Nhận diện lại Nam Phong tạp chí – Văn Học Sài Gòn
“Ở các nước văn minh tiên tiến thì văn học đều có trước báo chí, mà ở nước ta thì chính lại nhờ báo chí xây dựng nền văn học.”(1) (Thiếu Sơn)
1. Số đầu Nam Phong tạp chí ra ngày 1.7.1917. Đây là tờ báo bách khoa nguyệt san, khổ 19×27,5cm, gồm hai phần: chữ Quốc ngữ và chữ Hán, mỗi phần có khoảng từ sáu mươi đến bảy mươi trang. Bắt đầu từ năm 1923 trở về sau, tạp chí có thêm phần phụ trương bằng chữ Pháp và từ số 195, ra ngày 1.5.1934, Nam Phong chuyển thành bán nguyệt san, nhưng chỉ tồn tại đến cuối năm thì đình bản. Louis Marty, Giám đốc Phòng An ninh chính trị của phủ Toàn quyền Đông Dương là người đứng ra sáng lập tạp chí, Phạm Quỳnh (hàn lâm viện trước tác) làm chủ bút phần chữ Quốc ngữ, Nguyễn Bá Trác (hàn lâm viện thị giảng) làm chủ bút phần chữ Hán và ông Lê Văn Phúc, chủ nhà in Đông Kinh làm quản lý kiêm luôn việc phát hành báo. Tòa soạn đóng tại số 80 phố Hàng Gai, Hà Nội. Qua 17 năm tồn tại, nhân sự của ban biên tập cũng có sự vận động thay đổi: Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá Trác, Dương Bá Trạc, Nguyễn Bá Học, Nguyễn Hữu Tiến, Phan Khôi, Tản Đà, Hoàng Tích Chu, Nguyễn Mạnh Bổng (1917 – 922); Phạm Quỳnh, Lê Dư (phụ trách phần chữ Hán thay cho Nguyễn Bá Trác), Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Đôn Phục, Nguyễn Triệu Luật, Hoàng Ngọc Phách, Trần Trọng Kim, Phạm Duy Tốn, Vũ Đình Long (1922 – 1925), Nguyễn Trọng Thuật (thay Phạm Quỳnh), Lê Dư, Nguyễn Hữu Tiến, Bùi Kỷ, Vũ Đình Long, Nguyễn Tường Tam, và một số văn nhân thi sĩ phương Nam như Đông Hồ, Mộng Tuyết, Nguyễn Văn Kiêm, Trúc Hà (1925 – 1932); Nguyễn Tiến Lãng, Lê Văn Phúc, Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Đôn Phục, Đỗ Đình Thạch.
Nam Phong được thành lập theo “chủ thuyết” của Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut, một người đã từng làm báo, từng là biên tập viên thường trực cho tờ La Depeche du Midi ở Toulouse, hiểu rất rõ về sức mạnh của báo chí, nên mục tiêu của tờ báo là quá rõ ràng, là nhằm “cung cấp cho giai cấp sĩ phu và trí thức An Nam những bài chính xác ngỏ hầu họ quan niệm được cái vai trò của người Pháp trên thế giới về phương diện văn hóa, khoa học và kinh tế. Tạp chí mới này, lấy tên là Nam Phong, sẽ đăng những bài phân tích chính xác về những tác phẩm khoa học và văn chương hay nhất, tiểu sử những nhà bác học danh tiếng của chúng ta, những sự mô tả đẹp đẽ về nước Pháp, những bài phiên dịch những truyện ngắn hay tiểu thuyết… Ngay sau khi phát hành, tạp chí này đã hoàn toàn thành công trong giới độc giả trí thức mà nó muốn chinh phục và nhóm người nầy lần đầu tiên đã tìm thấy được một cái gì tương đương với những sách vở mà họ đã gửi mua từ bên Tàu trước đây”(2). Ngay cả việc in câu nói của Tổng thống Mỹ Roosevelt lên trang bìa của tạp chí, cũng cho thấy dụng ý chính trị của thực dân: “Có đồng đẳng mới bình đẳng được”. Câu nói như một lời đề từ, vừa khuyến dụ, vừa có ý chê bai trình độ văn minh thấp kém của người An Nam. Cái tên Nam Phong bắt nguồn từ bài cổ thi của Trung Hoa dưới thời vua Thuấn (2.255 năm TCN) với cái nghĩa là ngọn gió khai hóa, cải tạo xứ An Nam.
