Những điểm mới có lợi cho doanh nghiệp của Luật phá sản – Luật Sư Nha Trang
Nước ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế, việc các doanh nghiệp lớn ngày càng phát triển, đồng thời các doanh nghiệp nhỏ làm ăn thua lỗ, bị loại khỏi thị trường kinh doanh là chuyện bình thường.
Để tháo gỡ những vướng mắc đó, có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ có điều kiện hội nhập trong quá trình phát triển như hiện nay, Luật phá sản 2014 được ban hành và được đưa vào áp dụng từ 01/01/2015. Bài viết sau đây sẽ tổng hợp các điểm mới có lợi cho doanh nghiệp:
1/ Kéo dài thời gian thanh toán nợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã
– Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.
Trước đây: Doanh nghiệp, hợp tác xã bị xem là mất khả năng thanh toán khi không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.
(Căn cứ Điều 4 Luật phá sản 2014)
– Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
Trước đây: chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần sẽ có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi đến hạn thanh toán nợ, doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng thanh toán.
– Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
Trước đây: Khi đến hạn thanh toán lương mà doanh nghiệp, hợp tác xã nhận thấy không thanh toán được thì người đại diện người lao động hoặc đại diện công đoàn nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
(Căn cứ Điều 5 Luật phá sản 2014)
2/ Thông báo sai doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán sẽ phải bồi thường thiệt hại
Cá nhân, cơ quan, tổ chức thông báo phải bảo đảm tính chính xác của thông báo. Trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức cố ý thông báo sai mà gây thiệt hại cho doanh nghiệp, hợp tác xã thì phải bồi thường thiệt hại và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Trước đây: Không có quy định này.
(Căn cứ Điều 6 Luật phá sản 2014)
3/ Quy định trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan
– Cá nhân, cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ việc phá sản có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc phá sản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của chủ nợ, doanh nghiệp, hợp tác xã, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
– Cá nhân, cơ quan, tổ chức không cung cấp được tài liệu, chứng cứ theo quy định trên phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do, nếu cố ý không cung cấp tài liệu, chứng cứ mà không có lý do chính đáng thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
(Căn cứ Điều 7 Luật phá sản 2014)
4/ Quy định mới về vai trò và điều kiện của Quản tài viên, Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản
– Quản tài viên là cá nhân hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản.
– Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản là doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản.
(Căn cứ Điều 4 Luật phá sản 2014)
– Các quy định về Quản tài viên, Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được quy định tại Điều 12 đến 16 Luật phá sản 2014.
Trước đây: Không có quy định này.
5/ Quy định quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán
– Thực hiện yêu cầu của Thẩm phán, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và cơ quan thi hành án dân sự theo quy định pháp luật về phá sản.
– Cung cấp tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc giải quyết phá sản.
– Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình để giao nộp cho Tòa án nhân dân.
– Đề nghị Thẩm phán, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ mà tự mình không thể thực hiện được hoặc trưng cầu giám định, định giá, thẩm định giá tài sản; đề nghị Thẩm phán quyết định kiểm toán doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; đề nghị Thẩm phán triệu tập người làm chứng.
– Được biết và ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do người tham gia thủ tục phá sản khác xuất trình hoặc do Thẩm phán thu thập.
– Đề nghị áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.
– Nhận thông báo hợp lệ để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.
– Tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
– Tham gia Hội nghị chủ nợ.
– Đề nghị thay đổi Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản theo quy định tại Luật này.
– Đề nghị Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản bổ sung chủ nợ, người mắc nợ vào danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ.
– Đề xuất với Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản về việc thu hồi các khoản tiền, tài sản của người mắc nợ.
– Phải có mặt theo yêu cầu của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, giấy triệu tập của Tòa án nhân dân và chấp hành các quyết định của Tòa án nhân dân trong quá trình giải quyết phá sản.
– Tham gia vào việc quản lý, thanh lý tài sản theo yêu cầu của Thẩm phán, cơ quan thi hành án dân sự, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
– Đề nghị xem xét lại quyết định của Tòa án nhân dân theo quy định Luật này.
