Những con kỳ lân startup thực thụ – Trung tâm Sở hữu Trí tuệ và Chuyển giao Công nghệ Đại học Quốc gia TP. HCM – VNUHCM-IPTC
Kỳ lân trong văn hóa châu Âu, là một sinh vật thần thoại, với hình dáng phổ biến được biết đến như là con ngựa trắng có một sừng trên trán. Con thú quý hiếm với những đặc tính tuyệt vời này đã là nguồn cảm hứng để gắn biệt danh cho các công ty startup xuất sắc.
Thuật ngữ những con kỳ lân – Unicorn xuất hiện lần đầu trong một bài viết trên trang công nghệ TechCrunch vào năm 2013. Trong bài viết đó, tác giả Aileen Lee – một nhà đầu tư đã tìm kiếm và đưa ra danh sách những công ty khởi nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ có tốc độ tăng trưởng cao trong khoảng thời gian ngắn. Và Aileen Lee muốn có một thuật ngữ để có thể minh họa được nhóm khởi nghiệp công nghệ mới có giá trị trên 1 tỷ USD và được thành lập sau năm 2003. Vào thời điểm bài báo được xuất bản, cô đã tìm thấy 39 con kỳ lân đã đáp ứng các tiêu chí này.
Những đặc tính của Unicorn là gì? Đầu tiên hẳn là sự quý hiếm. Hồi năm 2013, người sáng tạo ra thuật ngữ này ước tính rằng, trong 1539 công ty Internet và phần mềm mới xuất hiện thì chỉ có 1 trong số đó được xem là Unicorn. Một công ty tỷ đô không xuất hiện thường xuyên và Unicorn là câu chuyện thành công hiếm có của những người mới bắt đầu.
Một đặc tính khác của Unicorn là sự khao khát. Những con Unicorn muốn cách mạng hóa thế giới và một trong những khẩu hiệu cửa miệng của giới công nghệ thường được nhắc đến mỗi khi họ tung ra sản phẩm mới là “thay đổi thế giới”.
Ngay từ đầu, Uber không chỉ là xây dựng một ứng dụng để gọi xe – mà bản chất của nó nhắm vào nhu cầu đi xe taxi và cung cấp cho người dùng mức giá tốt hơn. Những con Unicorn đang có sứ mệnh xây dựng những điều mà thế giới chưa bao giờ thấy trước đây và họ muốn giải quyết vấn đề mới ở quy mô khổng lồ.
Mặc dù có giá trị lớn nhưng thế giới phải công nhận rằng Unicorn rất khó nắm bắt. Unicorn là một thuật ngữ đầy tính lãng mạn và mạnh mẽ của giới công nghệ, chúng ở xa tầm với của nhiều người, chúng tạo ra được những điều kỳ diệu và rất hiếm gặp.
Một số thống kê thú vị về Unicorn
- Ba ngành công nghiệp hàng đầu của Unicorn hầu hết là Internet tiêu dùng, phần mềm và thương mại điện tử.
- 35 trong số các công ty trong danh sách sau 4 năm đạt được trạng thái kỳ lân. Dịch vụ truyền tải Hulu, Pivotal, và UCAR chưa đầy một năm tuổi đã đạt có giá hơn 1 tỷ USD.
- Đại học Stanford, Đại học Harvard và Đại học California là ba trường hàng đầu của những người sáng lập kỳ lân.
- 60% người sáng lập lần đầu starup đã biến doanh nghiệp của mình trở thành Unicorn.
Kỳ lân khởi nghiệp sống ở đâu?
Những Unicorn mới xuất hiện trong nửa đầu năm 2017 đến từ nhiều ngành nghề khác nhau. Chúng ta có Fintech (Paytm – nhà cung cấp dịch vụ thương mại di động, và Robinhood – nền tảng giao dịch chứng khoán), nhà thông minh (Katerra – khởi nghiệp xây dựng và View – nhà sản xuất kính thông minh) và loa array (JBL- nhà sản xuất thiết bị âm thanh) xe đạp (Ofo và Peloton- nhà sản xuất xe đạp thể dục và các bài tập).
Tất nhiên cũng không thể thiếu các doanh nghiệp phần mềm (CrowdStrike – bảo mật an ninh mạng, và Symphony – nền tảng nhắn tin doanh nghiệp) và Internet tiêu dùng (trang web câu hỏi và trả lời Quora và Zhihu).
Nơi sản sinh ra Unicorn ít có sự thay đổi về địa lý. Sự áp đảo của những công ty khởi nghiệp xuất hiện trong danh sách trị giá tỷ USD đều đến từ Mỹ hoặc Trung Quốc. Tại Mỹ có 13 con kỳ lân mới, trong khi Trung Quốc đã xuất xưởng được 8 công ty tỷ USD như vậy trong năm 2017. Ấn Độ và Anh đều có một Unicorn xuất hiện. Điều này không có gì là quá mới lạ bởi trong danh sách 231 Unicorn thì có tới 121 công ty đang đặt trụ sở tại Mỹ và 66 đến từ Trung Quốc.
Decicorn – những con kỳ lân vĩ đại
Unicorn được sử dụng nhằm mô tả startup có giá trị trên 1 tỷ USD nhưng hiện nay thế giới đã có cả đàn ngựa một sừng như vậy. Trên thực tế, nhiều công ty khởi nghiệp được đánh giá cao bây giờ có giá trị hơn 10 tỷ USD. Chúng được gọi là “decicorn”.
Những decicorn hiện nay đều đến từ Mỹ hoặc Trung Quốc. Hiện thế giới có 15 decicorn, trong đó dẫn đầu danh sách hiện nay chính là Uber – trị giá 62 tỷ USD, mặc dù có nhiều xáo trộn khi Travis Kalanick – CEO và là đồng sáng lập từ chức nhưng họ nhanh chóng tăng vốn từ Quỹ Đầu tư công cộng Ả Rập Saudi. Trong số 15 decicorn này, lâu đời nhất phải kể đến SpaceX của Elon Musk (2002) và trẻ tuổi nhất là DiDi ChungXin đến từ Trung Quốc (2012) – ứng dụng gọi xe. Sau cuộc cạnh tranh khốc liệt tại thị trường Trung Quốc, Uber đã đầu hàng và chấp nhận để Didi Chuxing mua lại. Chính Apple đã đầu tư 1 tỷ USD vào Didi Chuxing hồi tháng 5/2016.
Unicorpse – Con kỳ lân chết
Unicorpse là một unicorn chết (con kỳ lân chết) – một doanh nghiệp khởi nghiệp đạt được giá trị 1 tỷ USD, sau đó suy giảm và thất bại trước khi ra được công chúng. Unicorpse được ví như dịch bệnh , bong bóng công nghệ. Như đã nhắc đến ở trên, Unicorn mạnh mẽ nhưng khó nắm bắt, việc được định danh tỷ USD trước khi lên sàng là một trong những nhận định chủ quan tốn kém nhất mà thế giới từng biết đến.
Cái chết đình đám được dự đoán sớm nhất của Unicorn chính là Evernote. Đây một công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon, làm ra ứng dụng ghi chú trên điện thoại thông minh. Sau khi tăng trưởng mạnh trong vài năm, được các nhà đầu tư rót khoảng 270 triệu USD và được định giá ở mức 1 tỷ USD, Evernote bắt đầu lâm vào khó khăn trong năm 2015. Chỉ sau 1 năm công ty này đã được mở rộng quá mức, chi tiêu quá nhiều tiền và đã đánh mất 20% giá trị. Nhưng Evernote vẫn còn sống sót, còn đối với sự sụp đổ của Theranos – một công ty cung cấp thiết bị xét nghiệm máu đình đám ở Mỹ là một cuộc khủng hoảng kịch tính mà có thể dựng thành phim.
Theranos đã được định giá 9 tỷ USD vào năm 2014 và biến người đứng đầu của nó là Elizabeth Holmes đứng thứ nhất trong danh sách “Người giàu nhất nước Mỹ” của tạp chí Forbes. Tuy nhiên, sự thật bị phanh phui vào giữa năm 2015 khi nhiều tổ chức của Mỹ cho rằng các xét nghiệm của Theranos không chính xác và bị chính quyền cấm mở các phòng thí nghiệm tiếp theo. Ngay lập tức, Theranos quay trở về giá trị thực chỉ vào khoảng 800 tiệu USD, thay vì con số 9 tỷ USD được tung hô. Giá trị tài sản của công ty hiện nay bao gồm quyền sở hữu trí tuệ và 724 triệu USD vốn góp từ nhà đầu tư cũng đã biến số cổ phần của nữ sáng lập Holmes gần như có giá trị bằng 0. Câu chuyện này đã gây chấn động giới startup thế giới. Gầy đây nhất, tỷ phú Ruport Murdoch – một trong những ông trùm truyền thông – quyết định bán số cổ phiếu trị giá 125 triệu USD của startup Theranos với cái giá không tưởng 1 USD. Từng được định giá tới 9 tỷ USD và được tung hô như một sự thay đổi thế giới vậy mà chưa đầy 1 năm sau, công ty này đã đứng trước nguy cơ sụp đổ.
