Nhìn lại 2021: các công ty bất động sản dính vòng lao lý
Nội Dung Chính
Truy tố Chủ tịch Alibaba Nguyễn Thái Luyện tội rửa tiền và lừa đảo
Nổi bật nhất là vụ lừa đảo của trùm Alibaba, đặc biệt gây rúng động giới địa ốc nói riêng và cả nước nói chung. Theo đó, Nguyễn Thái Luyện (chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần địa ốc Alibaba) và đồng phạm đã thành lập 22 pháp nhân, vẽ ra 58 dự án bất động sản không có thật tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận, tự phân lô, tách thửa trái pháp luật để bán cho 3.924 bị hại và chiếm đoạt số tiền hơn 2.373 tỉ đồng.
Nguyễn Thái Luyện – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần địa ốc Alibaba
Qua quá trình điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra đã làm rõ phương thức thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Luyện chủ mưu, chỉ đạo các đồng phạm thực hiện theo 5 bước.
Bước đầu Nguyễn Thái Luyện dùng một ít tiền cá nhân và phần lớn tiền chiếm đoạt được từ khách hàng, chỉ đạo các cá nhân là người thân, nhân viên thân tín thuộc Công ty Alibaba đứng tên nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp với số lượng lớn tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận.
Bước 2, Luyện chỉ đạo người thân, nhân viên Công ty Alibaba đã đứng tên nhận chuyển nhượng đất như trên, lập hợp đồng ủy quyền cho các pháp nhân do Luyện tổ chức thành lập, để các công ty này vẽ dự án không có thật trên nền đất nông nghiệp, phân lô, tách thửa trái quy định.
Bước 3, sau khi nhận được ủy quyền từ các cá nhân, các pháp nhân nêu trên với tư cách là chủ đầu tư đã tự vẽ dự án không có thật trên nền đất nông nghiệp, phân lô (tách thửa chỉ từ 100m2 đến dưới 400m2 trái quy định, ghi rõ đất thổ cư, thời hạn sử dụng lâu dài…) dùng truyền thông để quảng cáo bán sản phẩm, không thực hiện các thủ tục theo quy định pháp luật về việc lập dự án hay đăng ký với cơ quan quản lý đất đai để chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc tách thửa đất.
Bước 4, Luyện tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư ký hợp đồng hợp tác kinh doanh phân phối bán đất nền trong dự án (tự vẽ) với Công ty Alibaba để Công ty Alibaba trở thành đại lý phân phối đất nền cho các khách hàng, nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của các dự án nêu trên, đồng thời tạo ra giao dịch ảo để khách hàng tin tưởng là các dự án có đủ tính pháp lý, đủ điều kiện chuyển nhượng theo Luật kinh doanh bất động sản mà đồng ý mua.
Cuối cùng, sau khi khách hàng đồng ý mua, theo sự quảng cáo của Công ty Alibaba thì Luyện chỉ đạo các pháp nhân đứng tên nêu trên ký hợp đồng thỏa thuận, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho khách hàng, nhưng tiền được nộp về Công ty Alibaba để Luyện quản lý, sử dụng.
Trong quá trình điều tra, Công an TP HCM còn phát hiện vợ CEO Công ty Alibaba đã cấu kết với em chồng và kế toán trưởng công ty rửa tiền. Các đối tượng đã chiếm giữ số tiền khoảng 50 tỷ đồng do khách hàng thanh toán tiền mua đất của Công ty Alibaba, sau đó chuyển lần lượt qua 3 tài khoản mở tại một ngân hàng. Việc chuyển tiền cũng được thực hiện vào các ngày khác nhau để che giấu nguồn gốc, rút mua nhà và trả nợ vay cá nhân.
Khaitin Group – quảng cáo ‘thổi phồng’
Đầu tháng 10, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế đã nhận được đơn của hơn 200 nạn nhân ở Hà Nội, Nghệ An, TT-Huế, Đà Nẵng, TPHCM… tố cáo lãnh đạo Khải Tín Group có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Theo đơn tố cáo, tổng số tiền bị lừa lên đến hàng trăm tỷ đồng, có những cá nhân bị lừa đến 56 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng khám xét văn phòng Khaitin Group tại TP Huế
Ngày 18-10, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 đối tượng là lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn Khải Tín (Khaitin Group) để điều tra làm rõ tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến các dự án bất động sản tại địa phương này.
Theo điều tra ban đầu, Khaitin Group đã môi giới các dự án bất động sản “ma” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng trăm tổ chức, cá nhân với số tiền hàng chục tỷ đồng. Trước đó, doanh nghiệp cũng bị xử phạt hàng trăm triệu đồng do quảng cáo sai sự thật, cụ thể:
Lần thứ nhất bị xử phạt 100 triệu đồng do Khaitin Group “hô biến” khu đất ở riêng lẻ tại 67 Vạn Xuân, phường Kim Long, TP Huế thành dự án bất động sản cao cấp mang tên “Vạn Xuân Compound”
Lần thứ hai bị xử phạt 120 triệu đồng cũng bởi thổi phổng đất ở riêng lẻ thành dự án biệt thự nghỉ dưỡng Park Hill Villas ở Huế
Ngoài ra, lãnh đạo Khải Tín Group còn lập ra hàng loạt công ty thành viên, tham gia đấu giá đất tại các dự án bất động sản lớn nhằm mục đích lừa đảo. Sau khi trúng đấu giá, Khải Tín Group không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền để nhận các lô đất, mà dùng hồ sơ thông báo trúng đấu giá của cơ quan có thẩm quyền để đề xuất chuyển nhượng với mức giá thấp hơn mức đấu giá cho một số tổ chức, đơn vị khác. Nhiều người lầm tưởng đất do Khải Tín Group bán với giá rẻ, nên đã đồng ý mua lại và chuyển tiền cho công ty này. Với những thủ đoạn trên, Khải Tín Group đã lừa được hàng trăm tỷ đồng.
Nữ doanh nhân Trương Kim Soan lừa đảo 11,2 triệu USD
Ngày 30/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) thông báo đã khởi tố, tạm giam bà Trương Thị Kim Soan để điều tra tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của doanh nhân người Australia – ông John Koon và các công ty do ông John Koon làm đại diện được ủy quyền với số tiền lên đến hơn 11,2 triệu USD (hơn 234,2 tỷ đồng).
Bà Trương Thị Kim Soan
Bà Trương Thị Kim Soan làm nghề môi giới đầu tư khai thác khoáng sản, đồng thời cũng là một mắt xích trong hệ sinh thái của một tập đoàn bất động sản lớn ở khu vực phía Nam. Bà Soan còn là cựu giám đốc, đại diện pháp luật của các Công ty TNHH Vàng Titan Việt Nam, Công ty TNHH Khoáng sản Thiên Ân, Công ty TNHH Đầu tư khoáng sản Thiên Bình và một số công ty khác. Tuy vậy, đặc điểm chung của các doanh nghiệp này đều thành lập trong năm 2017 và giải thể sau 1 năm với cùng lý do “Kinh doanh không hiệu quả”.
Bắt vợ chồng đại gia bất động sản ở Nghệ An
Ban đầu Công ty TNHH TM Minh Khang được xác định là chủ đầu tư dự án Tổ hợp khách sạn, siêu thị kinh doanh dược, thiết bị y tế và nhà ở (gọi tắt là Khu đô thị Minh Khang) tại xã Nghi Phú, thành phố Vinh. Chủ doanh nghiệp là Bà Nguyễn Thị Thu (năm 1956, tỉnh Hải Dương) và chồng Nguyễn Đình Khang (năm 1948, tỉnh Hải Dương) giữ chức vụ Trưởng ban quản lí dự án, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Minh Khang.
