Những cách nâng cao mức độ nhận diện thương hiệu cho doanh nghiệp

Xây dựng và nâng cao mức độ nhận diện thương hiệu là điều cần thiết để phát triển và mở rộng hoạt động kinh doanh. Xây dựng nhận diện thương hiệu là chiến lược đường dài, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, nỗ lực và tiền bạc. Tuy nhiên, những hiệu quả mà nhận diện thương hiệu đem lại rất đáng để đầu tư và mong chờ.

Nhận diện thương hiệu là gì?

Nhận diện thương hiệu là mức độ mà một thương hiệu được khách hàng tiềm năng nhận ra và liên kết chính xác thương hiệu với sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể. Độ nhận diện thương hiệu càng lớn tương ứng càng có nhiều khách hàng quen thuộc với logo, thông điệp và sản phẩm của doanh nghiệp.

Vai trò của nhận diện thương hiệu

Nhận diện thương hiệu là một cách truyền tải các thông điệp, cá tính, đặc trưng của sản phẩm và doanh nghiệp với khách hàng. 

Nhận diện thương hiệu đã và đang đóng vai trò quan trọng trong hoạt động phát triển của doanh nghiệp như:

  • Truyền đạt các thông điệp, giá trị sản phẩm, giá trị kinh doanh của doanh nghiệp tới khách hàng

  • Định hình dư luận và nhận thức về doanh nghiệp 

  • Thiết lập lòng trung thành và tin tưởng của khách hàng

  • Khi mức độ nhận diện thương hiệu phủ sóng rộng rãi, khách hàng có thể tin tưởng lựa chọn thương hiệu của bạn nhiều hơn ngay cả khi họ có những lựa chọn rẻ hơn.

  • Làm cho thương hiệu của bạn trở nên đáng nhớ và có thể trở thành “top of mind” trong tâm trí khách hàng.

  • Chiếm ưu thế về nhiều mặt so với đối thủ cạnh tranh của bạn trong một thị trường bão hòa.

  • Một doanh nghiệp có độ nhận diện tốt sẽ thu hút khách hàng tiềm năng chất lượng cao hơn và tìm thấy khách hàng mục tiêu nhanh hơn

  • Xây dựng danh tiếng doanh nghiệp

9 cách để xây dựng nhận diện thương hiệu

Theo Savanta, 89% nhà tiếp thị khẳng định xây dựng nhận diện thương hiệu là mục tiêu số một của họ. Vì vậy, để đạt được hiệu quả khi xây dựng nhận diện thương hiệu, bạn có thể tham khảo và áp dụng các cách tăng nhận diện thương hiệu sau:

Bộ nhận diện thương hiệu

Bộ nhận diện thương hiệu cho phép doanh nghiệp đạt được sự nhất quán để khách hàng nhanh chóng ghi nhớ, giảm thiểu sự bối rối của khách hàng khi tìm kiếm thương hiệu trên các nền tảng khác nhau.

Thêm vào đó, bộ nhận diện thương hiệu giúp bạn truyền tải thông điệp, giá trị và sứ mệnh của thương hiệu. Ngoài ra, bộ nhận diện còn làm rõ mục tiêu của sản phẩm và thương hiệu để thu hút khách hàng

Các khía cạnh chính của bộ nhận diện thương hiệu bao gồm:

  • Logo hoặc wordmark: Biểu tượng đặc trưng và chỉ doanh nghiệp bạn có sẽ giúp khách hàng nhanh chóng nhận diện và ghi nhớ thương hiệu. Một số logo của các  thương hiệu lớn có hình ảnh đặc trưng (ví dụ Pepsi), trong khi những thương hiệu khác sử dụng logo dạng kí tự văn bản (ví dụ như Coca-Cola). Các doanh nghiệp có thể lựa chọn sử dụng logo bằng chữ, hình ảnh hoặc kết hợp cả hai tuỳ thuộc vào định hướng của từng doanh nghiệp.

  • Font chữ: Các font chữ khác nhau cũng sẽ mang ý nghĩa và đặc trưng riêng. Ví dụ: font chữ đứng, đường nét cứng cáp sẽ phù hợp cho các công ty muốn xây dựng hình ảnh nghiêm túc, cứng rắn như công ty luật, công ty công nghệ. Trong khi các font chữ mềm, có đường nét uốn cong sẽ phù hợp với các công ty trong ngành nghệ thuật, dịch vụ như trung tâm dạy vẽ, công ty tổ chức tiệc cưới/cho thuê váy cưới

  • Màu sắc: Một số thương hiệu sử dụng duy nhất một màu chủ đạo như: Pizza Hut, Coke và Facebook, trong khi có các thương hiệu khác sử dụng từ hai màu trở lên như: BigC, Pepsi và Ikea. Màu sắc phù hợp, nhã nhặn, không quá sặc sỡ, hợp mắt người tiêu dùng sẽ giúp họ nhớ về thương hiệu bạn lâu hơn.

