Những dạng hình thời tiết cực đoan ở Quảng Ngãi-nhung dang hinh thoi tiet cuc doan o quang ngai

Mưa lớn thường tập trung vào các tháng 9 – 12, cùng thời gian với mùa bão và đầu mùa gió mùa Đông Bắc.

1) Thời tiết khô nóng:

Hàng năm, trung bình khoảng vào cuối tháng 3 khô nóng xuất hiện ở vùng thung lũng phía tây bắc của Tỉnh, khoảng cuối tháng 4 thì xuất hiện ở vùng đồng bằng và đến khoảng nửa cuối tháng 8 thì kết thúc. Nắng nóng tập trung chủ yếu từ tháng 5 – 8.

Nguyên nhân chủ yếu gây nên thời tiết khô nóng là gió mùa Tây Nam thổi từ phía vịnh Bengan. Bản chất luồng không khí này là rất ẩm và nóng, khi đi qua mặt đệm đất liền khá rộng Thái Lan-Lào và nhất là khi vượt qua dải Trường Sơn (với hiệu ứng Phơn), để lại một lượng nước mưa rất lớn ở phía tây dải Trường Sơn. Luồng không khí trở nên rất nóng và khô khi trượt xuống dải đồng bằng ven biển, tạo nên gió tây khô nóng ở ven biển Trung Bộ

Gió Tây Nam khô nóng là một loại thời tiết gây khô nóng, hạn hán trong mùa hè. Gió Tây Nam khô nóng tại Quảng Ngãi không khốc liệt như ở vùng đồng bằng Bắc Trung Bộ, nhưng cũng gây nắng nóng kéo dài nhiều ngày với gió Tây Nam mạnh. Gió Tây Nam khô nóng thường gây khô hạn cho đồng ruộng, không khí nóng và khô ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ và sản xuất của người dân.

2) Gió mùa Đông Bắc

Nguồn gốc của dạng hình thời tiết này là áp cao lạnh lục địa có cường độ mạnh ở khu vực hồ BaiKan (Nga) tràn xuống phía nam, áp cao lạnh này là nguyên nhân sinh ra gió mùa Đông bắc.

Gió mùa Đông Bắc tràn về trong thời kỳ đầu vụ Đông Xuân (khoảng tháng 10, tháng 11, có năm kéo dài tới tháng 12) thường đem đến thời tiết khô hanh cho các tỉnh miền Bắc. Nhưng trong quá trình di chuyển xuống phía nam, đi qua mặt biển ẩm khi vào trong đất liền bị biến tính hoặc kết hợp với các nhiễu động ở phía nam, thường gây mưa, có khi gây mưa to, ẩm ướt cho Quảng Ngãi cũng như các tỉnh khác trong khu vực Trung Trung Bộ.

Thời kỳ sau (từ tháng 1 đến tháng 4, có năm kéo dài đến tháng 5) gió mùa Đông Bắc về đem lại thời tiết khô hanh cho khu vực Trung Bộ nói chung và Quảng Ngãi nói riêng. Trong giai đoạn này, gió mùa Đông Bắc thường gây ra gió giật, lốc, tố trong đất liền cũng như trên biển, gây nguy hiểm cho ngư dân, đồng thời nhiệt độ giảm mạnh, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và sản xuất của cả tỉnh.

3) Dông

Những khối không khí có trữ lượng ẩm lớn và những nhiễu động khí quyển mạnh mẽ trong mùa hè, rất thuận lợi cho sự phát triển của dông.

Điều kiện để hình thành dông là sự phát triển mạnh mẽ của đối lưu trong những khối không khí có lượng ẩm cao.

Số ngày có dông nhiều ở các địa phương trong tỉnh Quảng Ngãi tập trung chủ yếu vào mùa hè. Tháng 5 và tháng 6, số ngày có dông lớn nhất trong năm tại vùng núi cũng là thời kỳ có số ngày dông rất lớn ở đồng bằng và hải đảo. Đây là thời kỳ tranh chấp của khí đoàn mùa hè với khí đoàn mùa đông, thời kỳ mà điều kiện nhiệt lực, động lực rất thuận lợi cho quá trình hình thành các cơn dông.

Những cơn dông phát triển mạnh thường kèm theo những thời tiết cực đoan như gió giật mạnh, lốc xoáy, mưa đá, sét rất nguy hiểm.

4) Sương mù

Do sự giảm nhiệt độ thường diễn ra khá nhanh, không khí dễ đạt tới trạng thái bão hoà hơi nước, nên trong mùa đông thường xuất hiện sương mù.

Sương mù làm giảm tầm nhìn ngang xuống dưới 1km, khi sương mù có cường độ mạnh, tầm nhìn ngang có thể giảm xuống dưới 50m. Tầm nhìn ngang giảm gây ảnh hưởng đến sự hoạt động của các phương tiện giao thông.

