Nhộng ong núi Quảng Nam: Làm món gì cũng ngon
Những năm gần đây, tại các huyện vùng núi tỉnh Quảng Nam như Tiên Phước, Quế Sơn, Phước Sơn, Tây Giang,… nhiều hộ gia đình đã bén duyên với nghề nuôi ong. Không chỉ vì thích cảnh hoạt động nhộn nhịp của loài ong cần mẫn, thích tiếng đập cánh bay đi bay về của chúng mỗi sáng sớm hay chiều tà mà dường như với đồng bào nơi đây, ong rừng từ lâu đã trở thành một trong những sản phẩm ẩm thực đặc biệt để giới thiệu với khách thập phương. Trong đó, ong non, còn gọi là nhộng ong, là chế biến được nhiều món nhất.
Ong được người dân Quảng Nam nuôi trong môi trường tự nhiên ở các cánh rừng
Nhộng ong gần giống như nhộng tằm nhưng nhỏ hơn, thường có màu trắng sữa to gần bằng đầu ngón tay út. Nhộng ong chỉ xuất hiện nhiều trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 8, vì đây là thời gian ong làm tổ. Khách phương xa đến thăm gặp mùa nhộng ong thế nào cũng được gia chủ đãi cho nhiều món hấp dẫn nhưng thích thú hơn nữa là tận mắt được chứng kiến quy trình “hạ tổ” rồi gỡ sáp, lượm ong, lấy mật và cả công đoạn chế biến món đặc sản cây nhà lá vườn có một không hai này.
Để khai thác tổ ong chỉ cần dùng vài cây nhang hun khói lên để không bị chúng tấn công
Những miếng sáp ong căn phồng đầy mật
Nếu trúng tổ nhiều con, người nội trợ có thể đãi khách và cả nhà bằng nhiều món. Dù món nào đi nữa, trước khi chế biến phải trụng nhộng ong vào nước nóng cho săn lại, rút bỏ chất bẩn màu đen bên trong nhộng rồi cho vào nước muối pha loãng, rửa sạch, để ráo nước.
Nhộng ong được bắt trong các tổ ong sau khi lấy hết mật
Món đầu tiên thường được giới thiệu là nhộng ong xào – món tuyệt chiêu và ít tốn công nhất. Bắc chảo lên bếp, phi dầu cùng hành tỏi thơm phưng phức rồi đổ nhộng ong vào, nêm một ít nước mắm, tiêu bột. Nhộng ong mềm rất dễ vỡ nên dùng đũa khuấy nhẹ, chỉnh lửa vừa. Chừng mươi phút sau, chảo nhộng ong bốc khói, thơm nức cả mũi, nhanh tay đảo đều.