Nhân viên y tế tại doanh nghiệp và nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp

Nhân viên y tế tại doanh nghiệp và nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp Nhân viên y tế nói chung và nhân viên y tế tại các doanh nghiệp nói riêng có nguy cơ dễ mắc các bệnh nghề nghiệp. Ảnh: Thanh Hòa.

Với đặc thù làm việc trong môi trường doanh nghiệp, họ không chỉ cần thành thạo các kỹ năng chuyên môn (sơ cấp cứu, khám, chữa bệnh…) mà còn phải am hiểu về các công tác ATVSLĐ, quy trình sản xuất, việc thực hiện các chế độ, chính sách cho NLĐ… Họ cũng là đối tượng có nguy cơ mắc các bệnh nghề nghiệp khác nhau tùy thuộc vào từng loại hình doanh nghiệp.

1. Bệnh nghề nghiệp do tiếp xúc với yếu tố vi sinh vật

Nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp do tiếp xúc với yếu tố vi sinh vật là nhiều nhất ở nhân viên y tế nói chung, bao gồm cả nhân viên y tế tại các doanh nghiệp, vì họ thường xuyên, trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân, tiếp xúc với máu, dịch tiết bị nhiễm bệnh (nước bọt, đờm dãi, mủ, …) khi khám, điều trị… cho người bệnh.

Đáng chú ý, một số bệnh nghề nghiệp của nhân viên y tế đã được bảo hiểm, trong khi nhiều bệnh nghề nghiệp khác chưa được đưa vào danh mục bảo hiểm.

Các bệnh nhiễm khuẩn nghề nghiệp của nhân viên y tế đã được bảo hiểm gồm: Bệnh lao nghề nghiệp; bệnh viêm gan vi rút B nghề nghiệp; bệnh viêm gan vi rút C nghề nghiệp; bệnh nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp; bệnh Leptospira nghề nghiệp.

Các bệnh nhiễm khuẩn nghề nghiệp của nhân viên y tế chưa có trong danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm gồm: Bệnh do vi-rút SARS-CoV-2, SAR, Ebola, cúm A/H5N1, herper, sởi, cúm, rubella, quai bị…; bệnh nhiễm khuẩn bạch hầu, thương hàn, liên cầu A…; bệnh nhiễm ký sinh trùng (sốt rét, dịch hạch, sốt xuất huyết); nhiễm nấm.

2. Bệnh nghề nghiệp do tiếp xúc với yếu tố vật lý

Nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp do yếu tố vật lý, bức xạ ion hóa (chất phóng xạ), yếu tố bức xạ không ion hóa, do ô nhiễm điện từ trường, do tiếp xúc với nhiệt độ cao, do tiếp xúc với tiếng ồn lớn chủ yếu gặp ở nhân viên y tế trong bệnh viện tại một số khoa phòng. Nhân viên y tế tại các doanh nghiệp cũng có thể mắc các bệnh nghề nghiệp này, tuy nhiên nguy cơ không quá cao và mức độ nguy cơ tùy thuộc vào đặc thù ngành nghề của doanh nghiệp.

Bệnh nghề nghiệp do tiếp xúc với yếu tố vật lý được bảo hiểm gồm: Bệnh phóng xạ nghề nghiệp; bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn; bệnh đục thể thủy tinh nghề nghiệp; bệnh stress nhiệt nghề nghiệp.

Nhân viên y tế tại doanh nghiệp và nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp Nhân viên y tế Công ty TNHH Namuga Phú Thọ (KCN Thụy Vân) kiểm tra thân nhiệt cho công nhân lao động trước khi vào làm việc. Ảnh: Thu Hương.

3. Bệnh nghề nghiệp do tiếp xúc với các yếu tố hóa lý, hóa học, do bụi

Nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp do yếu tố hóa lý, hóa học (tiếp xúc với hóa chất tẩy uế, làm sạch, khử trùng…), do bụi (bụi bông vải trong quần áo, khăn, ga, bông, gạc…; bụi ở găng y tế…) cũng có thể gặp ở nhân viên y tế tại các doanh nghiệp.

Các bệnh nghề nghiệp do tiếp xúc với các yếu tố hóa lý, hóa học, do bụi được bảo hiểm gồm: Bệnh viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp; bệnh hen nghề nghiệp; bệnh da nghề nghiệp do tiếp xúc với cao su tự nhiên, hóa chất phụ gia cao su.

Bệnh nhiễm khuẩn nghề nghiệp do tiếp xúc với các yếu tố hóa lý, hóa học, do bụi chưa có trong danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm gồm: Bệnh hô hấp (nhiễm độc cấp tính, viêm phổi…); bệnh ung thư, bệnh ở hệ thần kinh, bệnh thận tiết niệu, bệnh cơ quan sinh sản…

4. Các bệnh nghề nghiệp do các yếu tố tâm sinh lý lao động và ecgônômi

Nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp do các yếu tố tâm sinh lý lao động và ecgônômi cũng khá thường gặp ở nhân viên y tế tại các doanh nghiệp. Các bệnh nghề nghiệp này phát sinh do yếu tố căng thẳng công việc, đòi hỏi sự tập trung chú ý cao, trách nhiệm công việc lớn, tư thế lao động bất hợp lý, lao động ca kíp… ở nhân viên y tế. Thực hiện nhiệm vụ cấp cứu, khám, điều trị cho các bệnh nhân là NLĐ; đặc biệt trong các tình huống cấp cứu tai nạn lao động cũng là một trong những đặc thù công việc của nhân viên y tế ở doanh nghiệp. Việc giám định y khoa xác định mức suy giảm khả năng lao động khi NLĐ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; đề xuất, bố trí công việc phù hợp với sức khỏe NLĐ; kiểm tra việc chấp hành điều lệ vệ sinh, tổ chức phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm cho NLĐ tại cơ sở; tổ chức thực hiện bồi dưỡng hiện vật theo quy định… cũng góp phần làm căng thẳng thêm công việc của nhân viên y tế tại các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, do tính chất công việc của nhân viên y tế tại các doanh nghiệp phải khám, cấp cứu, chăm sóc, điều trị cho NLĐ 24/24 giờ nên nhân viên y tế tại các doanh nghiệp cũng phải làm ca, kíp, trực đêm. Sự thay đổi về nhịp sinh học, áp lực công việc… làm gia tăng thêm các ảnh hưởng bất lợi tới sức khỏe của nhân viên y tế tại các doanh nghiệp.

Nhân viên y tế tại doanh nghiệp và nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp Nhân viên y tế tại doanh nghiệp và nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp

Các bệnh nghề nghiệp do các yếu tố tâm sinh lý lao động và ecgônômi ở một số nước đã được đưa vào bệnh nghề nghiệp, được đền bù, tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay đều là các bệnh nghề nghiệp chưa có trong danh mục 34 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm (bao gồm bệnh rối loạn cơ xương khớp liên quan đến nghề nghiệp, hội chứng ống cổ tay, bệnh stress nghề nghiệp…).

Việc dự phòng phát sinh các bệnh nghề nghiệp ở nhân viên y tế tại các doanh nghiệp là rất cần thiết để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho đội ngũ y tế của doanh nghiệp – những người chăm sóc và quản lý sức khỏe cho lực lượng lao động, cũng góp phần giúp các doanh nghiệp, khu công nghiệp phát triển bền vững.