Ngoài mục tiêu ca ngợi người Pháp, phổ biến nền văn minh Pháp, A.Sarraut và L.Marty còn muốn dùng Nam Phong cách ly sự ảnh hưởng của người Trung Hoa đối với nước ta, đồng thời chống lại sự tuyên truyền, nói xấu của người Đức đối với người Pháp ở các nước thuộc địa, khi ở bìa sau của tạp chí có in hình “rồng Nam phun lửa diệt Đức tặc”. Louis Marty cũng đã từng thừa nhận rằng: “Tờ báo này nay tên là Nam Phong, viết bằng chữ quốc ngữ và chữ Nho, nhằm mục đích gieo rắc một cách khéo léo và sâu đậm ảnh hưởng của nước Pháp vào giới sĩ phu ở khắp ba kỳ, kể luôn các tỉnh Trung Hoa giáp giới Bắc Kỳ”(3). Vì vậy, hàng tháng chính phủ thuộc địa đã trợ cấp cho tạp chí 400 đồng, nhằm hỗ trợ chi phí cho tòa soạn và ấn loát (4, tr.211).
2. Về nội dung, những số đầu Nam Phong gồm có tám mục: luận thuyết, văn học bình luận, triết học bình luận, khoa học bình luận, văn tuyển, tạp trở, thời đàm và cuối cùng là tiểu thuyết. Về sau, tạp chí có thêm những mục như tùng đàm, hài văn kỷ yếu, tồn danh thần lục, yếu lược về kinh tế. Nhưng làm nên hồn cốt, diện mạo đặc sắc và khẳng định vị trí của Nam Phong là các chuyên mục văn học, triết học và khoa học. Về triết học, tạp chí chủ trương truyền bá tư tưởng triết học của phương Tây, nhằm cải biến nhận thức truyền thống của người Việt thoát khỏi ảnh hưởng tư tưởng triết học Nho giáo, dịch và đăng những công trình triết học của Déscartes, Bezson, Voltaire, Julessimon, J.Rousseau, Montesquieu…(Chẳng hạn, Phạm Quỳnh dịch và giới thiệu học thuyết của Voltaire in trên số 114, hoặc Thượng Chi (bút danh của Phạm Quỳnh) dịch thuyết Tự do luận của Julessimon in trên số 121). Ngay trong Mấy lời nói đầu in ở số đầu tiên, ra ngày 1/7/1917, chủ bút Phạm Quỳnh đã nói rõ: “Trong những bài bình luận về triết học, chúng tôi lấy cái chiết trung chủ nghĩa làm cốt, nghĩa là không thiên về một học thuyết nào, cái nào hay cũng thâu nhặt lấy. Nhưng cái tôn chỉ của chúng tôi là giúp cho sự tiến bộ của quốc dân về đường tri thức, về đường đạo đức, thì tấc khuynh hướng về cái “duy tâm chủ nghĩa” hơn là cái “duy kỷ chủ nghĩa”. Vậy về đường tư tưởng, chúng tôi thiên trọng cái triết học của nước Pháp, vì cái triết học Pháp thực là gồm cả bấy nhiêu cái khuynh hướng “duy tâm”, “duy tha” mà thực tế đáng làm mẫu cho cái lý tưởng mới của ta”. Về văn học, tạp chí dịch và giới thiệu văn học Hy La, các tác giả văn học Pháp như thơ của Charles Pierre Baudelaire, truyện ngắn của Guy de Maupassant… Văn học trong nước được giới thiệu ở mục văn tuyển, chọn đăng thơ của các tác giả thành danh trong quá khứ (Bạch Vân thi tập của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Khóc quan thượng thư Vân Đình Dương Khuê, Đùa ông bạn điếc của Nguyễn Khuyến…), thơ của các tác giả đương thời (Đông Dương tổng ca của Tôn Thất Pháp, Chơi chùa Ngũ Hành, Tới Ải Vân không gặp bạn của Trần Hữu Giương…), hoặc văn xuôi, mà chủ yếu là truyện ngắn (Lòng yêu nước của Mân Châu Nguyễn Mạnh Bổng, Đồng tiền nói chuyện của Điếu Hoàng…). Về khoa học, tạp