– Trường hợp cá nhân tham gia thủ tục phá sản chết thì người thừa kế hợp pháp của họ thực hiện quyền, nghĩa vụ này.
– Được đưa ra ý kiến về việc chấp nhận hoặc bác bỏ một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
– Phải thông báo công khai về quyết định mở thủ tục phá sản ngay sau khi nhận được quyết định mở thủ tục phá sản.
Trước đây: Không có quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
(Căn cứ Điều 20 Luật phá sản 2014)
6/ Cho phép thương lượng giữa chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản với doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án nhân dân nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản có quyền đề nghị bằng văn bản gửi Tòa án nhân dân để các bên thương lượng việc rút đơn.
Tòa án nhân dân ấn định thời gian thương lượng nhưng không quá 20 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ.
– Trường hợp các bên thỏa thuận được với nhau về việc rút đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì Tòa án nhân dân trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
– Trường hợp thương lượng không thành hoặc hết thời hạn thương lượng mà các bên không tiến hành thương lượng thì Tòa án nhân dân thông báo cho người nộp đơn nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản và thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
– Việc thương lượng của các bên không được trái với quy định của pháp luật về phá sản.
Trước đây: Không có quy định này.
(Căn cứ Điều 37 Luật phá sản 2014)
7/ Thông báo việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý đơn, Tòa án nhân dân phải thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, các cơ quan, tổ chức đang giải quyết vụ việc liên quan đến doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán do các bên cung cấp và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Trường hợp người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán thì Tòa án nhân dân phải thông báo cho các chủ nợ do doanh nghiệp, hợp tác xã cung cấp.
Trước đây: Không có quy định này. Đây là điểm mới được bổ sung tại quy định thông báo việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
(Căn cứ Điều 40 Luật phá sản 2014)
8/ Quy định thêm về việc thông báo quyết định không mở thủ tục phá sản
– Quyết định không mở thủ tục phá sản của Tòa án nhân dân phải được gửi cho người nộp đơn, doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.
– Thời hạn gửi và thông báo quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản là 03 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án nhân dân ra quyết định.
Trước đây: Chỉ quy định về việc thông báo quyết định mở thủ tục phá sản mà không quy định về việc thông báo quyết định không mở thủ tục phá sản.
(Căn cứ Điều 43 Luật phá sản 2014)
9/ Quy định mới về việc xác định tiền lãi đối với khoản nợ
– Kể từ ngày ra quyết định mở thủ tục phá sản, các khoản nợ được tiếp tục tính lãi theo thỏa thuận nhưng được tạm dừng việc trả lãi.
Trường hợp Thẩm phán ra quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản theo quy định tại Điều 86 của Luật này, đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh khi doanh nghiệp, hợp tác xã đã thực hiện xong phương án phục hồi hoạt động kinh doanh thì việc tạm dừng trả lãi chấm dứt, các bên tiếp tục thực hiện việc trả lãi theo thỏa thuận.
– Đối với khoản nợ mới phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản đến thời điểm tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản thì tiền lãi của khoản nợ đó được xác định theo thỏa thuận nhưng không trái với quy định của pháp luật.
– Kể từ ngày ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản thì khoản nợ không được tiếp tục tính lãi.
Trước đây: Chưa có quy định cụ thể về vấn đề này, do vậy chưa có sự thống nhất trong việc tính lãi đối với các khoản nợ, nên không bảo đảm quyền, nghĩa vụ của các bên trong quá trình giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản.
(Căn cứ Điều 52 Luật phá sản 2014)
10/ Giao dịch bị coi là vô hiệu
– Giao dịch của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán được thực hiện trong thời gian 06 tháng trước ngày Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản bị coi là vô hiệu nếu thuộc một trong các trường hợp:
(Trước đây: Quy định các giao dịch sau trong thời gian 03 tháng trước ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì bị xem là vô hiệu.)
+ Giao dịch liên quan đến chuyển nhượng tài sản không theo giá thị trường.
+ Chuyển khoản nợ không có bảo đảm thành nợ có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.
