Những ghi chép về đời sống công nhân – Phần 3 | Viện Nghiên Cứu Sociallife

Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng không thể lường hết những khó khăn mà công nhân ngày nay đang gặp phải. Nếu như trước kia người công nhân Việt Nam còn có “hậu phương” là mảnh vườn, miếng đất… phòng kế mưu sinh thì người công nhân ngày nay đa phần phải rời xa quê hương đến tập trung tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong sự bơ vơ, thiếu thốn… và hành trang của họ chỉ là cuộc sống tạm bợ của lớp nghèo thành thị.

Chủ nhật ngày 11 tháng 05 năm 2008

Trở lại Linh Xuân vào một sáng ngày chủ nhật với một tâm trạng vừa hồi hộp, vừa háo hức. Hôm nay tôi xuống thực địa một mình. Hôm nay thời tiết cũng có vẻ nắng ráo sau những ngày mưa rả rích, hi vọng tôi sẽ có một ngày làm việc thuận lợi. Tôi quyết định đến địa bàn khu phố 3 trước vì nó thuận đường với xe bus mà tôi đi.

Sau hơn một tháng không xuống đây cảnh vật cũng không có thay đổi nhiều, khu chợ nho nhỏ vẫn tấp nập như mọi ngày mặc cho các vũng nước nhỏ đen ngòm và sự ướt át của con đường do ảnh hưởng của những cơn mưa tối qua, khiến cho cái chợ thêm bẩn và nhầy nhụa. Nhưng dọc theo con đường mà khu chợ mọc lên vẫn đông đúc người mua, kẻ bán, tiếng ồn ào náo nhiệt hẳn cả một góc đường, ngoài các sạp bán thực phẩm thì những sạp quần áo sida di động là một trong những nơi thu hút sự tập trung của công nhân, đặc biệt là công nhân nữ. Quan sát kỹ thì tôi thấy người đi chợ toàn là nữ giới, trong khi đó, ở xóm này nam công nhân cũng đâu phải là ít. Vậy mà, ra chợ thì chỉ gặp hầu hết là phụ nữ, còn bóng dáng của nam giới thì thật là hiếm hoi.

Đi đến cuối ngôi chợ tự phát đó, tôi rẽ qua một con đường khác và chẳng bao xa thì tôi đến được phòng trọ của chị H và T. Hôm nay tôi xuống gặp chị H và T là một quyết định khá mong manh vì tôi đã không hẹn trước với họ (tôi không có số điện thoại của họ), tôi e rằng họ không có ở nhà vì biết đâu hôm nay họ phải đi làm (công nhân công ty Nissei thường làm ngày chủ nhật – thực hiện chế độ nghỉ xoay ngày, chứ không cố định là được nghỉ ngày chủ nhật). Tôi đành thử vận may của mình xem sao.

Thật là may mắn cho tôi, khi tôi vào thì tất cả mọi người trong phòng trọ đều có mặt. Vừa đến cửa thì mọi người nhìn tôi thoáng ngỡ ngàng, rồi mời tôi ăn sáng. Mặc dù đang rất đói bụng nhưng tôi cũng thật là khách sáo khi nói rằng tôi ăn sáng rồi, mọi người cứ tự nhiên. Ừ, mà cũng ngại ghê. Hôm nay, tôi thấy trong phòng có sự hiện diện của một người nam, tôi đoán đó là chồng của chị H. Về sau, trò chuyện với chị H thì đúng như tôi đoán anh N chính là chồng mới cưới của chị H, hai người mới tổ chức đám cưới vào ngày 20/4 vừa qua, lần trước tôi đến gặp chị được chị cho biết là sắp lấy chồng, bây giờ tôi mới có cơ hội gặp mặt anh N. Thật ra thì hai người đã sống chung một phòng cùng với các em của chị H được gần hai năm rồi, bây giờ hai người mới chính thức là vợ chồng. Mặc dù hai anh chị tuổi còn khá trẻ (chị H 23, anh N 24) nhưng nhìn khuôn mặt của họ lại chững chạc, từng trải hơn nhiều so với cái tuổi đời của họ. Ở phòng này, mọi người đều làm công nhân cho công ty Nissei, nhìn cặp mắt của ai cũng thâm quầng, đờ đẫn đó là kết quả của những đêm phải làm ca ba (ca tối), Thuyên cũng vừa đi làm ca ba về, mặt mày đờ đẫn không chút tươi tỉnh, mắt thì mệt mỏi. Chợt thấy tội nghiệp cho mọi người ghê.

Nói chuyện với chị H tôi lại được biết thêm nhiều thông tin về cuộc sống của chị. Hỏi chị về cuộc sống mới sau khi lập gia đình, chị cho biết là chị cũng không thấy có gì thay đổi như cuộc sống trước đây, tại vì sống cùng phòng lâu rồi nên cũng bình thường, không có gì mới mẻ. Tôi thiết nghĩ “cũng đúng thật, dù sao hai người cũng sống chung nhà với nhau khoảng hai năm nay rồi”.

Chúng tôi ra ban công để trò chuyện vì mọi người trong phòng nói chuyện quá lớn. …. Chị cho biết những tính toán của hai vợ chồng là sẽ tiếp tụclàm công nhân một thời gian nữa sau đó sẽ về quê, về quê sinh sống bằng nghề gì thì chị nói cũng rất mơ hồ, có vẻ như ngay cả bản thân chị cũng chưa biết phải làm gì sau khi không làm công nhân nữa. chị chỉ nói chung chung “hai vợ chồng tính đi làm khoảng 4,5 năm nữa thì về quê, mở tạp hóa buôn bán nhưng tính là tính vậy, khi nào có dư tiền nhiều mới về, giờ kinh tế chưa có nên cũng chưa có ý định sinh con”.

Tôi và chị H đang trò chuyện thì T đứng bên cạnh tôi, tham gia vào câu chuyện của chúng tôi.