Ảnh mây vệ tinh bão số 9 năm 2009

Có ba loại sương mù là sương mù bình lưu, sương mù bức xạ và sương mù hỗn hợp. Ở Quảng Ngãi thường xuất hiện loại sương mù bức xạ. Đây là dạng sương mù thường xảy ra trong điều kiện gió nhẹ, trời ít mây, thuận lợi cho sự toả nhiệt vào ban đêm của mặt đất, khiến nhiệt độ không khí xuống thấp tạo sự bão hoà hơi nước trong không khí. Loại sương mù này thường không dày đặc và tan nhanh khi mặt trời mọc. Tuy nhiên, đôi lúc cũng quan sát thấy dạng sương mù bình lưu.

5) Bão – áp thấp nhiệt đới (ATNĐ)

Xoáy thuận nhiệt đới (XTNĐ) là một hệ thống khí áp thấp ở vùng nhiệt đới. Áp suất khí quyển (khí áp) trong XTNĐ thấp hơn rất nhiều so với xung quanh. Vùng có khí áp nhỏ nhất được gọi là vùng trung tâm. Ở Bắc Bán cầu XTNĐ có hoàn lưu gió xoáy vào tâm theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, ngược lại ở Nam Bán cầu gió xoáy vào tâm XTNĐ theo hướng thuận chiều kim đồng hồ.

Tùy theo tốc độ của gió trong xoáy thuận nhiệt đới sẽ được gọi là bão, áp thấp nhiệt đới(ATNÐ) hay là vùng thấp. Bão là xoáy thuận nhiệt đới có tốc độ gió mạnh nhất vùng gần trung tâm cấp 8 trở lên (từ 17.2m/s trở lên), áp thấp nhiệt đới là một xoáy thuận nhiệt đới có tốc độ gió mạnh nhất vùng gần trung tâm cấp 6 – 7 (tức từ 10.8 đến 17.1m/s), còn dưới cấp 6 thì được gọi là vùng thấp. Bão và áp thấp nhiệt đới thường gây ra mưa to, gió mạnh rất nguy hiểm, gây nên lũ lụt, sạt lở đất v.v… là dạng thiên tai thường gây thiệt hại về người và kinh tế rất lớn. Nhưng mặt khác, ở những mức độ nhất định; nếu bão nhẹ, áp thấp nhiệt đới xảy ra vào đầu mùa mưa hoặc trong mùa ít mưa… nó sẽ đem đến một lượng nước mưa dồi dào cung cấp cho ao hồ và các đập chứa phục vụ cho thuỷ điện, nông nghiệp và đời sống. Nước ta có bờ biển dài trên 2000 km và nằm trong khu vực hoạt động của ổ bão tây Thái Bình Dương, là nơi xảy ra khoảng 38% số bão trên toàn cầu. Trung bình hàng năm có khoảng 5 đến 6 cơn bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào nước ta.

Bão, ATNĐ ảnh hưởng chủ yếu đến Quảng Ngãi trong các tháng 9 – 11. Trung bình hàng năm Quảng Ngãi có 0.3 cơn bão hoặc ATNĐ đổ bộ trực tiếp vào vùng ven biển và nội địa Tỉnh (có nghĩa là hơn 3 năm sẽ có 1 cơn) và có hơn 4 cơn ảnh hưởng đến Tỉnh Quảng Ngãi.

Phạm vi ảnh hưởng của bão rộng, thường bao gồm nhiều tỉnh, tác hại rõ rệt nhất của bão là gió mạnh và mưa lớn.

Gió mạnh trong bão thường kèm theo gió xoáy, giật và đổi hướng gây thiệt hại nghiêm trọng, đặc biệt là những cơn bão mạnh đổ bộ trực tiếp.

Ba cơn bão điển hình ảnh hưởng trực tiếp đến Quảng Ngãi là cơn bão HESTER (số 13) tháng 10/1971, gây gió mạnh 40 m/s, cơn bão ZACK (số 11) tháng 11/1995 gây gió mạnh 34 m/s và cơn bão KETSANA (số 9) tháng 9/2009 gây gió mạnh 34 m/s. Như vậy cứ trung bình khoảng 20 năm có một cơn bão gây gió cực kỳ mạnh ảnh hưởng đến Quảng Ngãi.

6) Mưa lớn

Mưa lớn ảnh hưởng đến Quảng Ngãi thường do các nguyên nhân: Bão – ATNĐ, gió mùa Đông Bắc, dải hội tụ nhiệt đới, nhiễu động gió đông, đặc biệt là khi kết hợp các hình thế này sẽ cho mưa rất to và kéo dài, gây lũ lớn, làm thiệt hại nghiêm trọng đến người và của.