Nhận diện các thủ đoạn lừa đảo thông tin trên mạng
Chỉ cần lướt trên mạng xã hội, có thể dễ dàng bắt gặp những thông tin mạo danh để lừa đảo. Việc mạo danh thương hiệu các cơ quan chức năng, ngân hàng, công ty hay cá nhân đang là thủ đoạn mà các nhóm đối tượng lừa đảo trực tuyến sử dụng phổ biến hiện nay.
Một trang Facebook hoàn toàn giả mạo chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam nhưng lại có bài đăng thu hút tới gần 4.000 người.
Bài đăng trên trang giả mạo chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam
Ngay sau khi kết nối, phụ huynh được yêu cầu tải ứng dụng Zalo về điện thoại. Muốn con được tham gia chương trình, phụ huynh tiếp tục phải cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng để làm nhiệm vụ.
Tin nhắn của đối tượng lừa đảo khi phụ huynh kết nối đến chương trình giả mạo
Đối tượng lừa đảo yêu cầu phụ huynh hoàn thành nhiều thử thách, nhiệm vụ để “tương tác với nhà tài trợ của chương trình”, trong đó bao gồm việc xác nhận giá trị sản phẩm và thanh toán. Sau khi thực hiện hàng loạt nhiệm vụ với số tiền thanh toán không nhỏ, nhiều phụ huynh mới biết mình bị lừa.
Cũng bằng chiêu trò tương tự nhưng qua hình thức tuyển dụng nhân viên, các đối tượng lừa đảo qua mạng xã hội đã khiến nhiều bạn trẻ rơi vào bẫy khi cung cấp chứng minh nhân dân hay căn cước công dân cùng hình ảnh cá nhân cho chúng.
Tin nhắn của đối tượng lừa đảo tuyển dụng yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân
Sau đó, các đối tượng yêu cầu nạn nhân phải chuyển tiền, nếu không sẽ rao bán thông tin hoặc dùng để vay nóng.
Vì tin tưởng vào tin nhắn mạo danh ngân hàng như lời mời chào rút tiền nhanh từ thẻ tín dụng, một số người dân đã vô tình để lọt thông tin tài khoản. Sau khi khai thông tin cá nhân trên đường link đính kèm, nạn nhân nhận được tin nhắn yêu cầu nhập mã OTP để được nâng cấp hạn mức hoặc hoàn thành quy trình. Tuy nhiên, chỉ cần nhập mã OTP, số tiền trong tài khoản của nạn nhân sẽ “không cánh mà bay”.
Từ mất thông tin cá nhân cho đến rơi vào bẫy lừa đảo, để lộ thông tin trên không gian mạng là một trong những điều kiện thúc đẩy hoạt động phạm tội và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Theo Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam, các đối tượng lừa đảo đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau nhằm tạo niềm tin với nạn nhân, có thể phân ra 3 nhóm chính gồm: giả mạo thương hiệu (72,6%), chiếm đoạt tài khoản online (11,4%) và các hình thức khác (16%).
Bộ Thông tin và Truyền thông đã ghi nhận gần 13.000 trường hợp lừa đảo trực tuyến trong năm 2022, tăng hơn 44% so với năm trước.
Để bảo vệ người dân trước vấn nạn lừa đảo trực tuyến, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp đã triển khai nhiều biện pháp kỹ thuật, hoạt động tuyên truyền.
Nhận diện các hình thức lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!