Tôi hỏi chị về lý do tham gia công đoàn của chị thì chị nói rằng “chị tham gia công đoàn vì thấy người ta nói công đoàn bảo vệ quyền lợi cho công nhân, rồi giúp đỡ công nhân nhiều thứ, nghe người ta nói như vậy thấy cũng tốt chứ không phải là tham gia cho có phong trào”. Công đoàn công ty chị cũng đã tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao. Chị nói rằng chị ít khi tham gia các hoạt động đó, đặc biệt là văn nghệ vì mỗi lần công ty tổ chức văn nghệ thì thường là tổ chức ở khu lưu trú dành cho công nhân của công ty mà khu lưu trú thì cách công ty khoảng 10 phút đi bộ trong khi chỗ trọ của chị còn xa hơn công ty, chị lại không có phương tiện chủ yếu là đi bộ nên không muốn tham gia.

Tôi hỏi T có thường xuyên tham gia các hoạt động văn nghệ của công ty không thì T cười, gật đầu và tỏ ra rất hào hứng. Chị H nói xen vào: “hắn thì siêng đi lắm”. Tôi hỏi T: “đi bộ à?”. T gật đầu và nói: “mỗi lần công ty tổ chức văn nghệ có ca sỹ về biểu diễn nên hay rủ mấy đứa bạn đi bộ đến khu lưu trú của công nhân để xem, vui lắm”. Tôi quay qua chị H: “thế sao chị không đi bộ như T đi xem văn nghệ cho vui?”, chị H cười: “đi bộ thì làm biếng lắm, đi làm mệt chẳng muốn đi đâu chỉ muốn ở nhà thôi” và chị cũng nói thêm “công đoàn tổ chức các hoạt động văn nghệ, người ta tham gia thì người ta thấy công đoàn mang lại lợi ích cho họ, còn chị không tham gia nên cũng không thấy lợi ích gì, mà cũng chưa có gì quá đáng xâm phạm đến lợi ích, quyền lợi của chị”…

T đi vào nhà chị H chơi với con gái chị H.

Tôi được biết, ở quê chị Htham gia hoạt động Đoàn khá thường xuyên nhưng vô TP.HCM làm công nhân chị lại hầu như không tham gia hoạt động Đoàn vì nhiều lý do khác nhau, một trong những lý do mà chị cho tôi biết là “ở quê cũng tham gia hoạt động Đoàn tương đối sôi nổi nhưng vào đây nhiều khi cũng muốn tham gia hoạt động này kia cho vui nhưng thấy nhiều người giỏi hơn mình, họ giỏi thì họ làm tốt hơn, chứ mình dốt”.

Cũng tại vì cái sự “dốt”mà chị tự nhận xét, đánh giá về bản thân mình đã làm cho chị mất đi một số cơ hội để thăng tiến bản thân và nếu may mắn thì chị có thể thoát khỏi cảnh sống cực khổ của người công nhân khi chị đã có tay nghề cao khi mà công ty có chủ trương mở trường Cao đẳng để đào tạo thành các công nhân có tay nghề cao dành cho những công nhân đã có bằng phổ thông trung học, và tất nhiên là có khâu thì tuyển đầu vào nhưng ở mức độ không phải là quá khó… tuy nhiên cũng vì nghĩ mình “dốt” nên chị H đã bỏ qua cơ hội này “có lẽ mình dốt, không thông minh bằng người ta nên mình cũng ít khi tham gia các hoạt động. Công ty có tổ chức học văn hóa, mở trường Cao đẳng để đào tào công nhân lên làm quản lý, cũng tổ chức thì đầu vào, thi giống như là “rồng vàng” hay như các chương trình trên ti vi đó. Lúc đầu cũng đăng ký thi nhưng về sau thì không thi vì nghĩ mình dốt, không thể theo học … với lại trong công ty có mấy người đi học lớp trước họ cũng nghỉ nhiều vì đi làm mà muốn đi học thì ngày chỉ làm 8 tiếng để tối về đi học, không tăng ca nên không có nhiều lương nên họ cũng nghỉ học nhiều để tăng ca, có thêm tiền”. Nghe chị nói tôi thấy một cảm giác gì đó, không thể định hình và gọi tên, tôi nhận thấy tôi đã hiểu phần nào tại sao những người công nhân không thể tiến lên được…

Tôi hỏi chị cảm nhận như thế nào về cuộc sống của chị vì ngày nào chị cũng lặp lại những công việc dường như đã “lập trình sẵn”: đi làm – về nhà – ăn, uống, ngủ nghỉ – đi làm. Chị cười: “nhiều khi đi làm về rồi ăn, ngủ ngày nào cũng như vậy, cũng thấy nhàm chán, muốn thay đổi được cũng khó. Nhiều khi do môi trường tác động mà hình như do bản thân mình nhiều hơn. Mình không thích một cuộc sống quá ồn ào”.

Theo như lời chị nói thì có thể thấy nguyên nhân khiến chị không hứng thú với các hoạt động tập thể phần lớn là xuất phát từ bản thân, cụ thể là xuất phát từ tính cách của chị hơn là các nguyên nhân khách quan: đi làm mệt, hay không có nhiều thời gian để tham gia. Qua những lời nói của chị tôi cảm nhận chị là người sống khép kín, cuộc sống của chị đơn giản trong các mối quan hệ ở công ty rồi những quan hệ ruột thịt với các em ở phòng trọ. Càng khẳng định nhận định của tôi hơn khi chị nói: “mình cũng ít bạn lắm, ở quê thì nhiều, ở trong này chơi với nhau chủ yếu là xã giao thôi, ở đây nhiều người người ta chơi thì chơi ngoài mặt vậy thôi, chứ trong lòng người ta ai biết nghĩ gì, người ta sống theo kiểu bằng mặt mà không bằng lòng, trước mắt thì tươi cười, sau lưng lại nói xấu nhau vì công việc, vì cái gì đó để lên lương. Nói chuyện với những đứa ở quê mới vô nó thoải mái hơn, dù gì thì nó cũng chưa nếm “mùi đời” nhiều chưa “cáo” như những đứa sống ở đây lâu. Ai cũng tự bảo vệ mình vì sợ người khác tấn công, làm điều không tốt đối với mình nên chẳng có ai cởi mở thật lòng hết. Mình cũng có bạn thân nhưng cũng không phải là cái gì cũng nói, nó cũng tự bảo vệ ghê lắm (cười)”. Như lời chị nói thì chính chị cũng đang “tự bảo vệ” mình trước mọi người vì thế nên chị không thích tiếp xúc, quan hệ bạn bè với nhiều người chăng?