Những con kỳ lân như Theranos , One King’s Lane hay Evernote thường sụp đổ sau những vụ scandal hoặc có vài yếu tố bất thường vốn được xem là hiếm hoi. Nhưng cùng với sự bùng nổ của startup thì những tình huống vốn xa xỉ này ngày càng phổ biến ở Thung lũng Silicon. Zynga đã phải rao bán văn phòng của mình và Twitter buộc phải thuê đi thuê mới văn phòng khi doanh thu trong kinh doanh tiếp tục gây thất vọng. Thậm chí Uber đã mất 1,2 tỷ USD trong nửa đầu năm 2016 và 4 tỷ USD sau 7 năm.
Unicorn – thần thánh hóa hay chỉ là công cụ kiếm tiền
Theo một nghiên cứu của Đại học British Columbia và Đại học Stanford, trong danh sách Unicorn thì có tới hơn một nửa các công ty không xứng danh thần thoại này. Họ đã sử dụng khá nhiều chiêu trò để tăng giá trị của bản thân. Những công cụ được sử dụng để tạo đòn bẩy trong thương lượng giá cao với các nhà đầu tư thường đi kèm với chi phí của nhân viên và sự bổ sung ồ ạt cổ đông sớm, đôi khi làm giảm mạnh giá trị thực của cổ phiếu.
Các nhà đầu tư cùng dần tự tạo ra các biện pháp bảo vệ mình trước những startup theo đuổi giấc mơ trở thành con kỳ lân. Sự thắt chặt trong tuyển dụng cũng như định giá dự trên yếu tố tín nhiệm đang rất được các nhà đầu tư xem trọng.
Một điều khoản thường xuyên dành cho các nhà đầu tư được gọi là ưu đãi thanh lý. Nó đảm bảo thanh toán tối thiểu trong trường hợp mua lại hoặc thoát vốn khác. Nghiên cứu cho thấy nó có thể phóng đại giá trị của một công ty lên đến 94%. Các nhà nghiên cứu chỉ ra AppNexus – một công cụ quảng cáo kỹ thuật số đã bán cổ phiếu có ưu đãi thanh lý để đảm bảo cho những người nhà đầu tư mới có ít nhất gấp đôi số tiền họ đầu tư vào nếu AppNexus bị mua lại.
Một thủ thuật phổ biến khác được biết đến như là ratchet – điều khoản về tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông và lãnh đạo của công ty private equity, cho phép ban lãnh đạo được tăng tỷ lệ sở hữu nếu công ty làm ăn có lãi.
Đây là con dao hai lưỡi khiến nhiều Unicorn trở thành Unicorpse. Blue Apron sau IPO đã khiến mọi thứ trở nên hỗn loạn, nhà cung cấp thanh toán Square cũng phải đối mặt với vấn đề tương tự như vậy khi ra công chúng. Nghiên cứu này cũng chỉ ra Ratchets có thể làm tăng giá trị khởi động lên 56% hoặc hơn.
Cuộc nghiên cứu đã khảo sát 116 con kỳ lân được thành lập sau năm 1994, với giá trị trung bình là 2,7 tỷ USD. Các nhà nghiên cứu nhận thấy 11% các công ty, bao gồm cả HomeAway và SolarCity, sử dụng cổ phiếu ưu đãi để tăng giá trị của họ lên hơn hai lần so với giá trị ước tính hợp lý của nghiên cứu.
Nhưng không phải mọi quá trình khởi động đều bị đánh giá quá cao. Ví dụ, các nhà nghiên cứu nhận thấy Uber Technologies Inc chỉ có một ví dụ về sở thích thanh lý. Nghiên cứu cho biết giá trị của Uber là 69 tỷ USD chỉ cao hơn 12% so với ước tính giá trị hợp lý. Ngay cả khi ước tính thấp hơn, Uber vẫn sẽ là bước khởi đầu công nghệ cao nhất thế giới.
