Những điểm cuốn hút khán giả của phim Kiều

Nếu chưa được xem phim Kiều của đạo diễn Mai Thu Huyền sẽ là một sự nuối tiếc cho những ai trót hâm mộ tác phẩm kinh điển Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Hiện bộ phim này sẽ có buổi công chiếu chính thức tại Mỹ với tư cách là bộ phim Việt Nam tiêu điểm (Vietnamese Spotlight Film) được chọn tham dự Liên hoan phim Newport Beach 2021. Kiều do đơn vị 3388 Films nhận phát hành tại Bắc Mỹ và cũng sẽ chính thức đưa phim này chiếu trực tuyến trên ứng dụng Amazon từ 29-10-2021. Trước đó, bộ phim điện ảnh này cũng đã công chiếu ở các rạp phim trong nước và công chiếu online trên nền tảng Galaxy Play.

Thúy Kiều – Thúc Sinh trong phim “Kiều”.

Phim điện ảnh cổ trang đầu tiên về Truyện Kiều do người Việt sản xuất

Truyện Kiều là “tiếng kêu mới về nỗi đau đứt ruột” (Đoạn trường tân thanh) do đại thi hào Nguyễn Du khóc than cho thân phận nàng Thúy Kiều. Những nhân vật như Thúy Vân, Thúy Kiều, Từ Hải, Mã Giám Sinh, Thúc Sinh, Hoạn Thư… trong kiệt tác này đến nay vẫn “sống” trong cuộc sống hiện đại, được người đời dùng để ám chỉ những hành vi tương tự… Chính vì vậy, ngành giải trí trong đó có nghệ thuật thứ 7 cố gắng tái hiện “Kiều”. Năm 1923, công ty Phim và Chiếu bóng Đông Dương (Indochine Films et Cinémas) của người Pháp đã “chuyển thể” Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du (thành bộ phim Kim Vân Kiều. Đây là bộ phim đầu tiên của công ty Phim và Chiếu bóng Đông Dương và cũng là bộ phim đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam.

Tuy nhiên, sau khi phim ra rạp, công chúng đã có những ý kiến trái chiều. Theo nhận xét của báo giới thời đó, phim Kim Vân Kiều hướng đến cho người Châu Âu xem nhiều hơn là người Việt Nam xem nên những chỗ thâm thúy của Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du đã bị đoàn làm phim lượt bỏ và thêm thắt những chi tiết mới để người Châu Âu dễ hiểu… Do đó, tinh thần Truyện Kiều trong phim bị mất.    Gần 100 năm sau (năm 2021), bộ phim Kiều của đạo diễn Mai Thu Huyền đã ra rạp. Đây là bộ phim cổ trang “lấy cảm hứng” từ Truyện Kiều. Việc “lấy cảm hứng” chứ không phải chuyển thể sẽ giúp cho bộ phim gói gọn hơn và có nhiều nét mới khiến khán giả thấy được tinh thần tinh túy của Truyện Kiều trong thời đại ngày nay.

Bộ phim đã thấu hiểu được tiếng lòng của Nguyễn Du

Cái tài của đạo diễn Mai Thu Huyền đã lấy mối tình tay ba giữa Thúy Kiều- Thúc Sinh – Hoạn Thư làm nội dung của phim. Bởi lẽ, đây là đoạn hay nhất trong Truyện Kiều của Nguyễn Du và đây cũng là đoạn đại thi hào có nhiều thương cảm cho thân phận Thúy Kiều.

Hoàn cảnh đưa đẩy vào chốn lầu xanh, Kiều xem như mình đã chết: “Mặc người mưa Sở, mây Tần/ Riêng mình nào biết có xuân là gì”. Nhưng duy nhất chỉ có Thúc Sinh là chinh phục được Kiều: “Sớm đào tối mận lân la/ Trước còn trăng gió sau ra đá vàng”.

Trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, mối tình của Thúy Kiều và Thúc Sinh thật đẹp, thật kinh điển: “Người lên ngựa kẻ chia bào/ Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san/ Dặm hồng bụi cuốn chinh an/ Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh/ Người về chiếc bóng năm canh/ Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi/ Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường”. Và trong phim Kiều của đạo diễn Mai Thu Huyền cũng thế. Mối tình giữa Thúc Sinh và Thúy Kiều giống như tiếng sét ái tình. Chàng thì mến tài sắc của nàng, nàng thì thấy chàng quả là một nam tử chân chính. Thúc Sinh là tri kỷ của nàng, là động lực khiến nàng khao khát tự do. Đoạn Thúc Sinh và Thúy Kiều bỏ trốn đến nơi thâm sơn cùng cốc và xây nhà để tính chuyện ăn đời ở kiếp thật cảm động.

