Nhạc hiện đại đưa nhạc cụ dân tộc đến với giới trẻ Việt – Tạp chí âm nhạc
Họ không mặc áo the, khăn xếp khi trình diễn đàn tranh, đàn nguyệt hay thổi những điệu sáo du dương. Họ còn rất trẻ và ăn mặc theo phong cách hiện đại, đúng với lứa tuổi. Nhưng tất cả đều có một điểm chung, họ hiện đại hóa nhạc cụ dân tộc và lôi cuốn một lượng lớn khán thính giả còn rất trẻ.
Quảng cáo
Sau thành công của album Hoàng (10/2019) của ca sĩ Hoàng Thùy Linh, có thể thấy giới nghệ sĩ, ca sĩ trẻ rất chú ý đến trào lưu nhạc trẻ ứng dụng hoặc lấy cảm hứng từ văn hóa dân tộc. Một thế hệ nhạc sĩ trẻ, dám liều, sáng tạo, biết chọn cách để đưa nhạc dân tộc đến với khán giả. Khán giả trẻ biết đến một Cao Bá Hưng chơi tì bà, một Trung Lương đàn nguyệt, một Đinh Nhật Linh thổi sao trúc, một Hoài Thu đàn nhị, một Sĩ Phú chuyên đàn tam thập lục, đàn đá, bộ gõ…
Khai thác thị hiếu của giới trẻ
Điểm chung của họ là biết khai thác sở thích của khán giả, biết phá vỡ ranh giới vô hình giữa nhạc cụ dân tộc và giới trẻ. Họ biết kết hợp đông và tây, cổ và hiện đại để tạo nên những bản nhạc sôi động, đầy sức sống, khác với tiếng nhạc tưởng vẫn nỉ non của nhạc cụ dân tộc.
Đỗ Trung Lương (sinh năm 1996), là một trong những nghệ sĩ trẻ như vậy, mang tiếng đàn nguyệt vào những ca khúc đình đám thế giới để giới thiệu với giới trẻ đàn nguyệt nói riêng và nhạc cụ dân tộc nói chung. Trong buổi phỏng vấn với RFI Tiếng Việt, Trung Lương, Á quân của Vietnam’s Got Talent 2016 (Tìm kiếm Tài năng Việt Nam), giải thích về lựa chọn của mình :
« Hiện tại, sự phổ biến của nhạc cụ truyền thống đang hạn hẹp và còn nhiều hạn chế. Để khán giả nghe những giai điệu truyền thống ở đời sống thường ngày thì gần như rất ít có những khoảnh khắc như vậy. Ví dụ thực tế ngoài đường phố, đa số chúng ta thường được nghe những bản nhạc mới, nhạc trẻ vui nhộn rất nhiều. Ngược lại, để nghe được một giai điệu truyền thống trong đời sống thường ngày thì gần như không có, mà phải tìm đến tận gốc gác. Gốc gác ở đây có thể là chúng ta phải đến nhà hát chèo, nhà hát kịch, hay những sân khấu dành riêng cho nhạc cụ truyền thống ».
Nói đến Trung Lương, mọi người sẽ nghĩ đến những bản cover điêu luyện nhiều bản hit quốc tế : Nova (Ahrik), Faded (Alan Walker), Attention (Charlie Puth) Despacito (Luis Fonsi), Waiting for love (Avicii), Something just like this (The Chainsmokers và Coldplay), Shape of you (Ed Sheeran), Darkside (Alan Walker), Let her go (Passenger)… Đó là cách để Trung Lương mang đàn nguyệt tiếp cận với giới trẻ.
« Để đưa đàn nguyệt đến với những khán, thính giả trẻ, em nghĩ mỗi người có một định hướng âm nhạc khác nhau. Đối với em, em thích những sự sáng tạo và sự độc đáo mới lạ. Đầu tiên, em muốn luyện tập cho tay nghề đàn ngày một hay hơn, kỹ thuật hơn để khi mình phô diễn kỹ năng đàn nguyệt thì có thể tạo ra được một năng lượng cho khán giả trẻ để họ thấy được động lực, tinh thần tích cực và kỹ thuật từ cây đàn nguyệt.