Hỏi chị về việc có nên thành lập một hội công nhân không thì chị ủng hộ cho sự ra đời một hội dành cho công nhân vì theo chị thì “khi công nhân có thắc mắc gì thì có thể giải đáp được, chứ như ở Công đoàn thì khi công nhân thắc mắc họ giải quyết theo kiểu “hứa, hứa” mà chẳng thấy thực hiện hay là chỉ giải thích qua loa cho công nhân, nghe mà không phục nhưng biết làm sao được vì không thể chống lại được”. Để hội công nhân hoạt động có hiệu quả thì “tự công nhân bầu ra những người có khả năng mà có thể bảo vệ quyền lợi cho công nhân, để tổ chức các hoạt động phong trào cho công nhân tham gia”.

Đang nói chuyện với chị H thì chị nói chị có việc phải đi bây giờ, chút nữa chị về sẽ nói chuyện tiếp và chị gợi ý tôi qua phòng trọ kế bên phòng trọ của chị để trò chuyện với chị H.

Tôi qua phòng trọ chị X. Đó là phòng trọ của hai vợ chồng anh N, chị X là vợ anh N. Chị đang nấu cơm trưa cho hai mẹ con vì chồng chị hôm nay chủ nhật cũng phải đi làm, nghe đâu khoảng 4 giờ anh mới về. Gặp tôi chị đã vồn vã hỏi chuyện.Điểm nhấn trong cái cảm giác của tôi khi gặp chị X, đó là một người phụ nữ trạc 30 tuổi (sau này được biết chị X 27 tuổi), giọng nói còn “đặc sệt” tiếng Quảng Nam mặc dù chị theo gia đình vào Đắc Lắc sinh sống đã lâu. Chị rất thân thiện và dễ gần, và đặc biệt là chị rất hay nói (một từ dân dã mà người ta thường dùng là “nhiều chuyện”, là “bà tám”). Nhưng tôi lại rất thích cách nói chuyện thẳng thắn của người phụ nữ này. Nhờ sự thẳng thắn của chị mà tôi biết được thêm nhiều thông tin mới mẻ.

Tôi mở đầu câu chuyện bằng câu hỏi về việc tham gia hoạt động Đoàn lúc chị còn ở quê, sau khi trình bày cho chị biết mục đích đến đây của tôi. Chị lắc đầu: “hồi ở nhà chị ít tham gia hoạt động Đoàn lắm, vì anh của chị có quản lý một hội chợ bêđê, chị theo anh chị đi nhiều nơi lắm, Nha Trang nè, Đà Nẵng nè, chị đi nhiều nên cũng biết nhiều”.

Tôi lại hỏi chị mục đích tham gia vào Công đoàn của chị, chị nói rằng: “tham gia công đoàn nghe người ta nói có những lợi ích này kia, nên cũng tham gia nhưng công ty chị bắt buộc ai cũng phải vô Công đoàn, hồi trước nộp phí 5000 1 tháng, bây giờ tăng lên 10.000, tăng cho cố mà có thấy đem lại lợi ích gì cho công nhân đâu (lúc này chị có vẻ rất bức xúc). Hôm bữa, em có nghe nói đình công không? Công nhân đình công 2 ngày, đến giờ cơm công nhân đứng dậy hết không ăn cơm, em thử coi, nghe đâu một phần cơm là 5000, 6000 gì đó, 1 bàn 6 người ngồi, chỉ có 1 đĩa trứng mấy quả, 1 tô canh nước không hà, 1 đĩa rau muống. Ai mà ăn cho nổi. Công đoàn nó cũng nói là sẽ chỉnh sửa, cả tháng nay có thấy gì đâu, vẫn như cũ”. Sự bức xúc của chị vẫn chưa dịu hẳn khi chị nói tiếp “công ty này tệ lắm, chẳng có trợ cấp gì hết, tăng ca còn kiếm thêm ít tiền, còn giờ thì ít tăng ca. Rồi chuyện công nhân đình công mà ban giám đốc nói là công nhân cần công ty chứ công ty không cần công nhân, sau đó phải xin lỗi thì người ta mới dịu đó”.

Thấy chị có vẻ bất mãn với công ty công ty đang làm (chị không làm công ty Nissei), tôi hỏi chị sao chị không chuyển công ty khác. Câu trả lời của chị cũng tương tự như những câu trả lời mà tôi đã gặp ở nhiều công nhân trước đó, đó là công ty nào cũng có mức lương như nhau, có thêm thì cũng chỉ một ít không đáng kể, hơn nữa, làm công việc ở công ty này đã quen rồi, giờ chuyển công ty khác lại phải “làm lại từ đầu” nên cũng rất ngại. Những bước cản này đã vô hình giữ chân người công nhân ở lại làm cho một công ty nào đó trong thời gian dài mà họ không biết rằng có những công ty khác, với những chế độ lương, chế độ ưu đãi, hưởng lợi khác nhau và có thể có lợi và phù hợp với họ hơn.