Ví dụ: Công ty Vinamilk chuyên cung cấp các sản phẩm sữa bò đã thiết kế logo với 2 màu chủ đạo là màu xanh lá cây của đồng cỏ và màu xanh nước biển của trời để khách hàng dễ dàng gợi nhớ đến những khung cảnh từ thiên nhiên. Ngoài ra trên mỗi hộp sữa của Vinamilk đều có hình ảnh chú bò làm đại diện, kết hợp sử dụng các font chữ cứng và mềm để tạo thiện cảm cho người tiêu dùng. 

Xây dựng website, tối ưu SEO 

Xây dựng website và tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) với các từ khóa liên quan đến mục đích của người dùng rất quan trọng đối với một thương hiệu. Nó liên quan đến việc nội dung của bạn được khách hàng nhìn thấy và được Google đề xuất. Để cải thiện SEO và nâng cao thứ hạng trong trang tìm kiếm, doanh nghiệp có thể áp dụng các cách chính sau:

  • Nghiên cứu các từ khóa trong ngành của bạn: Đây là những từ mà công ty đối thủ đang sử dụng hoặc khách hàng mục tiêu của bạn đang tìm kiếm. Để tối ưu hóa nhận thức về thương hiệu, bạn có thể tập trung kết hợp các từ khóa cung cấp thông tin vào nội dung của mình trước. Đây là những từ khóa phù hợp với giai đoạn đầu tiên trong hành trình khách hàng – khi khách hàng bắt đầu tìm kiếm thông tin và muốn tìm hiểu thêm về những sản phẩm hiện có. 

  • Xây dựng nội dung xung quanh các từ khóa. Ví dụ: doanh nghiệp bạn là nhà bán lẻ thời trang và bạn nhận thấy rằng rất nhiều người đang tìm kiếm “áo khoác mùa đông”. Bạn có thể tạo một bài đăng có tiêu đề “5 loại áo khoác mùa đông bạn nên có” để thu hút khách hàng, cải thiện thứ hạng tìm kiếm và gia tăng nhận diện thương hiệu

Quảng cáo trả phí

Chạy quảng cáo trả phí để nâng cao mức độ nhận diện thương hiệu là một cách phổ biến nhưng đòi hỏi nhiều chi phí. 

Hiện nay các trang mạng xã hội (như Facebook, TikTok, Instagram … ) đều cung cấp công cụ và các gói quảng cáo nhận diện thương hiệu. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu quảng cáo, các doanh nghiệp cần xác định rõ đối tượng mục tiêu của quảng cáo, phạm vi tiếp cận, ngân sách quảng cáo … để tối ưu chi phí quảng cáo và đạt được hiệu quả quảng cáo tốt nhất.

Hợp tác với các thương hiệu khác

Liên kết với một thương hiệu khác không chỉ gia tăng phạm vi tiếp cận khách hàng của cả hai công ty mà còn tạo dựng lòng tin của cả hai thương hiệu đối với khách hàng. Nếu một khách hàng yêu thích thương hiệu A và thương hiệu A đang hợp tác với thương hiệu B, thì có thể thương hiệu B cũng sẽ trở thành thương hiệu được khách hàng đó quan tâm.

Ví dụ: Apple và Nike đã cùng hợp tác để ra mắt Watches Series 3. Mặc dù cả hai đều là những ông lớn trong ngành nhưng không thể phủ nhận rằng sự hợp tác này đã gia tăng mức độ nhận diện của Apple đối với những tín đồ thời trang thể thao, gia tăng mức độ nhận diện của Nike đối với những người yêu thích công nghệ.

Cung cấp/tài trợ tài nguyên miễn phí 

Mọi người đều thích quà tặng. Vì vậy, cung cấp các tài liệu nghiên cứu miễn phí, tài khoản dùng thử, … là một cách hay để thu hút những khách hàng tiềm năng. Nó cũng có thể tạo ra tiếng vang và gia tăng mức độ nhận diện cho thương hiệu trên các nền tảng trực tuyến.

