Nhớ hơi ngày Tết

Không cần đợi tới cuối Chạp, “hơi Tết” đã ùa vào nhà tôi từ những ngày hanh hao rét buốt. Sau những ngày bố tôi cần mẫn khoanh gốc, vặt lá và tưới nước ấm thì cả vườn đào gần trăm cây trước cửa nhà bắt đầu mở nụ. Muôn nụ đào chúm chím hồng, he hé đỏ như tín hiệu mùa xuân đã ở rất gần. 

Vào quãng thời gian ấy, mẹ tôi thường dậy sớm, xuống đồng hái đôi ba “nón” chè xanh về nấu nước để bố tôi đón khách. Khách thường là người quen trong xóm ngoài làng, rình rang đến thăm hoa, thăm nụ và rôm rả chuyện trò. Cũng có người tìm đến sớm để đặt cây, mua đào về chơi Tết. Trồng cây cả năm, trông dăm ngày tết. Ấy vậy nhưng chẳng cần biết ai đến mua bán, đổi chác cụ thể ra sao, cứ vui đã. Mà vui thật, đám choai choai vừa lớn như tôi rộn ràng níu cây, chằng buộc, ghi tên, đánh dấu. Thời gian rảnh rỗi lại phụ mẹ chở lá, chở cành, chở rau, cỏ xuống chợ huyện hoặc chợ Yên… để bán. Chợ Yên ở rất gần nhà thi nhân Đoàn Văn Cừ. Thỉnh thoảng, phụ xong việc cho mẹ, tôi lại ghé chơi nhà cụ Cừ để nghe nhà thơ “Chợ Tết” đọc thơ Tết, nói chuyện Tết. 

Nhà thơ Đoàn Văn Cừ là người rất mến khách và không phân biệt lứa tuổi. Thời ấy, tôi cũng đã làm thơ, dù chưa được in ở đâu nhưng cụ hay gọi tôi là thi nhân. Cụ bảo: “Với mình, bất cứ ai làm thơ cũng đều gọi là thi nhân cả”. Nghe nhà thơ nói thế, tôi thấy ngượng nhưng cũng khấp khởi, lâng lâng. Ngượng vì mươi bài thơ học trò, chẳng là gì cả, nhưng vui vì được cụ coi như người thơ cùng quê. Chợ Yên là cảm xúc khởi đầu cho nhà thơ Đoàn Văn Cừ viết bài thơ Chợ Tết nhưng hình ảnh về ngôi chợ ấy không nhiều. Nhà thơ “Chợ Tết” đã tâm sự với tôi như thế. Có lần khi đọc thơ, nói chuyện về thơ xong, lúc tiễn khách ra về cụ Cừ lẩm nhẩm đọc đôi câu thơ mà tôi nhớ mãi: “Thơ ơi sao khéo vô tình/làm duyên người, để cho mình vô duyên”. 

Người làm thơ đôi lúc cũng như người trồng hoa, bán đào vậy, làm đẹp cho mọi người, chưng diện cho mọi nhà, mà đôi lúc bản thân lại thấy mình cứ “vô duyên” thế nào. Ấy là tôi nghĩ thế khi ngồi ở chợ bán đào vào những ngày giáp Tết, trong cái rét cắt da cắt thịt, trong cái mưa lất phất đến lạnh lùng, hiu hắt mà chợ thì thưa thớt quá. Ấy là tôi nghĩ thế khi lúc khách nâng lên đặt xuống, trả giá bèo bọt đến tức tưởi, chẳng bõ công người chăm bón. Nghĩ là nghĩ chốc nhát, trong thưa vắng, trong mà cả bán mua vậy thôi, chứ Tết nào mà Tết chẳng vui. Vui ở cái tình và người, vui ở cái văn hóa truyền thống ngàn đời của người Việt. Dầu người thơ có gian nan, vất vả nhường nào, thì chẳng phải cái chợ Tết trong thơ cứ hiện lên đầy vẻ rực rỡ, no ấm đó sao. Duyên cho người và duyên cả cho mình. Đẹp cho đời  chính là làm đẹp cho mình.

Người dân quê tôi quan niệm “cái ngon để dành cho Tết, cái đẹp để dành cho Tết” và Tết trở thành một nghi lễ quan trọng giữa miền quê còn nhiều gian khó. Cạnh vườn đào nhà tôi, có một khoảnh ao. Nơi ấy, mùa nước cạn, bố tôi thường trồng vài luống rau cần. Ngày Tết, bát canh suông thường nhật được thay bằng canh cá om rau cần đượm nồng hương vị. Hăm hai tháng Chạp, đầu làng tôi, nơi có hai thân gạo sừng sững vươn những cành cây già nua như thách thức cái rét đến cắt da cắt thịt mới sáng ra đã đông nghịt người xem trai tráng tát ao làng. Chuyện mua cá đã được bố tôi bàn tính từ ngày hôm trước. Các bậc bô lão trong làng truyền lại, ao làng tôi có tổ cá lâu đời, trai làng vây cá lớn khổ như… đấu vật. Loại cá ông chọn cho món ăn ngày sum họp thường là cá trắm đen. Khi phần lưng dài ngót cả thước, đen mẫm của loài “thủy quái” này vừa trồi lên khỏi lớp bùn, cháu chắt đã hò reo, chạy rẽ đất về gọi người lớn ra vác cá. Cá đem về nhà rồi, bố tôi vẫn thong thả nhấp ngụm trà mạn sóng sánh trong chén hạt mít rồi ôn tồn dặn con cháu: “Cá còn hơi bùn, nhà mình phải thả vào bể nước mưa ở góc vườn rồi cận Tết mới tính”. 

