Nhiều giải pháp thiết thực giúp miền Trung phòng chống sạt lở đất, lũ quét – HỘI TIN HỌC XÂY DỰNG VIỆT NAM
Sáng nay (16.1), Hội thảo “Thiên tai lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền Trung – nguyên nhân và giải pháp giảm thiểu” do Tổng hội Xây dựng Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì, cùng với sự phối hợp tổ chức của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, UBND tỉnh Quảng Ngãi, đã diễn ra tại thành phố Hội An. Hội thảo thu hút khoảng 200 chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các tỉnh/thành phố cũng như các tổ chức khoa học, xã hội…
Hội thảo “Thiên tai lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền Trung – nguyên nhân và giải pháp giảm thiểu” quy tụ khoảng 200 chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý…
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với sự biến đổi thất thường của thời tiết. Riêng mùa mưa năm 2020, đồng bào miền Trung đã phải hứng chịu thiên tai bão, lũ liên tiếp xảy ra trên diện rộng, với cường độ mạnh, thậm chí vượt mức lịch sử, chưa từng có trong nhiều năm qua. Mưa lớn, bão lũ đã gây ngập lụt ở các địa phương từ Nghệ An đến Quảng Nam, nhiều nơi ngập sâu, có nơi kéo dài tới 15 ngày. Trong đó, Quảng Bình là tỉnh bị ngập nặng nhất, với trên 109.000 hộ (437.000 nhân khẩu), có nơi ngập sâu đến 2-3m.
Đặc biệt, các đợt bão chồng bão, lũ chồng lũ gây ra nhiều vụ lở đất hết sức nghiêm trọng, như: Thuỷ điện Rào Trăng 3, Trạm kiểm lâm 67 – Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên – Huế); Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337 Hướng Hoá (Quảng Trị); Trà Leng và Trà Vân huyện Nam Trà My, Phước Lộc huyện Phước Sơn (Quảng Nam). Những vụ sạt lở đất kinh hoàng này đã cướp đi hàng trăm sinh mạng của người dân, cán bộ chiến sỹ.
“Hội thảo lần này nhằm tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm từ thực tiễn phòng chống thiên tai của chính quyền địa phương. Hội thảo cũng thảo luận về các giải pháp phòng chống hiệu quả đã thực hiện; chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức bộ máy, lực lượng, cơ chế điều phối của các Bộ, ngành, địa phương đối với công tác phòng, chống lũ quét, sạt lở đất. Ngoài ra, các chuyên gia sẽ đề xuất giải pháp phòng, chống nhằm giảm thiểu thiệt hại; giới thiệu những kết quả nghiên cứu về ứng dụng công nghệ tiên tiến phục vụ công tác giám sát, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất như ảnh vệ tinh, công nghệ AI, IOT, WSN…”, ông Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, phát biểu về mục đích tổ chức Hội thảo.
Diễn ra gói gọn trong một buổi sáng tuy nhiên Hội thảo đã nghe 7 báo cáo tham luận trực tiếp, 19 bài báo cáo đăng trong kỷ yếu và đặc biệt là các ý kiến trao đổi thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm, tâm huyết. Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý hữu quan các cấp cụ thể đã đưa ra và thảo luận các vấn đề hiện đang rất thời sự. Đó là hiện trạng mưa lũ, lũ quét, sạt lở ở khu vực miền Trung, phân tích, đánh giá nguyên nhân xảy ra những hiện tượng này và đề ra các giải pháp phòng, tránh cũng như công tác chỉ đạo phòng, tránh và khắc phục hậu quả của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương tỉnh, huyện, xã khu vực miền Trung.
Ông Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.
