Nhận thức và cảnh giác trước việc tuyên truyền hoạt động “Pháp luân công”
Thông tin cần biết
Nhận thức và cảnh giác trước việc tuyên truyền hoạt động “Pháp luân công”
Những năm qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm, tạo điều kiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, trong đó có cả người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những tôn giáo đã được Nhà nước ta công nhận như: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo, Hồi Giáo…, các thế lực thù địch đã tìm cách lợi dụng sự hình thành, phát triển các tà đạo khác như: Tin lành Đề Ga, Thanh Hải Vô Thượng Sư, Hà Mòn, Pháp Luân Công…nhằm truyền bá những đức tin phản khoa học, phản văn hóa và chuẩn mực chung về đạo đức, lối sống gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội, gây tâm lý bức xúc, hoang mang trong một bộ phận quần chúng. Đáng chú ý, thông qua hoạt động của các tà đạo, các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện âm mưu lợi dụng vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động tư tưởng ly khai, hình thành các lực lượng đối lập với Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Năm 1992, Lý Hồng Chí (Trường Xuân, Đông Bắc, Trung Quốc) đã sáng lập ra “Pháp luân công” có tên gọi khác là “Pháp luân đại pháp” tại Trung Quốc. Khởi đầu việc truyền “Pháp luân công” ra ngoài xã hội là ở thành phố Trường Xuân, Đông Bắc Trung Quốc. Khi bị Chính phủ Trung Quốc dùng nhiều biện pháp ngăn chặn, giải tán “Pháp luân công”, Lý Hồng Chí đã cùng các thành viên cốt cán trốn sang Mỹ. Tại Mỹ, do được hậu thuẫn, Lý Hồng Chí và các cộng sự đã thành lập “Tổng hội Pháp luân công” và tiếp tục tiến hành tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, kênh truyền hình và nhiều hình thức khác nhau.
Năm 2001, “Pháp luân công” du nhập vào Việt Nam thông qua Nguyễn Nam Trung – sinh viên Việt Nam đi du học tại Mỹ. Nguyễn Nam Trung về nước in ấn và tán phát trái phép một số tài liệu “Pháp luân công”; thành lập tổ chức, hướng dẫn cho 3 – 4 nhóm (mỗi nhóm khoảng 6-10 người) luyện tập “Pháp luân công”, sau đó lan rộng ra trên phạm vi cả nước.
Bản chất của Pháp luân công?
Hiện nay, số người tham gia “Pháp luân công” đang tích cực tuyên truyền để phát triển mạnh ở hầu hết các tỉnh, thành phố, với các thủ đoạn vừa lén lút vừa công khai bằng các hình thức khác nhau, đã tác động xấu tới tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội ở nhiều địa phương. Để hiểu đúng và không ngộ nhận dẫn đến bị mê hoặc, tiếp tay và tham gia “Pháp luân công” đồng thời bị các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo vào những hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, chúng ta cần hiểu rõ về bản chất của “Pháp luân công”:
– Pháp luân công thực chất không phải là một tín ngưỡng, tôn giáo, không có giáo lý, giáo luật hoàn chỉnh mà chỉ là sự vay mượn, cắt xén của các tôn giáo khác để hình thành. Thực sự “Pháp luân công” chỉ mượn vỏ bọc của một môn khí công rèn luyện sức khỏe và lợi dụng các yếu tố tôn giáo, tâm linh để tập hợp lực lượng, lôi kéo quần chúng tham gia, khuếch trương thanh thế nhằm từng bước công khai hình thành tổ chức, đòi công nhận tư cách pháp nhân.
