Những khái niệm lý luận văn học không thể không biết
Ngày 26/12/2021 10:09:10, lượt xem: 2774
Nhà văn Nga Leonit Leonop từng khẳng định rằng: “Tác phẩm nghệ thuật đích thực bao giờ cũng là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung”. Đến với những lí luận văn học ta có thể khám phá ra sự sáng tạo của nghệ thuật mà mỗi người nghệ sĩ muốn gửi gắm vào trong tác phẩm của mình… Các em nhớ share lại album này để hiểu kĩ hơn và có thể vận dụng hiệu quả vào bài làm của mình nha!
1. Cảm hứng lãng mạn
– Cảm hứng lãng mạn mang nội dung trữ tình sôi nổi, dạt dào và hướng về lý tưởng, hướng về tương lai. Nó không chỉ sôi nổi trong thơ mà cả trong văn xuôi từ tiểu thuyết, truyện ngắn đến bút kí,tuỳ bút và cả kịch bản sân khấu đều rất giàu chất thơ. Hướng vận động của cốt truyện, số phận nhân vật, dòng cảm nghĩ của tác giả hầu như đều đi từ bóng tối ra ánh sáng, từ gian khổ đến niềm vui, từ hiện tại đến tương lai đầy hứa hẹn. Cảm hứng lãng mạn là cách nhìn thế giới mang đậm dấu ấn chủ quan, đầy mơ ước. Có khi đó là sự mơ ước bay bổng hướng tới cái chưa có trong thực tế bằng niềm tin, sự lạc quan. Có khi đó là những rung động về lí tưởng cao đẹp, khát vọng lớn lao của những con người có chí hướng, hoài bão cao cả…
– Chia làm 2 giai đoạn:
+ 1930-1945: Là vượt lên trên thực tế, thoát li hiện thực, đề cao tuyệt đối cái Tôi (thơ Mới), là niềm tin vào một xã hội lí tưởng (truyện lãng mạn) – có tính chất tiêu cực.
+ 1945-1975: Là cảm hứng khẳng định cái tôi đầy tình cảm, cảm có tính chất tích cực. Nó giúp người ta vượt lên trên cuộc sống gian khổ và ác liệt mà hướng về tương lai chiến thắng, về cuộc sống hạnh phúc và xây dựng chủ nghĩa xã hội sau chiến tranh.
2. Tình huống truyện
– Trong nghệ thuật viết truyện ngắn thì xây dựng tình huống truyện là một trong những yêu cầu quan trọng cần thiết. Tình huống truyện không chỉ góp phần thể hiện tính cách nhân vật mà còn góp phần bộc lộ tư tưởng chủ đề của tác phẩm.
– Theo giáo sư tiến sĩ Chu Văn Sơn tình huống truyện là “một sự kiện đặc biệt trong đó chứa đựng một tình thế bất thường của quan hệ đời sống”. Hay có nghĩa là “hoàn cảnh có vấn đề” hàm chứa những mâu thuẫn éo le, những trớ trêu ngang trái đòi hỏi con người có thái độ hay hoạt động thích ứng, qua đó mà bộc lộ tâm hồn, tính cách, trí tuệ hay số phận của mình.
– Phân loại:
+ Tình huống tâm lí: Đây là tình huống khi diễn ra giúp làm sáng tỏ đặc điểm tâm lí của nhân vật.
+ Tình huống hành động: Tình huống hành động giúp bộc lộ diễn biến hành động qua đó làm rõ nét tính cách nhân vật.
+ Tình huống nhận thức: Đây là tình huống không nhằm miêu tả hành động hay tâm lí mà thông qua đây nhà văn giúp nhân vật hiểu ra quy luật cuộc sống.
ĐỌC THÊM Lí luận văn học – Sự sáng tạo trong văn học
3. Giá trị hiện thực
– Là toàn bộ hiện thực được nhà văn phản ánh trong tác phẩm văn học, tùy vào ý đồ sáng tạo mà hiện tượng đó có thể đồng nhất với thực tại cuộc sống hoặc có sự khúc xạ ở những mức độ khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết hiện thực trong các tác phẩm văn chương đều là hiện thực được hư cấu. Nó có ý nghĩa phản ánh hiện thực của một thời kỳ trên nhiều góc diện khác nhau hơn là các hiện thực cụ thể.
– Khi làm các bài tập làm văn có dạng: Anh/ chị hãy trình bày giá trị hiện thực trong tác phẩm….? Học sinh cần xác định rõ thế nào là giá trị hiện thực, nói cách khác, cần nêu cách hiểu hay khái niệm về giá trị hiện thực. Việc nhận thức đúng, đủ sẽ giúp cho người học xác định chính xác các đặc điểm căn bản của nó, từ đó hoàn thiện được bài viết một cách tốt nhất.