Cụ thể, đánh giá về tình hình thiên tai, Việt Nam vừa phải hứng chịu số lượng bão kỷ lục (9 cơn bão trong 2 tháng), trong đó có cả siêu bão, thời gian mưa kéo dài, cường độ mạnh, lũ liên tiếp xảy ra trên diện rộng, vượt mức lịch sử, chưa từng có trong thời gian qua. Các đại biểu đồng tình với nhận định, rằng chúng ta đang đối mặt với sự biến đổi dị thường của thời tiết, sự bất thường của khí hậu. Bão chồng lên bão, lũ chồng lên lũ gây ngập lụt sâu, dài ngày, sập đổ nhà cửa, hư hại mùa màng, phá hủy nhiều công trình dân sinh thiết yếu, đặc biệt trong tháng 10 năm 2020 riêng ba tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế và Quảng Nam đã có 14 vụ sạt lở đất, lũ bùn đá rất nghiêm trọng làm chết và mất tích 111 người. Điều đó cho thấy thiên tai càng trở nên khó lường và vô cùng khốc liệt. Sự bất thường của thời tiết, sự khó lường của thiên tai cùng với địa hình hiểm trở, sườn núi dốc đứng đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các cấp chính quyền và người dân trong đảm bảo an toàn trước thiên tai.
Đi sâu vào chủ đề của Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã phân tích, trao đổi một cách toàn diện nguyên nhân gây ra những hiện tượng thiên tai kinh hoàng này. Cụ thể, từ các nghiên cứu được thảo luận cho thấy nguyên nhân gây ra hiện tượng lũ quét, sạt lở đất là tổ hợp của nhiều nhân tố vừa có tính nội tại bên trong vừa do khách quan bên ngoài. Nguyên nhân nội tại bao gồm độ dốc sườn, mức độ liên kết của đất đá, chiều dày lớp phong hóa, mức độ uốn nếp, phân cắt của địa hình.
Nguyên nhân bên ngoài bao gồm diễn biến bất thường của thời tiết như thời gian mưa, cường độ mưa, mức độ bao phủ của thảm thực vật và các hoạt động xây dựng của con người trong khu vực như việc khai thác lưu vực, hoạt động chặt phá rừng, lấn chiếm hành lang thoát lũ, xây dựng các hồ chứa, cắt xẻ, san gạt sườn đồi, núi làm khu dân cư hay các công trình thiết yếu. Lũ quét, sạt lở đất sẽ xảy ra nếu các nguyên nhân nếu trên đồng thời xuất hiện, càng nhiều nguyên nhân xuất hiện thì lũ quét, sạt lỡ đất đến càng nhanh và phạm vi ảnh hưởng càng lớn.
Đối với thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất thì nguyên nhân đến từ công tác quy hoạch lựa chọn đất xây dựng, đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khi xây dựng các công trình, năng lực cảnh báo và dự báo, khả năng phản ứng và nhận thức của cộng đồng trước thiên tai.
Các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tại Hội thảo. Trong ảnh (từ phải, thứ hai): PGS-TS. Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng; (từ trái, đầu tiên): TS. Nguyễn Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế xây dựng và Đô thị. Ảnh: Diệu Nhân
Nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, chính quyền các cấp đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp phi công trình và công trình. Các biện pháp phi công trình bao gồm nâng cao năng lực dự báo như phát triển hệ thống đo mưa tự động, xây dựng hệ thống cảnh báo lũ quét, sạt lở. Xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ xảy ra lũ quét sạt lở đất với tỷ lệ thích hợp (1/5000 với cấp huyện, 1/1000 -1/2000 với cấp xã) nhằm sắp xếp lại dân cư, di dời ngời dân trong vùng nguy cơ cao xảy ra thiên tai đến định cư ở nơi an toàn; quy hoạch phát triển dân sinh kinh tế xã hội và cơ sở hạ tầng.
