Nhóm ngành Xây dựng – Giao thông – Thông tin tuyển sinh

Nhóm ngành Xây dựng – Giao thông

HỎI: Em muốn thi và ngành Ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp nhưng chưa biết sẽ được học những gì ? Khi ra trường có dễ kiếm việc không?

 

TRẢ LỜI: Ngành Xây dựng dân dụng và công nghiệp đào tạo các kiến thức liên quan đến sức bền vật liệu, trắc địa, kiến trúc, địa chất công trình, vật liệu xây dựng, nền móng cơ học, thủy lực, kết cấu bê tông cốt thép, cấp thoát nước, thủ văn công trình, kỹ thuật tổ chức thi công, quy hoạch đô thị.  

 

Tốt nghiệp ngành này được cấp bằng kỹ sư xây dựng có thể làm công tác kỹ thuật điều khiển thi công các công trình nhà ở, các công trình nhà máy công nghiệp… Vị trí công việc đúng chuyên môn của ngành này là các công ty thi công, thầu xây dựng nhà ở; phòng, sở xây dựng; các công ty tư vấn, thẩm định xây dựng… 

 

Ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp hiện nay đang cần rất nhiều nhân lực do hiện nay nước ta đang có rất nhiều công trình và dự án về xây dựng liên quan.

 

***

 

HỎI: Ngành xây dựng công trình thủy và ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp, ngành cầu đường khả năng xin việc như thế nào? Ngành nào dễ kiếm tiền nhất?

 

TRẢ LỜI: Khả năng xin việc của các ngành này đều rất tốt do nước ta, đặc biệt là phía Nam, đang có rất nhiều công trình, dự án về xây dựng. Khi đã có việc làm thì em sẽ có thu nhập, mức độ thu nhập cao hay thấp còn tùy thuộc vào năng lực làm việc của mỗi người.

 

***

 

HỎI: Em rất thích ngành kỹ thuật hàng không của ĐH Bách khoa TP.HCM. Học lực của em đạt loại khá. Em xin hỏi liệu em có đủ sức theo học ngành này không? Nếu em học thì sau khi tốt nghiệp em có dễ dàng xin việc không? Và với tấm bằng kỹ sư mới ra trường thì lương của em là bao nhiêu?

 

TRẢ LỜI: Em hoàn toàn có thể chọn khoa KT Giao thông (QSB-126), trong đó có ngành Hàng không. Nếu kết quả thi cao và học lực tốt thì còn có thể đăng ký vào lớp Kỹ sư Chất lượng cao Việt Pháp trong đó cũng có mở ngành Hàng Không. Kỹ sư Hàng không có kiến thức, kỹ năng thiết kế, tính toán, tổ chức và điều hành hệ thống sản xuất, khai thác ở lĩnh vực hàng không.

 

Ngành Hàng không của Bách Khoa có mối liên hệ chặt chẽ với trường hàng không của Pháp và các cơ sở hàng không tại khu vực phía Nam nên em có thể tìm kiếm cơ hội việc làm ngay từ khi đang học tại trường. Lương khi ra trường sẽ tùy thuộc vào vị trí em được tuyển dụng và chắc là không thấp.

 

***

 

HỎI: Em muốn biết rõ hơn về các ngành thi khối V ở ĐH Kiến trúc: ngành Kiến trúc công trình và ngành Quy hoạch đô thị.

 

TRẢ LỜI: Sinh viên ngành Kiến trúc công trình được trang bị các kiến thức như Cơ  sở thiết kế kiến trúc (kiến trúc nhập môn – Mỹ thuật (Hội hoạ) – Vật liệu trang trí – Trang thiết bị công trình – kết cấu công trình – Trắc địa bản đồ – Kỹ thuật điện – Cây xanh môi trường – Vật lý kiến trúc – kinh tế xây dựng – Luật xây dựng …ngoài ra còn được học nhiều môn học lựa chọn khác để bổ trợ kiến thức cho Chuyên ngành : Vật liêu trang trí – Trang thiết bị công trình – Kết cấu công trình – Xử lí nền móng – Vật lý môi trường – Điêu khắc – Kiến trúc công – Quy hoạch công viên – Nhà ở – Nhà công cộng – Nội thất và trang thiết bị – Cảnh quan kiến trúc và giữ gìn môi trường thiên nhiên – Bảo tồn trùng tu môi trường kiến trúc …

 