Chị nói về những sự khó khăn mà gia đình nhỏ của chị đang phải đối mặt, và với đồng lương còm cõi của hai vợ chồng làm công nhân thì càng trở nên nặng gánh hơn khi họ đang nuôi thêm một đứa con con gái nhỏ (2 tuổi). Chị tâm sự “làm nhiều mà chẳng dư được đồng nào, lo cho con bé này (chị chỉ vào đứa bé đang bế trên tay) cũng gần 1 triệu, 1 tháng rồi, tiền nhà trẻ là 450.000, tiền ăn cho nó nữa, nó đâu phải ăn như mình, phải mua tôm, thịt, trái cây cho nó ăn, rồi uống sữa nữa. Một ngày chủ nhật một mình nó là phải hết đến 15000 ngàn rồi (những ngày khác gởi bé đi nhà trẻ). Chị đang bàn với anh N làm vài tháng rồi về quê luôn, ở đây đắt đỏ quá, mà ổng thì ổng không muốn làm nông nên mỗi lần nói là ổng lại nói để ổng ráng làm vài ba tháng nữa xem sao rồi tính tiếp”.

Qua cách nói chuyện của chị thấy cuộc sống của vợ chồng anh chị cũng khó khăn, trong thời buổi giá cả leo thang nhưng lương của hai vợ chồng một tháng chưa đến 3 triệu, lại phải lo cho con nhỏ. Nhưng nhìn trên tay chị có mang mấy chiếc nhẫn vàng tôi cũng hơi ái ngại không biết nhận định của mình có đúng không. Tôi thấy đây là điều tế nhị nên tôi cũng không hỏi sâu vào cuộc sống của gia đình chị. Nhưng trong cuộc nói chuyện với tôi chị nói cho tôi biết tại sao chị lại có những chiếc nhẫn vàng đó, mặc dù tôi không hỏi tới “em đừng thấy mấy cái này (chỉ vô 3 cái nhẫn chị đang mang ở tay) mà nghĩ chị giàu, không có đâu, hồi chị sinh con bé được 1 tháng thì bên nội gởi vô mừng nó gần 10 triệu, mà giờ còn từng này thôi đó, đâu dám xài nhiều, sau này về ông bà hỏi thì biết nói làm sao, sợ ông bà nghĩ mình ở đây ăn xài phung phí”. Cuối cùng thì điều nghi vấn trong tôi cũng đã được giải đáp. Thì ra là vậy.

Ý định về quê của chị cũng được sự ủng hộ của gia đình nhà chồng, vấn đề bây gìờ theo chị nói là chỉ còn chờ vào là sự quyết định của vợ chồng chị thì mọi chuyện sẽ được giải quyết. Hai vợ chồng chị sẽ được sự giúp đỡ của cha mẹ chồng vì “đằng nội cũng khá, ông bà có vô đây, nhìn thấy cảnh sống chật vật quá, cái chi cũng tiền, ngay cả nước cũng phải có tiền mới có, ông bà cũng muốn mình về quê sống”.

Tôi hỏi chị đã suy nghĩ sẽ làm gì khi về quê không? Chị cũng băn khoăn khi cho biết, có lẽ chị sẽ mở một cái tạp hóa hoặc là một tiệm bán vải hay hàng hóa gì đó, nhưng có vẻ chị cũng không hớng thú lắm,vì chị đưa ra dẫn chứng là chị có một người bạn cũng bán mấy thứ mỹ phẩm mà cũng không ai mua, rất ế ẩm, nếu bán tạp hóa thì địa hình không thuận lợi vì nhà chồng chị ở trong hẻm chứ không phải ở mặt lộ. Dường như chị có ý định muốn về quê mở một tiệm cắt, uốn tóc, … nhưng trở ngại của chị bây giờ là không có tiền, không có thời gian để đi học nghề. Tôi hỏi “vậy anh N sẽ làm gì khi về quê hả chị?”. Tôi nhìn thấy sự do dự trong mắt chị, chị từ tốn “thì cũng tính là ảnh đi học sửa xe nhưng mà học phí đắt quá, rồi đi làm cả tuần đâu có thời gian mà học, cũng chưa biết phải tính như thế nào nữa?”. Tôi cảm nhận sự bất lực trong đôi mắt của chị khi nghĩ đến tương lai.

Trải qua một thời gian nói chuyện với chị tôi biết thêm được những nỗi lo, nỗi trăn trở của một phụ nữ đã lập gia đình với gánh nặng con cái, cơm áo, gạo tiền nhiều hơn so với những phụ nữ còn độc thân. Nhưng trong tính cách của chị có một cái gì đó sôi nổi như ấn tượng của tôi ban đầu về chị. Khi tôi đặt câu hỏi cho chị về cuộc sống công nhân lâu dài hay chỉ là tạm bợ. Chị nói rằng đó chỉ là cuộc sống ngắn ngủi mà thôi, không thể sống mãi với đồng lương công nhân, làm một thời gian rồi cũng phải về quê thôi. Tôi lại hỏi chị về lý do chị không tham gia các hoạt động tập thể, phải chăng là vì chị nghĩ cuộc sống công nhân chỉ là tạm bợ nên không muốn tham gia? “không phải vì cuộc sống tạm bợ mà không muốn tham gia các hoạt động tập thể mà là vì không có thời gian, suốt ngày đi làm rồi về nhà chăm sóc con cái cũng hết giờ rồi, nó quậy lắm, mình cũng không biết có hoạt động nào để tham gia, hồi chưa lấy chồng thì ngày nghỉ toàn là ngủ nướng, chứ không tham gia. Bây giờ cũng muốn có hoạt động gì đó để tham gia cho nó vui nhưng không thấy có hoạt động nào” – chị bộc bạch.

Tôi hỏi ý kiến chị về việc thành lập một hội công nhân, thì chị không đồng ý với ý tưởng đó “thành lập tổ chức cho công nhân thì không nên, mà cũng chẳng ai dám đứng ra để thành lập. Trong công ty, muốn biểu tình thì phải liên lạc với nhiều người, mặc dù là chuyện kín vẫn đến được tai của Ban giám đốc và nếu biết ai khởi xướng thì sẽ bị đuổi việc, người ta đang làm việc thì không ai lại muốn bị nghỉ việc hết. Vừa rồi ở công ty anh N có một ông, ổng không phải là người kích động biểu tình, ổng đặt tờ báo lên bàn sao đó mà camera quay lại Ban giám đốc hiểu lầm là kích động biểu tình, ổng bị đuổi việc”.