+ Thanh toán hoặc bù trừ có lợi cho một chủ nợ đối với khoản nợ chưa đến hạn hoặc với số tiền lớn hơn khoản nợ đến hạn.
+ Tặng cho tài sản.
+ Giao dịch ngoài mục đích hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã.
+ Giao dịch khác với mục đích tẩu tán tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.
– Giao dịch của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán theo quy định trên được thực hiện với những người liên quan sau đây trong thời gian 18 tháng trước ngày Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản thì bị coi là vô hiệu:
+ Công ty mẹ, người quản lý công ty mẹ và người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý đối với công ty con.
+ Công ty con đối với công ty mẹ; doanh nghiệp do hợp tác xã thành lập đối với hợp tác xã.
+ Người hoặc nhóm người có khả năng chi phối việc ra quyết định của cơ quan quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã đối với hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã đó.
+ Người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã đối với doanh nghiệp, hợp tác xã.
+ Vợ, chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột của người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc của thành viên, cổ đông sở hữu phần vốn góp hay cổ phần chi phối.
+ Cá nhân được ủy quyền đại diện cho những người quy định trên.
+ Nhóm người thỏa thuận cùng phối hợp để thâu tóm phần vốn góp, cổ phần hoặc lợi ích ở công ty hoặc để chi phối việc ra quyết định của công ty.
+ Doanh nghiệp trong đó những người quy định trên có sở hữu đến mức chi phối việc ra quyết định của cơ quan quản lý ở doanh nghiệp đó.
(Căn cứ Điều 59 Luật phá sản 2014)
11/ Tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán
– Tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán gồm:
+ Tài sản và quyền tài sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã có tại thời điểm Tòa án nhân dân quyết định mở thủ tục phá sản.
Trước đây: tại thời điểm Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
+ Tài sản và quyền tài sản có được sau ngày Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản.
+ Tài sản thu hồi từ hành vi cất giấu, tẩu tán tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.
+ Tài sản và quyền tài sản có được do thu hồi từ giao dịch vô hiệu.
+ Các tài sản khác theo quy định của pháp luật.
Trước đây: Không có các quy định này.
(Căn cứ Điều 64 Luật phá sản 2014)
12/ Đăng ký giao dịch bảo đảm của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán
Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán cho người khác vay tài sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký giao dịch bảo đảm nhưng chưa đăng ký thì doanh nghiệp, hợp tác xã phải thực hiện ngay việc đăng ký.
Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện thì Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản phải thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm.
Trước đây: Không có quy định này.
(Căn cứ Điều 69 Luật phá sản 2014)
13/ Nghĩa vụ của ngân hàng nơi doanh nghiệp hợp tác xã có tài khoản
Kể từ ngày Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản, nghiêm cấm ngân hàng mà doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản có tài khoản thực hiện việc thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản, trừ trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của Tòa án nhân dân hoặc cơ quan thi hành án dân sự.
Trước đây: Có thêm trường hợp nghiêm cấm thực hiện bất kỳ hành vi nào nhằm bù trừ hoặc thanh toán các khoản doanh nghiệp, hợp tác xã vay của ngân hàng.
(Căn cứ Điều 73 Luật phá sản 2014)
14/ Nguyên tắc tiến hành Hội nghị chủ nợ
– Tôn trọng thỏa thuận của người tham gia thủ tục phá sản nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội.
– Bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của người tham gia thủ tục phá sản.
– Công khai trong việc tiến hành Hội nghị chủ nợ.
Trước đây: Không có quy định này.
(Căn cứ Điều 76 Luật phá sản 2014)
15/ Đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản
– Kể từ ngày Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản đến trước ngày ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản, nếu doanh nghiệp, hợp tác xã không mất khả năng thanh toán thì Tòa án nhân dân ra quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản.
Doanh nghiệp, hợp tác xã phải hoàn trả tạm ứng chi phí phá sản cho người nộp đơn, trừ trường hợp người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản không trung thực.
– Quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản phải được gửi cho người nộp đơn, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, chủ nợ, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp, hợp tác xã có trụ sở chính trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định, người tham gia thủ tục phá sản có quyền đề nghị xem xét lại, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án nhân dân đang giải quyết thủ tục phá sản về quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản.
