Nhân Viên Tín Dụng Là Gì? Công Việc & Một Số Rủi Ro Khi Làm Tín Dụng Ngân Hàng
Ngành ngân hàng nói chung và ngành nhân viên tín dụng nói riêng đã và luôn là ngành nghề “hot” được các ứng viên đặc biệt quan tâm. Vậy, công việc nhân viên tín dụng là gì? Vị trí này đòi hỏi những kỹ năng và bằng cấp liên quan nào? Cùng Glints tìm tìm hiểu tất tần tật về ngành nghề này nhé!
Nhân viên tín dụng ngân hàng là gì?
Trong tiếng Anh, nhân viên tín dụng có tên gọi là Credit Officer. Để trả lời cho câu hỏi nhân viên tín dụng là gì, họ là người trực tiếp làm việc với khách hàng của ngân hàng thông qua nghiệp vụ tín dụng.
Cụ thể hơn, họ là người đảm nhiệm tư vấn, giải đáp câu hỏi của khách hàng liên quan đến quy trình vay vốn, các giấy tờ cần thiết, thẩm định nhu cầu vay vốn,… Bên cạnh đó, việc hướng dẫn và hỗ trợ khách hàng thực hiện các thủ tục cần thiết cũng nằm trong công việc hàng ngày của chuyên viên tín dụng.
Nhân viên tư vấn tín dụng và khách hàng
Khi làm tín dụng ngân hàng, công việc của Credit Officer bao gồm hai phân nhánh chính. Đó là:
- Nhân viên hỗ trợ tín dụng: là người hỗ trợ một phần công việc của chuyên viên tín dụng. Họ là người chịu trách nhiệm để đảm bảo các hoạt động tín dụng diễn ra suôn sẻ, hạn chế các rủi ro và tìm cách nâng cao hiệu quả.
- Chuyên viên quan hệ khách hàng: đây lại là người làm việc và trao đổi trực tiếp với khách hàng sẵn có. Đồng thời, họ cũng sẽ là người tìm kiếm nhiều khách hàng tiềm năng để thuyết phục họ vay vốn, mở thẻ ngân hàng, vay tín dụng,… Khách hàng ở đây có thể là cá nhân hoặc doanh nghiệp.
Công việc của nhân viên tín dụng là gì?
Mỗi ngày, nhân viên tín dụng sẽ đảm nhiệm những đầu việc khác nhau. Dưới đây là một số công việc của nhân viên tín dụng thường thấy:
Tiếp thị, tìm kiếm khách hàng tiềm năng
Đây có thể được xem là nhiệm vụ vô cùng quan trọng đối với chuyên viên tín dụng. Việc tìm kiếm khách hàng tiềm năng (người có nhu cầu vay vốn, mở thẻ,…) sẽ giúp nhân viên tư vấn tín dụng đạt được KPI của mình.
Tư vấn khách hàng
Sau khi có được danh sách khách hàng tiềm năng thông qua nhiều cách thức khác nhau, nhiệm vụ tiếp theo của chuyên viên tư vấn tín dụng là giới thiệu, tư vấn các dịch vụ của ngân hàng – lãi suất khi vay vốn, quy trình mở thẻ ngân hàng, sổ tiết kiệm, bảo hiểm,…
Thẩm định khách hàng
Sau khi khách hàng đã nhen nhóm ý định sử dụng dịch vụ của ngân hàng, công việc tiếp theo của chuyên viên tín dụng là thẩm định khách hàng.
Điều này đòi hỏi các chuyên viên phải có thông tin chuẩn xác về tình hình tài chính, khả năng tài chính, tình hình công việc kinh doanh, khả năng trả nợ gốc và lãi suất, các điều kiện ràng buộc,… để tránh rủi ro.
Nhân viên tín dụng làm gì? Họ phải luôn theo sát và hỗ trợ khách hàng.
Hỗ trợ khách hàng tiến hành làm các thủ tục cần thiết
Sau bước thẩm định, chuyên viên tư vấn tín dụng sẽ hỗ trợ khách hàng điền hồ sơ, thiết lập hợp đồng tín dụng, ký kết hợp đồng,… để việc vay tín dụng diễn ra suôn sẻ.
Giám sát tình trạng sử dụng vốn vay
Khách hàng nhận được tiền vay, nhưng công việc của nhân viên tín dụng vẫn chưa dừng lại. Họ buộc phải giám sát tình trạng sử dụng vốn vay của khách hàng, quá trình trả nợ,…
Nếu có những điểm bất thường, họ phải có những cách thức để xác minh, làm rõ. Điều này sẽ ngăn chặn tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng.
Tất toán hợp đồng theo quy định
Có thể nói, đây là những công việc thường xuyên của chuyên viên tư vấn tín dụng. Họ sẽ tiến hành tất toán hợp đồng theo đúng quy định vay tín dụng của khách hàng khi họ đã trả nợ xong. Đối với những trường hợp vi phạm hợp đồng, họ sẽ tiến hành thu hồi nợ trước hạn, đốc thúc khách hàng trả nợ,…
Kỹ năng của chuyên viên tư vấn tín dụng
Vừa làm việc với con người vừa làm việc với tiền bạc, thế nên công việc của nhân viên tín dụng sẽ khá phức tạp và đòi hỏi những kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm khác nhau. Dưới đây là một số kỹ năng cần có ở một nhân viên tín dụng.
1. Kỹ năng giao tiếp
Bên cạnh yếu tố ngoại hình ưa nhìn cùng phong thái chuyên nghiệp, công việc của nhân viên tín dụng đòi hỏi khả năng giao tiếp nhạy bén và linh hoạt.
