Những bác sĩ gần dân, vì dân
Vượt qua những khó khăn, áp lực mà ngành Y tế Đồng Nai nói riêng và ngành Y tế cả nước nói chung gặp phải trong năm 2022, nhiều bác sĩ (BS), nhân viên y tế trong tỉnh đã và đang tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
BS Nguyễn Thị Đại Na, Trưởng trạm Y tế xã Thanh Sơn khám sức khỏe cho người dân trước khi tiêm vaccine phòng Covid-19. Ảnh: H.DUNG
Dù là BS ở tuyến trạm hay tuyến tỉnh, ở họ đều có chung một niềm đam mê mãnh liệt với ngành Y và mong muốn người dân ngày càng được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
* Không chùn bước trước khó khăn
Xã Thanh Sơn (H.Định Quán) hiện có hơn 30 ngàn dân, sống rải rác tại 8 ấp với tổng diện tích 31ha. Dân cư sống rải rác, không tập trung gây nhiều khó khăn cho công tác y tế tại địa phương. Tuy nhiên, với sự đoàn kết, nỗ lực vượt khó, 12 cán bộ, nhân viên y tế của Trạm Y tế xã Thanh Sơn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong đó, vai trò chủ công là BS Trưởng trạm Nguyễn Thị Đại Na.
Năm 2005, y sĩ Đại Na về công tác tại Trạm Y tế xã Thanh Sơn. 3 năm sau đó, chị đi học BS đa khoa tại Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Tốt nghiệp ra trường, BS Đại Na được phân công công tác tại trạm y tế các xã Túc Trưng, Phú Ngọc. Đến năm 2015, BS Đại Na được phân công trở về Trạm Y tế xã Thanh Sơn với vai trò Phó trưởng trạm, rồi Trưởng trạm cho đến nay.
Bác sỹ NGUYỄN THỊ ĐẠI NA, Trưởng trạm Y tế xã Thanh Sơn đang theo học BS chuyên khoa I chuyên ngành nội khoa. Mong muốn của BS Đại Na sau khi học xong sẽ có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.
BS Đại Na cho biết, trước đây khi chưa có cầu Thanh Sơn, hàng ngày chị phải đi đò qua sông để đến trạm. Bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, dù đang trong ca trực hay đã về nhà, nếu có trường hợp cần sơ cứu, cấp cứu ban đầu, BS Đại Na đều không nề hà, tức tốc đến trạm để hỗ trợ người dân. Hiểu được những thiệt thòi của người dân ở vùng sâu, vùng xa trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế, BS Đại Na luôn tận tình hướng dẫn, tư vấn mỗi khi người dân phát hiện mắc bệnh hoặc cần chuyển lên tuyến trên điều trị.
Mặc dù là xã đông dân nhất, có diện tích rộng nhất huyện nhưng đến nay Trạm Y tế xã Thanh Sơn mới chỉ có 2 BS, 2 y sĩ, 3 điều dưỡng, 2 dược sĩ, 1 dân số viên và 2 nữ hộ sinh. BS Đại Na chia sẻ, do địa bàn rộng nên số nhân lực trên chưa đảm bảo để thực hiện nhiệm vụ. Do vậy, các cán bộ, nhân viên y tế trong trạm phải nỗ lực gấp đôi, gồng gánh công việc cho nhau để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Trong hơn 2 năm qua, tiêm vaccine phòng Covid-19 là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng, được các cấp lãnh đạo đôn đốc thực hiện rất quyết liệt. Vì không thể tổ chức tiêm tại 1 điểm cố định như nhiều xã, phường khác trong toàn tỉnh, các cán bộ, nhân viên y tế trong trạm phải phân chia lực lượng, tổ chức đến 7 điểm tiêm lưu động tại các ấp. Từ đó, đảm bảo bất kỳ người dân nào trên địa bàn đủ tuổi, đủ điều kiện cũng được tiêm chủng các liều vaccine cần thiết.
Từ trạm y tế xã đặt tại ấp 1 đến ấp xa nhất là ấp 5, giáp xã Phú Lý (H.Vĩnh Cửu) dài 26km, còn điểm xa nhất của ấp 7 giáp xã Tà Lài (H.Tân Phú) dài 23km. Trước mỗi buổi tiêm, trạm y tế sắp xếp địa điểm tiêm, thời gian tiêm, sau đó báo cáo UBND xã để phát lên loa đài, đi tuyên truyền lưu động, tuyên truyền trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo… để người dân biết và đến điểm tiêm đầy đủ, đúng giờ.
