Những hình nhân thế mạng

Từ bao đời nay, người dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có tục rằng nếu ai chết đi mà không tìm được thi thể thì có thể làm hình nhân thế mạng. Sau đó, nhờ các pháp sư chiêu hồn, nhập cốt để chôn cất.

Tục này bắt đầu từ lúc các binh phu Hoàng Sa gặp nạn khi làm nhiệm vụ trên hải trình, đến sau này, ai đi biển mất xác, người dân trên đảo cũng làm hình nhân thế mạng. Tuy nhiên, người làm hình nhân thế mạng phải có đủ “sắc, uy, thiên tướng” mới được người dân biển tin theo…

Tạo hình nhân để tri ân

Theo cụ Võ Văn Toại, 75 tuổi, ở thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, chuyện làm hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn bắt nguồn từ khi các binh phu lãnh chỉ của vua đi ra Hoàng Sa nhặt sản vật, đo đạc hải trình và cắm mốc chủ quyền biển, đảo.

Thế nhưng, do biển mênh mông, mà thuyền của binh phu lại quá bé nhỏ, nên hàng trăm, hàng ngàn người ra biển, chỉ có mấy người trở về. “Người dân đảo Lý Sơn làm hình nhân của binh phu thế mạng để mai táng tại Âm linh tự và ở các vùng trên đảo, cũng là để tỏ lòng tri ân với người đã khuất, xem như đó là thân xác của binh phu về lại với quê hương”, cụ Toại cho biết.

Nói thì nghe đơn giản vậy, nhưng để làm được một hình nhân, thì không phải “cứ muốn là làm được”. Đằng sau ấy còn là đời sống tâm linh, một lòng hướng về người đã khuất. Do đó, người được gia chủ trông cậy làm hình nhân, thì họ phải có cái tâm và đức độ, tuân thủ nghiêm ngặt các “giới cấm” khi làm.

Theo cụ Toại, theo tập tục, trước khi xem được ngày làm hình nhân, các thầy pháp trước hết phải tìm đất sét, cây dâu tằm, than cây sầu đông, chỉ tơ… Có điều, riêng với cây dâu tằm, phải là “dâu mồ côi”, không đẻ nhánh, mới có “linh nghiệm”. Tìm xong nguyên liệu, thầy pháp lập đàn để chiêu hồn và bắt đầu nắn hình nhân. Đầu tiên, thầy pháp dùng đất sét (20 – 25kg) giã và quết lại nhuyễn đến mức “đưa chày lên mà đất sét và cối dính theo là được” để nắn da, thịt. Sau đó, thầy pháp dùng cây dâu tằm nắn các bộ xương sống, sườn (nam bảy đốt, nữ chín đốt), mông, đùi, vai và xương các ngón tay, chân. Còn than đen, cây sầu đông thì nắn gan, phổi; chỉ tơ thì nắn ruột, gân… Theo đó, cứ mỗi hình nhân từ 90 phân đến một mét, phải nắn trong vòng hai giờ đồng hồ là xong.

Sau khi nắn xong hình nhân, thầy pháp đăng đàn và khấn tế chiêu hồn về nhập vào xác hình nhân. Làm lễ xong, thầy pháp cho gia chủ mang hình nhân về an táng và lấy ngày này làm ngày giỗ cho người đã mất.

Theo ông Võ Văn Nhành, 45 tuổi, ngày trước người dân trên đảo chỉ làm hình nhân cho người đi biển bị bỏ mạng mất xác, sau này, hễ ai đi làm ăn xa, rủi ro bị mất mạng, không tìm được xác, gia đình của họ cũng đến nhờ làm hình nhân. “Tiếng lành đồn xa”, dần dần không chỉ ở đảo Lý Sơn, mà người dân ở các nơi khác ngoài tỉnh Quảng Ngãi cũng tìm đến “nhờ” ông Nhành giúp, trong đó, nhiều nhất vẫn là người dân biển.

{keywords}

Ông Võ Văn Nhành, người giữ được nghề làm hình nhân trên đảo Lý Sơn.

Nhưng không dễ có mấy ai làm

Ông Nhành cho biết: “Ngày trước, tui thích nghề giáo, nên đi thi và theo đuổi nghề. Ai ngờ, năm 19 tuổi, người ta tìm đến nhờ làm hình nhân thế mạng, nhưng ông già tui (cụ Võ Văn Toại) không có ở nhà, nên tui vốn là “con nhà nghề” nên đứng ra lo liệu.

Ai ngờ từ đó, tui làm mãi đến bây giờ và trở thành người làm hình nhân thế mạng của gia đình họ Võ trên đất đảo”. Theo ông Nhành, ông đến với nghề làm hình nhân thế mạng như là cái duyên, cái nghiệp. Ông Nhành nói, làm pháp sư làm hình nhân thế mạng, phải có đủ “nhứt sắc, chí oai (oai phong) và thiên tướng”. Ai không có “tam thiên” này thì không làm được và đến bây giờ, ngoài hai cha con ông Toại, ông Nhành, ở đảo Lý Sơn không có người thứ ba. “Có người học nghề, nhưng khi làm hình nhân, họ không tuân theo giới luật, nên không hiệu nghiệm”, ông Nhành nói.

Hỏi ra cái việc tâm linh làm hình nhân thế mạng trên đất đảo có “bí truyền” của nó. Nghĩa là, khi nắn hình nhân thì gia chủ phải làm đàn cúng ở khu vực riêng chỉ có một mình pháp sư mà thôi, không ai được đến xem, hay quay lại cái cảnh làm hình nhân này. Khi làm xong, cả pháp sư cũng không được kể lại nhục thể, thân cốt của hình nhân với bất cứ ai.

Ông Nhành kể: “Có một lần, nhóm phóng viên truyền hình muốn ghi lại cảnh ông làm hình nhân. Lạ lùng là, không có gió, không có ai phá, nhưng máy quay phim tự dưng đổ sụp xuống. Sau đó, máy được dựng lên quay lại, nhưng quay đã đời vẫn không có hình trong băng đĩa. Sau đó, phải làm “thủ tục” với người đã khuất thì máy quay phim mới ghi được hình (!?)”.

Theo Phạm Anh/ Sài Gòn Tiếp thị

* Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt