Nhiều quốc gia Châu Á cùng vui đón Tết Âm lịch
Tết ở Hàn Quốc: mọi người mặc trang phục Hanbok truyền thống để cử hành nghi lễ thờ cúng tổ tiên. Trẻ nhỏ thể hiện sự tôn trọng với người lớn bằng nghi thức bái lạy, chúc thọ.
Hòa chung không khí đón Tết âm lịch với Việt Nam, các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng đón Tết với nhều màu sắc đa dạng và khác biệt.
Nếu như Tết có thể gắn liền với thời khắc giao thoa năm cũ sang năm mới như tại Singapore và Việt Nam; nhưng Tết sẽ là khoảng thời gian chuyển mùa từ mùa khô sang mùa mưa đối với các nước Lào, Campuchia, Myanmar. Còn tại Malaysia, Indonesia, Brunei, Philippines, Đông Timor, dịp Tết gắn liền với một cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển tôn giáo chính của quốc gia.
Nội Dung Chính
Singapore
“Quốc đảo sư tử” Singapore – quốc gia cùng ăn Tết Nguyên đán giống như ở Việt Nam. Ảnh minh hoạ: IT.
Trước hết, quốc gia cùng ăn Tết Nguyên đán giống như ở Việt Nam phải nhắc tới “quốc đảo sư tử” Singapore. Là một quốc gia đa sắc tộc mà phần lớn là người gốc Hoa, Tết ở Singapore nhộn nhịp với hàng loạt lễ hội mang đậm phong cách phương Tây xen lẫn nét văn hoá truyền thống của người Trung Quốc. Trong những ngày này diễn ra các cuộc thăm viếng, chúc Tết và đi chùa cầu may. Ngoài ra là các hoạt động vui chơi như múa lân, múa rồng; hoạt động lễ hội lớn như Lễ hội hoa đăng, Lễ hội River Hongbao
Trong đó, sôi động và tập trung đông người tham gia nhất chính là Lễ hội đường phố Chingay (theo tiếng Hoa có nghĩa là “nghệ thuật trang phục và hoá trang”), thường bắt đầu diễn ra từ ngày Thứ Bảy đầu tiên của năm mới ở khu vực Vịnh Marina và kết thúc vào ngày Rằm tháng Giêng. Hoạt động độc đáo này thu hút rất đông du khách và người dân địa phương cùng tham gia diễu hành trên đường phố, góp phần thắt chặt tình đoàn kết giữa các sắc tộc trong nước và với các cộng đồng dân tộc trên toàn thế giới.
Lào
Tết đón năm mới của người Lào có tên là Bunpimay, còn gọi là Tết “Buộc chỉ cổ tay”, hay Lễ hội “Hốt Nậm”, với ý nghĩa là “Té nước, cầu mong nước về, cho cuộc sống sinh sôi, đâm chồi, nảy lộc”. Trong ngày Tết nước Lào thường có tục biếu vải, biếu khăn cho người già; đến chùa cầu nguyện vào ban ngày; tập trung ở chùa để vui chơi, biểu diễn âm nhạc truyền thống (morlam) và múa lam vông. Người dân Lào cũng thường sử dụng hoa trong ngày Tết để cầu may, ví như hoa muồng được cài trên xe, trang trí trong nhà còn hoa Champa được kết thành chùm hay cài trên tóc để cầu mong phước lành.
Một món ăn “linh hồn” của Tết cổ truyền Lào chính là món “lạp” (trong ngôn ngữ nước này có nghĩa là “lộc”). Lạp thường được làm bằng thịt gà hay thịt bò tươi sau đó đem trộn với gia vị. Trong mỗi gia đình, đặc biệt là những người làm nghề kinh doanh, món lạp thường được các đầu bếp làm rất công phu, vì nếu món này trong ngày Tết mà không ngon thì họ thường ví năm mới làm ăn có nhiều điềm xui.
Philippines
Philippines có thể được xem là quốc gia có truyền thống đón Tết Âm lịch muộn nhất trong lịch sử văn hoá châu Á khi đến năm 2012, Chính phủ Philippines mới chính thức công nhận Tết Âm lịch là một trong những ngày lễ lớn trong năm. Trong những ngày Tết, người dân Philippines thường đi chùa, nhà thờ, cầu cho một năm may mắn, an lành, thịnh vượng. Hoạt động đón mừng năm mới của người dân Philippines luôn có các màn múa lân, múa rồng. Ẩm thực trong ngày Tết của người Philippines là món bánh gạo ngọt (Tikoy).
Trung Quốc
Tết Nguyên đán hay Tết Âm lịch là những ngày lễ tết quan trọng nhất trong năm đối với người Trung Quốc. Tuy đã bỏ lại nhiều tập tục dân gian cổ xưa cho phù hợp với nếp sống hiện đại, nhưng ngày Tết cổ truyền vẫn rất ý nghĩa với người dân nước này.
Để chuẩn bị cho ngày lễ trọng đại này, người Trung Quốc thường trang hoàng nhà cửa với màu đỏ chủ đạo như treo câu đối đỏ, đèn lồng đỏ, dán giấy đỏ, treo chữ Phúc ngược với ngụ ý “Phúc đáo” (Phúc đến nhà). Đến Trung Quốc vào dịp Tết Nguyên đán, du khách sẽ thấy tràn ngập màu sắc ấm nóng này.
Cũng tương tự như người Việt Nam, bữa cơm đoàn viên vào đêm Giao thừa là thời khắc rất quan trọng với mọi thành viên gia đình Trung Quốc. Ai ở đâu xa quê cũng cố về đoàn tụ trong ngày họp mặt lớn nhất của năm.
Mâm cơm ngày Tết không thể thiếu món bánh sủi cảo vốn là món ăn truyền thống của người Hoa. Đây là món ăn may mắn trong dịp năm mới vì những chiếc sủi cảo có hình dáng giống thỏi tiền vàng từng dùng vào thời phong kiến. Nhiều gia đình còn cho tiền xu vào trong bánh rồi hấp lên. Nếu ai ăn trúng chiếc bánh có nhân chứa tiền xu, được coi sẽ gặp may mắn cả năm.
Cũng trong dịp này, mọi người sẽ ghé thăm để trò chuyện về một năm cũ đã qua, gửi tặng nhau “hong bao” (phong bì lì xì màu đỏ) và không quên chúc những lời may mắn. Ở một số địa phương, ngày Tết sẽ kết thúc vào Tết Nguyên tiêu ngày 15/1 âm lịch. Vào dịp này, người dân có truyền thống cùng nhau đi ngắm đèn lồng, xem đua thuyền rồng, ăn bánh trôi nước…
Hàn Quốc
Hàn Quốc đón Tết Nguyên đán cổ truyền vào ngày mồng 1 tháng giêng âm lịch với tên gọi Seollal.
Hàn Quốc đón Tết Nguyên đán cổ truyền vào ngày mồng 1 tháng giêng âm lịch. Ảnh minh hoạ: IT.
Cũng giống như người Việt, Hàn Quốc đón Tết Nguyên đán cổ truyền vào ngày mồng 1 tháng giêng âm lịch với tên gọi Seollal. Bên cạnh tết Trung thu thì đây là ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người Hàn Quốc, không chỉ đánh dấu sự chuyển giao năm cũ – năm mới, mà còn là dịp để con cháu trong nhà tụ họp, tỏ lòng thành kính với tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Vào ngày 30 Tết, các gia đình cùng nhau dọn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ. Buổi tối trước giao thừa, mọi người sẽ tắm nước nóng để tẩy trần, mặc trang phục Hanbok truyền thống để cử hành nghi lễ thờ cúng tổ tiên. Trẻ nhỏ thể hiện sự tôn trọng với người lớn bằng nghi thức bái lạy, chúc thọ và nhận được tiền lì xì cùng những lời chúc đầu năm.
Sau nghi lễ, mọi người cùng nhau thưởng thức nhiều món ăn truyền thống như mandu (bánh bao Hàn Quốc), dduk guk (súp bánh gạo cắt lát mỏng), galbijjim (sườn bò kho) hay japchae (miến trộn).
Seollal còn là dịp để các thành viên trong nhà cùng nhau tham gia nhiều hoạt động vui chơi gắn kết. Trò chơi phổ biến nhất là “yutnori” tương tự như trò chơi cá ngựa ở Việt Nam, với các bước di chuyển phụ thuộc vào kết quả tung 4 thanh gỗ. Ngoài ra, người Hàn Quốc còn có nhiều trò chơi dân gian khác như đá cầu, chơi ném tên, bập bênh.
Bhutan
Tết cổ truyền Losar thường trùng với Tết Nguyên đán của Việt Nam, nhưng người Bhutan không cúng giao thừa, không có tục lệ xông đất hay mừng tuổi năm mới. Ngày lễ này sẽ diễn ra trong vòng 15 ngày và 3 ngày đầu tiên của năm là thời gian quan trọng nhất.
Vào những ngày cuối năm cũ, các gia đình lại tất bật dọn dẹp nhà cửa, bày biện lễ cúng tổ tiên. Những mâm cơm thịnh soạn gồm nhiều loại hoa quả, thực phẩm tươi ngon là cách người dân tạ ơn thần linh và tổ tiên đã ban cho cuộc sống no ấm trong năm cũ. Tới ngày 30 Tết, mọi thành viên trong nhà sẽ chuẩn bị cho lễ Puja Losar diễn ra vào sáng mùng 1.
Là quốc gia theo đạo Phật nên vào dịp năm mới, người dân thường tới tu viện để cầu nguyện. Họ ghi lại những lời nguyện ước lên các lá cờ treo khắp mọi nơi, luôn có niềm tin lạc quan vào năm mới. Và đặc biệt, trong dịp Tết Losar, người dân sẽ không sát sinh động vật.
Nguồn: VGP