Nhiệm vụ khoa học công nghệ – chọn đúng để góp phần nhân rộng
Nhiệm vụ khoa học công nghệ – chọn đúng để góp phần nhân rộng
Theo số liệu của Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), năm 2021 có 30 nhiệm vụ KH&CN được triển khai (gồm 26 nhiệm vụ chuyển tiếp, 4 nhiệm vụ mới); 147 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh (96 nhiệm vụ chuyển tiếp, 51 nhiệm vụ mới được phê duyệt) và các nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở. Năm 2022, có 39 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh được phê duyệt. Các nhiệm vụ KH&CN khi triển khai được các đơn vị, địa phương chú trọng đến tính ứng dụng, bám sát thực tiễn, góp phần phục vụ hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Đại diện các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở KH&CN đã ký kết giao ước thi đua thực hiện nhiệm vụ KH&CN năm 2022.
Để góp phần nâng cao hiệu quả, tính ứng dụng của các nhiệm vụ KH&CN sau khi được nghiệm thu, Sở KH&CN đã tập trung phổ biến, hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành và các tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện chính sách đối với KH&CN và nhiệm vụ KH&CN; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN. Do vậy, hàng năm số lượng các nhiệm vụ KH&CN do các tổ chức, cá nhân đăng ký thực hiện đã bám sát vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội địa phương, cơ quan, đơn vị. Trong đó, nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN đạt hiệu quả trong nghiên cứu, thực nghiệm được nhân rộng và phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội…
Ví như, trong lĩnh vực nông nghiệp, tiếp tục chọn tạo, tuyển chọn, phục tráng, nhân giống cây trồng chủ lực, cây trồng có lợi thế cạnh tranh của tỉnh: chọn tạo giống lúa thuần kháng bệnh bạc lá, lúa năng suất, chất lượng tốt, phù hợp với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nghiên cứu phát triển dược liệu quý (trà hoa vàng Hàm Yên, trà hoa vàng Cúc Phương, bạc hà, hương nhu trắng, ngải đen…). Nghiên cứu thử nghiệm nuôi trồng các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao như: mô hình nuôi cá trắm đen tại huyện Thọ Xuân; mô hình ương giống và nuôi thương phẩm lươn đồng. Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình chăn nuôi bê đực từ đàn bò sữa giống ngoại để lấy thịt gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm an toàn thực phẩm… Một số mô hình ứng dụng công nghệ cao, được đưa vào sản xuất bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: mô hình trồng rau an toàn trong nhà màng, nhà lưới theo tiêu chuẩn VietGAP; mô hình trồng dưa vàng, rau hữu cơ; mô hình quản lý nước và dinh dưỡng của Israel trong sản xuất các loại rau quả (ớt, khoai tây, ngô ngọt) tại Hoằng Hóa; mô hình trồng cam công nghệ cao tại huyện Thạch Thành; các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, mô hình sản xuất Sâm Báo (Vĩnh Lộc)… Các lĩnh vực khác như công nghiệp, công nghệ thông tin, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, y dược, khoa học và nhân văn, sở hữu trí tuệ… trong từng lĩnh vực đã chuyển giao và ứng dụng thành công nhiều công nghệ tiên tiến, hiện đại đạt hiệu quả cao.
Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển của tỉnh và địa phương, số đơn vị và số lượng nhiệm vụ KH&CN triển khai vẫn chưa nhiều. Nguyên nhân chính đó là do chưa có quy định của tỉnh về quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Sở KH&CN đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng quy định quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở sử dụng ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Theo đó, ngày 14-12-2018 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 37/2018/QĐ-UBND “Quy định quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở có sử dụng ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh”, có hiệu lực kể từ ngày 25-12-2018. Quyết định gồm 5 chương, 20 điều, quy định về xác định, giao thực hiện, tổ chức thực hiện, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở có sử dụng ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Quy định áp dụng với các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh; tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở có sử dụng ngân sách Nhà nước. Cùng với việc thực hiện nghiêm túc Quyết định số 37 của UBND tỉnh, hàng năm Sở KH&CN cũng đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN đang triển khai trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, giám sát, các địa phương, đơn vị được giao thực hiện các nhiệm vụ KH&CN thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ KH&CN đã được UBND tỉnh phê duyệt, trong đó nhiều dự án, đề tài đã và đang được ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn tại các địa phương, đơn vị.
Để nâng cao hiệu quả, tính ứng dụng của các nhiệm vụ KH&CN, thời gian tới, các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục lựa chọn các nhiệm vụ KH&CN phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương. Qua đó, góp phần giải quyết những khó khăn trong sản xuất, đời sống của Nhân dân, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý KH&CN cấp cơ sở theo các chương trình của Bộ KH&CN, Sở KH&CN tổ chức. Tích cực phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Sở KH&CN triển khai tốt các hoạt động quản lý Nhà nước về KH&CN trên địa bàn. Tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp, về vai trò, vị trí, chức năng và nhiệm vụ của hoạt động KH&CN cấp cơ sở. Tổ chức tốt việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống để tạo ra sản phẩm mới, ngành nghề mới. Tích cực hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các dự án: hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; nâng cao năng suất, chất lượng; tạo lập, quản lý và phát triển các nhãn hiệu hàng hóa, đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN tại các địa phương, đơn vị.
Sở KH&CN thông báo rộng rãi đến các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh về việc tuyển chọn, đề xuất các nhiệm vụ KH&CN cần thực hiện cho năm tiếp theo trên tất cả các lĩnh vực. Thực hiện nghiêm cơ chế đặt hàng, quy trình tư vấn xác định, tuyển chọn hoặc trực tiếp giao nhiệm vụ KH&CN theo quy định Nhà nước; ưu tiên chọn lựa, tham mưu đặt hàng thực hiện các nhiệm vụ KH&CN có sự tham gia, đối ứng kinh phí của các doanh nghiệp và có địa chỉ ứng dụng ngay từ đầu; hợp đồng giữa Sở KH&CN với đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN rõ ràng, cụ thể về trách nhiệm, quyền hạn của mỗi bên.
Bài và ảnh: Trần Hằng