Bạn không thể chỉ mãi “theo đuôi” khách hàng và làm phiền họ mãi được. Để thuyết phục họ mở thẻ cũng như vay vốn tín dụng, trước hết bạn cần nhắm vào đúng nhu cầu của họ. Sau đó tìm cách dẫn dắt thật khéo léo để họ nhận thấy nhu cầu ấy là cần thiết ngày tại thời điểm này.
Đặc biệt, bạn sẽ gặp rất nhiều kiểu khách hàng khác nhau. Có người tử tế, nhưng cũng sẽ có người khá hách dịch. Trong những trường hợp khó ấy, bạn phải luôn giữ được sự bình tĩnh của mình để thuyết phục họ thật rõ ràng.
Đọc thêm: Thành Công Hơn Nhờ Giao Tiếp Phi Ngôn Ngữ
2. Tin học văn phòng, ngoại ngữ
Hầu hết các chuyên viên tư vấn tín dụng tại văn phòng sẽ làm việc thông qua một hệ thống công nghệ thông tin để lưu trữ các hồ sơ, tính toán các khoản thanh toán và truy cập vào dữ liệu khách hàng. Có đôi lúc, bạn sẽ phải làm việc trên nhiều hệ thống khác nhau tùy vào khách hàng của mình.
Bên cạnh khả năng tin học văn phòng thì ngoại ngữ cũng là điều vô cùng cần thiết. Bạn có thể sẽ làm việc với những vị khách nước ngoài, hoặc trong môi trường ngân hàng quốc tế. Yếu tố ngoại ngữ sẽ giúp bạn ghi rất nhiều điểm cộng trong những công việc cần giao tiếp với khách hàng đấy!
Đọc thêm: Trở Thành Chuyên Gia Tiếng Anh Cùng 15 Phần Mềm Học Ngoại Ngữ Hàng Đầu
3. Khả năng thích nghi
Thị trường tín dụng không đứng yên mà luôn xoay chuyển. Là một chuyên viên tư vấn tín dụng, bạn phải luôn luôn cập nhật thị trường để tìm cách thu về lợi nhuận cao nhất cho ngân hàng của mình.
Bên cạnh đó, việc nắm bắt các xu hướng mới của thị trường cũng sẽ giúp bạn nắm được tâm lý mới của khách hàng tốt hơn, từ đó dễ dàng thuyết phục họ vay vốn tín dụng hơn.
4. Tính chi tiết, cẩn thận
Công việc của nhân viên tín dụng không chỉ liên quan đến tiền bạc mà còn liên đới đến hệ thống pháp lý. Một lỗi sai nhỏ trong con số hoặc một điểm không rõ trong hợp đồng tín dụng có thể sẽ đẩy các chuyên viên vào những rắc rối lớn.
Chính vì thế, chuyên viên tín dụng phải là người có sự tỉ mỉ, chắc chắn cực kỳ cao trong từng giai đoạn. Đây cũng là yêu cầu kỹ năng cho nhiều ngành nghề khác như thư ký giám đốc, chuyên viên pháp lý…
Rủi ro khi làm nhân viên tín dụng
Công việc chuyên viên tư vấn tín dụng được xem là nghề “ngon nhưng không dễ xơi”, vì:
- Áp lực công việc: là công việc liên quan rất nhiều đến con số và con người, áp lực diễn ra là điều đương nhiên. Bên cạnh đó, các chuyên viên tư vấn tín dụng buộc phải hoàn thành KPI của mình. Áp lực từ nhiều phía sẽ khiến các chuyên viên gặp căng thẳng mỗi ngày.
- Có thể gặp lừa đảo tín dụng: áp lực công việc chưa phải là điều tồi tệ nhất, mà là gặp phải những trường hợp lừa đảo tín dụng. Sẽ có những khách hàng có “chiêu trò tinh vi” để làm hồ sơ thế chấp giả, làm giả các thông tin báo cáo tài chính,… nhằm chiếm đoạt tiền. Khi đó, chuyên viên tư vấn tín dụng phải là người đứng ra chịu trách nhiệm.
Mức thu nhập của Credit Officer
Có thể nói, mức thu nhập căn bản của chuyên viên tư vấn tín dụng không cao. Thế nhưng, một khi họ vượt mức KPI của mình thì mức lương ấy sẽ cao hơn rất nhiều. Hay thậm chí khi “chốt” được những hợp đồng lớn, họ sẽ được hưởng chiết khấu trên số tiền hợp đồng.
Theo nguồn tin từ nhiều người trong ngành, mức lương của các chuyên viên tư vấn tín dụng tại Vietcombank hay MB Bank có thể dao động từ 24 – 48 triệu/tháng, tùy vào khả năng “chốt” hợp đồng tín dụng của họ.
Tìm cơ hội làm tư vấn tín dụng ở đâu?
Sau khi tìm hiểu nhân viên tín dụng là gì, cũng như nắm được những công việc, kỹ năng cần thiết của công việc này, liệu bạn có muốn trở thành một chuyên viên tư vấn tín dụng?
Nếu có, bạn hoàn toàn có thể tìm kiếm cơ hội việc làm cho bản thân tại Glints!
Bài viết có hữu ích đối với bạn?
Chúng tôi rất buồn khi bài viết không hữu ích với bạn
Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này!
Tác Giả
Nghia Nguyen
“My name means ‘tons of meaningfulness’. How can we live a meaningless life, right?”
See author’s posts