Còn ngành Quy hoạch đô thị ngoài các kiến thức cơ bản về cơ sở thiết kế kiến trúc , về kỹ thuật và mỹ thuật cũng giống như ngành kiến trúc công trình …, sinh viên còn được cung cấp khối kiến thức chuyên sâu của chuyên ngành như: Trắc địa bản đồ – Vật lý kiến trúc – Luật xây dựng đô thị – Quy hoạch mạng lưới đường – Quy hoạch mạng lưới điện và thông tin – Kinh tế và chính sách phát triển đô thị – Quản lý và khai thác đô thị …Ngoài sinh viên cũng sẽ được lựa chọn rất nhiều môn học nhằm bổ trợ kiến thức chuyên ngành : Xử lý chất thải đô thị – Lịch sử đô thị – Quy hoạch cảnh quan và cây xanh – Bảo tồn trùng tu công trình kiến trúc – Công trình công cộng phục vụ đô thị – Lý luận phê bình kiến trúc – Thiết kế nhanh – Kiến trúc hiện đại nước ngoài… Để khi ra trường sinh viên có thể tìm ra phương án tối ưu cho sự phát triển đô thị hài hoà , hợp lý và bền vững mục đích phục vụ cho dân cư đô thị 1 điều kiện sống ngày càng hoàn thiện hơn .

 

Sinh viên tốt nghiệp ngành Kiến trúc công trình và ngành Quy hoạch đô thị có thể làm việc tại: Viện  nghiên cứu kiến trúc , Viện  quy hoạch đô thị nông thôn , Viện  chuyên ngành kết cấu công trình xây dựng ,TT công nghệ xây dựng ,TT tư vấn thiết kế và xây dựng …,Các Vụ :Vụ kiến trúc quy hoạch xây dựng ,Vụ khảo sát thiết kế xây dựng;   Các T.Cty xây dựng , đầu tư phát triển nhà và đô thị, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; Các phòng chức năng :Kiến trúc quy hoạch , nghiên cứu quy hoạch kiến trúc ,kinh tế xây dựng , quản lý dự án …tại các Sở : Sở quy hoạch kiến trúc , Sở xây dựng …trực thuộc 64 tỉnh và thành phố trên cả nước ; Giảng dạy tại các trường ĐH, CĐ, THCN có đào tạo chuyên ngành kiến trúc công trình và ngành quy hoạch đô thị.

 

***

 

HỎI: Ngành thiết bị năng lượng tàu thủy là ngành gì, ra trường làm việc ở đâu?

 

TRẢ LỜI: Ngành thiết bị năng lượng tàu thủy đào tạo những kỹ sư có khả năng tính toán, thiết kế, bố trí và vận hành các thiết bị máy móc trên tàu biển và công trình nổi như dàn khoan, các kho nổi trên biển v.v. Khi ra trường có thể làm việc tại các nhà máy đóng tàu và đóng dàn khoan cũng như trên các tàu biển và kho nổi dàn khoan biển. 

 

***

HỎI: Em muốn biết rõ hơn về ngành đóng tàu

 

TRẢ LỜI: Ngành đóng tàu và công trình nổi đào tạo kỹ sư có khả năng lập luận chứng kinh tế kỹ thuật khi lập phương án thiết kế tàu – công trình nổi; biết thiết kế các loại tàu vận tải, tàu công trình và các công trình nổi ở biển; lập quy trình công nghệ đóng mới và sửa chữa, biết cách tính dự trù nguyên, nhiên liệu, nhân công và giá thành đóng mới, sửa chữa và áp dụng các phương pháp hiện đại trong thiết kế, đóng mới tàu thủy và công trình nổi.  

 

Sinh viên ra trường có thể công tác tại các nhà máy đóng tàu, ở các công ty thiết kế tàu, các cơ quan giám định và đăng kiểm, kho chứa dầu ở biển, công trình khai thác đáy biển và đại dương như trục vớt; các phòng khoa học – công nghệ của các công ty khai thác tàu – công trình nổi… 

 

***

 

HỎI: Em thích làm việc trên biển, có thể theo học ngành nào? Có yêu cầu về sức khỏe không? Ra trường sẽ làm những công việc gì, thu nhập cao không?