Ngoài cung cấp các tài nguyên miễn phí, doanh nghiệp có thể tài trợ cho các sự kiện, hội thảo workshop, webinar, … để chia sẻ, giao lưu. Tài trợ cho các sự kiện, hội thảo là một cách để tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng mục tiêu. Tài trợ cho các sự kiện mà khách hàng mục tiêu có nhiều khả năng yêu thích và tham gia nhất có thể giúp thương hiệu của bạn được hàng nghìn người biết đến. Tên thương hiệu sẽ ở khắp mọi nơi trong sự kiện và gắn bó xuyên suốt với sự kiện.

Xây dựng cộng đồng và các trang mạng xã hội 

Để gia tăng nhận diện thương hiệu, các doanh nghiệp có thể thực hiện phương pháp tiếp cận đa kênh (email, quảng cáo kỹ thuật số, thư trực tiếp, mạng xã hội và xây dựng cộng đồng: forum, blog …). Phương pháp tiếp cận này giúp khách hàng có thể tìm kiếm và nhận ra thương hiệu bạn ở mọi nơi. Điều này tạo ra nhận thức hàng đầu đối với khách hàng, định vị bạn là nguồn truy cập đáng tin cậy trong ngành kinh doanh của bạn.

Tạo podcast

Trong chiến lược gia tăng mức độ nhận biết thương hiệu, bạn càng tạo ra nhiều giá trị cho cuộc sống của người tiêu dùng, họ càng có nhiều khả năng nhớ đến bạn, giới thiệu bạn và trở thành khách hàng trung thành. Vì vậy, tạo podcast có thể giúp bạn kết nối với đối tượng mục tiêu và quảng bá thương hiệu. 

Tạo một podcast không nhất thiết phải đơn giản như chỉ nói về sản phẩm hoặc dịch vụ mà doanh nghiệp đang cung cấp. Với podcast, bạn có thể chia sẻ, trao đổi các thông tin giải trí, truyền tải các thông điệp có ý nghĩa. 

Podcast không chỉ làm tăng giá trị cho cuộc sống của người nghe, mà còn có thể mang lại hiệu quả kỳ diệu về nhận thức thương hiệu.

Kết hợp với người nổi tiếng, KOL/KOC 

Hiện nay, các thương hiệu có xu hướng kết hợp với người nổi tiếng, KOL/KOC và để họ làm người đại diện cho thương hiệu. Người đại diện không nhất thiết phải là người có nhiều người theo dõi trên mạng xã hội nhất nhưng họ cần có sự tương tác và tin tưởng đối với thương hiệu. 

Họ cần quảng bá thương hiệu một cách tích cực, duy trì danh tiếng của công ty và nói cho mọi người, đặc biệt là khách hàng tiềm năng lý do tại sao họ nên tin tưởng, lựa chọn thương hiệu.

Tiếp thị truyền miệng

Theo Hubspot, 49% người tiêu dùng Hoa Kỳ cho biết bạn bè và gia đình là những nguồn nhận biết thương hiệu hàng đầu của họ. Vì thế, một chương trình giới thiệu không chỉ tăng phạm vi tiếp cận và số lượng người biết đến thương hiệu mà còn củng cố niềm tin cho thương hiệu đối với khách hàng mới từ một người mà mọi người tin tưởng (bạn bè, gia đình, …)

Một số chiến thuật tiếp thị truyền miệng phổ biến bao gồm:

  • Tạo chương trình tiếp thị giới thiệu: Cung cấp phần thưởng cho những khách hàng giới thiệu thương hiệu của bạn cho bạn bè hoặc thành viên gia đình 

  • Chia sẻ đánh giá của khách hàng: Khi có khách hàng đánh giá tích cực về thương hiệu và sản phẩm, bạn có thể tổng hợp và chia sẻ nó trên mạng xã hội, trang web của thương hiệu bạn

  • Tổ chức các sự kiện chia sẻ, thảo luận: Tổ chức các sự kiện mang đến cho khách hàng nhiều thông tin để thảo luận và ghi nhớ về thương hiệu.

Nâng cao độ nhận diện thương hiệu có thể xây dựng lòng trung thành với thương hiệu, thu hút khách hàng mới và thúc đẩy doanh số bán hàng. Hãy ứng dụng các cách trên để bắt đầu gia tăng mức độ nhận diện doanh nghiệp ngay hôm nay.

Có thể bạn quan tâm:

12 nội dung giúp thương hiệu tăng nhận diện trên nền tảng số

5 chiến lược tiếp thị số để tăng nhận diện thương hiệu