Ông Lê Đức Hiền (ngụ ấp 7, xã Thanh Sơn) chia sẻ, trong những đợt tiêm vaccine phòng Covid-19 hay tiêm chủng mở rộng, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, BS Đại Na cùng các y, BS, nhân viên y tế của trạm y tế đều không quản ngại đường sá xa xôi, đến gần dân để giúp dân. Riêng BS Đại Na luôn nhiệt tình và chu đáo mỗi khi tổ chức buổi tiêm. Nhờ đó mà người dân được hưởng đầy đủ quyền lợi về chăm sóc y tế.
* Đưa kỹ thuật mổ tim hở đi vào thường quy
Không thường xuyên lặn lội xuống tận các ấp để hỗ trợ người dân tiếp cận các dịch vụ y tế như BS Đại Na nhưng TS-BS Võ Tuấn Anh (Trưởng khoa Ngoại lồng ngực – tim mạch Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai) đang tích cực cùng đồng nghiệp triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao để điều trị bệnh tim mạch cho người dân trong và ngoài tỉnh.
TS-BS Võ Tuấn Anh, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực – tim mạch Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai (bìa trái) cùng đồng nghiệp thực hiện một ca phẫu thuật tim. Ảnh: H.DUNG
Theo BS CKII Đặng Hà Hữu Phước, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, trước đây chỉ những trung tâm phẫu thuật tim lớn đặt tại Hà Nội, TP.HCM, Huế mới có thể thực hiện được các kỹ thuật khó, kỹ thuật cao liên quan đến phẫu thuật tim. Tuy nhiên, 4 năm qua, với sự hỗ trợ của các chuyên gia Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), các BS tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã thực hiện 62 ca phẫu thuật tim hở; trong đó, TS-BS Võ Tuấn Anh là một trong những phẫu thuật viên chính, giúp người dân địa phương không phải di chuyển xa lên các bệnh viện tuyến trên để chờ đợi đến lượt phẫu thuật, tốn nhiều thời gian, chi phí, sức khỏe, đồng thời giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trung ương, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho BS, điều dưỡng tại bệnh viện.
TS-BS Tuấn Anh chia sẻ, anh về công tác tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai từ tháng 5-2021, sau một thời gian công tác tại Khoa Phẫu thuật tim mạch Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM và tham gia nhiều khóa học liên quan đến chuyên ngành mổ tim tại các nước: Mỹ, Pháp, Đức, Nhật, Anh. Từ đó đến nay, BS Tuấn Anh đã phối hợp cùng đồng nghiệp triển khai nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật khó như: can thiệp nội mạch điều trị bệnh động mạch chủ; can thiệp nội mạch điều trị bệnh mạch máu ngoại biên; mổ tim nội soi và ít xâm lấn… Qua đó cứu sống nhiều bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao.
Năm 2021, TS-BS Võ Tuấn Anh, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực – tim mạch Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã được Bộ Y tế tặng bằng khen vì đạt thành tích xuất sắc trong công tác phẫu thuật tim mạch.
Để thực hiện một ca mổ thành công, theo TS-BS Tuấn Anh, ngoài sự phối hợp nhịp nhàng của cả ê-kíp, tay nghề của phẫu thuật viên, kế hoạch phẫu thuật cụ thể, cần lường trước được những biến chứng có thể xảy ra và đưa ra được giải pháp để giải quyết những biến chứng đó. Ngoài ra, may mắn cũng là yếu tố rất quan trọng, bởi trong ca mổ có những vấn đề mà cả ê-kíp phẫu thuật không thể kiểm soát hoàn toàn được.
“Mỗi khi thực hiện ca mổ thành công, bệnh nhân bình phục tốt, sớm trở về cuộc sống đời thường, cả ê kíp đều vui mừng, hạnh phúc. Đó là động lực để chúng tôi tiếp tục cố gắng, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, xứng đáng với sự tin tưởng của người bệnh. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp không được như mong muốn, chúng tôi phải bình tĩnh, dám chấp nhận và vượt qua thất bại để đi tiếp. Bởi nếu chùn bước, mọi việc sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều” – TS-BS Tuấn Anh bộc bạch.
Nói về định hướng trong thời gian tới, TS-BS Võ Tuấn Anh cho hay, anh sẽ cùng ê-kíp mổ tim Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tiếp tục phối hợp với Bệnh viện Chợ Rẫy phát triển chương trình mổ tim thường quy và mổ tim nội soi ít xâm lấn. Bên cạnh đó, dần đưa những kỹ thuật mới đã triển khai đi vào thường quy, nâng cao trình độ chuyên môn cho các BS, điều dưỡng trong khoa. Từ đó, triển khai thêm những kỹ thuật cao, giúp bệnh nhân trong tỉnh không phải đi xa mà vẫn được chăm sóc tốt tại bệnh viện tỉnh.
Hạnh Dung