Những câu chuyện của chị kể mặc dù chỉ là một phần nhỏ trong cuộc sống bon chen kiếm từng đồng tiền của một người làm công nhân đã cho tôi thấu hiểu nhiều vấn đề về cuộc sống của người công nhân.
Đang nói chuyện với chị X thì chị H gọi tôi qua phòng chị ăn trái cây. Lúc này bé gái con chị X đang khóc, bắt mẹ làm đủ điều mà không chịu nín. Thấy vậy nên tôi cũng xin phép chị để qua phòng chị H, chị cười và nói “qua đó chơi một chút đi, rồi chút nữa qua ăn cơm với mẹ con chị cho vui, anh N đi làm chiều mới về”.
Qua những lời trao đổi của những người trong phòng chị H tôi biết là chị H với chồng vừa đi mua một cái bếp ga lớn, mọi người trong phòng có vẻ rất vui về điều đó. Ai cũng xoắn xít lại nhìn cái bếp ga. Anh N (chồng chị H) mua mấy chai bia hơi và khô mực, cùng một ít trái cây với hình thức là “rửa” bếp ga mới. Thế là vô tình tôi lại được tham gia vào cuộc “ăn nhậu” của họ. Lúc tôi vào thì mọi người đang xem ti vi, nhìn kỹ thì mọi người đnag xem lại đoạn băng quay đám cưới của chị Hvà anh N. Xem những cách thức, những hình ảnh, kiểu tổ chức trong đám cưới, tôi thấy đám cưới anh chị được chuẩn bị khá kỹ lưỡng và chu đáo. Nhờ xem đoạn băng mà tôi biết được những cách thức tổ chức đám cưới kiểu mới của một số đôi tân hôn ngày nay, và kiểu tổ chức này đang trở nên thịnh hành trong giới công nhân. Đó là trước ngày cưới đôi tân hôn sẽ được tiệm cho thuê áo cưới kiêm quay phim chọn một địa điểm để quay phim, gọi là quay ngoại cảnh, thường là chọn Bình Quới. Những hình ảnh lãng mạn của đôi tân hôn được quay phim và chụp hình với khung cảnh thiên nhiên khá đẹp mắt, chi phí cho toàn bộ khâu này là 1,5 triệu. Mấy ngày sau, đôi tân hôn sẽ tổ chức đám cưới ở một nhà hàng nào đó thuộc khu vực Sóng Thần, đây là khu vực tập trung rất nhiều nhà hàng với những chi phí tổ chức đám cưới phù hợp với túi tiền của công nhân.

Ngoài trời mưa đang rì rào. Mọi người vừa xem video đám cưới vừa “nhậu” và trò chuyện rôm rả. Mọi người trong phòng đều tỏ ra rất thân thiện với tôi, vì thế tôi cũng bớt đi cảm giác của một “vị khách không mời mà tới”. Bất chợt tôi nhìn lên trên tường nhà, thấy có một tấm huy chương, tôi hỏi thì được mọi người trong phòng cho biết đó là huy chương bóng đá nữ của chị H. Tôi ngạc nhiên vì điều đó, nhìn chị thì chị chỉ cười mà không nói gì. Hóa ra, chị cũng có “máu me” với thể thao lắm đó chứ. Văn nghệ thì không thích nhưng lại rất kết thể thao, lại bóng đá nữa chứ. Kể cũng hay thật

Sau khi bàn nhậu được dọn dẹp xong xuôi thì một “màn tiệc” thứ hai bắt đầu khai trương, một màn “tra tấn nhau” bắt đầu khi anh T khởi xướng việc mọi người cùng hát karaoke. Tôi không tham gia, bởi vì giọng hát quá ẹc không dám “rống” (híc híc). Trong khi mọi người đang bận rộn hát karaoke thì tôi lại “cặp kè” với A mà sau này tôi biết A là em gái của chị H. Đó là một cô gái sắc sảo cả về hình thức và suy nghĩ. Mặc dù nhỏ hơn tôi một tuổi (A sinh năm 1987) nhưng trong cách nói chuyện của A lại mang hơi hướng triết lý, dạn dĩ và suy nghĩ sâu sắc hơn hẳn chị H. Tôi hỏi A về việc tham gia hoạt động Đoàn ở quê như thế nào, thì được A cho biết: “em tham gia họat động Đoàn ở quê cũng nhiều lắm, khi đi học thì tham gia ở trường, hè thì tham gia ở địa phương. Vô đây, đi làm không có thời gian để tham gia các họat động khác, hồi đó, đi học còn rảnh nhiều, còn giờ đi làm thì khác, không có thời gian, lo lắng nhiều thứ nữa”. Ngoài những giờ làm việc vất vả, A và các bạn trong công ty cũng có những thú vui riêng rất công nhân “em và mấy đứa bạn trong chuyền cũng hay đi ăn chè với nhau, công nhân mà, làm gì có nhiều tiền để đi chơi đây đó. Vui lắm”.

Cũng như những người khác, A cũng có những trăn trở với thân phận một người làm công nhân, khi mà tự bản thân A ý thức được vị trí của mình trong xã hội. Nhưng cái suy nghĩ của A sâu sắc hơn người khác ở chỗ: “làm công nhân là mình không làm chủ được cuộc sống của mình, giống như chị vậy, khi chị ra trường, chị đi làm cho người ta cũng không khác gì công nhân, chỉ chừng nào mình học được cái nghề như uốn tóc, trang điểm gì đó thì mình mới làm chủ được cuộc sống, không lệ thuộc người khác”. Nghe A nói thì tôi cũng … hơi tự ái, nhưng mà nghĩ lại thì đúng là vậy thật, có chăng tôi khác với Huyền ở chỗ lao động “làm thuê cấp cao” mà thôi.