– Đến thời điểm hiện nay, trên thế giới vẫn chưa có công trình nghiên cứu và công bố mang tính khoa học công nhận tác dụng của phương pháp tu luyện “Pháp luân công”. Tại Việt Nam nói chung và Đồng Tháp nói riêng, các đối tượng tham gia phát triển “Pháp luân công” thổi phồng về tác dụng của việc rèn luyện khí công đối với sức khỏe, kết hợp với sử dụng yếu tố tâm linh để dẫn dụ, lôi kéo một bộ phận nhân dân, nhất là số người đang có vấn đề về sức khỏe tin tưởng rằng những người luyện tập “Pháp luân công” có thể tự khỏi được bệnh, kể cả những bệnh hiểm nghèo mà không cần dùng thuốc, không cần đến bệnh viện. Họ tuyên truyền rằng nếu luyện tập đông, luyện tập gần nhau sẽ nhanh tạo ra “công lực”, chính điều này, đã tác động trúng nhu cầu về giao tiếp, giải tỏa tâm lý của một bộ phận quần chúng nhân dân, từ từ từng bước bị mê hoặc, lôi kéo nhiều người tham gia thuộc nhiều thành phần, nghề nghiệp, lứa tuổi, trong đó có những người bệnh, người lớn tuổi, đã nghỉ hưu… Trên thực tế, có các trường hợp người bệnh tại các địa phương như Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Nam… cả tin, mê muội, bị bệnh nhưng không dùng thuốc, không đi chữa bệnh tại các cơ sở y tế, dẫn đến bệnh tật ngày càng nặng và tử vong.
– “Pháp Luân công” có phải là một hệ phái của Phật giáo hay một tôn giáo khác?: Thực chất, lý thuyết tu luyện của “Pháp luân công” dựa trên sự vay mượn, cắt xén giáo lý Phật giáo, khí công, âm dương, đạo giáo, thiền… trong đó lấy một phần giáo lý Phật giáo và khí công làm cơ sở. Bản thân Lý Hồng Chí cũng ngộ nhận là “Phật chủ”, khi hình tượng hóa cá nhân mình ngồi trên đài sen, đầu tỏa ánh hào quang, sửa ngày sinh trùng với ngày sinh của Phật Thích Ca Mâu Ni. Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc năm 2010 với 83 quốc gia tham dự tại Thái Lan đã kêu gọi không khích lệ đi theo trường phái của Lý Hồng Chí vì đây là hoạt động mạo danh Phật giáo. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân đã ngộ nhận “Pháp luân công” là một pháp môn của Phật giáo nên đã tin theo. Khi tham gia rồi họ mới nhận ra “Pháp luân công” cổ xuý việc “từ bỏ tình thân”, chuyên tâm theo học “Pháp luân đại pháp” mục đích để được “thăng cấp”, cuối cùng sẽ tu thành “Phật, Đạo, Thần”. Một số cá nhân vì muốn đạt được mục đích theo lý thuyết tu luyện của “Pháp luân công” đã tiến hành tập luyện đến mức bị mê muội, ảo giác, thậm chí thực hiện hành vi phạm tội vô nhân tính để đạt được mục tiêu tu luyện (Vụ án Phạm Thị Thiên Hà cầm đầu một nhóm tu luyện theo “Pháp luân công” đã thực hiện hành vi giết người, đổ bê tông nhằm phi tang xác xảy ra tại tỉnh Bình Dương vào năm 2019). Tất cả những điều này đều trái hoàn toàn với giáo lý, giáo luật của các tôn giáo khác nói chung và Phật giáo nói riêng.
Đối tượng Phạm Thị Thiên Hà và đồng bọn phạm tội giết người bị đưa ra xét xử năm 2019
– “Pháp luân công” có mang màu sắc chính trị? “Pháp luân công” từ khi xâm nhập vào nước ta đến nay, đã phát triển nhanh, thu hút, lôi kéo nhiều người dân, cán bộ, đảng viên tham gia, thậm chí có cả những người trong lực lượng vũ trang. Với cách thức tuyên truyền rộng rãi theo kiểu “ném cát bụi tre”, với nội dung, hình thức luyện khí công dưỡng sinh chữa bệnh, rèn luyện tốt cho sức khỏe, qua đó, mê hoặc, lôi kéo người tham gia. Khi có những vấn đề không đồng thuận với chính quyền, số người theo luyện “Pháp luân công” có thể sẵn sàng tụ tập đông người gây áp lực với chính quyền. Tại Việt Nam, “Pháp luân công” đã và đang được các thế lực thù địch lợi dụng, sử dụng làm “quân bài” để chống phá chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam, chống phá Đảng, Nhà nước ta trên lĩnh vực “nhân quyền”. Điển hình năm 2014, một nhóm đối tượng “Pháp luân công” đã âm mưu đập phá Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và kéo đổ tượng đài Lê-Nin ở Hà Nội. Khi các đối tượng này bị xử lý theo quy định của Pháp luật Việt Nam, một số đối tượng “Pháp luân công” đã tiến hành nhiều cuộc biểu tình phản đối trước các cơ quan Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài.
