Nhiên liệu là gì? Phân loại và ứng dụng các dạng nhiên liệu

Chúng ta đã biết đến dầu mỏ, khí đốt… vậy chúng có phải là nhiên liệu hay không? Nhiên liệu là gì? Có mấy loại nhiên liệu và chúng có tầm quan trọng như thế nào trong cuộc sống của chúng ta? Làm thế nào để sử dụng chúng một cách hiệu quả nhất? Tất cả các thắc mắc này sẽ được giải đáp trong bài viết ngày hôm nay. Mời các bạn cùng mình tham khảo nội dung bài viết ngày hôm nay nhé!

I. Nhiên liệu là gì?

Xét về phương diện hẹp, nhiên liệu được định nghĩa là những chất cháy được, khi cháy tỏa nhiệt và phát sáng. Ví dụ như than, củi, dầu mỏ, khí than, cồn đốt… Tất cả chúng khi cháy đều tỏa nhiệt và phát sáng.

Tuy nghiên, xét về tổng quan thì nhiên liệu là gì? Nó được định nghĩa là tất cả các loại vật chất có thể sinh ra và giải phóng năng lượng khi cấu trúc vật lý hoặc hóa học của chúng bị thay đổi dưới tác động của các điều kiện như cháy hoặc phản ứng phân hạch, phản ứng nhiệt hạch.

Tính năng quan trọng nhiên liệu là sự giải phóng năng lượng để phục vụ cho sản xuất và đời sống của con người.

II. Phân loại nhiên liệu

Nhiên liệu được phân làm mấy loại? Dựa vào trạng thái, nhiên liệu được chia làm 3 loại: rắn, lỏng, khí

1. Nhiên liệu rắn

Nhiên liệu rắn là những nhiên liệu ở trạng thái rắn như: gỗ, than mỏ (bao gồm than bùn, than gầy, than non và than mỡ).

– Gỗ: là loại nhiên liệu rắn được sử dụng từ xa xưa đến nay. Tuy nhiên, việc sử dụng gỗ làm nhiên liệu gây lãng phí lớn. Ngày nay, gỗ được sử dụng nhiều trong ngành xây dựng, đồ gỗ mỹ nghệ và công nghiệp sản xuất giấy.

– Than bùn: là loại than trẻ nhất được tạo thành ở đáy các đầm lầy. Nó được dùng làm chất đốt tại chỗ hoặc có thể làm phân bón.

– Than gầy: là loại than già nhất chứa > 90% C, khi cháy sinh rất nhiều nhiệt. Do đó, nó được dùng làm nhiên liệu cho nhiều ngành công nghiệp.

– Than non và than mỡ: chứa ít C hơn than gầy. Than mỡ được dùng để luyện than cốc.

2. Nhiên liệu lỏng

Nhiên liệu lỏng là những chất ở dạng lỏng như: xăng, dầu hỏa, dầu diesel, dầu mazut… Nhiên liệu lỏng chủ yếu dùng cho động cơ đốt trong, phần nhỏ dùng để đun nấu và thắp sáng. Riêng xăng máy bay còn ứng dụng trong ngành hàng không.

3. Nhiên liệu khí

Nhiên liệu khí bao gồm các loại khí thiên nhiên, khí mỏ dầu, khí than, khí lò cốc, khí lò cao. Các loại này có đặc điểm là dễ cháy hoàn toàn, năng suất tỏa nhiệt cao, ít độc hại cho môi trường. Nó được sử dụng rộng rãi trong đời sống và sản xuất.

Ngoài ra, còn nhiều loại nhiên liệu khác do con người tạo ra để phục vụ cho sản xuất và đời sống của con người.

