Nhận diện thủ đoạn của tội phạm trốn thuế và những vấn đề đặt ra đối với công tác phòng, chống

Bài viết sau đây của tác giả Lại Sơn Tùng ( Khoa Cảnh sát kinh tế Học viện CSND ) phân tích một số phương thức, thủ đoạn phổ biến, nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm trốn thuế. Trên cơ sở đó, đề xuất một giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm này trong thời gian tới. 

Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách quốc gia, là khoản đóng góp theo quy định của pháp luật mà Nhà nước buộc tổ chức, cá nhân phải nộp vào ngân sách nhà nước. Trong nền kinh tế thị trường, thuế là một trong những công cụ tài chính giữ vai trò điều tiết thu nhập, tái đầu tư phát triển kinh tế và xây dựng nền an ninh quốc phòng. Do đó, đóng thuế là nghĩa vụ của các doanh nghiệp và mọi công dân. Trong quá trình đổi mới, cùng với sự phát triển nhanh của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong đó có chính sách thuế đã được điều chỉnh kịp thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đem lại sự công bằng cho các chủ thể tham gia kinh doanh. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, ở hầu khắp các địa phương trên cả nước, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về thuế đang xảy ra theo chiều hướng diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi. Đáng chú ý, các đối tượng phạm tội đã triệt để lợi dụng những sơ hở của pháp luật và thành tựu của cuộc cách mạng Công nghiệp lần thư tư, gây ra hậu quả lớn cả về vật chất và phi vật chất cho xã hội. 

Trốn thuế được hiểu là việc thực hiện các hành vi mà pháp luật không cho phép để giảm số thuế phải nộp và tăng số thuế được hoàn. Tại Điều 200 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội trốn thuế như sau: “Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:…”. Căn cứ vào những nội dung được nêu ở trên và dựa theo khái niệm về tội phạm được quy định tại Điều 8 BLHS năm 2015, theo quan điểm của tác giả: “Tội phạm trốn thuế là hành vi nguy hiểm cho xã hội, được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện bằng các hành vi gian dối để giảm số tiền thuế phải nộp hoặc không nộp thuế theo quy định và phải bị xử lý hình sự”.

1. Nhận diện phương thức, thủ đoạn trốn thuế phổ biến

Thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm trốn thuế cho thấy loại tội phạm này có một số phương thức, thủ đoạn phổ biến sau đây:

1.1. Thủ đoạn trốn thuế giá trị gia tăng (GTGT)

– Lợi dụng việc quản lý, sử dụng hóa đơn GTGT, hóa đơn bán hàng để trốn thuế, cụ thể:

+ Bán hàng không lập hóa đơn để giấu doanh thu, giấu thu nhập.

+ Không ghi đầy đủ hoặc ghi sai các yếu tố trên hóa đơn như địa chỉ, mã số thuế, ghi giá bán hàng thấp hơn giá trị thực tế thanh toán để giấu doanh thu.

+  Sử dụng hóa đơn tự in chưa được chấp thuận của cơ quan thuế để bán hàng nhằm giấu doanh thu, không đưa hóa đơn vào kê khai thuế.

+  Hóa đơn đã sử dụng xuất hàng cho khách hàng nhưng quay vòng, báo huỷ nhằm giấu doanh thu.

+  Tẩy xóa (dùng hóa chất hoặc tẩy cơ học) hóa đơn do Bộ Tài chính phát hành đã sử dụng để nâng giá hàng hóa hoặc giảm giá hàng hóa nhằm hạ thấp thuế GTGT đầu ra hoặc giảm thuế GTGT đầu vào để trốn thuế.

– Lợi dụng trong hạch toán kế toán để trốn thuế:

+ Không phản ánh đúng doanh thu chịu thuế GTGT của từng loại thành phẩm, hàng hóa, dịch vụ trong kỳ tính thuế như doanh số hàng hóa khuyến mại, tiêu dùng nội bộ… thuế GTGT đầu ra phát sinh trong kỳ…

+ Hàng hóa đã đưa ra khỏi xí nghiệp, nhà máy, doanh nghiệp để tiêu thụ nhưng không khai báo.

+ Thuế GTGT đã nộp được khấu trừ ở kỳ trước, nhưng kỳ sau lại kê khai khấu trừ tiếp, kê khai trùng đầu vào hoặc giấu hoá đơn GTGT đầu ra để trốn thuế.

+ Đối với các hoạt động đại lý hưởng hoa hồng thường có một số thủ đoạn như: Hàng mua đứt bán đoạn nhưng lại lợi dụng hình thức bán hàng đại lý hưởng hoa hồng để không kê khai nộp thuế GTGT hoặc mua đứt bán đoạn nhưng lại khai là ủy thác xuất khẩu để không kê khai thuế GTGT theo đúng quy định…

2-1632819297.jpg
Cơ quan CSĐT, Công an tống đạt lệnh khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với ông Lê Quốc Văn, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Hiếu Trung và kế toán Lê Thị Tha về tội trốn thuế.