Dù không được nhà nước cho phép, nhưng để phát triển lực lượng tham gia “Pháp luân Công” một số cá nhân cốt cán tham gia “Pháp luân công” đã tiến hành nhiều thủ đoạn, hoạt động khác nhau từ công khai tới lén lút, như:
– In ấn, photo và phát tán nhiều tài liệu trái phép (sách, đĩa DVD, tờ rơi, biểu tượng, biểu trưng…) tại nơi công cộng, khu đông dân cư (chợ, công viên, nhà máy, xí nghiệp…) để tuyên truyền trái phép các nội dung về Pháp luân công… Tại Đồng Tháp, từ đầu năm đến nay tại các địa phương trong tỉnh như huyện Cao Lãnh, Lấp Vò, Thanh Bình, Sa Đéc, Châu Thành, Tam Nông… đã phát hiện, xử lý cảnh cáo, răn đe nhiều trường hợp phát tờ rơi, tài liệu tuyên truyền “Pháp luân công”.
– Lập nhiều trang web, tài khoản mạng xã hội, kênh youtube… có địa chỉ ở trong hoặc ngoài nước để chia sẻ, hướng dẫn tập “Pháp luân công”.
– Lợi dụng đường thư tín, chuyển phát gửi tài liệu đến cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thậm chí là một số cơ quan nhà nước, đoàn thể xã hội, cán bộ và thậm chí là một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Tại Đồng Tháp, đã ghi nhận các phản ánh của người dân, cán bộ, đảng viên về các trường hợp bị gửi các tài liệu tuyên truyền “Pháp luân công” đến địa chỉ cá nhân, cơ quan gây bất ổn về ANTT và ảnh hưởng cuộc sống cá nhân của công dân.
– Thông qua các mối quan hệ cá nhân tìm cách tiếp cận với lãnh đạo cao cấp và thân nhân để tuyên truyền và tác động tranh thủ xin cho “Pháp luân công” được hoạt động.
– Lập các đoàn nghệ thuật như “Hồng Ân”, “Thiên Quốc nhạc đoàn” biểu diễn tại các sự kiện (lễ khai trương, Tết Trung thu…) để lồng ghép tuyên truyền hình ảnh “Pháp luân công”.
– Thành lập câu lạc bộ sức khỏe, văn nghệ tại các nơi vui chơi công cộng… để trực tiếp hướng dẫn tập luyện và gây sự tò mò, chú ý, quan tâm của quần chúng nhân dân.
– Cử các thành viên cốt cán len lỏi vào vùng sâu, vùng xa, những vùng mặt bằng dân trí chưa cao, nơi chính quyền địa phương khó kiểm soát, đồng thời, lợi dụng việc từ thiện nhân đạo để tiếp cận và lồng ghép tuyên truyền “Pháp luân công”.
– Thông qua việc lôi kéo một số giáo viên tán phát tài liệu, tuyên truyền và hướng dẫn tập luyện “Pháp luân công” cho học sinh, sinh viên ngay trong giờ học.