A cũng cho biết thêm “không phải vì công nhân là tạm bợ nên không tham gia hoạt động tập thể, mình sống là phải có mục đích, tức là cái gì có lợi cho mình thì mình làm. Tạm bợ thì tạm bợ nhưng cũng phải xác định rõ ràng, tham gia sinh hoạt cũng học hỏi được nhiều điều, quen nhiều người mới, hiểu biết thêm nữa chứ đâu có thiệt gì… nếu giờ có một tổ chức tập thể phải đóng phí thì em cũng sẽ tham gia, tham gia cái này mình tự tin hơn, trưởng thành hơn”.

Tôi hỏi A: “Em có định là công nhân lâu dài không?” thì A cho biết những dự tính trong tương lai của em là “em cũng định tính dành một năm để ôn thi rồi thi đại học nhưng không biết điều đó có thành sự thực hay không, em chưa xác định khi nào sẽ thi”. Tôi cũng hy vọng dự định của A sẽ sớm thành hiện thực.

… Vì mọi người trong phòng đang hát karaoke rất lớn nên cuộc nói chuyện giữa tôi và A nhiều lúc bị đứt đoạn vì “ tiếng hát át tiếng nói”… lúc này mưa cũng đã tạnh nên tôi xin phép mọi người ra về, vì tôi còn phải đến khu phố 4 nữa. Chị H và A tiễn tôi ra cửa, nói: “khi nào rảnh thì xuống đây chơi cho vui, làm một bữa “nhậu” nữa nha”. Tôi cười, chào tạm biệt mọi người trong phòng và hẹn ngày gặp lại.

Tôi đến khu phố 4 lúc này trời cũng đã chập choạng tối vì tôi hẹn với chị Ng sẽ gặp chị lúc 5 giờ vì trước đó chị phải đi đám cưới một người bà con ở quận 7. Con đường dẫn đến khu phố 4 ướt át vì cơn mưa lớn vừa mới dứt. Hôm nay trời mưa 3,4 lần khiến cho đường xá không được sạch sẽ lắm, tôi đi bộ khoảng 15 phút thì đến được nhà chị Ng. Thấy tôi đến câu đầu tiên chị nói với tôi là: “chị tưởng không đến, thấy cũng tối rồi mà không thấy đến, hôm nay trời mưa quá chị không đi đám cưới được”. Chị đang ngồi lặt rau muống để chuẩn bị bữa tối cho gia đình, tôi cũng ngồi xuống phụ chị một tay, tiện thể tôi cũng nói chuyện luôn, tôi khen rau muống ngon, thì chị nói, công nhân thường hay ăn rau muống, dễ ăn, mà lại rẻ, chị ngỏ ý mua cho tôi một bó rau muống nhưng tôi từ chối. Đang ngồi nói chuyện thì giọng của chị chuyển “tông” nghe có vẻ rất quan trọng, chị kể là “mới đây có một con bé bị đuổi việc, nghe mấy đứa nói nhỏ đó là nhà báo, trà trộn vào công ty làm việc để tìm kiếm tin tức, vừa rồi có bài báo về cơm công nhân được đăng lên, thế là … mà bị đuổi việc không biết sao người ta lại biết được. Hay thật. Nhờ vậy mà người ta cũng thay đổi bữa cơm cho công nhân”. Thì ra là chuyện này, nghe cũng hấp dẫn thật, chị còn nói nhỏ với tôi “nếu có lên báo thì cũng viết sơ sơ thôi”, hóa ra chị đang lo lắng tôi sẽ đi tìm hiểu thông tin về công ty và sẽ đăng tải lên báo. Và thế là, tôi lại phải giải thích cặn kẽ một lần nữa (trước đó tôi đã giải thích) cho chị nắm bắt rõ ràng để không hiểu lầm tôi.

Thực sự thì chị cũng rất bức xúc với công đoàn của công ty khi chị bộc bạch: “công đoàn chẳng mang lại quyền lợi gì nhiều cho công nhân, bọn chúng cũng ăn rơ với nhau hết rồi, thì chúng cũng ăn lương của công ty mà”.

Chị cũng chia sẻ cho tôi biết những dự định trong tương lai của chị: “chị tính làm hết năm nay rồi đổi công ty”. Tôi ngạc nhiên hỏi lại chị: “sao hôm bữa chị nói với em là chị làm lâu dài công ty này mà?”, chị cười: “ừ, hồi bữa là chưa thi tay nghề nên chị nói vậy, hôm rồi mới thi tay nghề ở công ty khác, may hàng mẫu nhưng bị sai mẫu một cái túi xách nên không được nhận làm ở mức có tay nghề mà chỉ là học việc, lương chỉ khoảng 1,1 triệu, ít hơn lương ở công ty hiện tại, nên chị rút lại đơn xin nghỉ việc, mà chúng cũng không muốn chị nghỉ việc nên lần lữa chưa ký. Cuối năm đợi nhận hết các khoản phụ cấp là chị nghỉ công ty này tìm công ty khác, làm công ty này lương bèo quá, ngày nào cũng tăng ca tới 9h mới về, chịu không nổi”.