“Hơi Tết” đến trong ngày đoàn tụ của gia đình. Đàn bà con gái ngồi mé bể nước nhặt rau, trò chuyện mùa màng, làng xóm. Đàn ông trong nhà ngả dao thớt lốc cốc, lanh canh. Riêng khoản gia vị để nhồi cùng lá thơm vào bụng cá phải đích thân bố tôi làm với “bí kíp” gia truyền. Chiếc chảo gang cỡ lớn đã bày biện giữa sân, mẹ tôi khéo léo rải sẵn một lớp rơm nếp còn thoảng mùi mùa vụ. Tấm lá chuối loại bánh tẻ xanh mướt, lành lặn đặt cẩn thận phía trên làm “áo” cho cá. Xong xuôi, thêm một lớp “áo” nữa rồi mẹ lại trải rơm nếp và úp vung gang. Để kín hơi, bố tôi không quên dặn con cháu vít đất sét vào vòng tròn tiếp giáp nắp chảo. Ông bảo, mọi công đoạn phải thật chuẩn, gia vị đầy đủ, cá đặt ngay ngắn kẻo khi vít đất sét lại xem như sự đã rồi. Khi con gái, con dâu trong nhà lo chế biến bộ lòng cá, tẩm ướp, xào nấu thơm lừng cũng là lúc bố và con trai, con rể đã rửa tay nước lá bưởi, ngồi uống trà, trò chuyện ở bộ bàn ghế được kê ngay ngắn giữa sân nhà. Trẻ con lớn bé thay nhau canh lửa, má căng mịn, ửng hồng. Cá được nướng bằng rơm nếp, lửa bập bùng cháy đều chung quanh chảo gang.

Chảo cá nướng được canh đủ năm giờ đồng hồ. Giữa quãng thời gian ấy, có một lần mở ra lật cá để cá chín đều. Trắm đen nướng đủ thời gian còn được ủ tro rơm đến khi tro chỉ còn hơi ấm. Một con cá đạt chuẩn, vừa ý phải còn nguyên vẹn hình dáng, không trầy vi tróc vẩy, lớp ngoài ám vàng và tỏa mùi thơm khó cưỡng. Cá nhấc khỏi chảo gang được đặt trong chiếc nia đã trải lá chuối khô. Cá trắm đen nướng dưới bàn tay khéo léo của dâu con trong nhà được gỡ ra từng thớ thịt chắc nịch, trắng phau. Một chiếc chảo gang cỡ lớn khác được chọn để om cá rau cần. Trên bếp củi than, hành mỡ sôi lèo xèo, từng bát thịt cá đã gỡ và rau cần được xào thơm, châm thêm nước dùng, gia vị cho sôi lần nữa. Thời gian om cá cần được canh chừng sao cho cá nướng, rau cần và gia vị đủ quyện vào nhau mà rau chín tới, không bị nồng. Trẻ nhỏ trong nhà đã xôn xao ngả chiếu, bày mâm bát và chào mời người lớn. Đúng đoạn đĩa rau thơm cuối cùng mơn mởn trên mâm thì các bát tô cỡ lớn đựng món ăn đoàn tụ theo truyền thống gia đình tôi mới đưa lên bày chính giữa.

Có lẽ, trong ký ức của tôi, không món ăn nào lan tỏa ra sức quyến rũ khó cưỡng như cá nướng om rau cần gọi “hơi Tết” ngút hương. Bữa cơm quây quần, mẹ tôi mở chuyện lên chùa trẩy lộc, trẻ con khoe nhau những niềm vui thơ dại, con gái, con dâu rôm rả chuyện gần xa, con trai, con rể nâng chén rượu nồng. Bố tôi mừng vui, rồi bồi hồi, im lặng. “Hơi Tết” nào có đâu xa. Ngay từ mâm cơm sum họp. Từ ngũ quả còn đang lúc lủi trong vườn đã được phết son đánh dấu. Từ cành đào do tay bố cắt ở ngoài vườn được đặt nghiêm ngắn trong bình. Từ ánh mắt, cử chỉ yêu thương, gửi trao cùng bao niềm ước mong thật bình dị mà ấm áp.