Những doanh nghiệp nào không thành lập theo Luật Doanh nghiệp ? – Việt Luật – Chuyên Thành lập công ty & Đầu tư nước ngoài

Nhiều người vẫn nhầm tưởng rằng, tất cả những doanh nghiệp tại Việt Nam phải thành lập theo luật doanh nghiệp. Nhưng đó lại là quan điểm sai lầm, không phải doanh nghiệp nào khi thành lập cũng theo luật doanh nghiệp.

1. Công ty chứng khoán/công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán

Điều 70 Luật Chứng khoán 2019 quy định Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thẩm quyền cấp, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán cho công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam.

Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán được tổ chức và hoạt động theo Luật Chứng khoán 2019, cụ thể:

Theo Điều 72 Luật Chứng khoán 2019, công ty chứng khoán được thực hiện một, một số hoặc toàn bộ nghiệp vụ kinh doanh sau đây:

– Môi giới chứng khoán;

– Tự doanh chứng khoán;

– Bảo lãnh phát hành chứng khoán;

– Tư vấn đầu tư chứng khoán.

2. Doanh nghiệp đấu giá tài sản

Điều 23 Luật Đấu giá tài sản 2016, Doanh nghiệp đấu giá tài sản được thành lập, tổ chức và hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh theo quy định của Luật Đấu giá tài sản và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Văn phòng công chứng

Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Công chứng 2014 và các văn bản pháp luật liên quan.

Văn phòng công chứng được tổ chức theo loại hình công ty hợp danh, phải có từ hai công chứng viên hợp danh trở lên và không có thành viên góp vốn.

Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng công chứng là Trưởng Văn phòng. Trưởng Văn phòng công chứng phải là công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng và đã hành nghề công chứng từ 02 năm trở lên.

Tên gọi của Văn phòng công chứng phải bao gồm cụm từ “Văn phòng công chứng” kèm theo họ tên của Trưởng Văn phòng hoặc họ tên của một công chứng viên hợp danh khác của Văn phòng công chứng do các công chứng viên hợp danh thỏa thuận, không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề công chứng khác, không được vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Văn phòng công chứng sử dụng con dấu không có hình quốc huy. Văn phòng công chứng được khắc và sử dụng con dấu sau khi có quyết định cho phép thành lập.

4. Tổ chức hành nghề luật sư

Tổ chức hành nghề luật bao gồm: Văn phòng luật sư; Công ty luật.

Theo khoản 2 Điều 32 Luật Luật sư 2006 sửa đổi bổ sung bởi Luật luật sư sửa đổi 2012 Tổ chức hành nghề luật sư được tổ chức, hoạt động theo quy định của Luật luật sư và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Văn phòng luật sư được tổ chức theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Luật sư thành lập văn phòng luật sư là Trưởng văn phòng và phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi nghĩa vụ của văn phòng. Trưởng văn phòng là người đại diện theo pháp luật của văn phòng.

Công ty luật được tổ chức theo loại hình công ty hợp danh và công ty trách nhiệm hữu hạn. Công ty luật trách nhiệm hữu hạn bao gồm công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

Công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do ít nhất hai luật sư thành lập.

Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên do một luật sư thành lập và làm chủ sở hữu.

Các thành viên công ty luật hợp danh, công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thoả thuận cử một thành viên làm Giám đốc công ty. Luật sư làm chủ sở hữu công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên là Giám đốc công ty.

5. Văn phòng giám định tư pháp

Văn phòng giám định tư pháp là tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập, được thành lập trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật, bản quyền tác giả.

Theo khoản 1 Điều 16 Luật Giám định tư pháp 2012, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở hoạt động xem xét, quyết định cho phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp.

Văn phòng giám định tư pháp do 01 giám định viên tư pháp thành lập thì tổ chức theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Văn phòng giám định tư pháp do 02 giám định viên tư pháp thành lập trở lên thành lập thì được tổ chức theo loại hình công ty hợp danh. Đối với loại hình công ty hợp danh thì thành viên hợp danh phải là giám định viên tư pháp và có thể có thành viên góp vốn.

Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng giám định tư pháp là Trưởng văn phòng. Trưởng văn phòng giám định tư pháp phải là giám định viên tư pháp.

Thư Viện Pháp Luật.