Ông Nguyễn Đình Khang – Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Minh Khang
Trong quá trình triển khai dự án có nhiều sai phạm về tiến độ sử dụng đất, huy động vốn, nghĩa vụ tài chính, sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất… Theo đó, chủ đầu tư đã tự ý chuyển các lô đất có ký hiệu từ A3-28 đến A3-35 với tổng diện tích 1.058m2 từ mục đích sử dụng theo quy hoạch là xây dựng khách sạn cao cấp, siêu thị dược – thiết bị y tế, cơ sở khám, chữa bệnh và văn phòng cho thuê sang xây dựng nhà ở.
Đặc biệt là cùng một lô đất nhưng chủ đầu tư ký hợp đồng góp vốn với 2 khách hàng, dẫn đến tranh chấp kéo dài. Hiện nay, tại khu vực dự án, mặc dù chưa có sổ hồng nhưng rất nhiều nhà phố, công trình đã tự ý xây kiên cố, cao tầng.
Theo Chi cục Thuế thành phố Vinh cho biết, tính đến nay Công ty TNHH Thương mại Minh Khang đang nợ tiền thuế hơn 280 tỉ đồng
Chủ tịch Vimedimex ‘vây thầu’ để thắng đấu thầu đất
Mới đây Công an TP Hà Nội vừa khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần tập đoàn Vimedimex về hành vi “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”.
Bà Nguyễn Thị Loan – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần tập đoàn Vimedimex
Sau khi UBND TP Hà Nội có quyết định cho huyện Đông Anh đấu thầu diện tích đất khoảng 49.000m2, bà Nguyễn Thị Loan lập tức rải 3 công ty con, cá nhân “vây thầu” nhằm loại các công ty khác. Khi chỉ còn 3 công ty này, cả 4 vòng đấu thầu họ đều đưa ra 1 mức giá và đều xin bỏ thầu. Sau đó tiến hành bốc thăm và dùng các biện pháp câu móc với cơ quan liên quan để hạ giá thẩm định đất từ 500 tỷ (60 – 70 triệu đồng/m2) xuống còn 300 tỷ đồng (17 triệu đồng/m2).
Chỉ sau đúng 1 tháng được bàn giao đất, bà Loan đã nhanh chóng bán đất, có những thửa giá cao lên tới 110 triệu đồng/m2, thu về lợi nhuận khoảng 200 tỷ đồng.
Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức bị bắt
Ngày 25/11, cộng đồng bất động sản ồn ào với thông tin bắt tạm giam ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House), để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trong quá trình điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) xác định ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng có liên quan đến vụ án “buôn lậu; vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức; lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
Ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng – CEO Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức
Theo kết quả, ông Trịnh Tiến Dũng (48 tuổi) là đối tượng chủ mưu, chỉ đạo các đối tượng tại Việt Nam và nước ngoài sử dụng chứng minh nhân dân giả thành lập hàng trăm doanh nghiệp ở Việt Nam. Mục tiêu của ông Dũng là lợi dụng chính sách của Nhà nước về khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu linh kiện điện tử có thuế suất bằng 0%, tạo dựng hồ sơ mua bán trong nước và xuất khẩu linh kiện điện tử có giá trị chênh lệch rất lớn.
Cụ thể, ông Dũng ký giả chữ ký giám đốc để mở tài khoản ngân hàng, lập hợp đồng mua bán, xuất nhập khẩu CD Rom chứa phần mềm và linh kiện điện tử (hàng giả, hàng nhái, hàng đã qua sử dụng…) với các công ty nước ngoài ở Mỹ, Hong Kong, Campuchia, Singapore, Malaysia… do Dũng điều hành nhằm hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hơn 53 triệu USD ra nước ngoài.
Sau đó Trịnh Tiến Dũng tiếp tục móc nối với các đối tượng tại Công ty CP thương mại Sài Gòn Tây Nam lập hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) chiếm đoạt hơn 153 tỷ đồng tại Cục Thuế tỉnh Tây Ninh và móc nối với các đối tượng tại Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức lập hồ sơ hoàn thuế GTGT chiếm đoạt hơn 365 tỷ đồng tại Cục Thuế TP.HCM.