Những điều cần biết khi đi nội soi dạ dày?

31-1437729028070

Đau dạ dày gây cho bệnh nhân cảm giác rất khó chịu, mệt mỏi. Không những thế nó còn ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống, sinh hoạt của người bệnh. Tuy nhiên, với những tiến bộ của y khoa hiện nay có rất nhiều phương pháp giúp phát hiện để điều trị bệnh kịp thời. Bài viết hôm nay chúng tôi xin giới thiệu cho các bạn phương pháp nội soi dạ dày và những điều cần biết trước khi nội soi dạ dày.

Bộ máy tiêu hóa đi từ miệng đến hậu môn đó là ống tiêu hóa, ngoài ống tiêu hóa còn có gan và tụy. Tụy nằm ngoài ống tiêu hóa nhưng các cơ quan này đổ các dịch tiêu hóa vào ống tiêu hóa chính vì vậy việc thăm khám các bệnh lý đường tiêu hóa rất phức tạp. Hiện nay với sự tiến bộ của y học phương pháp nội soi ra đời nên việc phát hiện và điều trị các bệnh về đường tiêu hóa trở lên đơn giản hơn rất nhiều.

Nội soi dạ dày là gì?

Nội soi dạ dày là một xét nghiệm được thực hiện để quan sát trực tiếp hình ảnh bên trong dạ dày – tá tràng thông qua một ống dài linh động, có nguồn đèn sáng và camera ở đầu. Ống nội soi được bác sĩ đưa vào miệng và họng của bệnh nhân, sau đó đi qua thực quản rồi xuống dạ dày, tá tràng (phần đầu của ruột non). Video camera trong ống nội soi sẽ truyền hình ảnh lên một màn hình Ti Vi.

Hiện nay có thêm phương pháp nội soi dạ dày mới là nội soi qua đường mũi. Phương pháp nội soi với ống nội soi khẩu kính nhỏ hơn ( đường kính 5,9mm)  được đưa qua mũi xuống vùng hầu họng để khảo sát thực quản, dạ dày đã giúp người bệnh có cảm giác dễ chịu hơn, không còn nổi lo sợ khi được bác sĩ chỉ định nội soi dạ dày.

Những ai cần phải thực hiện nội soi?

  • Những bệnh nhân thường xuyên có những triệu chứng như khó tiêu, ợ nóng, đau thượng vị, buồn nôn hoặc nôn, khó nuốt, nôn hay đi ngoài ra máu… Dựa vào kết quả nội soi, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán chính xác bệnh và tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất.
  • Ngay cả những bệnh nhân đã được chẩn đoán rõ về bệnh thì bệnh nhân cũng có thể được chỉ định nội soi dạ dày để tìm xem có nhiễm vi khuẩn hay tìm ung thư.
  • Sau quá trình điều trị bệnh nhân cũng cần nội soi lại để đánh giá kết quả.

Cần chuẩn bị gì trước khi nội soi dạ dày?

Những vấn đề cần chuẩn bị khi nội soi đường tiêu hóa nói chung và nội soi dạ dày nói riêng cần chú ý những điều sau:

  • Toàn bộ dạ dày phải sạch, không có thức ăn thì mới quan sát được vùng niên mạc dạ dày có bị tổn thương hay không. Vì vậy bệnh nhân cần phải nhịn ăn ít nhất 6 giờ trước khi đi nội soi dạ dày.
  • Không uống những loại nước có màu: coca cola, cafe, nước cam, sữa… nếu uống nước thì chỉ uống nước trắng thôi cho dễ quan sát vùng dạ dày.
  • Bệnh nhân không được uống các loại thuốc băng niên mạc dạ dày: Gastropulgit, Phosphalugel… trước khi làm nội soi.
  • Nếu có tiền sử bệnh tim mạch, hô hấp, bệnh thận hoặc dị ứng, cần trao đổi rõ với bác sĩ.
  • Nên thông báo cho bác sĩ các loại thuốc đang dùng.