– Về căn bản, giá trị hiện thực gồm 2 đặc điểm chủ yếu sau:
+ Đặc điểm thứ nhất: làm rõ các hiện thực được nhà văn đưa vào trong tác phẩm. Nói cách khác, tác phẩm đó phản ánh hiện thực gì? trong giai đoạn nào? Hiện thực đó được thể hiện qua những nét tiêu biểu nào? Ý nghĩa của việc phản ánh hiện thực ấy là gì?
+ Đặc điểm thứ hai: Con người điển hình. Đây là nét đặc trưng của tác phẩm hiện thực. Lẽ đương nhiên gắn với mỗi thời kỳ, mỗi xã hội nhất định, bao giờ cũng có mẫu người đại diện cho toàn xã hội. Mẫu người ấy được nhà văn khái quát và xây dựng lại thành cách hình tượng điển hình trong tác phẩm của mình. Do vậy, muốn làm rõ giá trị nhân đạo của một tác phẩm nào đó, cần phân tích được hình tượng nhân vật điển hình trên các phương diện: khắc họa ngoại hình, tính cách, hành động, lời nói,….nhân vật đó đại diện cho tầng lớp, giai cấp hay lớp người nào trong xã hội? Nó có thể hiện tiếng nói chung cho lớp người nào không? Bằng việc xây dựng hình tượng nhân vật điển hình trong tác phẩm, tác giả mong muốn đạt được điều gì? Hay nhân vật điển hình giúp tác giả thể hiện hiện thực được phản ánh như thế nào?
Luôn nhớ là bất kỳ chi tiết nghệ thuật nào của tác phẩm đều có ý nghĩa của nó, ý nghĩa đó độc lập tương đối song phải luôn được đặt trong chỉnh thể để có được cái nhìn, cách đánh giá đúng đắn nhất.
(Ths: Ngô Viết Hoàn)
ĐỌC THÊM HƯỚNG DẪN ĐƯA LÍ LUẬN VĂN HỌC VÀO BÀI VIẾT
4. Giá trị nhân đạo
– Là một giá trị cơ bản của những tác phẩm văn học chân chính được tạo nên bởi niềm cảm thông sâu sắc của nhà văn với nỗi đau của những con người, những cảnh đời bất hạnh trong cuộc sống. Đồng thời, nhà văn còn thể hiện sự nâng niu, trân trọng với những nét đẹp trong tâm hồn và niềm tin khả năng vươn dậy của con người dù trong bất kỳ hòan cảnh nào của cuộc đời.
– Để làm rõ giá trị nhân đạo của một tác phẩm, cần phân tích được các khía cạnh sau:
– Tố cáo xã hội: đây chính là cái hoàn cảnh chung mà ở đó nhân vật bị đẩy vào các hoàn cảnh bi đát, đau khổ. Thông thường ở phương diện tố cáo, các nhà văn thường thể hiện quan điểm lên án, phê phán với các tầng lớp thống trị, những kẻ ăn trên ngồi trốc, ỷ mạnh hiếp yếu, trà đạp cuộc sống con người và làm băng hoại các giá trị đạo lý.
– Ca ngợi: có thể ca ngợi một truyền thống tốt đẹp nào đó hoặc ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của một con người hoặc một lớp người trong xã hội. Đây chính là những vẻ đẹp bị lấp vùi bởi sự thống trị, đàn áp.
– Thương cảm, bênh vực: xuất phá từ việc phát hiện, khám phá được những nét đẹp ẩn tàng của nhân vật, hoặc nhận thức được hoàn cảnh đã đẩy những người tốt đẹp, lương thiện vào đường cùng, hoặc đẩy họ vào con đường tội lỗi nên các nhà văn bày tỏ niềm thương cảm với họ, tạo ra những tình huống, hoặc xây dựng những nhân vật phụ để làm chỗ dựa, bênh vực, che chở cho họ, giúp họ vượt qua những khó khăn, thách thức và vươn lên khẳng định bản thân, khẳng định niềm tin, ước mơ và khát vọng trong cuộc sống.
– Chỉ ra con đường, lối thoát cho nhân vật: Đặc điểm này không hoàn toàn có trong tất cả các tác phẩm. Nó phụ thuộc vào nhận thức và khả năng dự đoán trước hiện thực của nhà văn, nhờ đó nhà văn chỉ ra được con đường giải quyết những bế tắc của số phận nhân vật, hoặc tạo ra những chi tiết viễn tưởng, kỳ ảo như một lối thoát cho nhân vật khi mà mọi nẻo đường ở thực tại hay ở chốn nhân gian đều không có khả năng thay đổi được hoàn cảnh.
(Ths: Ngô Viết Hoàn)
Để giúp ích cho các em thật nhiều trong kì thi quan trọng sắp tới thì chỉ có thể là những buổi học tại KHÓA HỌC KỸ NĂNG 2K7 – một khóa học sẽ giúp các em cải thiện cũng như nâng cao kĩ năng làm bài để đạt được kết quả cao nhất.
Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS.
Youtube Học Văn Chị Hiên.
Instagram Học Văn Chị Hiên.
Tiktok Học Văn Chị Hiên