Nhân rộng kết quả đề tài “Nghiên cứu tỉ lệ lưu hành và xây dựng quy trình phòng một số bệnh đường hô hấp phổ biến trên heo sau cai sữa ở hộ chăn nuôi gia đình tỉnh Tiền Giang” – Khoa học – Công nghệ

Với mục tiêu chuyển giao kiến thức cơ bản về một số bệnh đường hô hấp và biện pháp phòng bệnh; Xây dựng mô hình điểm về các biện pháp hiệu quả phòng các bệnh nêu trên; Tham quan, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về mô hình điểm; phổ biến và nhân rộng mô hình điểm, Chi cục Thú y Tiền Giang chủ trì, ThS. Nguyễn Thị Mến chủ nhiệm, thực hiện đề tài “Nhân rộng kết quả đề tài: Nghiên cứu tỉ lệ lưu hành và xây dựng quy trình phòng một số bệnh đường hô hấp phổ biến trên heo sau cai sữa ở hộ chăn nuôi gia đình tỉnh Tiền Giang”

 

Sau gần 01 năm thực hiện, đề tài đã triển khai 05 mô hình cải tiến kỹ thuật về biện pháp phòng bệnh đường hô hấp phổ biến trên heo sau cai sữa; tổ chức tham quan mô hình điểm tại xã Song Bình, Long Bình Điền và An Thạnh Thủy huyện Chợ Gạo; phát hành 700 bộ tài liệu cùng 10.000 tờ rơi phục vụ tập huấn và phổ biến rộng rãi cho người chăn nuôi heo tại địa phương.

Ngoài ra, ban chủ nhiệm còn tổ chức tập huấn cho lực lượng thú y cơ sở trên địa bàn tỉnh 10 cuộc (với 450 người tham dự) và người chăn nuôi heo tại một số xã của huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo và TP. Mỹ Tho 05 cuộc (với 250 người tham dự).

Việc chuyển giao kết quả đề tài đã có tác động mạnh đến lực lượng thú y cơ sở: Nâng cao kỹ năng chẩn đoán lâm sàng, phát hiện sớm ca bệnh để báo dịch; không còn lúng túng và lo lắng; đặc biệt là thú y cơ sở đã tự tin áp dụng các phác đồ điều trị hợp lý, hiệu quả; nâng cao uy tín với bà con chăn nuôi, tạo sự hợp tác tốt giữa thú y – người chăn nuôi trong công tác phòng chống dịch bệnh tại địa phương; cũng như người chăn nuôi: Bước đầu nắm được kiến thức cơ bản về một số bệnh đường hô hấp phổ biến trên heo và áp dụng các biện pháp phòng chống; từ đó, giảm chi phí điều trị, giảm hệ số biến chuyển thức ăn, giảm giá thành, tăng hiệu quả chăn nuôi thông qua các chỉ số: tỉ lệ đậu thai, tỉ lệ sẩy thai, khô thai, số con sơ sinh/lứa, trọng lượng sơ sinh, trọng lượng cai sữa, số con cai sữa, tỉ lệ bệnh hô hấp, tỷ lệ bệnh khác… Bên cạnh đó, người chăn nuôi được trang bị kiến thức để phát hiện bệnh nhanh, kịp thời báo cho chính quyền địa phương hoặc thú y cơ sở để sớm xử lý gọn ổ dịch, không để dịch lây lan trên diện rộng. 

Việc thực hiện mô hình điểm mang đến kết quả khả quan: Tỉ lệ heo ho giảm còn 7,4%/tổng đàn; do vậy, cải thiện được tình trạng heo chậm lớn, giảm tỉ lệ còi cọc và loại thải, đặc biệt là giảm sử dụng kháng sinh trong điều trị khoảng 30% so với trước khi tác động của đề tài. Năm 2015, trước áp lực lớn của dịch heo tai xanh từ các xã giáp ranh tỉnh Long An nhưng các đàn heo trong mô hình điểm vẫn ổn định.

Đề tài được Tiểu ban Nông nghiệp, Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh đồng ý nghiệm thu thống nhất xếp loại A.

ThS. Hồ Thị Giàu