III. Nhiên liệu sinh học là gì?

Nhiên liệu sinh học là các loại nhiên liệu thân thiện với môi trường, có nguồn gốc sinh học từ động thực vật. Có thể kể đến một số nguồn như:

  • Ngũ cốc: ngô, lúa mì, đậu tương…
  • Phụ phẩm nông nghiệp: bã mía, rơm rạ, phân chuồng…
  • Chất béo động thực vật: mỡ động vật, dầu dừa…
  • Sản phẩm phụ phẩm, sản phẩm thải trong công nghiệp: gỗ thải, mùn cưa

nhien-lieu-sinh-hoc

Bằng những phương pháp thích hợp, khí biogas và xăng sinh học được tạo ra, thân thiện với môi trường, góp phần xử lý các phế phẩm, phụ phẩm trong nông nghiệp và làm đa dạng nguồn nhiên liệu cho các hoạt động sản xuất và đời sống. Xăng sinh học E5 là một sản phẩm cụ thể, đang được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

Trên đây, chúng ta vừa tìm hiểu nhiên liệu sinh học là gì, vậy nhiên liệu hóa thạch thì sau. Mời các bạn tham khảo phần tiếp theo nhé!

IV. Nhiên liệu hóa thạch là gì?

Nhiên liệu hóa thạch là những loại nhiên liệu được tạo thành bởi quá trình phân hủy kị khí các vi sinh vật chất bị chôn vùi hàng trăm triệu năm. Các nhiên liệu này chứa hàm lượng cacbon và hydrocacbon cao.

nhien-lieu-hoa-thach

Nhiên liệu hóa thạch là nguồn nhiên liệu chính cho các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người.Nó bao gồm dầu mỏ, khí tự nhiên, than đá, đá phiến, bitum… Chúng đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống và sản xuất của chúng ta. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên thiên nhiên này là hữu hạn, trong tương lai nó sẽ bị cạn kiệt dần cũng như tính chất gây ô nhiễm môi trường mà con người đã và đang tìm kiếm các nguồn thay thế. Một trong những nguồn thay thế đó là nhiên liệu hạt nhân.

V. Các nguồn năng lượng thay thế nhiên liệu hóa thạch

Như đã trình bày, từ nguồn nhiên liệu hóa thạch gây tác động lớn đến môi trường cũng như sẽ cạn kiệt trong tương lai. Chính vì vậy, con người đã và đang tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế. Hiện nay, chúng ta đã làm chủ nhiều công nghệ phát triển các nguồn năng lượng mới, thân thiện hơn như:

  • Năng lượng mặt trời
  • Năng lượng gió
  • Năng lượng thủy triều
  • Năng lượng thủy điện
  • Năng lượng địa nhiệt
  • Năng lượng hạt nhân
  • Nhiên liệu sinh học

VI. Cách sử dụng nhiên liệu hiệu quả

Khi sử dụng nhiên liệu, nếu chúng cháy không hoàn toàn sẽ vừa gây lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường. Muốn sử dụng hiệu quả, chúng ta phải làm cách nào cho chúng cháy hoàn toàn và tận dụng được nhiệt lượng được sinh ra. Dưới đây là những cách sử dụng nhiên liệu hiệu quả:

  • Cung cấp đầy đủ oxi hoặc không khí cho sự cháy: thổi không khí vào lò, xây ống khói cao để hút gió…
  • Tăng diện tích tiếp xúc của nhiên liệu với oxi hoặc không khí: đập nhỏ than, chẻ nhỏ củi khi đốt, trộn đều nhiên liệu khí, lỏng với không khí…
  • Điều chỉnh lượng nhiên liệu vừa đủ để duy trì sự cháy để tận dụng tối đa nhiệt lượng tỏa ra, tránh lãng phí.

Lời kết

Vậy là chúng ta đã tìm hiểu được nhiên liệu là gì, chúng ta cũng đã biết được phân loại chúng dựa vào trạng thái vật lý. Mình hi vọng các bạn đã hiểu rõ các vấn đề được đặt ra ở đầu bài viết. Qua đây, chúng ta hãy sử dụng nhiên liệu một cách tiết kiệm và có kiểm soát để góp phần giảm ô nhiễm môi trường các bạn nhé! Chúc các bạn có nhiều niềm vui, thích thú và yêu hóa học hơn qua chủ đề ngày hôm nay!