Những con kỳ lân thực thụ
Rất nhiều startup phát triển với một nền tảng bền vững chứ không thổi bong bóng. Họ không cố gắng bước ra công chúng một cách nhanh nhất thay vào đó là thay đổi thế giới từ những thứ nhỏ nhặt nhất. Có một niềm tin phổ biến rộng rãi giữa các nhà sáng lập rằng vốn mạo hiểm (VC – Venture capital) là tiền thân cho sự thành công. VC là mẫu số chung của các công ty mới thành công nhất về công nghệ, nhưng nó không phải là điều kiện tiên quyết, đặc biệt là ở giai đoạn đầu.
Các doanh nhân có thể chứng minh bản thân mình với vốn đầu tư rất ít. Nếu bạn không thể sáng tạo biến 1 USD thành 10 USD thì tại sao lại mong đợi để có thể biến 1 triệu USD thành 10 triệu USD?
Thế giới có một danh sách dài các startup bắt đầu với vài nghìn USD hoặc không có gì và trở thành hình mẫu của việc kinh doanh hiệu quả. Nhiều công ty này sau đó đã được định giá hàng tỷ USD, một số thậm chí có hàng tỷ USD doanh thu, và họ bắt đầu từ vòng gọi vốn gieo mầm. Đó là những con kỳ lân không nhìn thấy được của ngành công nghiệp công nghệ cao.
Những doanh nghiệp này thành công nhờ đâu? Nhờ vào chính nhu cầu hằng ngày của bản thân. Đồng sáng lập / Giám đốc điều hành Ben Chestnut của MailChimp trước khi khởi nghiệp đã phải rất vất vả trong việc thiết kế và gửi hàng loạt email. Để mọi thứ trở nên thuận tiện, ông đã quyết định xây dựng một công cụ sẽ thay thế các việc thủ công trong việc viết email. MailChimp, một doanh nghiệp kinh doanh trị giá 400 triệu USD ra đời.
Không chỉ khởi đầu từ nhu cầu cá nhân, các công ty startup cần nhận thức được mình là ai trước khi tham gia thị trường. Những cuộc tấn công nhắm vào những ông vua của ngành công nghiệp kỹ thuật cao thường dẫn đến thất bại. Điều này càng rõ ràng hơn đối với lĩnh vực phần cứng. Thay vì cố gắng cạnh tranh với một công ty như Apple, những công ty mới khởi nghiệp có thể lấp đầy chỗ trống những nơi mà các đại gia thường lãng quên. Limor Fried bắt đầu đế chế thương mại điện tử điện tử DIY của cô khi còn là sinh viên của MIT, tất cả bắt đầu khi cô tự làm máy nghe nhạc MP3 và hướng dẫn mọi người để họ có thể làm theo ở trên trang Web. “Người ta cứ gửi email cho tôi, nói rằng,” Tôi nhìn thấy dự án của bạn, và tôi muốn tạo một sản phẩm như thế . Bạn có thể gửi cho tôi một bộ thiết bị? ‘” Fried cho hay ” Vì vậy, tôi nghĩ rằng, có lẽ nên khởi nghiệp.” Fried là nữ kỹ sư đầu tiên xuất hiện trên trang bìa của Wired khi Adafruit tạo được doanh thu hơn 22 triệu USD vào hồi năm 2014.
Có một điều mà dường như rất nhiều người mới bắt đầu đã bỏ qua là khởi nghiệp không phải là đặc biệt sáng tạo về mô hình kinh doanh. Bạn có thể tạo ra cái bẫy chuột mới dựa trên nền tảng công nghệ hiện nay hay như Apple luôn thành công nhờ vào việc hoàn thiện các ý tưởng mà thế giới bày ra cho họ.
Những người sáng lập của Shopify đã từng vất vả trong quá trình quản lý công việc bán hàng trực tuyến. Vì không có công cụ nào có thể đáp ứng nên họ đã tự tạo cho mình một giải pháp riêng và sản phẩm đó cũng là nhu cầu của rất nhiều người. Họ đã tiếp tục phát triển giải pháp của mình trong 6 năm và cuối cùng họ cũng gọi vốn được. Về sau IPO, Shopify được định giá lên đến hàng tỷ USD.
Theo PC WORLD VN, 09/2017
Tin gốc