Trước đây: Chỉ đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản khi có người tham gia Hội nghị chủ nợ vắng mặt.
(Căn cứ Điều 86 Luật phá sản 2014)
16/ Công nhận nghị quyết của Hội nghị chủ nợ thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã
Kể từ ngày nghị quyết này có hiệu lực thì những điều cấm, chịu sự giám sát đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã quy định tại Điều 48 và Điều 49 của Luật này chấm dứt.
Trước đây: Không có quy định này.
(Căn cứ Điều 92 Luật phá sản 2014)
17/ Đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh
– Thẩm phán ra quyết định đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Doanh nghiệp, hợp tác xã đã thực hiện xong phương án phục hồi hoạt động kinh doanh.
+ Doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh.
+ Hết thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh nhưng doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn mất khả năng thanh toán.
– Tòa án nhân dân thông báo công khai quyết định đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này.
Trước đây: chỉ có 2 trường hợp đình chỉ đó là khi doanh nghiệp, hợp tác xã đã thực hiện xong phương án phục hồi hoạt động kinh doanh và được quá nửa số phiếu của các chủ nợ không có bảo đảm đại diện cho từ 2/3 tổng số nợ không có bảo đảm trở lên chưa thanh toán đồng ý đình chỉ.
(Căn cứ Điều 95 Luật phá sản 2014)
18/ Quy định thêm về thủ tục phá sản cho tổ chức tín dụng
– Về quyền, nghĩa vụ: tương đối giống với doanh nghiệp, hợp tác xã nhưng bổ sung thêm trường hợp nếu tổ chức tín dụng không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì Ngân hàng nhà nước Việt Nam nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng đó.
– Hoàn trả khoản vay đặc biệt: Tổ chức tín dụng được vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổ chức tín dụng khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng mà bị tuyên bố phá sản thì phải hoàn trả khoản vay đặc biệt này cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổ chức tín dụng khác trước khi thực hiện việc phân chia tài sản.
– Thứ tự phân chia tài sản:
+ Chi phí phá sản.
+ Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, BHXH, BHYT đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết.
+ Khoản tiền gửi; khoản tiền tổ chức bảo hiểm tiền gửi phải trả cho người gửi tiền tại tổ chức tín dụng phá sản theo quy định pháp luật về bảo hiểm tiền gửi và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
+ Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.
Trường hợp giá trị tài sản của tổ chức tín dụng sau khi đã thanh toán đủ khoản nợ nêu trên mà vẫn còn thì phần còn lại này thuộc về:
+ Thành viên của tổ chức tín dụng là hợp tác xã.
+ Chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
+ Thành viên góp vốn của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn 02 thành viên trở lên; cổ đông của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần.
Trường hợp giá trị tài sản không đủ để thanh toán theo quy định trên thì các đối tượng thuộc cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.
– Trả lại tài sản nhận ủy thác, nhận giữ hộ khi tổ chức tín dụng bị tuyên bố phá sản và thanh lý tài sản phá sản:
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định tuyên bố tổ chức tín dụng phá sản, chủ sở hữu tài sản ủy thác cho tổ chức tín dụng, gửi tổ chức tín dụng giữ hộ, giao tổ chức tín dụng quản lý thông qua hợp đồng ủy thác, giữ hộ, quản lý tài sản phải xuất trình giấy tờ chứng minh quyền sở hữu và hồ sơ, giấy tờ liên quan với cơ quan thi hành án dân sự để nhận lại tài sản của mình.
– Giao dịch của tổ chức tín dụng trong giai đoạn kiểm soát đặc biệt:
Giao dịch của tổ chức tín dụng thực hiện trong giai đoạn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam áp dụng biện pháp kiểm soát đặc biệt hoặc áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán dưới sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ không áp dụng quy định về giao dịch vô hiệu quy định tại Điều 59 của Luật này.
– Quyết định tuyên bố tổ chức tín dụng phá sản
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản lập xong danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ, bảng kê tài sản của tổ chức tín dụng, Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố tổ chức tín dụng phá sản.