Tôi xoay chuyển câu chuyện sang hướng khác, tôi hỏi chị về những hoạt động tập thể mà chị đã từng tham gia “hồi ở quê chị cũng tham gia ca đoàn, anh kia anh chỉ sơ sơ về nhạc, nên cũng có dạy hát cho mấy đứa trong ca đoàn, hát không hay nhưng cũng được, tham gia thấy nó vui. Bây giờ ở xứ người ta cũng kêu gọi mình tham gia nhưng không có thời gian để tham gia, nhiều lúc nói với ông xã hay là tham gia ca đoàn, anh nói thời gian đâu mà đi tập hát ca đoàn, tối nào cũng đi làm tới khuya mới về”. Tôi dò hỏi chị: “nếu có điều kiện để tham gia, chị thích tham gia họat động nào”, chị trả lời không do dự: “nếu mà tham gia đựợc chị thích tham gia ca đoàn, hội các bà mẹ. Ở địa phương thì cũng tham gia bên Hội phụ nữ đi làm thì mình báo cáo với họ, họ cũng quan tâm tới gia đình chị lắm, gia đình chị là gia đình văn hóa, họ cũng nhiều lần đề nghị hỗ trợ tiền để xây nhà nhưng anh chị chưa có tiền để xây nhà, sợ làm công nhân không có tiền để trả cho họ, con cái lại hai đứa đang đi học”. Chị cũng đưa ra những nhận xét khi tham gia các hoạt động tập thể, cho thấy chị đã thấy được những ưu điểm của các hoạt động tập thể “tham gia hoạt động nhiều thì vui, tốt cho mình, quen biết nhiều người, đặc biệt là những người với những công việc khác nhau thì mình học hỏi được nhiều thứ”. Khi đề cập đến nguyên nhân tại sao không tham gia các hoạt động tập thể mặc dù ý thức được những cái lợi mà nó mang lại, chị giải thích: “ở quê chỉ đi làm buổi ngày, tối về không đi nhà thờ thì đi đâu, còn trong này đi làm cả tuần, chỉ rảnh được ngày chủ nhật, đi được mỗi lễ ngày chủ nhật, còn lại chẳng tham gia được cái gì cả.

Lần trước gặp chị, tôi được biết chị không chơi hụi, nên tôi hỏi nguyên nhân tại sao mà có nhiều người chơi hụi, góp tiền để làm chuyện lớn còn chị thì không “chơi hụi không dám chơi, sợ người ta giựt, có tiền thì để dành, chơi hụi kiểu đó thì nguy lắm”.

Đang nói chuyện với chị thì cháu của chị vào hỏi mượn áo mưa để đi lễ. Sau một lúc nói chuyện với cháu xong, thì người cháu đó đi lễ. Chị quay qua tôi hỏi: “có muốn nói chuyện với P không? P mà lần trước em đến mấy lần không gặp đó, lúc nãy chị vừa gặp nó mới đi làm về”. Tôi gật đầu đồng ý. Chị đi qua phòng trọ của chị P để gọi chị P đến gặp tôi (tôi đang ngồi ở nhà chị Ng). Lúc sau chị Ng nói tôi là chờ chị P một chút vì chị ấy đang tắm. Trong lúc tôi ngồi đợi chị P thì chị Ng đi nấu cơm. Khoảng 15 phút sau, một phụ nữ bước vào nhà chị Ng và tôi được chị Ng giới thiệu đó là chị P. Tôi cũng thoáng ngạc nhiên vì không nghĩ chị P lại trẻ như vậy mà còn xinh nữa và càng ngạc nhiên hơn chị đã có một đứa con gái 4 tuổi, trong khi chị chỉ mới 26 tuổi. Chị rất vui vẻ trò chuyện với tôi, với lối nói chuyện sâu sắc chị tạo cho tôi nhiều cảm giác thú vị và hứng thú khi nói chuyện với chị. Trong câu chuyện của chị lại làm cho tôi một lần nữa ngạc nhiên khi chị cho biết chị đang theo học hệ tại chức của trường đại học Nông Lâm, ngành kế toán. Từ khi đặt chân xuống địa bàn này để thực hiện nghiên cứu đề tài đây là lần đầu tiên tôi gặp một công nhân vừa đi học, vừa đi làm như chị. Tôi rất ngưỡng mộ chị vì điều đó. Chị giải thích nguyên nhân tại sao chị đi học lại “thấy cuộc sống công nhân cực khổ quá nên đi học để kiếm một công việc ổn định hơn chứ công nhân lương thấp quá …mình học hết lớp 12 mà không được học tiếp thì thấy khựng lại sao ấy, đi học thì tương lai mới tốt được, làm công nhân thấy khổ quá nên mình mới có động lực để đi học, trong công ty nghe mình nói ai cũng phục (cười)”.

Tôi hỏi chị về công đoàn của công ty mà chị đang làm việc “công đòan của công ty này cũng mạnh lắm tốt hơn mấy công ty khác, trước đây chị cũng làm ba công ty nữa nhưng chưa thấy công đòan nào mạnh bằng công đoàn của công ty này, họ cũng quan tâm đến công nhân nhiều lắm, mấy dịp lễ cũng có quà, rồi tổ chức đi du lịch, ăn uống của công nhân cũng quan tâm lắm, công ty cũng phát phiếu thăm dò về vấn đề ăn uống rồi họ cũng sửa đổi, cải thiện bữa ăn cho công nhân chứ không phải như mấy công ty khác thăm dò cho có. Nhưng mà dạo gần đây hoạt động của công đoàn cũng yếu hơn vì thay giám đốc mới, giám đốc cũ cho công đoàn nhiều ưu tiên hơn, còn giám đốc mới thì khó hơn, công đoàn cũng không thể yêu cầu gì nhiều, nghe nói năm nay đi du lịch cũng là do bên văn phòng tổ chức chứ không phải là công đoàn như mọi năm”.