Khi đã nhận diện rõ bản chất của “Pháp luân công” như nêu trên, bản thân mỗi người dân, cán bộ, công nhân viên, Đảng viên trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp phải cẩn trọng, cảnh giác và có hành động để ngăn ngừa những hệ luỵ mà “Pháp luân công” có thể gây ra. Qua đó, phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn, hoạt động lợi dụng “Pháp luân công” nhằm chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, phản động hiện nay. Để làm được điều này, mỗi người dân, cán bộ, Đảng viên trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp…nên thực hiện:
– Chấp hành nghiêm các quy định pháp luật Nhà nước, đặc biệt là Luật An ninh mạng, Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Không truy cập, chia sẻ các trang thông tin phản động và các trang mạng xã hội tuyên truyền, kêu gọi ủng hộ “Pháp luân công”. Không đăng tải, in ấn, tán phát, chia sẻ, bình luận cổ vũ, tuyên truyền các nội dung tài liệu về “Pháp luân công” trên mạng internet. Tích cực tham gia các hoạt động xây dựng môi trường văn hóa ở khu dân cư; tăng cường luyện tập thể dục, thể thao, rèn luyện sức khỏe lành mạnh theo quy định.
– Đảng viên phải nghiêm túc thực hiện chỉ thị, quy định của Đảng, Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Nhận thức đúng về bản chất “phản khoa học, phản văn hóa, phản xã hội” của “Pháp luân công”. Nêu cao tinh thần cảnh giác trước các âm mưu, thủ đoạn, hoạt động lợi dụng “Pháp luân công” để chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch. Tuyệt đối không tham gia “Pháp luân công” hoặc tiếp tay, cổ vũ, tuyên truyền “Pháp luân công” và các hoạt động mê tín dị đoan. Bản thân mỗi Đảng viên phải nhận thức rõ bản chất của “Pháp luân công” để từ đó vận động quần chúng nhân dân nhận thức đúng về âm mưu, thủ đoạn lợi dụng “Pháp luân công” các thế lực thù địch, nâng cao ý thức cảnh giác, không tin, làm theo sự kích động, lôi kéo của số đối tượng tham gia “Pháp luân công” và các đối tượng xấu tham gia vào hoạt động vi phạm pháp luật.
– Với trách nhiệm làm cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn, mỗi người dân trong Tỉnh nên phát huy trách nhiệm, tích cực đấu tranh phê phán bản chất phản khoa học, phản văn hóa, các quan điểm sai trái ủng hộ “Pháp luân công”; tích cực tố cáo, vạch mặt âm mưu, thủ đoạn, hoạt động của các đối tượng xấu và các thế lực thù địch lợi dụng “Pháp luân công” để gây mất an ninh, trật tự, chống phá Đảng, Nhà nước và sự bình yên cuộc sống của nhân dân.
Nhà nước ta luôn đề cao quyền tự do, tín ngưỡng, được thể chế hóa trong Hiến pháp của mọi thời kỳ. Công dân có tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam được an tâm hành đạo theo đúng nghĩa của một tôn giáo chân chính. Các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng điển hình như Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo… đã hòa nhịp vào cuộc sống xã hội, đoàn kết cộng đồng thành khối đại đoàn kết dân tộc. Các tôn giáo đều trên tinh thần “Hộ quốc, an dân”, “Tốt Đời, đẹp Đạo”, “Đồng hành cùng dân tộc”… hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo chân chính đã góp phần tích cực vào công cuộc dựng nước và giữ nước, xây dựng quê hương Đồng Tháp tươi đẹp, bình an.
Nhưng dù ở đâu đi nữa, thì các hoạt động xã hội nói chung và tự do tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng cũng phải dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc. Vì vậy, chúng ta kiên quyết không để những phần tử lợi dụng chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước để hoạt động bất hợp pháp, gây bất ổn xã hội.
Tin tưởng rằng, mỗi người dân tỉnh Đồng Tháp dù ở đâu, vị trí nào cũng tích cực phát huy trí tuệ, nhận thức đúng đắn để thực hiện quyền tự do của mình trong khuôn khổ của Pháp luật, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc đang có.
Đức Nghĩa – ANCTNB