Trước đây: Không có quy định thủ tục phá sản dành cho tổ chức tín dụng.
(Căn cứ Điều 97 đến 104 Luật phá sản 2014)
19/ Đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản
– Những người được thông báo bao gồm: người nộp đơn, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, chủ nợ, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp, hợp tác xã có trụ sở chính có quyền đề nghị xem xét lại, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp có quyền kháng nghị quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.
– Thời hạn đề nghị xem xét lại, kháng nghị là 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hoặc được thông báo hợp lệ quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.
Trước đây: thời hạn là 20 ngày sau ngày đăng báo về quyết định tuyên bố phá sản.
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị xem xét lại, kháng nghị, Tòa án nhân dân đã ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản phải gửi hồ sơ vụ việc phá sản kèm theo đơn đề nghị, kháng nghị cho Tòa án nhân dân cấp trên trực tiếp để xem xét, giải quyết.
Trước đây: trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày hết thời hạn khiếu nại, kháng nghị.
(Căn cứ Điều 111 Luật phá sản 2014)
20/ Giải quyết đơn đề nghị, kháng nghị quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ việc phá sản do Tòa án nhân dân chuyển đến, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp phải trả lại hồ sơ cho Tòa án nhân dân.
Trước đây: Không có quy định này.
– Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ việc phá sản kèm theo đơn đề nghị, kháng nghị, Tổ Thẩm phán phải tổ chức phiên họp và ra một trong các quyết định sau:
+ Không chấp nhận đơn đề nghị, kháng nghị và giữ nguyên quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.
+ Sửa quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.
+ Hủy quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản và giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân cấp dưới có thẩm quyền giải quyết lại.
Trước đây: Quy định thời hạn là 45 ngày, đồng thời không có quy định sửa quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.
– Phiên họp của Tổ Thẩm phán có Viện kiểm sát nhân dân tham gia và có Thư ký Tòa án nhân dân ghi biên bản phiên họp; trường hợp cần thiết, Tòa án nhân dân triệu tập người đề nghị, người khác có liên quan tham gia phiên họp để trình bày ý kiến.
(Căn cứ Điều 112 Luật phá sản 2014)
21/ Xem xét đơn đề nghị, kiến nghị theo thủ tục đặc biệt
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Tòa án nhân dân cấp trên trực tiếp ra quyết định giải quyết đề nghị, kiến nghị theo quy định trên mà có đơn đề nghị xem xét lại của người tham gia thủ tục phá sản, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc kiến nghị của Tòa án nhân dân thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại quyết định đó khi có một trong các căn cứ sau:
+ Có vi phạm nghiêm trọng pháp luật về phá sản.
+ Phát hiện tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định tuyên bố phá sản mà Tòa án nhân dân, người tham gia thủ tục phá sản không thể biết được khi Tòa án nhân dân ra quyết định.
– Trường hợp có căn cứ quy định trên, Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu Tòa án nhân dân đã ra quyết định giải quyết đề nghị, kiến nghị theo quy định chuyển hồ sơ vụ việc phá sản cho Tòa án nhân dân tối cao để xem xét giải quyết.
-Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn đề nghị, kiến nghị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có quyền ra một trong các quyết định sau:
+ Không chấp nhận đề nghị xem xét lại, kiến nghị và giữ nguyên quyết định của Tòa án nhân dân cấp dưới.
+ Hủy quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản của Tòa án nhân dân cấp dưới, quyết định giải quyết đề nghị xem xét lại, kiến nghị của Tòa án nhân dân cấp trên trực tiếp và giao hồ sơ về phá sản cho Tòa án nhân dân cấp dưới giải quyết lại.
Quyết định giải quyết đơn đề nghị, kiến nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là quyết định cuối cùng và có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định.
