Những bộ tộc bí ẩn sống tách biệt với thế giới hiện đại
Du khách Mỹ John Allen Chau bị thổ dân trên đảo North Sentinel, Ấn Độ giết chết gần đây (Ảnh: BBC)
John Allen Chau, một nhà truyền giáo 27 tuổi, gần đây đã bị truy đuổi và giết chết khi cố gắng lên đảo North Sentinel (thuộc Quần đảo Andaman, Ấn Độ) để tiếp cận một bộ lạc bí ẩn vốn sống tách biệt với thế giới hiện đại.
Các ngư dân trợ giúp du khách Mỹ John Allen Chau tới đảo cho biết đã nhìn thấy các thổ dân kéo thi thể của anh này qua một bãi biển trước khi chôn xác người thanh niên này.
Vụ việc đã gây xôn xao dư luận, và khiến thế giới chú ý hơn tới những bộ tộc không có sự liên hệ với con người ngày nay.
Bộ tộc Sentinel không có khả năng miễn dịch đối với các căn bệnh thông thường và sự tiếp xúc với những người bên ngoài đe dọa dân số của họ, theo tổ chức phi chính phủ Survival International chuyên về quyền lợi của các thổ dân.
Các bộ tộc khác trên thế giới cũng đối mặt với bệnh tật và mất đất do các ngành công nghiệp như khai thác gỗ, khoan dầu và chăn nuôi gia súc. Nhiều bộ tộc sống hầu như biệt lập với thế giới con người hiện đại.
Awá (Brazil)
Một thành viên của bộ tộc Awá (Survival International)
Được xem là “bộ tộc dễ bị nguy hiểm nhất thế giới”, khoảng 100 trong số khoảng 600 thành viên của bộ tộc vẫn sống du mục trong vùng rừng Amazon ở biên giới Brazil với Peru và không có liên hệ gì với thế giới bên ngoài, theo tạp chí National Geographic.
Họ sống với những mối đe dọa “gần như không ngớt” do các vụ cháy rừng và hoạt động khai thác gỗ. Các mối đe dọa này đã khiến một bộ tộc khác là Guajajara phải “vùng lên” để bảo vệ mình như “những người bảo vệ rừng”.
Vào tháng 1/2014, chính phủ Brazil đã điều quân đội tới một khu vực thuộc rừng Amazon, cùng các máy ủi và trực thăng, để trục xuất hàng trăm gia đình sống trái phép tại một bảo tồn dành cho các thổ dân. Chiến dịch kéo dài 3 tháng nhằm cứu bộ tộc Awá khỏi nguy cơ nguy cơ tuyệt chủng. Đây là chiến dịch lớn nhất kiểu này của Brazil cho tới thời điểm đó và được các nhà hoạt động rất ủng hộ. Nhưng sau đó, những người định cư bất hợp pháp vẫn trở lại và đe dọa cuộc sống của bộ tộc Awá.
Brazil có hàng trăm bộ tộc và được tin là có số người biệt lập trong rừng nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.
Mashco Piro (Peru)
Các thành viên của bộ tộc Mashco Piro (Ảnh: Reuters)
Mashco Piro là một trong khoảng 15 bộ tộc sống biệt lập tại Peru, tất cả trong số đó đều đối mặt với các mối đe dọa từ các ngành công nghiệp khai thác gỗ và dầu, theo tổ chức Survival International
Theo Reuters, về cơ bản, bộ tộc này không tiếp xúc với người ngoài, nhưng bắt đầu xuất hiện nhiều lên trong những năm gần đây trong bối cảnh bị mất đất. Các thành viên của Mashco Piro chủ yếu săn bắn và tìm kiếm trứng rùa làm đồ ăn. Chính phủ Peru nước tính, số lượng thành viên của bộ tộc này chưa tới 800 người.
Vào tháng 8/2013, BBC đưa tin rằng một nhóm thành viên của Mashco-Piro đã được nhìn thấy dường như đang hỏi xin đồ ăn từ những người dân làng sống gần đó. Chính phủ Peru đã cấm người dân tiếp xúc với bộ tộc Mashco-Piro vì lo ngại họ có thể bị nhiễm từ những người lạ các căn bệnh mà họ không có khả năng miễn dịch.
