Nhận thức thế giới trong thời đại thông tin

Con người có thể nhận thức thế giới hay không là một câu hỏi hóc búa không chỉ với các nhà triết học mà còn cả nhân loại. Tuy nhiên, không chỉ giữa các nhà triết học duy tâm với các nhà triết học duy vật, mà ngay cả giữa những nhà triết học duy tâm với nhau hay giữa các nhà triết học duy vật với nhau cũng có những mâu thuẫn nhất định trong việc trả lời câu hỏi này. Vậy chân lý nằm ở đâu? Chúng tôi cho rằng quả thực rất khó để tìm ra câu trả lời đúng cho vấn đề này, nhất là trong bối cảnh thế giới ngày càng trở nên bão hoà về thông tin cùng với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật. Mặc dù như vậy, thế giới vẫn luôn luôn là một đối tượng bí ẩn thu hút các nhà khoa học; vì vậy, câu hỏi con người có thể nhận thức được thế giới hay không vẫn còn nóng bỏng và thú vị như buổi ban đầu. Bài viết dưới đây sẽ trình bày cách tiếp cận của  chúng tôi trước vấn đề này và hy vọng nó sẽ phần nào thức tỉnh con người về khả năng và giới hạn của mình trước vấn đề nhận thức thế giới trong mối tương quan với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là của ngành truyền thông. Lịch sử tư tưởng của con người đã tiếp nhận rất nhiều quan điểm về khả năng nhận thức thế giới của con người, từ “ bất khả tri ” của Berkeley đến “ vật tự nó ” của Kant, từ “ tinh thần tuyệt đối” của Hegel đến “cải tạo thế giới” của Marx. Phải khẳng định rằng mỗi học thuyết đều có những điểm hợp lý của nó; chính bởi vậy, nó vẫn rất sống động và liên tục truyền cảm hứng cho con người trong việc lý giải câu hỏi này. Vấn đề chúng tôi đặt ra trong bài viết này chỉ là một khía cạnh liên quan đến khả năng nhận thức thế giới của con người, đó là ngày nay con người có nhận thức được thế giới không? 

Khi mà càng ngày càng được tiếp xúc với nhiều tài nguyên thông tin hơn? Hay thế giới, trải qua vô số những cơn thăng trầm và biến chuyển vĩ đại, vẫn là chính nó, bí ẩn và huyễn hoặc như trong mắt Berkeley và Kant hay rõ ràng, cụ thể như trong nhận thức của Marx?

Chủ nghĩa khủng bố ư Khoảng đen mới trong bức tranh thế giới hiện đại

 Một số người cho rằng, những biến động gần đây của thế giới báo hiệu một triển vọng không mấy xán lạn mà quên mất rằng biến động là một thuộc tính căn bản của thế giới, hay nói cách khác, thế giới luôn luôn và không ngừng biến động. Từ trước đến nay, do những hạn chế về trình độ khoa học công nghệ, con người không theo kịp với những biến động của thế giới. Dường như, sự phát triển của khoa học công nghệ, nhất là của ngành truyền thông, làm con người ngày càng hoang mang trước những biến động của thế giới trong khi sự xuất hiện của những biến cố ấy, xét về mặt hiện tượng thuần tuý, không hẳn đã hoàn toàn mới. Các cuộc bầu cử vẫn được tiến hành ở khắp mọi nơi với chiến thắng hay thất bại của những phe phái khác nhau. Các cuộc đảo chính hay thậm chí, các cuộc chiến tranh cũng vậy. Trước đây, với sự hạn chế về khoa học công nghệ, thông tin, thì những thay đổi như vậy cũng như ảnh hưởng của chúng không đến với con người nhanh chóng như ngày nay. Gần đây, bức tranh thế giới hiện đại có một điểm nhấn ư đó là chủ nghĩa khủng bố ư cuộc chiến tranh giữa bóng tối và ánh sáng, hay theo cách nói của một số người, đó là cuộc chiến của thế hệ thứ tư với “ một kẻ thù vô hình và hữu hình, chẳng ở đâu và ở khắp mọi nơi, không một trung tâm đầu não cụ thể và phi lãnh thổ hoá”. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng hình thức sơ khai của chủ nghĩa khủng bố là những phong trào đấu tranh, sau đó thoái hoá trở thành những tổ chức khủng bố, hay tổ chức phản động có tính chất phi chính phủ, lúc mới ra đời, chúng cũng có mục tiêu chính trị, tôn chỉ và giá trị xã hội nhất định. Hội Tam Hoàng ra đời trong hoàn cảnh nhà Thanh lật đổ nhà Minh ở Trung Quốc hay các tổ chức mafia ra đời ở Italia đều có lịch sử tương tự như vậy. Có thể nói, sự xuất hiện ngày càng nhiều các hoạt động khủng bố trong khoảng thời gian gần đây là một mặt của quá trình toàn cầu hoá nằm bên ngoài khả năng kiểm soát của các chính phủ, chống lại thế giới văn minh và thế giới hợp pháp. Một số người đổ lỗi cho Tổng thống Hoa Kỳ ư George Bush II ư trong việc “ chọc giận ” các tổ chức khủng bố. Tuy nhiên, Bush không phải là một vị tổng thống tồi mặc dù trong vô số những việc ông ta đã làm, hẳn có những việc không đúng. Phản ứng và chính sách quyết liệt của Bush trước những hành động của các tổ chức khủng bố sẽ là một liều thuốc đặc trị nếu ông ta chiếu cố đến sự không kiên quyết của các nhà chính trị khác. Sẽ tốt hơn nhiều nếu Bush thành công trong việc hợp tác với các nhà chính trị trên toàn thế giới trong việc thiết kế và áp dụng những chính sách chống khủng bố táo bạo và quyết liệt. Nói đúng hơn, chủ nghĩa khủng bố mặc dù đã hình thành từ lâu, nhưng có lẽ chưa bao giờ lại xuất hiện một cách có tổ chức và chủ động như gần đây. Điều đó đã làm dấy lên trong vô số người những lo ngại về một cuộc chiến tranh mới, sau những cuộc chiến lịch sử của Thành Cát Tư Hãn, Napoleon hay Fritz Erich von Manstein . 2 

Nhưng liệu bức tranh thế giới có u ám đến như vậy, hay đó chính là hiệu ứng phụ của truyền thông?

 Nguy cơ nhận thức bằng bóng ư Mầm mống của một thuyết bất khả tri mới

 Không thể phủ nhận sự khủng khiếp của những gì mà các tổ chức khủng bố đã gây ra ở Madrid hay Baghdad. Tuy nhiên, chúng tôi muốn tiếp cận vấn đề theo một cách khác, liệu rằng chúng ta đã thành công trong việc xây dựng cho mình phương pháp luận nhận thức đúng đắn (tức phương pháp xử lý thông tin đúng đắn) hay chúng ta đang nhận thức thế giới qua hiệu ứng của truyền thông? Sự ra đời của ngành truyền thông là một trong những thành tựu vĩ đại của nhân loại. Truyền thông đưa con người xích lại gần nhau hơn và giúp con người phân định thế giới một cách có ý thức thành những mảng màu khác nhau thông qua những thông tin cập nhật và rất có giá trị. Truyền thông cũng giúp cho con người tự làm mới nhận thức của mình và nếu thiếu vắng nó, chúng ta sẽ tự giam hãm mình trong những ốc đảo về nhận thức. Tóm lại, truyền thông đóng một vai trò thiết yếu trong việc xây dựng và xúc tiến nhận thức của con người về thế giới. Với khả năng to lớn của truyền thông, một số người đã lạc quan cho rằng thuyết bất khả tri đã chẳng còn lý do gì để tồn tại, quên mất rằng truyền thông là một công cụ cực kỳ sắc bén cho việc nhận thức thế giới và do đó, nó cũng có những “ tác dụng phụ ” nhất định. Tuy nhiên, một số người bàng quan hoặc kém tỉnh táo đã không nhận ra điều này. Thậm  chí, thay vì sử dụng lượng thông tin, kiến thức mà truyền thông cung cấp như những nguyên liệu để nhận thức, một số người còn hoàn toàn phụ thuộc vào sự phản ánh chủ quan của nó. Hãy lấy chủ nghĩa khủng bố làm ví dụ. Mặc dù truyền thông đã cố gắng truyền tải những thông tin chân thực và khách quan nhưng nó vẫn tạo ra những ảo giác về sự nức nở của con người lớn hơn cả những thất thiệt mà họ phải gánh chịu. Sức mạnh của truyền thông là ở tính lan toả tức thì của nó; kết quả là, những ảo giác khủng khiếp cũng lan đi nhanh chóng không kém. Sự cộng hưởng ảo giác, đến lượt mình, tạo ra một nhận thức cực kỳ hoảng loạn và đen tối về thế giới trên phạm vi rộng lớn. Hãy tưởng tượng một thế giới không có sự lớn mạnh của ngành truyền thông. Rõ ràng, những sự kiện tưởng như rất đỗi lớn lao ấy sẽ chìm trong lãng quên một cách nhanh chóng và con người cũng sẽ không cảm thấy lo sợ trước nó. Tuy nhiên, giới truyền thông rất biết cách khai thác những biến động của thế giới. Điều này cũng chính là mục đích của truyền thông ư làm nên cái mà chúng ta thường gọi là Quyền lực của truyền thông. Đến lượt mình, nó sẽ tạo ra một nguy cơ mới ư nguy cơ nhận thức thế giới bằng bóng, tức nhận thức thế giới qua thông tin và hình ảnh. Nếu chúng ta tiếp tục khai thác thông tin theo cách này thì truyền thông sẽ không làm con người mạnh hơn, toàn diện hơn về nhận thức, mà còn tạo ra sự đứt gãy và nhiễu loạn về nhận thức thế giới.

Có thể nói rằng, tại những nơi mà ngành công nghiệp truyền thông đặt chân tới, thế giới được nhận thức hoàn toàn khác với những miền mà nó bỏ sót. ở nơi này người ta lo sợ chủ nghĩa khủng bố trong khi ở nơi khác ư những miền đất thiếu thông tin về thế giới ư con người vẫn nhận thức thế giới một cách hoan hỉ và đơn giản. Phải chăng khi những bài ca về nỗi đau thương được cất lên trong những nhà hát lớn sẽ có sức lan toả và lay động gấp hàng nghìn lần khi nó được hát ở những nơi khác. Phải chăng, hiệu ứng phụ của truyền thông đang làm con người mơ hồ và nhiễu loạn trong việc nhận thức thế giới? Và phải chăng, với việc nhận thức thế giới bằng bóng, truyền thông đang cùng với con người xây dựng một thuyết bất khả tri mới?

 Thế giới thực sự như thế nào?

Chúng tôi cho rằng, một phần nào đó của thế giới, hay thậm chí cả thế giới, dưới hiệu ứng phụ của truyền thông, đang bị mô tả và cường điệu tới mức làm méo mó cấu trúc đời sống tâm lý của con người. Thực ra, thế giới, về bản chất đang bị chèn ép và chèn ép lẫn nhau chứ không được lãnh đạo. Giai đoạn thế giới được lãnh đạo một cách có tổ chức nhất là giai đoạn Chiến tranh lạnh. Thế giới, về cơ bản, là đơn cực – và ngày nay cần được hiểu là đơn cực động chứ không phải là đơn cực tĩnh như trước. Do vậy, trong thời đại bùng nổ truyên thông thật khó để hình dung hay trả lời câu hỏi thế giới mà chúng ta nhận thức được là cái gì, là kết quả của nhận thức của con người, kết quả của truyền thông, kết quả của tiếng vọng hay tiếng ồn. Chúng ta nghĩ rằng sẽ hướng cộng đồng trong một nhận thức thống nhất để giải thích thế giới, nhưng thực ra, thế giới được giải thích hoàn toàn không nhất quán. Do đó, vấn đề cần nhận thức đúng về thế giới trong thời đại thông tin hiện  nay. Chừng nào không trả lời được câu hỏi ấy, chúng ta sẽ tiếp tục sống và nhận thức bằng bóng, tức bằng những gì mà giới truyền thông truyền tải tới con người thông qua các phương tiện hiện đại của nó. Sức mạnh của truyền thông khiến con người tưởng mình chứng minh được sự sai lầm của thuyết bất khả tri nhưng dường như nó đang làm điều ngược lại. Có vẻ như con người đang bị khủng hoảng thông tin và càng ở những vùng lạc hậu về nhận thức, sự khủng hoảng thông tin ấy càng rõ rệt. Có lẽ đây sẽ là một cuộc khủng hoảng mới của nhân loại. Khủng hoảng thông tin hay nói đúng hơn là khủng hoảng nhận thức chỉ có thể xảy ra ở những vùng đất lạc hậu về nhận thức dẫn đến tư duy đơn giản, phiến diện và thụ động. Trong khi đó, khối lượng thông tin đồ sộ hàng ngày được phản ánh vào trong tiềm thức con người một cách hết sức phức tạp, khiến cho một số học giả phải đánh động nhân loại về nền kinh tế Internet, hay nền kinh tế thông tin, cho rằng nếu biến thông tin trở thành nền kinh tế, chúng ta sẽ tự mình tạo ra sự sụp đổ. Vấn đề không dừng lại ở đó, mà quan trọng hơn, chúng ta cần phải cảnh báo nhân loại về nguy cơ thông tin, hay nói cách khác là nguy cơ về nhận thức bóng qua các hình ảnh truyền thông. Để trả lời câu hỏi con người có thể nhận thức thế giới hay không, chúng tôi cho rằng, con