chí giới thiệu những phát minh/ kiến thức mới mẻ của phương Tây, như bài viết về kỹ thuật đóng tàu ngầm của kỹ sư người Pháp Laubeuf, bài Tâm lý học-định lệ của cảm giác (Nguyễn Triệu Luật dịch), hoặc các bài viết về khoa học thường thức như Mấy lời về phép vệ sinh (Phan Khôi dịch), Bệnh lao có chữa được không của Phạm Quỳnh, Cái hại thuốc lá của Mã Nhân… Nhìn chung, nội dung tạp chí đã đề cập đến nhiều vấn đề, nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống của con người, xứng đáng với sự tôn vinh là bách khoa tạp chí đương thời. Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan cho rằng: “Muốn hiểu biết những vấn đề tôn giáo hay văn học, những thơ văn Việt Nam từ xưa cho đến thế kỷ thứ XIX, để hiểu hơn lịch sử hay cuộc đời của những nhân vật lịch sử Việt Nam, những vấn đề chính trị hay xã hội Âu châu… chúng ta chỉ cần đọc theo dõi tạp chí này. Chỉ cần đọc tạp chí Nam Phong cũng có thể mở mang kiến thức được” (5, tr.210).
Về hình thức, tùy thuộc vào nội dung phản ánh và khuôn khổ của các chuyên mục mà các tác giả lựa chọn một thể tài để chuyển tải thông tin đến với người đọc, trong đó đáng chú ý là những bài bình luận hoặc những phản ánh có tính chất phóng sự, đã cung cấp một nội dung chuyên sâu về một vấn đề tư tưởng, văn hóa – xã hội. Tạp chí có đăng tải thể tài tin, nhưng thường nằm trong mục tạp trở hoặc thời đàm, phản ánh những sự kiện diễn ra trong tháng trước, về chính trị, văn hóa, ngoại giao của thế giới, mà chủ yếu là của nước Pháp. Về tin trong nước, tạp chí đăng tải những sự kiện liên quan đến các hoạt động và công việc của các chính khách Pháp ở nước ta và các quan lại triều Nguyễn. Tất nhiên, tin thời kỳ này còn hạn chế về kết cấu, thiếu sự cô đọng, súc tích, đôi khi tối nghĩa. Chẳng hạn, tin sau đây in trên số 19 (1919): “1 tháng 1 (năm 1919) – Điện Paris: Quan giám quốc Wilson từ Paris đi sang chơi bên Ý-đại-lợi (Italia) thăm vua Ý/ Tới thành Rome là kinh đô nước Ý, vua cùng hoàng hậu ra đón, nhân dân nghênh tiếp thật long trọng. Quan Wilson đến thăm điện Panthéon là nơi lăng tẩm các vua Ý. Ngài lại đến Capitole là thị sảnh thành Rome, dân tặng ngài chức công dân thành Rome. Ngài vào yết kiến đức Giáo Hoàng ở điện Vatican. Ngày 5 tháng 1 ngài từ Rome đi ra thành Gênes, quê ông Christophe Colom là người đã tìm ra châu Mỹ trước nhất, năm 1692. Ngài mang một vòng hoa đến viếng mả ông, có đọc mấy lời, nhân dân nghe rất cảm động, có người muốn nắm lấy vạt áo, cầm lấy tay ngài mà hôn. Ngày 7 lại trở về Paris”. Bình luận là thể tài chiếm ưu thế trên tạp chí Nam Phong. Ít nhất có ba chuyên mục được đặt tên là bình luận: văn học bình luận, triết học bình luận, khoa học bình luận, và ngay cả các chuyên mục khác không gọi tên là bình luận, nhưng đều được viết dưới dạng bình luận: Tiếng dùng trong quốc văn (Nguyễn Văn Ngọc, số 19), Bàn về tiếng An Nam (Dương Quảng Hàm, số 22), Chữ Pháp có dùng quốc văn An Nam được không? (Thượng Chi, số 22), Đàn bà phương Đông (Nguyễn Đôn Phục, số 101)… Phần