Nhiệm vụ của viên chức có chức danh nghề nghiệp nghiên cứu viên chính (hạng II) được quy định như thế nào?
Cho hỏi viên chức có chức danh nghề nghiệp nghiên cứu viên chính (hạng II) thực hiện những nhiệm vụ gì? – Câu hỏi của anh Trung tại Quảng Nam.
Viên chức có chức danh nghề nghiệp nghiên cứu viên chính (hạng II) thực hiện những nhiệm vụ gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV quy định nghiên cứu viên chính (hạng II) có những nhiệm vụ sau:
– Chủ trì thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh hoặc tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia;
– Chủ trì tổ chức các nhóm nghiên cứu và hướng dẫn chuyên môn đối với các nghiên cứu viên, trợ lý nghiên cứu, cộng tác viên thực hiện nội dung nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;
– Chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề chủ yếu trong nhiệm vụ khoa học và công nghệ được giao, như là:
+ Viết các báo cáo kết quả nghiên cứu, quy trình ứng dụng, biên soạn các tài liệu nhằm phổ biến và áp dụng rộng rãi, hiệu quả các kết quả nghiên cứu phục vụ sản xuất và đời sống;
+ Tổ chức hướng dẫn, theo dõi, đánh giá việc áp dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn;
– Tham gia xây dựng các chủ trương, kế hoạch và biện pháp triển khai hoạt động khoa học và công nghệ của bộ, ngành, địa phương và của đơn vị;
– Tham gia tổ chức các hội nghị khoa học và các sinh hoạt học thuật chuyên ngành; tham gia tư vấn các nhiệm vụ khoa học và công nghệ; tham gia giảng dạy và hướng dẫn khoa học cho các học viên cao học, sinh viên đại học ở các cơ sở đào tạo.
Nhiệm vụ của viên chức có chức danh nghề nghiệp nghiên cứu viên chính (hạng II) được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)
Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng viên chức có chức danh nghề nghiệp nghiên cứu viên chính?
Trước đây, khoản 2 Điều 5 Thông tư liên tịch 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV quy định nghiên cứu viên chính (hạng II) phải có 4 tiêu chuẩn trình độ như sau:
– Có trình độ thạc sĩ trở lên phù hợp với chuyên ngành nghiên cứu;
– Có trình độ ngoại ngữ bậc 3 (B1);
– Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản;
– Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiên cứu viên chính (hạng II).
Tuy nhiên, quy định này đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 14/2022/TT-BKHCN. Theo đó quy định tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với nghiên cứu viên chính bao gồm:
– Có trình độ thạc sĩ phù hợp với lĩnh vực nghiên cứu;
– Có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghiên cứu khoa học.
Theo đó, quy định mới đã bỏ điều kiện về trình độ ngoại ngữ và trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản là tiêu chuẩn bắt buộc về trình độ đối với viên chức là nghiên cứu viên chính (hạng II).
Tuy nhiên trình độ ngoại ngữ, tin học vẫn được đề cập đến trong tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn được phân tích bên dưới đây.
Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đối với chức danh nghề nghiệp nghiên cứu viên chính?
Căn cứ khoản 3 Điều 5 Thông tư liên tịch 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV (sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 Điều 1 Thông tư 01/2020/TT-BKHCN và khoản 4 Điều 1 Thông tư 14/2022/TT-BKHCN).
Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đối với chức danh nghề nghiệp nghiên cứu viên chính, bao gồm:
– Nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách phát triển kinh tế – xã hội, phát triển khoa học và công nghệ của Đảng và Nhà nước, thành tựu và xu hướng phát triển khoa học và công nghệ, những tiến bộ khoa học và công nghệ quan trọng trong nước và trên thế giới liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu; nắm vững nội dung quản lý, phương pháp nghiên cứu, xử lý thông tin, đánh giá kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ;
– Nắm vững và có khả năng vận dụng thành thạo các lý thuyết và phương pháp nghiên cứu khoa học; có kiến thức chuyên sâu về chuyên ngành phù hợp với nhiệm vụ được giao và kiến thức cơ sở về một số chuyên ngành có liên quan;
– Có khả năng đề xuất và xác định hướng nghiên cứu về một vấn đề khoa học và công nghệ. Có tư duy độc lập, sáng tạo, khả năng tiếp thu, nghiên cứu và triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.
– Có khả năng tập hợp các cán bộ nghiên cứu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ và giải quyết các vấn đề nảy sinh từ thực tiễn; khả năng tổng kết thực tiễn, xây dựng và trình bày các báo cáo nghiên cứu khoa học trong các hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành cấp bộ, ngành; có khả năng tổ chức các sinh hoạt học thuật trong nước và tham gia các sinh hoạt học thuật quốc tế;
– Có năng lực chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh và chủ trì, tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ khác.
Đã chủ nhiệm ít nhất 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh (hoặc chủ nhiệm ít nhất 03 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở) được nghiệm thu ở mức đạt trở lên và tham gia ít nhất 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh được nghiệm thu ở mức đạt trở lên.
Hoặc tham gia nhóm tác giả của ít nhất 01 sách chuyên khảo và là tác giả chính của ít nhất 01 bài báo khoa học được công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín.
– Viên chức dự thi thăng hạng chức danh nghiên cứu viên chính (hạng II) thì trong thời gian giữ hạng chức danh nghiên cứu viên (hạng III) hoặc tương đương phải đạt kết quả khoa học và công nghệ hoặc phải đạt ít nhất 03 điểm quy đổi từ kết quả hoạt động chuyên môn,
Trong đó, có ít nhất 01 điểm được quy đổi từ kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ cấp cơ sở trở lên hoặc công bố bài báo trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín và ít nhất 01 điểm được thực hiện trong hai năm cuối tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ thi thăng hạng nghiên cứu viên chính (hạng II).
– Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm;
– Viên chức thăng hạng từ nghiên cứu viên (hạng III) lên nghiên cứu viên chính (hạng II) phải có thời gian giữ chức danh nghiên cứu viên (hạng III) hoặc tương đương tối thiểu đủ 09 năm.
Trong đó, trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) giữ chức danh nghiên cứu viên (hạng III) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.
Thông tư 14/2022/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 12/12/2022.