(Căn cứ Điều 113 Luật phá sản 2014)
22/ Xử lý tranh chấp tài sản trước khi có quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản
– Trong quá trình giải quyết phá sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mà phát sinh tranh chấp về tài sản trước khi có quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản, Tòa án nhân dân đang giải quyết vụ việc phá sản phải xem xét tách phần tài sản đang tranh chấp để giải quyết bằng vụ án khác theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
– Sau khi có bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án nhân dân giải quyết tranh chấp tài sản theo quy định trên thì Tòa án nhân dân giải quyết phá sản xử lý tài sản như sau:
+ Trước khi có quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản có được từ bản án, quyết định có hiệu lực được nhập vào tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.
+ Sau khi có quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản có được từ bản án, quyết định có hiệu lực được phân chia theo quyết định tuyên bố phá sản trước đó.
– Việc tách tài sản đang tranh chấp thành vụ án khác theo quy định trên được thông báo cho người nộp đơn, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, chủ nợ, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp, hợp tác xã có trụ sở chính.
– Khi doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản thì Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đại diện cho doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia giải quyết tranh chấp về tài sản.
(Căn cứ Điều 114 Luật phá sản 2014)
23/ Xử lý trường hợp có tranh chấp tài sản trong quá trình thi hành quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản
– Quá trình thực hiện việc thanh lý tài sản theo quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản mà có tranh chấp hoặc không thể thi hành được thì Chấp hành viên, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, người tham gia thủ tục phá sản đề nghị Tòa án nhân dân đã giải quyết vụ việc phá sản xem xét.
– Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của Chấp hành viên, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, người tham gia thủ tục phá sản, Tòa án nhân dân phải xem xét ra một trong các văn bản sau:
+ Văn bản trả lời không chấp nhận đề nghị của Chấp hành viên, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, người tham gia thủ tục phá sản.
+ Chuyển đơn đề nghị đến người có thẩm quyền để xem xét kháng nghị quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản theo quy định của pháp luật.
– Trường hợp Chấp hành viên, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, người tham gia thủ tục phá sản không đồng ý với văn bản trả lời không chấp nhận đề nghị của Chấp hành viên, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, người tham gia thủ tục phá sản thì có quyền đề nghị người có thẩm quyền xem xét kháng nghị quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản theo quy định pháp luật.
– Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đại diện cho doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia giải quyết tranh chấp về tài sản.
(Căn cứ Điều 115 Luật phá sản 2014)
24/ Xử lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã phát sinh sau khi quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản
– Sau khi quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản mà phát hiện giao dịch dân sự vô hiệu theo quy định tại Luật này thì Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có quyền yêu cầu Tòa án nhân dân tuyên bố giao dịch vô hiệu, xử lý hậu quả của giao dịch vô hiệu và phân chia tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã theo thứ tự phân chia tài sản quy định tại Luật này.
– Sau khi quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản mà phát hiện tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã chưa chia thì Tòa án nhân dân đã tuyên bố phá sản xem xét và quyết định phân chia tài sản theo thứ tự phân chia tài sản quy định tại Luật này.
– Cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thực hiện quyết định phân chia tài sản theo quy định trên.
(Căn cứ Điều 127 Luật phá sản 2014)
25/ Thu hẹp phạm vi cấm đảm nhiệm chức vụ sau khi doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản
Người giữ chức vụ quản lý của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản mà cố ý vi phạm quy định sau:
– Thực hiện yêu cầu của Thẩm phán, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật về phá sản.
– Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã, Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
– Cất giấu, tẩu tán, tặng cho tài sản; thanh toán khoản nợ không có bảo đảm, trừ khoản nợ không có bảo đảm phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản và trả lương cho người lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã; từ bỏ quyền đòi nợ; chuyển khoản nợ không có bảo đảm thành nợ có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.
Thẩm phán xem xét, quyết định về việc không được quyền thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, làm người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời hạn 03 năm kể từ ngày Tòa án nhân dân có quyết định tuyên bố phá sản.
Trước đây: Cứ bị tuyên bố phá sản, thì chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh, Giám đốc (Tổng giám đốc), Chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của doanh nghiệp, Chủ nhiệm, các thành viên Ban quản trị hợp tác xã không được quyền thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, không được làm người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời hạn từ 01 đến 03 năm, kể từ ngày doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản.
(Căn cứ Điều 130 Luật phá sản 2014)