1.2. Thủ đoạn trốn thuế xuất nhập khẩu

– Lợi dụng những sơ hở, hạn chế, thiếu đồng bộ trong các quy định của Luật Hải quan về hoạt động xuất nhập khẩu để buôn lậu, gian lận, trốn thuế, cụ thể:

+ Lợi dụng việc hàng hóa xuất nhập khẩu đều được đóng gói bao bọc kín, nhất là hiện nay việc giao hàng bằng container là phổ biến, hàng hóa được kiểm tra tại doanh nghiệp nên nhiều đối tượng đánh tráo hàng để nhập, xuất lậu các mặt hàng cấm hoặc hàng theo quy định phải chịu mức thuế xuất cao.

+ Nhập lậu các mặt hàng có thuế xuất cao qua đường hàng không, bưu điện dưới dạng quà biếu trốn thuế xuất nhập khẩu.

+ Thông đồng với cán bộ Hải quan giám định hàng hóa xuất nhập khẩu để kê khai hàng nhập khẩu không đúng với thực tế như: Xe mới thành xe cũ, xe không hỏng thành xe hỏng, xe SKD thành xe CKD hoặc IKD, phụ tùng ôtô mới thành phụ tùng ôtô đã qua sử dụng…

– Trốn thuế qua việc khai sai xuất xứ hàng hóa. Xuất xứ của hàng hóa liên quan trực tiếp đến các chính sách ưu đãi giữa Việt Nam với các nước cùng một mặt hàng nhưng có xuất xứ khác nhau thì có thuế xuất khác nhau, các doanh nghiệp thường dùng thủ đoạn không khai xuất xứ, xuất trình giấy xuất xứ giả, khai không đúng xuất xứ để được áp mã số thuế thấp hơn để trốn thuế. 

+ Trốn thuế xuất nhập khẩu thông qua việc kinh doanh hàng tạm nhập tái xuất. Theo quy định hàng tạm nhập, tái xuất xong thì được hoàn lại thuế nhập khẩu sau khi đã có chứng nhận của Hải quan cửa khẩu xuất hàng. Các đối tượng trốn thuế sau khi tạm nhập hàng hoá đã lập hồ sơ xuất khống, thông đồng với Hải quan làm thủ tục xuất hàng, hoàn thuế nhập khẩu, thực tế hàng không xuất mà được tiêu thụ trong nước.

– Trốn thuế thông qua việc kinh doanh hàng miễn thuế, kho ngoại quan. Hàng miễn thuế, kho ngoại quan chỉ được bán cho những đối tượng xuất nhập cảnh có thời hạn nhất định, số lượng và giá trị theo quy định. Nhưng trên thực tế những nơi kinh doanh hàng miễn thuế, kho ngoại quan đã tuồn hàng ra ngoài thị trường bán không nộp thuế xuất nhập khẩu.

1.3. Thủ đoạn trốn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)

– Gian dối bằng nhiều cách tăng khống giá vốn hàng hóa để giảm thu nhập chịu thuế.

– Gian dối tăng khống quỹ lương trong sổ sách kế toán cho cán bộ nhân viên để từ đó giảm thu nhập chịu thuế.

– Dự chi chi phí: khi làm báo cáo quyết toán năm, các doanh nghiệp được phép dự chi những chi phí hợp lý, hợp lệ của năm tài chính đó phải chi nhưng chưa chi. Thường các doanh nghiệp sau khi xem xét toàn bộ quyết toán thấy lợi nhuận cao đã tìm mọi lý do để dư chi, chi phí lưu thông giả nhằm tăng chi phí để giảm thu nhập trước thuế.

– Trích khấu hao tài sản cố định: khi thấy lợi nhuận cao điều chỉnh mức khấu hao tài sản cố định cao hơn so với năm trước, tuy nhiên không vượt quá mức quy định của nhà nước làm cho chi phí tăng, lợi nhuận chịu thuế giảm…

1.4. Thủ đoạn trốn thuế tiêu thụ đặc biệt

– Áp thuế sai mặt hàng nhằm giảm thuế tiêu thụ đặc biệt như: Mặt hàng bia áp sang mặt hàng nước giải khát hoặc rượu trên 20 độ nhưng lại áp loại dưới 20 độ.

– Khai khống, khai tăng giá vốn thông qua việc mua, nhập nguyên vật liệu (khai khống đầu vào) dẫn đến lỗ để được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt.

– Miễn giảm thuế không đúng đối tượng và mức miễn giảm, kê khai giá bán không đúng với hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

– Gian dối khai khống tăng lên chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh để giảm doanh thu chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

– Gian dối trong việc ghi chép sổ sách kế toán, hoá đơn chứng từ để giảm doanh thu trong hoạt động kinh doanh để trốn thuế.