người không chỉ có thể mà buộc phải nhận thức được thế giới và chỉ khi nào nhận thức được thế giới, chúng ta mới có thể tồn tại và phát triển. Nói như vậy không có nghĩa là con người có thể nhận thức được thế giới một cách trọn vẹn và chính xác. Với sự chênh lệch về trình độ nhận thức, thế giới được phản ánh và mang màu sắc rất khác nhau trong nhận thức của những người khác  nhau. Trình độ và bản lĩnh nhận thức của con người sẽ quyết định việc con người sẽ đi tới đâu trong chặng đường nhận thức thế giới. Về mặt lý thuyết, để có thể nhận thức thế giới sát với bản chất của nó, chúng ta cần phải tạo cho mình bản lĩnh thoát khỏi vùng ảnh hưởng của thông tin, nghĩa là phải có sự quan sát và phân tích độc lập. Hãy coi thông tin như những nguyên liệu thô và hãy lọc ra trong đó những sự kiện bản chất trước khi chúng bị phóng đại. Do đó, hãy hình dung và nhận thức thế giới như chính nó chứ không phải thông qua những tiếng vọng của truyền thông. Đừng để truyền thông can thiệp sâu vào tư duy và nhận thức của chúng ta về thế giới và tạo ra những sự đứt gãy đột ngột. Đó cũng chính là nhiệm vụ của khoa học và quả thực là một nhiệm vụ khó khăn bởi trên mạng hàng ngày có hàng trăm, hàng nghìn bài viết về các sự kiện của thế giới. Nhiệm vụ của khoa học là chia thế giới thành đúng những mảng màu và những dữ liệu có màu sắc khác nhau. Quay trở lại với thực tiễn Việt Nam, chúng tôi cho rằng sự khủng hoảng thừa thông tin khiến chúng ta tưởng tượng ra một thế giới phức tạp với vô số hiểm hoạ và chính nỗi lo sợ ấy khiến chúng ta hoặc bàng quan hoặc không dám thực hiện những cuộc cải cách triệt để. Trong khi đó, Trung Quốc đã tiến  hành rất nhiều chương trình cải cách lớn và khuấy động cả thế giới bằng sự thành công của những cuộc cải cách đó. So với Việt Nam, Trung Quốc là một đất nước rộng lớn và phức tạp hơn nhiều. Do đó, số lượng rủi ro và các vấn đề mà Việt Nam phải đối mặt khi tiến hành cải cách chắc chắn ít hơn Trung Quốc cả về số lượng và nhỏ hơn về quy mô. Bên cạnh đó còn có một yếu tố thuận lợi khác nữa là con người Việt Nam tiềm ẩn đầy đủ phẩm chất để thực hiện những cuộc cải cách bước ngoặt. Vậy, tại sao các cuộc cải cách vẫn chưa được tiến hành xuôn sẻ? Phải chăng, chúng ta đang nhận thức thế giới nói chung và về sự thay đổi của Trung Quốc một cách bàng quan, quên mất rằng những sự thay đổi ấy có tác động trực tiếp tới tương lai của Việt Nam? Thiết nghĩ đó là một câu hỏi lớn.

Kết luận

Đã đến lúc phải đi tìm chân lý một cách tương đối trong một sự chuyển động tương đối, nghĩa là phải nhận thức thế giới nói chung và sự vật, hiện tượng trong sự xê dịch tương đối của đời sống và xê dịch tương đối của ý nghĩ. Nói cách khác, không được xem sự vật là những vật thể để bám vào nó mà phân tích, cần phải xem các sự kiện chỉ là ảnh của một trạng thái của các loại hình phổ biến của nhân loại, và vì vậy, chúng ta phải tư duy trong thể động và tính động tương đối. Hoặc làm như thế, hoặc chúng ta đang tự mình xây dựng một thuyết “bất khả tri” mới cho những vấn đề có thể nhận thức được!./.