Tăng cường đảm an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn, đặc biệt đối với các hồ chứa nhỏ, hồ chứa đã xuống cấp; kiểm tra phương án bảo vệ dân cư vùng hạ lưu khi hồ chứa phải xả lũ khẩn cấp hoặc nguy cơ xảy ra sự cố vỡ đập. Kịp thời hỗ trợ thiệt hại và ổn định sản xuất cho người dân. Các biện pháp công trình bao gồm nhà chống lũ, kè, tường chắn, công trình thoát lũ, trồng rừng… Các giải pháp đưa ra khá đồng bộ, nhưng trong điều kiện nguồn lực hạn chế, thời tiết biến đổi bất thường, vẫn cần áp dụng những giải pháp cấp bách trước mắt, phù hợp với từng địa phương khu vực.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nói: “Với trách nhiệm của một người đứng đầu địa phương và là người trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống, khắc phục thiên tai địa phương, thực sự tôi rất đau xót với những gì đã xảy ra trên quê hương mình. Qua những thước phim vừa được công chiếu, chúng ta thấy được sự khốc liệt do thiên tai tàn phá ở khu vực miền núi của các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, nếu chúng ta có dịp đi đến tận nơi, chứng kiến hiện trường thì sẽ thấy sự khủng khiếp hơn nhiều”.
Điều đặc biệt của Hội thảo này, theo ông Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, đó là đã giới thiệu các công nghệ tiên tiến dự báo lũ quét, sạt lở đất. Các đại biểu đã nghe giới thiệu các công nghệ, bao gồm: công nghệ thông tin địa lý (GIS) và trí tuệ nhân tạo (AI) để dự báo sạt lở đất; công nghệ IOT và WSN nhằm cảnh báo sớm sạt lở đất và lũ quét; công nghệ ảnh vệ tinh không ảnh kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc theo dõi giám sát và phòng, chống lũ quét, sạt lở đất; và phương pháp cảnh báo lũ quét theo thời gian thực áp dụng cho khu vưc miền Trung. Đây là những công nghệ mới do chính người Việt Nam nghiên cứu và đã được áp dụng thí điểm có kết quả ở một số địa phương. Rất cần sự quan tâm cho phép ứng dụng để kịp thời cảnh báo cho địa phương di dời dân, giảm thiểu tổn thất.
Theo ông Đặng Việt Dũng, sau Hội thảo, Tổng Hội Xây dựng Việt Nam theo chức năng và nhiệm vụ của mình sẽ tiếp tục cùng với các địa phương từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, vận dụng các kết quả nghiên cứu trong Hội thảo, triển khai công tác phòng, chống mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất theo 7 nhiệm vụ lâu dài trong phòng, chống thiên tai của Chính phủ. Trong đó, Tổng Hội sẽ phối hợp với Bộ chuyên ngành xây dựng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể để đầu tư các công trình hạ tầng như đường giao thông, các công sở, nhà ở… đảm bảo phù hợp, an toàn trước thiên tai. Phối hợp với các tỉnh xây dựng, lập các bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, bản đồ ngập lụt hạ du các hồ chứa với tỷ lệ phù hợp, xây dựng bản tiêu chí phân loại nguy cơ, hỗ trợ các địa phương lập đề án rà soát các khu dân cư, điếm dân cư có nguy cơ và xây dựng phương án phòng tránh.
Đại biểu trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Q.Hải/Kinh tế và Đô thị
“Chúng tôi sẽ hỗ trợ các địa phương điều chỉnh, lồng ghép nội dung phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển của các ngành, địa phương theo hướng kết hợp đa mục tiêu; hạn chế tối đa việc gia tăng rủi ro thiên tai, thích ứng với đặc điểm của từng vùng, miền, nhất là vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Hỗ trợ các địa phương về kỹ thuật thực hiện lập bản đồ ngập lụt do mưa lũ, ngập lụt vùng hạ lưu hồ chứa trong trường hợp xả lũ khẩn cấp hoặc xảy ra sự cố về hồ đập, để làm cơ sở xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho người, cơ sở hạ tầng và các khu kinh tế tập trung. Áp dụng các kết quả nghiên cứu khoa học được công bố trong Hội thảo vào dự báo lũ quét, sạt lở đất để chủ động trong phòng chống và ứng phó hiệu quả với các loại hình thiên tai trên.”, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết.