2. Nguyên nhân

Thực tiễn cho thấy, tội phạm trốn thuế nảy sinh từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nổi lên một số nguyên nhân chủ yếu sau:

– Công tác quản lý doanh nghiệp hiện nay của các cơ quan thuế có nơi, có lúc vẫn chưa thực sự chặt chẽ. Đặc biệt, việc kiểm tra hồ sơ khai thuế, phân tích và quản lý rủi ro còn hạn chế, dẫn đến chưa nắm bắt, đánh giá chưa đúng thực trạng hoạt động của doanh nghiệp là nguyên nhân tạo ra “kẽ hở” cho các hành vi trốn thuế. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra của ngành thuế nhằm ngăn chặn, phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật về thuế chưa được quan tâm đúng mức, có trường hợp một số cán bộ thuế còn tiếp tay cho các hoạt động trốn thuế.

– Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa đáp ứng được sự phát triển với tốc độ nhanh chóng của nền kinh tế thị trường. Trong đó, hệ thống pháp luật về quản lý kinh tế chưa hoàn thiện, thiếu sự đồng bộ và còn nhiều sơ hở, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi sai phạm. Hành vi sai phạm được thực hiện nhiều nhất là mua, bán hóa đơn để hợp thức hóa giao dịch; thành lập các doanh nghiệp ma để bán hóa đơn sau đó bỏ trốn…

– Công tác tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách thuế của các cơ quan có thẩm quyền chưa đi vào chiều sâu, còn mang nặng tính hình thức. Do đó, người dân chưa hiểu rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, chưa tự giác nộp thuế. Bên cạnh đó, trong nhận thức của nhiều người dân, so với các tội phạm khác như cướp tài sản hay trộm cắp, giết người… thì trốn thuế được đánh giá là một trong những tội ít gây hại nhất, không xâm phạm quyền và lợi ích của các cá nhân khác. Mặt khác, trong kinh doanh ai cũng muốn có được lợi nhuận tối đa, do đó nhiều doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh tìm mọi cách trốn thuế nhằm mục đích thu lời bất chính.

– Công tác phát hiện, điều tra của lực lượng chức năng nói chung, lực lượng Công an nói riêng, trong đó lực lượng Cảnh sát kinh tế (CSKT) với vai trò là lực lượng chủ công, nòng cốt trong đấu tranh, phòng, chống loại tội phạm này còn nhiều hạn chế. Có nhiều vụ án trốn thuế đã xảy ra trong một khoảng thời gian dài mới bị phát hiện, tạo điều kiện cho các đối tượng phạm tội bỏ trốn, tẩu tán tài sản, hợp thức hóa sổ sách, tài liệu, hóa đơn chứng từ; tiêu hủy tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội. Bên cạnh đó, một số vụ việc gặp khó khăn trong quá trình định tội danh bởi tài liệu, chứng cứ thu thập chưa đủ, những tình tiết trong vụ án có sự “chấp chới” giữa yếu tố hình sự và dân sự. Nếu như ĐTV thụ lý vụ án không nắm chắc các yếu tố cấu thành tội phạm thì quá trình điều tra, xử lý vụ án rất dễ xảy ra oan sai. 

– Quan hệ phối hợp giữa lực lượng CSKT với các lực lượng chức năng có liên quan như cơ quan thuế, hải quan, tài chính, kế hoạch đầu tư… trong phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm trốn thuế còn nhiều bất cập, chưa có quy chế phối hợp cụ thể giữa các lực lượng, nếu có thì cũng chỉ mang tính “hình thức”, không thực sự phát huy hiệu quả. Phần lớn các cơ quan chức năng chỉ phối hợp khi có vụ việc cụ thể xảy ra mà chưa xây dựng được một cơ chế liên thông thông tin giữa các cơ quan chức năng trong vấn đề tra cứu nhanh về tính chất pháp lý cũng như những vấn đề có liên quan đến đối tượng nộp thuế, quản lý việc sử dụng hóa đơn quyết toán hóa đơn thuế, đối chiếu hóa đơn, chứng từ đầu vào… Đây là một vấn đề mang tính chất cấp thiết và cần thiết, nhất là trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay. Chính hạn chế này đã dẫn tới trình trạng nhiều vụ việc bị kéo dài, không kịp thời thu thập tài liệu chứng cứ chứng minh tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội.