 

TRẢ LỜI: Nếu thích làm việc trên biển thì có thể theo học ngành khai thác máy tàu thủy và điều khiển tàu biển. Các ngành này đều yêu cầu phải có sức khỏe phù hợp (là nam, cao 1,58m trở lên, không bị viễn thị hoặc cận thị quá nặng, khả năng nghe tốt). Ra trường sẽ làm việc trên các tàu biển chở hàng hóa, hành khách, tàu dịch vụ cung ứng nhiên liệu, vật tư cho các giàn khoan, các tàu chứa dầu trên biển và các tàu xây dựng các công trình ngoài biển. Hiện thu nhập của thuyền viên trên tàu biển rất cao, nếu em gắn bó với nghề này thì rất yên tâm về thu nhập.

 

***

 

HỎI: Có ngành nào ra trường làm việc ở các bến cảng không? Cụ thể những ngành gì, làm những việc gì? 

 

TRẢ LỜI: Những ngành khi ra trường có thể làm việc ở các bến cảng gồm: điều khiển tàu biển (làm hoa tiêu dẫn tàu, tàu lai dắt, làm công tác quản lý nhà nước tại cảng vụ, giám định hàng hóa, tàu biển tại cảng), kinh tế vận tải biển (quản lý, vận hành cảng biển, các công ty tàu biển, dịch vụ xuất nhập hàng hóa), xây dựng công trình thủy (xây dựng cảng biển và hệ thống luồng lạch, hệ thống báo hiệu hàng hải, quản lý kỹ thuật hạ tầng cảng biển), ngành cơ giới hóa xếp dỡ cảng (lắp đặt, quản lý kỹ thuật các thiết bị nâng hàng như cần cẩu, xe nâng và các thiết bị cơ khí liên quan khác). Ngoài ra các ngành kỹ thuật tàu thủy cũng có thể làm việc tại cảng biển được.

 

***

 

HỎI:  Em muốn sau này làm việc liên quan đến việc phát triển mạng lưới giao thông hoặc thiết kế công trình giao thông, vậy em nên đăng ký thi ngành nào?

 

TRẢ LỜI: Ngành Quy hoạch giao thông đào tạo chuyên môn phù hợp với sở thích của em. Sau khi ra trường, kỹ sư ngành này có thể công tác tại các cơ quan quản lý liên quan tới xây dựng và giao thông, các ban quản lý dự án, viện quy hoạch và viện chiến lược để lập chiến lược phát triển mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, các công ty tư vấn trong và ngoài nước liên quan đến khảo sát thiết kế công trình giao thông, các khu dân cư và khu công nghiệp.

***

 

HỎI: Xin giải thích rõ hơn về ngành Cơ giới hóa xếp dỡ. Có phải ngành này khi ra trường chỉ làm việc xếp dỡ hàng hóa ở cảng biển không?

 

TRẢ LỜI: Ngành Cơ giới hóa xếp dỡ cảng đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật chuyên ngành có năng lực chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu nói trên. Kỹ sư tốt nghiệp ngành này sẽ nắm vững chuyên môn về các nghiệp vụ quản lý, tổ chức, khai thác các phương tiện xếp dỡ; các nguyên lý cơ bản về cấu tạo, hoạt động, tính năng kỹ thuật của các máy xếp dỡ để có thể khai thác, sửa chữa, thiết kế mới và thiết kế cải tiến theo các yêu cầu trong thực tế sản xuất.

 

Sau khi ra trường, kỹ sư tốt nghiệp ngành này có thể công tác tại các cảng biển, nhà máy đóng và sửa chữa tàu thủy, các dàn khoan dầu khí, các nhà máy sản xuất công nghiệp. 

 

***

 

HỎI: Xin cho biết thông tin về ngành Vận tải đa phương thức

 

TRẢ LỜI: Ngành Quản trị logistics và Vận tải đa phương thức trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về chuyên môn về khai thác kỹ thuật và kinh tế vận tải. Trên cơ sở đó để đi sâu nghiên cứu các môn học và kỹ năng về tổ chức quản lý vận tải hàng hóa, hành khách trong nước và quốc tế. 

 

Sau khi tốt nghiệp có thể làm tại các bộ phận quản lý vận tải trong cơ quan quản lý Nhà nước, các ban quản lý dự án phát triển giao thông vận tải; các viện, trường ĐH, CĐ ngành giao thông vận tải; các doanh nghiệp về vận tải hàng hóa, hành khách trong nước và quốc tế; các đơn vị làm công tác tư vấn về lĩnh vực vận tải, giao nhận, xuất nhập khẩu, hải quan, bảo hiểm… có liên quan đến các loại hình vận tải.  

 

(Tiếp tục cập nhật)