Thế nhưng thế lực quan lại của nhà vợ của Thúc Sinh quá lớn. Nên nàng Kiều đã bị vợ Thúc Sinh là Hoạn Thư bắt về làm thị tì. Để “đánh ghen”, Hoạn Thư đã ép Thúy Kiều đánh đàn trước mặt mình và Thúc Sinh. Đây là những gì đại thi hào Nguyễn Du mô tả trong Truyện Kiều. “Bốn dây như khóc như than/ Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng/ Cùng trong một tiếng tơ đồng/ Người ngoài cười nụ người trong khóc thầm”. Tiếng đàn này rõ ràng bật ra từ nước mắt cùng sự nát cả gan ruột của Kiều. Nhà nghiên cứu Đông Hồ (1906-1969) từng nhận xét, nếu không có Hoạn Thư thì Truyện Kiều sẽ “sụt đi hết nửa phần giá trị”. Ông khẳng định Hoạn Thư là “một nhân vật lạ lùng kỳ tuyệt phi thường” và “ví phỏng không có vai trò của Hoạn Thư thì quyển Truyện Kiều là một câu chuyện nhạt quá”.

Bởi vậy, cái tài của đạo diễn Mai Thu Huyền là đã đẩy cái ghen của Hoạn Thư đến mức được cảm thông. Nàng biết tin chồng ngoại tình từ đâu, nàng đã làm những gì khi nghe được tin đó, nàng cảm thấy như thế nào khi tận mắt thấy tình yêu giữa Thúc Sinh và Thúy Kiều, vì sao nàng lại ghen khủng khiếp như thế?… Tất cả đều được đạo diễn Mai Thu Huyền đưa vào phim một cách hợp tình, hợp lý.

Bởi vậy khi xem phim Kiều của đạo diễn Mai Thu Huyền, khán giả sẽ thấy một nàng Thúy Kiều ngây thơ trong trắng “bán mình chuộc cha” phải vào chốn lầu xanh vẫn không buông bỏ khát vọng tự do, sẽ thấy một Thúc Sinh đáng mặt quân tử khi đã thương hoa tiếc ngọc và khát khao một tình yêu đích thực, sẽ thấy một Hoạn Thư ghen tuông khủng khiếp nhưng xuất phát từ một trái tim cô quạnh và cũng sẽ thấy một tuyến nhân vật nguyên tác lẫn mới lạ nhưng đầy ẩn ý của đoàn làm phim… Bên cạnh đó, phim Kiều của đạo diễn Mai Thu Huyền được đầu tư công phu: Cảnh đẹp mê hồn, nhân vật hợp vai, nhiều màn thể hiện thấu tâm can, nhiều tình tiết nhận được sự thấu hiểu cảm thông…

Cái kết mở của bộ phim Kiều của đoàn làm phim khiến khán giả có thể tự mình viết tiếp câu chuyện. Những ai đồng cảm với đại thi hào Nguyễn Du, chắc hẳn sẽ thích một cái kết như thế! Nàng Thúy Kiều sau này có hạnh phúc không? Tất cả chỉ phụ thuộc vào sự quyết định của chính khán giả.

Không đi xem một bộ phim cổ trang đầu tiên về Truyện Kiều do người Việt sản xuất và một phim đã thấu hiểu được tiếng lòng của Nguyễn Du thì khán giả sẽ cảm thấy tiếc nuối về sau. Bởi đã hơn 200 năm sau sau khi đại thi hào Nguyễn Du qua đời (1820-2021), lòng thương cảm cho số phận nàng Kiều của ông vẫn khiến mọi người đồng cảm! Bởi vậy, chúng ta vẫn có quyền khẳng định “Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du” dù lúc sinh thời, đại thi hào Nguyễn Du đã băn khoăn: “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.

Đạo diễn Mai Thu Huyền từng cho biết ý tưởng dàn dựng bộ phim: “Tất cả sự lựa chọn tình huống, chi tiết, nhân vật, các hư cấu trong phim đều hướng đến thông điệp chính: khát khao yêu thương, khát vọng tự do và giải phóng con người”.

NGUYỄN VĂN TOÀN

>> Phim “Kiều” tham gia liên hoan phim tại Mỹ