Thủ thuật nội soi dạ dày

Nếu nội soi không gây mê là bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo trong quá trình gây mê và người bệnh sẽ không phải chịu những phản ứng của thuốc nhưng ngược lại sẽ cảm thấy khó chịu, đau đớn, nôn nao khi nội soi.

Trường hợp nội soi gây mê, bác sĩ tiêm một lượng thuốc vừa đủ vào tĩnh mạch trên cánh tay giúp bệnh nhân trải qua một giấc ngủ ngắn và không cảm thấy khó chịu trong quá trình nội soi. Theo đó, thiết bị theo dõi nhịp thở, huyết áp và nhịp tim cũng được gắn trên người bệnh nhân. Tuy nhiên, sau nội soi do phản ứng của thuốc mê, bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi hoặc chưa tỉnh táo hoàn toàn dưới tác dụng của thuốc gây mê. Một số thủ thuật nội soi dạ dày như:

Nội soi qua đường miệng

  • Bệnh nhân sẽ được uống một loại thuốc để loại bỏ dịch nhầy trên niêm mạc, sau đó được xịt thuốc tê nhẹ ở miệng để làm giảm cảm giác khó chịu khi đưa ống soi vào.
  • Bác sĩ đưa ống nội soi mềm từ hầu họng qua thực quản xuống dạ dày. Hình ảnh từ camera trên đầu thiết bị nội soi sẽ truyền tải về màn hình, bác sĩ dựa vào đó có thể theo dõi và đưa ra các chẩn đoán. Trong quá trình nội soi, bệnh nhân không nói được nhưng vẫn thở bình thường. Một số người có cảm giác khó chịu, nghẹn thở hoặc buồn nôn. Lúc này chỉ cần hít thật sâu, thở ra chậm rãi để làm giảm các triệu chứng.

Nội soi qua đường mũi

  • Bác sĩ nhỏ thuốc tê vào mũi để gây tê ở mũi và xịt thuốc tê vào miệng để gây tê cổ họng bệnh nhân.
  • Ống soi đã bôi thuốc gây tê được luồn qua mũi xuống phần sau của miệng, bệnh nhân được yêu cầu nuốt nhẹ xuống. Ống soi tiếp tục đi qua thực quản và xuống dạ dày, camera sẽ truyền hình ảnh đến màn hình bên ngoài, bác sĩ sẽ theo dõi, nếu phát hiện có bất thường, bác sĩ chụp lại để kiểm tra.

Xem chi tiết: Phương pháp nội soi dạ dày qua đường mũi

Những chú ý sau khi nội soi dạ dày

  • Sau nội soi, nếu bệnh nhân có sử dụng thuốc an thần sẽ được đưa đến phòng hồi sức để theo dõi nhịp thở, mạch, huyết áp. Khi đã ổn định, bệnh nhân sẽ trở lại phòng bệnh hoặc về nhà nếu ngoại trú. Lúc này bệnh nhân cần có nhà đưa về, không tự đi một mình.
  • Không nên ăn uống bất kỳ một thứ gì trong vòng một giờ sau nội soi hoặc trước khi có sự đánh giá của bác sĩ.
  • Một số vấn đề thường gặp sau khi soi dạ dày: Cảm giác đau họng ít, Bụng có cảm giác chướng hơi nhẹ
  • Khoảng 2 giờ sau khi nội soi, bệnh nhân có thể dùng các món ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hóa, dùng sữa nguội, không nên uống sữa nóng có thể làm tổn thương dạ dày.

Nội soi là phương tiện hữu hiệu trong việc chẩn đoán và phát hiện bệnh dạ dày. Bên cạnh những can thiệp của các kỹ thuật tiên tiến trong y học ngày nay thì  những người mắc bệnh dạ dày cần tuân thủ đúng những lời khuyên của các bác sĩ đưa ra như vậy thì quá trình điều trị sẽ thành công 1 cách nhanh hơn.

Theo gastimunhp.vn