Các giải pháp trong phòng chống sạt lở đất, lũ quét
Nhóm giải pháp phi công trình:
– Rà soát lại kịch bản biến đổi khí hậu trên cơ sở coi sự bất thường của thời tiết trong thời gian gần đây là hiện tượng bình thường trong những năm tới để giúp chúng ta xây dựng phương án chủ động ứng phó trong chiến lược phòng chống thiên tai trong giai đoạn mới.
– Căn cứ vào tổ hợp các nhân tố gây lũ quét, sạt lở đất xây dựng tiêu chí phân loại nguy cơ. Lập đề án rà soát các khu, điểm dân cư vùng núi, tiến hành phân loại và xây dựng phương án xử lý cho từng mức độ nguy cơ. Phương án xử lý cần căn cứ vào nguồn lực, từng mức độ nguy cơ để đảm bảo tính khả thi hiệu quả và an toàn tuyệt đối cho người dân. Đối với khu vực có nguy cơ cao thì tập trung nguồn lực di dời khẩn cấp, đối với các khu vực tạm thời ổn định cần lắp đạt hệ thống cảnh báo, dự báo và nâng cao nhận thức phòng tránh cho người dân, đối với các khu vực đã ổn định, khi đầu tư xây dựng các công trình cần đặc biệt quan tâm đánh giá mức độ ảnh hưởng đến nguy cơ gây lũ quét, sạt lở đất.
– Qui hoạch và thực hiện bố trí sắp xếp dân cư mới cần được đánh giá theo bảng phân loại nguy cơ, đồng thời đảm bảo cự ly di chuyển ngắn, tránh xáo trộn về đời sống, sản xuất, hình thành các điểm dân cư theo tiêu chí nông thôn mới.
– Nâng cao năng lực cho lực lượng tham gia phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp thông qua công tác đào tạo, bổ sung nhân sự, trang thiết bị.
– Lập kế hoạch đầu tư các trạm đo mưa bằng nguồn vốn ngân sách hoặc ngoài ngân sách trên cơ sở tính toán lựa chọn các vị trí đặt trạm phù hợp, công nghệ tiên tiến. Xây dựng cơ sở dữ liệu đo mưa, lũ.
– Ứng dụng các công nghệ mới trong việc cảnh báo, dự báo sớm nguy cơ xay ra thiên tai lũ quét, sạt lở đất.
– Tổ chức tuyên truyền, đào tạo, nâng cao năng lực ứng phó cho lực lượng tại chỗ và khả năng nhận biết thiên tai và khả năng chống chịu của người dân. Tổng hội Xây dựng Việt Nam phối hợp với các Hội nghề nghiệp khác tiến hành xây dưng cẩm nang nhận biết lũ quét, sạt lỡ đất cung cấp cho nhân dân địa phương vùng núi.
– Kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư các công trình phát triển kinh tế xã hội gắn với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai.
– Rà soát và đánh giá để đưa ra tỷ lệ các loại rừng trồng, rừng tự nhiên cũng như phương thức khai thác hợp lý, tổ chức trồng rừng nâng cao chất lượng thảm phủ rừng nhằm hạn chế tối đa các nguy cơ gia tăng lũ lụt, sạt lở đất và lũ quét.
Giải pháp công trình:
– Phổ biến các địa phương áp dụng kết cấu nhà có khả năng phòng, chống lũ, lũ quét sạt lở đất vào xây dựng nhà của dân, trạm y tế, trường học và nhà cộng đồng ở những vùng có nguy cơ xảy ra các loại hình thiên tai trên.
– Nâng cao mức độ an toàn cho các mái dốc như bố trí các ống tiêu nước để giảm mực nước ngầm và áp lực lỗ rỗng, giảm độ dốc sườn đồi, bố trí các cơ hoặc các Neo xuyên qua các khối trượt.
Nhóm Phóng viên