Vào tháng 6/2014, bảy thành viên của Mashco-Piro đã xuất hiện tại ngôi làng Simpatia bên sông Envira tại bang Acre của Brazil. Họ đã gặp các thành viên của nhóm thổ dân Ashaninka sống tại đó và đề nghị trợ giúp bảo vệ khỏi các vụ tấn công và sát hại từ người lạ, được cho là những kẻ buôn người. Họ đã bị nhiễm các căn bệnh hô hấp do sự tiếp xúc này nhưng đã được điều trị và khỏi bệnh.
Kawahiva (Brazil)
Bộ tộc Kawahiva, được các bộ tộc láng giềng gọi là “người lùn” hoặc “người đầu đỏ” – dường như đã buộc phải sống du cư trong những thập niên gần đây do tình trạng chặt phá rừng tại vùng rừng Amazon của Brazil, theo tổ chức Survival International.
“Ngoài điều đó, rất ít thông tin về họ được biết đến, vì họ không liên lạc thông thường nào với người bên ngoài”, tổ chức trên cho hay.
Họ săn bắn, hái lượm và dựng những chiếc thang công phu để trèo cây nhằm thu lượm mật ong. Theo Survival, bộ tộc này có thể chỉ còn chưa tới 30 thành viên.
Vào tháng 8/2013, Kawahiva đã thu hút sự chú ý khi chính phủ Brazil công bố một video về bộ tộc được quay vào năm 2011. Trong video, một nhóm gồm 9 thành viên đang vừa đi vừa nói chuyện trong rừng. Họ đều không mặc quần áo và các nam giới cầm cung tên và mũi tên. Khi một phụ nữ đi cùng 2 người con phát hiện có camera, người này đã hét lên “kẻ thù” và bỏ chạy. Một người đàn ông đã tách nhóm để thăm dò và chỉ trở lại khi chắc chắn rằng người ghi hình không đe dọa họ. Họ được cho là đã thảo luận về việc tìm kiếm một nơi nào đó để nghỉ ngơi vào buổi tối. Đó là lần đầu tiên các thành viên của bộ tộc Kawahiva được ghi hình. Trước đó, chỉ có các hình ảnh được công bố vào năm 2005 cho thấy các thành viên của Kawahiva đang đốn cây.
Ayoreo (Paraguay)
Các túp lều của bộ tộc Ayoreo (Ảnh: AFP)
Các thành viên của bộ tộc Ayoreo sống biệt lập tại Chaco – khu rừng lớn nhất Nam Mỹ ngoài Amazon, và có thể là nhóm thổ dân biệt lập cuối cùng của Nam Mỹ bên ngoài Amazon.
Theo tổ chức Survival, các thành viên của Ayoreo đều tấn công và bỏ chạy khi thấy các xe ủi đất, mà họ gọi là “các quái thú với lớp vỏ kim loại”, khi những người khai thác gỗ chặt phá rừng, nơi các thổ dân gọi là nhà.
Hiện chưa rõ có bao nhiêu thành viên sống du cư trong rừng Chaco ngày nay sau khi các liên lạc với những nhóm bên ngoài, trong đó có các nhà truyền giáo, dẫn tới bệnh tật và xung đột gây chết người.
Yanomami (Venezuela)
Bộ tộc Yanomami sống trong vùng rừng trải dài từ phía nam Venezuela tới phía bắc Brazil trong hàng nghìn năm. Theo Washington Post, bộ tộc này có tổng cộng khoảng 40.000 thành viên vào năm 2014.
Davi Kopenawa, một pháp sư Yanomami, cho biết các thành viên của bộ tộc sống biệt lập, được gọi là Moxateteu, khá nhiều và cũng bị “đe dọa như chúng tôi”. Ngoài các mối đe dọa từ hoạt động như đào vàng, người Yanomami cũng đối mặt với việc thiếu thốn về chăm sóc y tế tại Venezuela.
Một đại dịch sởi đã khiến khoảng 500 người Yanomami nhiễm bệnh hồi năm nay, tương tự một đại dịch xảy ra vào những năm 1960.
An Bình/ Dân trí