Nhiều giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh
Chúng tôi có cuộc trò chuyện với đồng chí Phạm Văn Thiều (ảnh nhỏ), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chung quanh vấn đề này.
Xin đồng chí cho biết rõ hơn sự nỗ lực và những cải thiện bước đầu đáng ghi nhận về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCCI) của địa phương vừa qua?
Đồng chí Phạm Văn Thiều: Cuối tháng 9/2022 vừa qua, UBND tỉnh phối hợp Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – Chi nhánh tại Cần Thơ tổ chức hội nghị công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) tỉnh Bạc Liêu và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCCI) năm 2021. Theo kết quả công bố của VCCI, chỉ số PCI của tỉnh Bạc Liêu năm 2021 xếp thứ 55/63 tỉnh, thành phố cả nước. Dù kết quả còn hạn chế, tuy nhiên, so năm 2020, điểm số PCI năm 2021 của tỉnh Bạc Liêu tăng 1,64 điểm và tăng tám bậc. Trong số 10 chỉ số thành phần thì có năm chỉ số tăng điểm và năm chỉ số giảm điểm so năm 2020.
Chỉ số DDCI được khảo sát, đánh giá tại 16 sở, ban, ngành và bảy huyện, thị xã, thành phố. Việc đánh giá chỉ số DDCI tập trung vào bảy chỉ số thành phần chính như: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động, cạnh tranh bình đẳng, thiết chế pháp lý, tiếp cận đất đai. Phần lớn các địa phương có điểm số chưa cao ở các chỉ số tiếp cận đất đai, tính minh bạch và tiếp cận thông tin, do đó rất cần được chú ý cải thiện. Về xếp loại, các đơn vị tại tỉnh Bạc Liêu có xếp loại nằm ở mức tương đối thấp và trung bình, trong đó có bảy sở, ban, ngành xếp loại trung bình gồm: Cục Thuế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương, Sở Giao thông vận tải, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư. Có hai địa phương xếp loại trung bình gồm: huyện Hồng Dân và thị xã Giá Rai. Các đơn vị còn lại nằm ở mức xếp loại thấp.
Theo kết quả công bố của VCCI, chỉ số PCI của tỉnh Bạc Liêu năm 2021 xếp thứ 55/63 tỉnh, thành phố cả nước. Dù kết quả còn hạn chế, tuy nhiên, so năm 2020, điểm số PCI năm 2021 của tỉnh Bạc Liêu tăng 1,64 điểm và tăng tám bậc. Trong số 10 chỉ số thành phần thì có năm chỉ số tăng điểm và năm chỉ số giảm điểm so năm 2020.
(Đồng chí Phạm Văn Thiều)
Từ những tiến bộ ban đầu và những mặt còn hạn chế nêu trên, Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bạc Liêu đã và đang rất quyết tâm khắc phục ngay những bất cập, hạn chế, đưa ra giải pháp khắc phục phù hợp, nhằm tạo động lực cải cách đồng bộ, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao các chỉ số. Theo đó, từ năm 2023, chúng tôi kiên quyết không xem xét khen thưởng các đơn vị, kể cả người đứng đầu nếu để đơn vị, địa phương mình có chỉ số DDCI đạt thấp. Đồng thời, chúng tôi tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công vụ nhằm nâng cao đạo đức công vụ, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu đối với người dân và doanh nghiệp…
Cùng với quyết tâm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu đã và đang quan tâm, có chủ trương, chính sách, cách làm gì mới, hấp dẫn hơn nhằm “trải thảm” thu hút đầu tư nhiều dự án lớn tại địa phương?
Đồng chí Phạm Văn Thiều: Năm 2022, chúng tôi đã đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế phải đạt từ 9%-10%. Trong đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) được xác định là giải pháp quan trọng để thực hiện thắng lợi mục tiêu này. Đồng thời, quyết liệt xử lý các “điểm nghẽn”, nút thắt về đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính, thể chế để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư. Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Đáng mừng là, từ đầu năm 2022 đến nay, sau khi Tỉnh ủy và UBND tỉnh phát động phong trào thi đua phấn đấu vượt qua khó khăn, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đã thể hiện quyết tâm thi đua rất cao. Điển hình là Công ty cổ phần Năng lượng Hacom Bạc Liêu đề ra mục tiêu cho năm 2022 sẽ sản xuất điện năng đạt hơn 250 triệu kW, cho tổng doanh thu hơn 500 tỷ đồng và nộp ngân sách nhà nước hơn 55 tỷ đồng.
Đồng thời, tiếp tục triển khai xây dựng Nhà máy Điện gió Hòa Bình 5 – giai đoạn II, với công suất khoảng 100MW và phát triển điện gió ngoài khơi khoảng 300MW, góp phần đưa tỉnh Bạc Liêu trở thành trung tâm năng lượng sạch của quốc gia. Đặc biệt, Tổng công ty Hacom Holdings sẽ tiếp tục tài trợ cho Đồ án quy hoạch phân khu phía tây nam thành phố Bạc Liêu với quy mô 800ha, góp phần đưa thành phố phát triển nhanh, hiện đại và sẽ đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh…
Lãnh đạo chủ chốt của tỉnh chủ trương quan điểm “Việc gì khó dành cho chính quyền, việc gì dễ dành cho doanh nghiệp”. Vậy, những việc làm cụ thể, thiết thực này ở Bạc Liêu thời gian qua được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Phạm Văn Thiều: Vâng, đúng như vậy. Quan điểm của Thường trực UBND tỉnh thời gian qua luôn nhất quán phương châm: “Việc gì khó dành cho chính quyền, việc gì dễ dành cho doanh nghiệp”. Cụ thể, mấy năm qua chúng tôi hoan nghênh, tiếp đón và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến Bạc Liêu triển khai dự án, nhằm đẩy nhanh phát triển kinh tế-xã hội vững chắc, đưa tỉnh vươn lên trong thời kỳ mới, nâng cao đời sống nhân dân.
Cụ thể, ngay sau khi đại dịch Covid-19 bước đầu được ngăn chặn và đẩy lùi, từ giữa năm 2022 đến nay, Bạc Liêu đã đón tiếp nhiều tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước đến tìm hiểu, đặt vấn đề đầu tư xây dựng các dự án tại địa phương.
Theo đó, mới đây, Câu lạc bộ doanh nhân Sao Đỏ đã đến Bạc Liêu tìm hiểu, đầu tư về những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đặc biệt tiềm năng kinh tế biển, về điện gió… Đến nay, tỉnh đã kêu gọi được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đến đầu tư tại Bạc Liêu, trong đó có lĩnh vực thương mại, bất động sản, năng lượng tái tạo.
Có thể nói, từ đầu năm 2022 đến nay, Bạc Liêu triển khai thực hiện quyết liệt mục tiêu kép, kinh tế-xã hội của tỉnh đã được phục hồi khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội được thực hiện đúng tiến độ và có nhiều chỉ tiêu tăng cao, như: tăng trưởng kinh tế đạt hơn 7% (đứng thứ ba khu vực đồng bằng sông Cửu Long), thu ngân sách nhà nước, sản lượng tôm, chỉ số sản xuất công nghiệp,…
Hiện nay, chúng tôi quan tâm thu hút đầu tư vào năm lĩnh vực trụ cột mà địa phương có tiềm năng, thế mạnh như: phát triển nông nghiệp và trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo; công nghiệp với trọng tâm là năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và điện khí; du lịch; thương mại dịch vụ, giáo dục, y tế chất lượng cao và phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh…, góp phần xây dựng quê hương Bạc Liêu giàu đẹp, văn minh…
Trân trọng cảm ơn đồng chí!