Biết được công đoàn công ty chị tổ chức nhiều hoạt động cho công nhân, tôi hỏi chị về mức độ tham gia của chị vào các hoạt động đó “hồi chưa lấy chồng, công đòan tổ chức đá bóng hay văn nghệ cũng hay đi xem lắm nhưng giờ đi làm rồi đi học, con cái không có thời gian để tham gia, không được tham gia cũng thấy như là mất một cái quyền gì đó, thấy nó cũng buồn, nhiều lúc thấy mấy đứa bạn đi xem bóng đá, văn nghệ mình cũng buồn lắm nhưng về nhà chơi với con lại thấy vui…mỗi lần tham gia xem bóng đá, văn nghệ mình cảm thấy vui, đi chơi với bạn bè, gặp được nhiều người nên làm cho tinh thần mình hưng phấn hơn chứ ở nhà hoài thì chán lắm” điều đó cho thấy chị yêu thích các hoạt động tập thể không chỉ ở đây chị mới tham gia mà lúc còn ở quê chị cũng sôi nổi với phong trào Đoàn “lúc còn ở quê cũng tham gia hoạt động Đoàn nhiều lắm, nó vui, mà hồi đó chị học cũng khá lắm, học 12 xong cũng có thi đại học nhưng do gia đình không đủ điều kiện để đi học nên phải vô đây làm công nhân, làm được mấy năm thì lấy chồng, rồi có con”. Thấy vậy, tôi liền hỏi chị “nếu có thể tham gia thì chị thích tham gia hoạt động nào?”, chị bộc bạch “nếu mà có thời gian thì chị thích tham gia hoạt động giao lưu kiến thức như các chương trình trên ti vi đó. Hồi xưa, mỗi lần giao lưu như vậy nhiều tên của diễn viên, ca sĩ chị đều biết còn bây giờ lâu rồi không tham gia nên cũng quên hết. Giao lưu vậy mình học hỏi được nhiều thứ, chứ đi làm nhiều quá đâu có thời gian, tối đi làm về là 10h rồi, thời gian đâu mà xem ti vi để biết về tin tức, hỏi chủ tịch nước là ai chắc cũng không biết. Thiệt thòi nhiều thứ lắm. Nhiều khi do không nắm bắt tin tức, không biết các vấn đề xã hội nên thành ra công nhân cũng có tính an phận, họ chấp nhận cuộc sống như vậy mặc dù có nhiều vấn đề không như họ mong muốn nhưng họ cũng không muốn đấu tranh để giành lại quyền lợi cho mình… thấy mình không nắm bắt được những kiến thức cơ bản thấy cũng lạc lõng, tin tức xã hội hầu như bây giờ mình mù tịt luôn”.

Tôi hỏi chị về sự ra đời một tổ chức dành riêng cho công nhân, chị gật đầu tỏ vẻ đồng ý “nếu có một tổ chức công nhân bảo vệ quyền lợi cho công nhân thì chị tham gia. Quan trọng là phải tìm ra người lãnh đạo có đủ khả năng, sáng suốt để bảo vệ quyền lợi cho công nhân, chị thấy cũng khó tìm được người lãnh đạo thích hợp vì công nhân là giai cấp thuộc tầng lớp thấp nên cũng hiếm người có tài lãnh đạo, còn như sinh viên thuộc tầng lớp trí thức thì khác, sự phân biệt tầng lớp bây giờ ghê lắm, công nhân mà lãnh đạo công nhân thì khó lắm, ngày xưa chỉ có K.Marx là người thiên tài mới làm được điều đó thôi”. “nếu thành lập hội công nhân thì giả sử chị đứng ở vị trí lãnh đạo thì chị sẽ tổ chức cho hội công nhân hoạt động như thế nào?” chị ngẫm nghĩ “… nhưng mà nếu thành lập hội công nhân thì thứ nhất là phải cho công nhân hiểu biết Luật Lao động, thực ra trước khi làm việc tại công ty thì công ty cũng phát 1 quyển Luật lao động nhưng hầu hết là họ không đọc. Giống như hồi trước chị làm ở mấy công ty trước thì nếu có bầu từ tháng thứ 7 trở đi thì một ngày chỉ làm 7 tiếng mà ở công ty hiện tại thì không có, mình mới thắc mắc với công đoàn thì họ nói là họ sẽ xem và bây giờ đã có sửa đổi rồi. Người công nhân mà không nắm được luật thì họ không thể tự bảo vệ mình được. Thứ 2, là sẽ tìm hiểu các mức lương, ưu đãi, thời gian làm việc của các công ty khác nhau để so sánh và đưa ra hướng có lợi cho công nhân”.

Hỏi về việc chơi hụi thì được chị cho biết “chị không thích chơi hụi, ai biết nó giựt hồi nào, bây giờ khó tin người lắm em ơi. Trong công ty chị có mấy chị bị giựt hụi, hắn bỏ về quê rồi, mà đâu có biết nhà ở đâu mà tìm, mà có tìm được nhà ở quê thì cũng đâu có rảnh mà về lấy lại tiền. Họ thường chơi nhỏ nhỏ thôi, hai ba trăm cho vui, không dám chơi lớn. Chị chẳng quen ai ở đây nên không tin tưởng ai hết, có tiền thì cất chứ không chơi hụi”.

Chị trao đổi với tôi một số vấn đề về việc học tại chức của chị: cách dạy của thầy cô, cách ghi chép bài, ôn tập, làm bài thi… tôi cũng “truyền” cho chị những kinh nghiệm “xương máu” của tôi trong suốt gần 4 năm học vừa qua.

Đang nói chuyện rôm rả thì chồng chị qua gọi về ăn cơm. Thấy thời gian cũng muộn rồi nên tôi cũng chủ động chấm dứt cuộc nói chuyện với chị và cám ơn chị về sự hợp tác đó. Tôi cũng chào tạm biệt chị Ng và hẹn sẽ trở lại vào một ngày khác.

Ngoài trời đang mưa lất phất, tôi đi bộ ra đường lộ đón xe buýt. Kết thúc một ngày làm việc tại thực địa với rất nhiều thông tin thu thập được là một trong những tư liệu quan trọng cho đề tài và giúp tôi hiểu rõ hơn những tâm tư, suy nghĩ và cuộc sống của người công nhân trong cuộc mưu sinh tại TP.HCM.

Kim Liên

Những ghi chép về đời sống công nhân nằm trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu các loại hình và cách thức tập hợp thanh niên công nhân vào sinh hoạt tập thể tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tại Tp. HCM do PGS.TS. Nguyễn Đức Lộc làm chủ nhiệm đề tài. Đây là những trang nhật ký được tác giả ghi lại vào tháng 03/2008.

Tên nhân vật đã được thay đổi để đảm bảo sự riêng tư

Xem bài viết gốc tại: Nhật ký điền đã: chuyện về đời sống công nhân – phần 3

Đón đọc câu chuyện phần 4