Nhìn lại ngành thời trang thế giới năm 2020 qua 5 từ khóa
Năm 2020, ngành thời trang thế giới trải qua những thay đổi to lớn dưới tác động của dịch Covid-19. Sau đây là 5 từ khóa tổng kết lại một năm đầy biến động.
Năm 2020 đầy biến động sắp khép lại. Du lịch ngưng trệ, ngành thời trang oằn mình tìm lối thoát. Những tưởng cơn đại dịch sẽ khiến thời trang, đặc biệt là ngành xa xỉ chết đi. Thế nhưng, thực tế chứng minh điều ngược lại. Trung Quốc có lượng giao dịch xa xỉ phẩm tăng 48%. Đây cũng là nước duy nhất có doanh số phát triển trong năm nay. Giao dịch ecommerce nói chung tăng từ 12 lên 23% chỉ trong một năm … Cùng nhìn lại diễn biến của ngành thời trang thế giới trong năm qua với 5 cụm từ khoá.
Nội Dung Chính
Khẩu trang: Ngôi sao mới của thời trang thế giới
Tín đồ thời trang từng ca tụng áo sơ mi trắng và jeans là những món đồ không thể thiếu. Ấy thế mà từ năm 2020, khẩu trang chính thức soán ngôi. Khẩu trang nhanh chóng được cải tiến, nâng cấp ở cả mẫu mã và chất liệu. Không còn đơn thuần là để bảo vệ sức khoẻ, nó trở thành thứ phụ kiện thời trang không thể thiếu.
Những thương hiệu từ lớn tới nhỏ, xa xỉ đến bình dân cho ra mắt nhiều dòng khẩu trang, đáp ứng nhu cầu y tế và thẩm mỹ. Hiện tại, sản xuất khẩu trang đã bắt đầu đạt điểm bão hoà. Và người ta bắt đầu lo cho tương lai của những đơn vị sản xuất thuần khẩu trang này.
Kỷ nguyên của thương mại điện tử và số hoá
Không cần chờ đến khi đại dịch bùng nổ thì thời trang thế giới mới nói về sự số hoá. Nhưng rõ ràng nó đã khiến người làm thời trang hiểu rằng: Việc tăng cường hiện diện trên nền tảng số là cấp thiết.
Nếu trong quá khứ, nhiều thương hiệu lớn cần đến 8 năm để trải đường cho công cuộc số hoá. Thì giờ đây, dịch cúm đã rút ngắn hiệu quả quãng thời gian này chỉ còn chưa đến 8 tháng!
Ông lớn Richemont và Alibaba không tiếc tay chi hơn 1,1 tỉ đô la Mỹ cho nền tảng mua bán thời trang Farfetch. Hay Amazon, vốn đã đi trước một bước lớn trong cuộc chơi e-commerce, cũng mở thêm phân khúc hạng sang để cạnh tranh với Net-à-Porter hay Luxury Pavilion của Alibaba.
Những thương hiệu vốn nổi tiếng với dòng xa xỉ phẩm cũng rục rịch gia nhập ecommerce. Ví dụ như Hermès. Thương hiệu này từng cho rằng “hữu xạ tự nhiên hương” và đứng ngoài cuộc chơi digital marketing. Nhưng kể từ sau dịch cúm, Hermès bắt đầu đẩy mạnh các dự án trên nền tảng số, điều mà trước nay hãng vẫn cho là làm giảm giá trị thương hiệu. Hay mới đây, Julien Fournié cũng mở bán những mẫu túi và thắt lưng độc bản trên trang web của hãng.
Ngành thời trang thế giới thay thế show diễn truyền thống
Việc hạn chế tối đa tụ tập và tiếp xúc đông người khiến những show thời trang truyền thống đứng trước câu hỏi: Chọn dừng lại hay tiếp tục theo một cách khác? Không hẹn mà gặp, ngành thời trang thế giới chọn thay đổi để thích nghi với guồng quay hậu COVID-19.
Thời gian đầu, những show thời trang diễn ra hoàn toàn trực tuyến, được sản xuất trước hoặc livestream. Hiện nay với lệnh nới lỏng giãn cách xã hội, sàn runway được hồi sinh theo một cách khác. Không phải ở những địa điểm sang trọng lộng lẫy, các nhà thiết kế bắt đầu hướng nhiều hơn về thiên nhiên. Jacquemus chọn diễn trên cánh đồng lúa mì tại vùng đồng quê Pháp. Saint Laurent ở giữa sa mạc. Hay Burberry tại một khu rừng không tên tại ngoại ô London ở Anh.
Thời trang bền vững tiếp tục lên ngôi
Trong cái nguy cơ thì ẩn chứa cơ hội! Nên không thể nói là dịch cúm chỉ mang đến những điều tiêu cực cho nền thời trang thế giới. Bằng chứng ư? Là sự ra đời của loạt thương hiệu thời trang mới ngay trong mùa dịch.
Được thai nghén vào một thời điểm đặc biệt, các thương hiệu này cũng có những cải cách đáng kể so với thế hệ trước. Thalie Paris ra đời ngay sau đợt cách ly đầu tiên của Paris. Ba dòng sản phẩm hiện tại của thương hiệu đều được làm từ chất liệu da bền vững: Da cá hồi, da từ sợi cây xương rồng Mexico và da tái chế từ vải dư thừa của ngành thời trang xa xỉ.
Những phi vụ M&A dang dở
Cuối năm 2019, LVMH công bố mua lại Tiffany Co. Nhưng đến giữa năm nay, với những ảnh hưởng kinh tế trầm trọng mà dịch COVID-19 gây ra, ông lớn ngành xa xỉ Pháp lại khá chậm chạp trong việc đưa đế chế kim cương về cùng nhà. Câu chuyện dùng dằn giữa LVMH và Tiffany Co. vẫn chưa tới hồi kết, tốn biết bao giấy mực của báo giới. Âu cũng chỉ có thể “trách” Covid mà thôi!
Harper’s Bazaar Vietnam