lớn những bài bình luận đều sử dụng phương pháp diễn dịch, chứ không phải quy nạp, nên thường diễn giải dài dòng, thiếu sự chặt chẽ trong kết cấu. Điều đáng chú ý là trên tạp chí này đã xuất hiện một số bài viết có tính chất phóng sự – du ký có giá trị bền vững, được coi là sự mở đầu cho phóng sự hiện đại trong quá trình hiện đại hóa nền văn học nước ta những năm đầu thế kỷ XX: Mười ngày ở Huế (Phạm Quỳnh), Cuộc chơi trăng sông Nhuệ (Mai Khuê), hoặc các phóng sự dài kỳ Một tháng ở Nam Kỳ (Phạm Quỳnh), Hạn mạn du ký (Nguyễn Bá Trác)…
3. Như đã nói, Nam Phong ra đời với mục tiêu chính trị rõ ràng nhưng, các nhà biên tập của nó là những nhà văn hóa, đã nỗ lực xây dựng tờ báo trở nên một cơ quan ngôn luận có tầm ảnh hưởng và có đóng góp hết sức quan trọng trong nhiều lĩnh vực, nhất là trong quá trình hiện đại hóa văn học và ngôn ngữ.
Đương thời, nhà phê bình văn học Thiếu Sơn từng cho rằng, “có những kẻ không hiểu biết gì về văn chương Pháp và Trung Hoa, nhưng với tạp chí Nam Phong họ có thể có được một trình độ tri thức cần thiết cho cuộc sống hằng ngày. Những học giả chỉ cần đọc tạp chí này cũng có được một kiến thức rộng rãi. Và trong khi đọc tờ Nam Phong người ta cũng có thể học hỏi được nền văn hóa phương Đông” (6, tr.176). Đăng tải những tác phẩm văn học nước ngoài, không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu thành tựu, đánh thức và vun đắp thị hiếu và năng lực thẩm mỹ, mà còn mở ra môi trường giao lưu văn hóa, tiếp thu và phát triển các yếu tố văn hóa hiện đại. Những thành tựu nổi bậc của nền văn học Pháp thế kỷ XIX lần đầu tiên được giới thiệu với độc giả nước ta, với nhiều trường phái, nhiều trào lưu, nhiều hệ thống quan niệm. Chỉ tính riêng tiểu thuyết, Nam Phong đã trình chánh nhiều tác giả tiêu biểu của văn học Pháp như Alfred Victor de Vigny, Henry Bozdeaux, Paul Bourget, bên cạnh tiểu thuyết chương hồi của Trung Hoa, như Tuyết hồng lệ sử, Song phượng kỳ duyên, Lục mẫu đơn, Phong kiếm xuân thu… Về văn học trong nước, Nam Phong ủng hộ và tạo điều kiện cho nhiều khuynh hướng mới trong văn học ra đời và khẳng định vị trí trong lịch sử văn học nước ta. Những tác phẩm văn xuôi được coi là mở đầu cho dòng văn học hiện thực phê phán ở nước ta, đều xuất hiện trên tạp chí này: Sống chết mặc bay của Phạm Duy Tốn (in số 18/1918), Câu chuyện một tối của người tân hôn của Nguyễn Bá Học (in số116/1920) hoặc bài thơ Khuê phụ thán của Thượng Tân Thị làm thay lời vợ vua Thành Thái thương nhớ đến chồng (vua Thành Thái) con (vua Duy Tân) bị chính quyền thực đày sang châu Phi (in số 112/1919)… Là sự tiếp tục và thay thế cho Đông Dương tạp chí đã bị tàn lụi và “thay tên đổi họ”, nhưng Nam Phong còn làm được nhiều hơn thế, có tầm ảnh hưởng trong đời sống tinh thần tư tưởng, văn hóa – văn học cả nước, nơi thu hút và qui tụ nhiều học giả, nhiều gương mặt văn hóa của đất nước. Cũng chính từ văn học, đã thúc đẩy ý nghĩa văn hóa lấn át mục tiêu chính trị, mà nhà đương cục đề ra ban đầu làm mục tiêu cho tạp chí.
