cho hoạt động sản xuất và kinh doanh. 

Qua đó có thể thấy, hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt nam đều có năng lực tài chính thấp thể hiện ở chỗ: cơ sở vật chất còn nghèo nàn, thiếu thốn, trang thiết bị kỹ thuật lạc hậu, không có nơi sản xuất ổn định hay trình độ chuyên môn và quản lý còn thấp. Chính vì thế, họ khó có thể đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh chứ chưa nói tới đầu tư cho việc quản lý chất lượng. Bởi, để xây dựng hệ thống TQM đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư một khoản chi phí rất lớn, bao gồm chi phí cho hoạt động tư vấn, đào tạo TQM, tổ chức thực hiện, kỹ thuật áp dụng, phần mềm thống kê, hoạt động quản lý và hành chính…

Hạn chế về thói quen lao động và môi trường làm việc

Hiện nay, môi trường làm việc của người lao động trong các doanh nghiệp Việt còn hạn chế. Người lao động vẫn chưa quen với việc làm việc nhóm mà thường thích làm việc một cách độc lập, dẫn đến việc trao đổi thông tin nội bộ không hiệu quả và đây cũng là một trong những hạn chế khi áp dụng TQM. Trong khi đó, việc áp dụng hệ thống TQM cần huy động sự tham gia của tất cả mọi người vào hoạt động cải tiến chất lượng thông qua hoạt động của nhóm kiểm soát chất lượng.

Đồng thời, TQM còn đòi hỏi nhà quản lý phải xây dựng được các mối quan hệ cởi mở, thân mật và phát huy tinh thần sáng tạo của nhân viên. Vì vậy, để việc áp dụng hệ thống TQM đạt hiệu quả nhất, các doanh nghiệp cần huấn luyện về cách thức, kỹ năng làm việc nhóm và các công cụ cần phải áp dụng cho quá trình làm việc nhóm.

Hạn chế về công cụ quản lý

Việc trang bị cho người lao động các công cụ quản lý để tham gia vào quá trình cải tiến chất lượng còn ở mức hạn chế và chưa được chú trọng. Những người lao động trong các nhà máy có trình độ hạn chế, hầu hết đều là công nhân phổ thông hoặc học nghề nên việc tìm hiểu các công cụ cải tiến chất lượng cũng sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, hoạt động đào tạo của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế và chưa phù hợp với đối tượng người học là những người công nhân. Vì vậy, việc triển khai hệ thống TQM cũng gặp nhiều khó khăn và vướng mắc.

Trên đây là những chia sẻ của ISOCERT về những khó khăn khi các doanh nghiệp áp dụng TQM tại Việt Nam. Hy vọng sẽ giúp cho Quý doanh nghiệp hiểu rõ hơn về hệ thống TQM cũng như phát hiện ra những điểm còn hạn chế và khó khăn trong việc áp dụng hệ thống quản lý này. Nếu có nhu cầu đào tạo hoặc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng toàn diện (TQM), hãy liên hệ cho chúng tôi qua:

Ngày cập nhật: 16-09-2021