Nhấm rượu sake để hiểu thêm về Nhật Bản – Du lịch Hoàn Mỹ
Nhắc đến Nhật Bản, người ta thường nghĩ ngay đến núi Phú Sĩ, áo Kimono, món Sushi và rất nhiều thương hiệu nổi tiếng toàn cầu: Honda, Toyota, Sony, Panasonic, Nikon, Canon…Về thức uống, mặc dù người Nhật cũng tạo ra nhiều sản phẩm “thời thượng” như bia Sapporo hoặc rượu Whisky, thế nhưng có một thứ không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa của họ, đó chính là rượu Sake.
Đối với người dân Nhật Bản, rượu Sake là một biểu tượng của đất nước Mặt trời mọc, không đơn thuần chỉ là loại đồ uống trong bữa ăn! Ý nghĩa văn hóa – tôn giáo đặc biệt của Sake ở chỗ nó không chỉ là cầu nối giữa con người với con người mà còn là cầu nối giữa con người với thần linh.
Sake là tên một loại rượu gạo truyền thống của Nhật Bản. Ngày nay, du khách đến Nhật Bản có thể thấy vô vàn chủng loại Sake khác nhau được bày bán la liệt tại các cửa hàng. Thế nhưng có lẽ ít ai biết rằng loại rượu này lại có thâm niên lên tới hơn 2.000 năm.
Theo tài liệu lịch sử, người Nhật nấu Sake lần đầu tiên vào khoảng năm 300 trước Công Nguyên. Ban đầu, người ta xay gạo rồi nấu chín nó trong nước sạch. Kỹ thuật xay xát gạo thuở sơ khai khá độc đáo: Mọi người trong làng đều phải cho gạo vào miệng để nhai nát nó, rồi… nhổ vào nồi nấu rượu. Quá trình “xay xát” này có phần mất vệ sinh nhưng bù lại, nó tạo ra một loại enzyme cần thiết cho công đoạn ủ men sau đó.
Gạo là loại lương thực chủ yếu của người Nhật đồng thời cũng là nguyên liệu chính để tạo nên rượu Sake. Trong quan niệm của người Nhật Bản, thần của rượu Sake chính là Thần Mùa màng. Vì thế, rượu Sake giữ vai trò thiết yếu trong nhiều lễ hội tôn giáo cũng như trong các sự kiện quan trọng.
Nét đặc sắc của rượu Sake so với các loại rượu danh tiếng khác trên thế giới bắt nguồn từ vị trí địa lý của Nhật Bản. Qua hơn 2 thiên niên kỷ, người Nhật vẫn giữ phương pháp làm rượu Sake độc đáo của mình như một nét văn hóa riêng không hề bị pha trộn. Chỉ có điều “quy trình nhai gạo bằng miệng” thời cổ đại đã được thay thế bằng những phương pháp…hợp vệ sinh hơn.
Địa phương nổi tiếng nhất về nấu rượu Sake ở Nhật Bản là cả một vùng rộng lớn mang tên Nada, gần thành phố Kobe ngày nay. Rượu Sake lúc đầu là thức uống của giới quý tộc và còn được xưng tụng là “Nước uống của thần thánh”. Nó được sử dụng trong những lễ hội tín ngưỡng Shinto (Thần đạo) truyền thống, dâng lên bàn thờ thần thánh. Một số nghi lễ cần đến rượu Sake vẫn còn được thực hành cho đến tận ngày nay.
Năm 1300 là thời khắc chứng kiến sự bùng nổ của rượu Sake, trở thành “quốc hồn, quốc túy” của xứ Phù Tang. Đến thế kỷ 20, một số kỹ thuật nấu rượu hiện đại được áp dụng và đặc biệt đến Thế chiến 2, người ta đã bắt đầu thêm cồn nguyên chất vào rượu Sake.
Kỹ thuật nấu rượu Sake có thể thay đổi theo thời gian nhưng vai trò của nó trong văn hóa Nhật Bản chưa bao giờ đổi thay. Sake luôn có chỗ đứng trong các nghi lễ trọng đại của đất nước hoa anh đào và những bữa tiệc đám cưới, khai trương công ty hoặc Tết…
Sake có thể uống khi nguội, hoặc hâm nóng, tùy theo mùa. Theo truyền thống, Sake được chứa trong các bình và chai bằng sành sứ. Chén uống Sake cũng có nhiều loại, thường rất trang trọng. Sakazuki là chén nhỏ và nông, được sử dụng phổ biến nhất. Trang trọng hơn là Masu, có hình dạng như chiếc hộp hình vuông.
Ở Nhật Bản hiện hữu rất nhiều quán rượu có bán Sake và các món ăn bình dân đi kèm. Trong văn hóa ẩm thực, các món ăn khác nhau theo từng mùa với những nguyên liệu thích hợp nhằm hòa quyện với hương vị rượu sake sao cho trở nên ngon và thi vị nhất. Có lẽ không có gì thú vị bằng vào mùa đông lạnh giá, du khách được nhâm nhi chén rượu Sake nóng cùng với món lẩu nấm nghi ngút hương thơm.
Nhật Bản vốn nổi tiếng là một dân tộc có mỹ cảm cao nên họ rất chú trọng đến việc chọn và sử dụng từng loại bình, loại chén đựng Sake với kiểu dáng, màu sắc sao cho phù hợp với các mục đích khác nhau. Nhìn chung, đó là thao tác rất công phu và tỉ mỉ. Vào dịp Oshogatsu (Lễ hội Năm mới) hay các dịp ăn mừng, họ dùng chén Sakazuki và bình Choshi với màu đỏ và màu đen bóng. Bình dựng rượu để dâng cúng thần linh có màu trắng – tượng trưng cho sự tinh khiết, thiêng liêng.
Người Nhật thường rót rượu Sake vào Tsunodaru (một loại thùng màu đỏ, có 2 quai xách) mỗi dịp vui vẻ như hội hè hay Lễ Thành niên, đính hôn, động thổ, khánh thành… Cũng giống như Việt Nam, ở Nhật Bản có phong tục dâng cúng rượu Sake lên các vị thần linh rồi sau đó mới thưởng thức trong bữa ăn. Nhấm rượu Sake còn được coi như đánh dấu của một sự cam kết hoặc thực hiện một lời hứa nào đó. Ở lễ cưới truyền thống của người Nhật, cô dâu và chú rể sẽ được mời uống “3 hớp, 3 chén” rượu Sake cùng chung 1 chén, biểu tượng cho lời hứa chia sẻ ngọt bùi cũng như đắng cay trong cuộc sống vợ chồng về sau. Rượu Sake vì thế được xem là nét độc đáo và đặc sắc trong văn hóa Nhật Bản.