Cố nhiên, ở một mức độ nào đó, Nam Phong vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi lối văn biền ngẫu, lối đặt câu bốn chữ, sáu chữ hoặc sử dụng quá nhiều điển tích, điển cố, trộn lẫn với những câu văn Pháp chưa thuần thục, không phù hợp với tư duy người Việt. Những hạn chế tất yếu này không làm che lấp tầm ảnh hưởng sâu rộng của Nam Phong trong đời sống văn học của đất nước, bởi lẽ, “trong khoảng 17 năm tạp chí Nam Phong đã xây dựng nên một nền văn học căn bản và vững chắc cho văn chương chữ quốc ngữ, bằng những bài báo hay, những bài khảo cứu văn học mà những nhà văn, những nhà trí thức Việt Nam ở Bắc Kỳ cũng như ở Nam Kỳ lúc bấy giờ đã say sưa theo dõi” (7, tr.120).
Về ngôn ngữ, trong quá trình hoàn thiện chữ quốc ngữ, Nam Phong đã góp phần “làm giàu thêm ngôn ngữ nước nhà bằng cách đặt nhiều danh từ mới có liên quan đến triết học, khoa học bằng cách mượn chữ Hán làm hoàn hảo tiếng Việt trong dịch thuật và diễn tả những tư tưởng và học thuyết triết học” (8, tr.97). Quan trọng hơn, những con chữ từ tạp chí đã trở nên sinh động và ngày càng thấm sâu trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt.
Bên cạnh tạp chí Nam Phong, ban biên tập còn thành lập nhà xuất bản Nam Phong tùng thư, cho in sách nhằm cung cấp tài liệu cần thiết giúp cho việc học chữ quốc ngữ được dễ dàng. Trong tạp chí Nam Phong, số 114 (1927), có nêu rõ mụ đích của việc làm này: “Chữ quốc ngữ ngày nay đã phổ thông khắp trong nước, có thể dùng để làm cái lợi khí để truyền bá cái sự học trong nhân gian. Kể sách quốc ngữ gần đây xuất bản cũng nhiều, nhưng ngoài những sách giáo khoa để dùng trong các trường sơ học, phần nhiều là những sách thơ văn, tiểu thuyết, tuy cũng có quyển có giá trị, bổ ích cho quốc văn, song vẫn là sách văn chương “chơi” không giúp gì cho việc truyền bá sự học. Mà việc này chính là cần cấp ngày nay/ Nho học mỗi ngày một tàn, Tây học dẫu có lấn tới mà ngôn ngữ bất đồng, văn tự sai biệt, cũng khó lòng phổ cập trong dân gian. Phổ cập tri thức trong nước ta gần đây có phần sút kém cũng là bởi cái lẽ đó. Vậy ngày nay thể tất phải dùng chữ quốc ngữ làm cái lợi khí để giới thiệu các học thuật tư tưởng Đông Tây cho phần nhiều quốc dân được biết, ngõ hầu giúp cho cái trình độ trí thức trong nước ngày một lên cao/ Bộ phận Nam Phong tùng thư này mở ra là muốn theo đòi cái mục đích đó/ Cái chí chúng tôi là muốn giúp cho phần nhiều người Việt Nam ta, không cần phải đọc sách Tây, chỉ biết chữ quốc ngữ cũng có thể thông hiểu được cái điều nghĩa lý làm gốc cho văn hóa đời xưa đời nay/ Chúng tôi ao ước rằng sau này người An Nam chỉ học bằng tiếng An Nam có thể trở nên được người thông hiểu, chỉ đọc bằng sách quốc ngữ cũng đủ bổ ích được cho trí khôn, ngày ấy thời sự khai hóa trong nước mới thật là có kết quả vậy.”
