Những điều cấm kỵ không nên làm vào ngày đầu năm mới
1. Kiêng quét nhà, đổ rác
Nhắc đến những điều cấm kỵ không nên làm đầu năm mới, việc quét nhà, đổ rác là điều không nên. Trong ba ngày Tết, nhiều gia đình thường tránh việc quét dọn nhà cửa vì họ quan niệm đó là hành động đổ đi tiền bạc, lộc xuân, gia đình sẽ nghèo khó, túng quẫn, tiền bạc tiêu tan. Vì vậy, người ta thường dọn dẹp nhà cửa thật sạch sẽ vào ngày 30.
2. Tránh làm đổ vỡ
Các cụ từ xưa đã quan niệm việc làm rơi vỡ đồ đạc như gương, ấm chén, bát đĩa trong ngày đầu năm tượng trưng cho sự đổ vỡ, chia lìa, xa cách, là điều đại kị và cực kì xui xẻo. Chính vì vậy, năm mới người trong nhà nên cẩn thận với đồ dùng, tránh làm rơi vỡ để hạn chế những điều không tốt lành trong suốt cả năm.
Ảnh minh họa
3. Không vay mượn, đòi nợ đầu năm
Những ngày đầu năm người Việt kiêng kị cả chuyện đi vay hay đi đòi nợ, trả nợ. Mọi khoản nợ đều được thanh toán vào năm cũ, nếu không kịp thì cũng phải để qua dịp đầu năm. Người ta quan niệm rằng cho vay ngày đầu năm chẳng khác nào đem tiền tài đi cho người khác. Tương tự, đòi nợ ngày đầu năm cũng khiến người đòi mệt mỏi và người bị đòi thì ảnh hưởng đến tài lộc may mắn.
4. Đóng cửa sẽ đói nghèo tù túng
Trong dịp Tết, trừ khi phải ra khỏi nhà đi chơi, thăm hỏi… vì theo tín ngưỡng dân gian từ sớm mồng một đến trước ngày rằm tháng giêng, Ngọc Hoàng cùng chư vị thần tiên sẽ giáng phàm du lý từng nhà và nếu đóng kín cổng, các vị coi như sự bất kính mà giận dỗi bỏ đi và cả năm, thậm chí nhiều năm sau gia đình sẽ không được hưởng phúc, sẽ bị đói nghèo, tù túng.
5. Xông nhà khi không hợp tuổi
Xông nhà hay còn gọi là xông đất, đây là phong tục tập quán lâu đời của người Việt. Nếu như có một người khách đầu tiên đến chúc Tết gia đình bạn trong năm mới thì người đó chính là người xông đất cho gia đình bạn. Nếu như người đó hợp tuổi với gia đình bạn, hoặc là người luôn gặp may mắn trong cuộc sống thì gia đình bạn sẽ có được nhiều điều may mắn trong năm mới. Vì vậy, những người “nặng vía”, không hợp tuổi với gia chủ đừng nên đến xông nhà ngày đầu năm. Người có tang không nên xông đất nhà người khác để tránh xui xẻo.
6. Ăn dở, bỏ thừa cả năm mất mùa, đói khát
Dù món ăn ngày Tết thế nào, cũng tránh ăn nhè, nhả bã, bỏ phí, nếu không cả năm sẽ bị mất mùa, đói khát… Đặc biệt tránh để thừa cơm, gạo khiến sau này lấy phải người chồng/vợ bị rỗ nặng. Tránh chống đũa vào bát gây sự chậm trễ trong công việc, thua lỗ khi buôn bán và nếu làm nghề nấu ăn thì rất ít khách. Để chữa lại việc bỏ dở ăn uống, ở các lần sau người ta thường ăn cam, dưa, xoài, đu đủ… nhờ có màu đỏ hồng, vị ngọt thơm sẽ mang lại sự may mắn và thành công… Trẻ con thường được khuyên không ăn chân gà tránh viết xấu như gà bới, văn phong cẩu thả, lại hay gây lộn.
7. Mùng Một đầu năm, kỵ cho lửa
Ngày đầu năm mới, người ta kiêng kỵ cho lửa. Quan niệm dân gian xưa cho rằng, ngọn lửa là biểu tượng của may mắn, tài lộc. Vì thế, cho người khác cái đỏ như đem vứt đi vận may, tiền tài, gia đạo sẽ gặp nhiều điều nguy khó, làm ăn thất bát, mọi người bất hòa, gia đạo không được êm ấm.
8. Kỵ cho nước ngày đầu năm mới
Trong vũ trụ, nước vốn là một trong những nguyên tố khởi nguyên, mang nhiều năng lượng, sinh khí. Nước tượng trưng cho sức sống, nảy nở, sinh sôi, mát lành. Vì thế, người ta thường hay chúc nhau “tiền nhiều như nước”.
Theo quan niệm của người Việt, nếu như cho ngọn lửa là cho đi cái vận may, khiến gia đình không giữ được tiền của, gia đạo gặp xui xẻo, tai ương thì cho nước như cho đi tiền tài. Vì thế, ở các vùng nông thôn, những ngày cuối năm nhà nào cũng lo đổ vào bể hoặc chum, vại thật đầy nước, để nguyện cầu sang năm mới gia đình sẽ có nhiều của cải, tài lộc.
9. Kiêng cãi vã
Cãi vã được cho là việc cấm kỵ không nên làm ngày đầu năm mới. Bởi hành động này gây ồn ào và đem lại sự buồn lòng cho đối phương. Người Việt luôn quan niệm, đầu xuôi đuôi lọt – sự mở đầu khởi sắc thì kết quả mới vẹn toàn. Chính vì thế, ai ai cũng đều tươi vui, hồ hởi trong không khí trầm ấm ngày xuân về.
Ảnh minh họa
10. Kiêng nói điều xui xẻo
Những phát ngôn đầu năm sẽ có ảnh hưởng đến những chuyện sẽ xảy ra trong năm. Vì vậy, bạn đừng nên nói những từ xui xẻo như “chết mất” hay “tiêu rồi”,”hỏng rồi”. Đó là những từ không may mắn, nên thay bằng những từ ngữ dễ chịu, vui vẻ để mang lại may mắn không chỉ cho bản thân mà cho cả người xung quanh mình.