3. Những vấn đề cần chú ý trong công tác phòng, chống

Để góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm trốn thuế thời gian tới, theo tác giả, các cơ quan chức năng (trong đó có lực lượng CSKT) cần thực hiện tốt một số mặt công tác sau đây:

Một là, kiến nghị, tham mưu cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiếp tục củng cố, kiện toàn các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ thuế và các cơ quan tư pháp, phân định rõ chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm về trốn thuế, xây dựng đội ngũ cán bộ thuế và cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh, có năng lực chuyên môn nghiệp vụ giỏi, có bản lĩnh vững vàng làm nòng cốt cho cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm về trốn thuế. Đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, đặc biệt là các doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá; kinh doanh qua mạng; doanh nghiệp giao dịch thanh toán qua ngân hàng có dấu hiệu đáng ngờ…

Hai là, hoàn thiện hành lang pháp lý và chính sách về thuế để các quy định của pháp luật và các chính sách về thuế của Nhà nước, đảm bảo khoa học, chặt chẽ và có tính ổn định lâu dài; tránh thay đổi quá nhanh và nhiều làm cho các nhà quản lý thuế và người nộp thuế rơi vào tình trạng lúng túng trong thi hành, gây nên sự hoài nghi của các nhà đầu tư, làm phương hại đến lợi ích của người nộp thuế, tăng trưởng kinh tế và lợi ích của quốc gia. Bên cạnh đó, các cơ quan liên ngành của trung ương cũng cần sớm có thông tư liên tịch hướng dẫn kịp thời việc áp dụng các điều luật trong đấu tranh chống tội phạm trốn thuế. Mặt khác, cần xem xét lại chế tài đối với hành vi trốn thuế cho phù hợp, với chế tài như hiện nay chỉ có khung hình phạt cao nhất là 7 năm là chưa đủ sức răn đe, do đó cần quy định một chế tài cao hơn, xử lý nghiêm khắc hơn đối với những hành vi sai phạm.

Ba là, lực lượng CSKT cần tăng cường phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền phục vụ phòng ngừa tội phạm trốn thuế. Cụ thể, đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, giáo dục để người dân, nhất là các doanh nghiệp thấy rõ tính nguy hại do hậu quả của việc trốn thuế gây ra, nắm được chủ trương và quy định của pháp luật về thuế để tự giác chấp hành. Phát động quần chúng nhân dân tích cực tố giác, đấu tranh lên án những trường hợp trốn thuế; tổ chức cho các cơ quan, đơn vị, phường xã, thị trấn, tổ dân phố và từng hộ gia đình kinh doanh cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định về thuế, đồng thời có ý thức tự giác phát hiện, đấu tranh tố giác những trường hợp cố tình trốn thuế cho cơ quan chức năng để xử lý.

Bốn là, lực lượng CSKT cần nâng cao chất lượng công tác điều tra, xử lý tội phạm trong hoạt động thu thập, xử lý thông tin tài liệu phản ánh về tội phạm trốn thuế. Tăng cường thực hiện công tác rà soát, nắm tình hình địa bàn trọng điểm trên địa bàn mà mình được phân công, phân cấp quản lý; xác định những đối tượng có biểu hiện, khả năng nghi vấn phạm tội trốn thuế để đưa vào diện quản lý nghiệp vụ; sử dụng tốt hệ thống mạng lưới thông tin trinh sát để phát hiện thông tin kịp thời. Sau khi đã tiếp nhận tin báo về tội phạm, phải nhanh chóng xác minh, thu thập tài liệu, củng cố chứng cứ nhằm chứng minh tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội, tránh để đối tượng tiêu hủy tài liệu chứng cứ cũng như tẩu tán tài sản có được từ hoạt động phạm tội. Quá trình điều tra, xử lý vụ án, nếu phát hiện ra những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, chính sách pháp luật về thuế cần phải kiến nghị với các cơ quan chức năng sớm hoàn thiện, khắc phục những lỗ hổng, không để tội phạm lợi dụng hoạt động.

Năm là, lực lượng CSKT cần thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp với các cơ quan, lực lượng trong và ngoài ngành Công an như cơ quan thuế, hải quan, tài chính, kế hoạch đầu tư, Viện kiểm sát nhân dân các cấp, Tòa án nhân dân các cấp… nhằm đáp ứng yêu cầu phòng ngừa tội phạm trốn thuế trong thời gian tới. Cụ thể, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động phối hợp thông qua việc ban hành các quy chế phối hợp cụ thể, đảm bảo cho hoạt động phối hợp được triển khai một cách hiệu quả, đi vào chiều sâu, tránh hình thức. Thực hiện tốt mặt công tác này, lực lượng Công an cùng với các cơ quan, lực lượng khác có chức năng sẽ nắm chắc được những thông tin trong lĩnh vực thuế theo chức năng, nhiệm vụ được phân công. Không những thế, hệ thống liên thông chia sẻ thông tin trong lĩnh vực thuế giữa các lực lượng cũng được “kích hoạt”, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác thông tin hướng tới một mục tiêu chung là phòng ngừa tội phạm trốn thuế một cách hiệu quả nhất.

Lại Sơn Tùng ( Khoa Cảnh sát kinh tế Học viện CSND )