4. Nói đến Nam Phong không thể không nhắc Phạm Quỳnh (1892 – 1945), người được coi là linh hồn của tờ báo. Ông quê ở Bình Giang, Hải Dương, nhưng sinh ra ở phố Hàng Trống, Hà Nội. Chín tháng sau khi sinh, mẹ ông lâm bệnh qua đời; chín năm sau, bố ông cũng đột ngột qua đời ngay tại phòng thi khi dự kỳ thi Hương năm 1901. Ông được ông bà nội nuôi, cho đi học tại trường tiểu học Pháp Việt, rồi trường trung học Bảo hộ (trường Bưởi), đỗ đầu kỳ thi Thành chung năm 16 tuổi (1908), về làm việc tại trường Viễn Đông Bác Cổ. Năm 1913, cộng tác với Đông Dương tạp chí, 1917 thành lập Nam Phong tạp chí, 1922 thành lập Hội Khai trí tiến đức, 1924 kiến nghị thành lập trường tiểu học học bằng tiếng Việt ở Đông Dương, từ 1924 – 1932 làm giảng sư khoa Văn chương và ngôn ngữ Hán Việt tại trường Cao đẳng Hà Nội, Hội trưởng Hội Trí tri Bắc Kỳ, 1932 Bảo Đại về nước làm vua, ông được cử chức Ngự tiền Văn phòng, rồi Thượng thư Bộ Học, sau đó là Thượng thư Bộ Lại, 1939 cùng vua Bảo Đại sang Pháp xin trả lại Bắc Kỳ như Hiệp ước 1884 nhưng không thành. Tháng 3/1945, Nhật đảo chánh Pháp, chính phủ Trần Trong Kim thành lập, ông xin rút lui. Sau Cách mạng tháng Tám, ông bị bắt và qua đời tại Hiền Sĩ, Phong Điền, Thừa Thiên Huế.
Phạm Quỳnh là người đề xướng thuyết quân chủ lập hiến, một chủ trương lỗi thời trong tình hình nước ta bị thực dân Pháp xâm lược, đó là sai lầm về chính trị. Nhưng đóng góp về văn học và báo chí của ông vào đầu thế kỷ XX thì không thể phủ nhận được. Là người am hiểu sâu rộng về nhiều lĩnh vực văn hóa Đông Tây: văn học, triết học, khoa học, tôn giáo, ngôn ngữ, phong tục, tập quán… được người đương thời suy tôn đứng đầu trong “tứ trụ” là bốn nhà văn hóa tiêu biểu của đất nước: Quỳnh, Vĩnh, Tốn, Tố. Nói đến Phạm Quỳnh là nói đến trữ lượng văn hóa tích tụ từ Nam Phong. Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan cho rằng: “Phạm Quỳnh có đủ khả năng để tranh luận thấu đáo và minh bạch bất cứ vấn đề nào: văn chương, triết học, tôn giáo, chính trị, xã hội. Trước khi đề cập đến một vấn đề, ông chịu khó nghiên cứu kỹ lưỡng. Nếu so sánh Nam Phong với các tạp chí xuất bản bên Pháp như Revue de Paris, Grande Revue, Mercure de France, Nouvelle Revue Francoise, độc giả thấy các tạp chí Pháp cũng đề cập đến những vấn đề tương tự, nhưng không tờ nào chú ý đến vấn đề của Đông phương, thời xưa cũng như thời nay” (9, tr.127). Vì vậy, trước hết với tầm nhìn văn hóa sâu rộng, Phạm Quỳnh có khả năng xóa dần các khoảng cách so le lịch sử, đưa nền báo chí non trẻ của nước ta ngang tầm với thế giới.
Phạm Quỳnh là tác giả của một khối lượng đồ sộ với hàng trăm tác phẩm sáng tác, nghiên cứu, biên khảo và dịch thuật gồm nhiều lĩnh vực như triết học, văn hóa, lịch sử, địa lý, văn học, nghệ thuật, báo chí, trong đó có những tác phẩm chủ yếu như Văn minh luận, Lịch sử thế giới, Chính trị nước Pháp, Văn học sử Pháp, Phật giáo lược khảo, Người quân tử trong đạo Nho, Tục ngữ ca dao, Việt Nam thi ca, Khảo về Truyện Kiều, Khảo về chữ quốc ngữ, Hán Việt văn tự… Về nghiên cứu lý thuyết văn chương, có thể coi Khảo về tiểu thuyết (in rải rác trên báo, mà chủ yếu là Nam Phong, từ năm 1922, in thành sách 1925) là công trình lý luận văn học đầu tiên của nước ta; các tác phẩm Mười ngày ở Huế, Một tháng ở Nam Kỳ, Pháp du hành trình nhật ký là những phóng sự đầu tiên của văn học hiện đại. Sai lầm của ông là khi đề ra một học thuyết “Pháp Việt đề huề” và yên tâm với lý tưởng về một nền quân chủ lập hiến, mà “sự thực hiện lý thuyết này không ích lợi gì cho đồng bào, nó càng làm tổn thương cho văn nghiệp của ông. Bây giờ người ta không thấy hậu quả của việc làm ấy. Điều hiển nhiên là từ khi ông chủ nhiệm ra đi, ai nấy đều nhận rằng giá trị văn chương của Nam Phong trở nên sa sút”(10). Tất nhiên, ông có sai lầm về chính trị, và sai lầm khi thiếu trách nhiệm với cả Nam Phong, nhưng không thể nói rằng ông không yêu nước, không có tinh thần tự tôn dân tộc, khi ông kêu gọi gìn giữ quốc hồn quốc túy, gìn giữ nền văn hóa lâu đời để phát triển đất nước. Năm 1922, khi phát biểu tại Ban Luân lý và chính trị Viện Hàn lâm Pháp, ông đã khẳng định nền văn hóa dân tộc với tất cả bầu nhiệt huyết: “Dân Việt Nam chúng tôi không thể ví như một tờ giấy trắng. Chúng tôi là một quyển sách dày đầy những chữ viết bằng một thứ mực không phai từ mấy mươi thế kỷ.” (11, tr.683).
Thời gian cứ trôi không ngừng nghỉ. Sừng sững trên nền vách của thời gian, những nguồn mạch nóng hổi nhiệt huyết của Phạm Quỳnh từ thuở Nam Phong vẫn còn tỏa bóng.
PHẠM PHÚ PHONG
Sông Hương, 341/07-2017
______________
(1),(6) Thiếu Sơn (1933), Phê bình và cảo luận, Nam Ký xuất bản, Hà Nội
(2),(3) Louis Marty (1917), Phúc trình về tạp chí Nam Phong, ngày 22,8.1917
(4),(7),(8) Huỳnh Văn Tòng (1973), Lịch sử báo chí Việt Nam – từ khởi thủy đến 1930, Trí Đăng xuất bản, Sài Gòn.
(5),(9) Vũ Ngọc Phan (1960), Nhà văn hiện đại, Nxb. Khai Trí, Sài Gòn.
(10) Thiếu Sơn (1931), Phạm Quỳnh, báo Phụ nữ tân văn, số ra ngày 30.7
(11) Dẫn theo Phan Cự Đệ (chủ biên, 2004), Văn học Việt Nam thế kỷ XX, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.