Thứ hai là em nhắm đến mầu sắc nhạc lựa chọn, đó là những mầu sắc mang xu hướng âm nhạc thịnh hành hiện tại để kết hợp với đàn nguyệt. Ví dụ em từng kết hợp âm nhạc điện tử với đàn nguyệt qua bài Nova của Ahrik hay là Faded của Alan Walker. Em thấy là khán giả trẻ, không những ở Việt Nam mà cả quốc tế, đón nhận rất nhiều. Tất nhiên em sẽ phải sáng tạo nhiều mầu sắc âm nhạc hơn để kết hợp với đàn nguyệt để làm sao tạo được cảm giác gần gũi, thân thuộc, dễ nghe nhất cho khán giả trẻ.
Đây là định hướng chính mà em đang phát triển xây dựng cho mình trong hành trình đưa cây đàn nguyệt tới khán giả trẻ, nhưng không chỉ khán giả trẻ mà em còn mong muốn mang tới cho tất cả tầng lớp lớn tuổi, trẻ tuổi đều có thể thưởng thức ».
Khi xem Trung Lương biểu diễn, ví dụ như bản Nova của Ahrix trong cuộc thi Tìm kiếm tài năng Việt Nam 2016, có thể thấy không phải gảy đàn mà những ngón tay lướt trên dây đàn, với những tiết tấu nhanh, đầy sức sống khiến khán giả phải nhún nhẩy theo. Đây là thành quả của một quá trình luyện tập dài để thể hiện được trọn vẹn những đoạn cao trào và cần độ điêu luyện.
« Do âm nhạc truyền thống là những giai điệu ngũ cung nên khi chuyển thể qua những bản nhạc mới với đa số toàn đủ nốt, nốt thăng, nốt giáng. Có những bài khi chuyển qua, nhạc cụ truyền thống bị thiếu nốt nên đòi hỏi kỹ thuật cao để luyến láy làm sao cho ra đủ nốt.
Trước đây em luyện tập vẫn theo cảm xúc. Khi gặp những bài yêu thích và có cảm xúc với bản nhạc đó thì dường như những câu từ và tay của mình cũng điêu luyện hơn vì mình đang chơi một bản nhạc yêu thích. Nhưng bây giờ, em làm theo hướng chuyên nghiệp nên phải tập luyện theo một kiểu khác. Những ngày không bận công việc, em phải dành khoảng hai tiếng để luyện tập những bài tập cơ bản đàn nguyệt, từ chạy ngón cho đến vê dây. Còn khi em gặp những đoạn khó thì em cứ tập đi tập lại cho đến khi đánh nhuần nhuyễn thì thôi ».
Thử thách kết hợp nhạc cổ – hiện đại
Có thể thấy ưu điểm duy nhất của đàn nguyệt, cũng như những nhạc cụ dân tộc khác, khi chuyển qua nhạc hiện đại là yếu tố “đông tây kết hợp” : vừa có nhạc cụ dân tộc, vừa có nhạc mới sẽ mang lại một mầu sắc âm nhạc lạ tai, thu hút chú ý hơn. Còn lại là rất nhiều khó khăn. Liệu các nghệ sĩ trẻ có nên dám thử thách, chấp nhận thất bại trước khi thành công thể loại này không ?
« Mỗi người có một suy nghĩ riêng. Nhưng theo quan điểm của em, các nghệ sĩ trẻ nên thử một lần kết hợp vì khi mình kết hợp và cảm thấy thích hướng đó, như hướng Lương đang đi thì mọi người nên theo. Khi mình làm một việc gì đó và cảm thấy đúng việc mình yêu thích và đam mê thì mình sẽ làm việc đó rất tốt. Tương tự, những bạn đang theo sâu vào âm nhạc truyền thống mà cảm thấy yêu cuộc sống hiện tại, yêu việc mình đang làm là gìn giữ truyền thống thì cứ đi theo định hướng đó, chứ không phải đi theo định hướng kết hợp nào khác. Điều quan trọng là mình yêu thích và đúng đam mê thì theo, thì em nghĩ sẽ làm được rất tốt và thành công ».
Mỗi nghệ sĩ trẻ có lý do riêng để đến với nhạc cụ dân tộc, nhưng phải nói là lựa chọn của họ đều rất dũng cảm. Trung Lương đến với đàn nguyệt lần đầu tiên vào năm lớp 6, lúc đó còn rất nhỏ. Có lý do đặc biệt nào giải thích cho lựa chọn của một học sinh cấp 2 lúc đó ?
« Chắc là em ảnh hưởng từ bố em khá nhiều. Từ lúc em còn bé, bố em chơi rất nhiều loại nhạc cụ, như sáo, đàn bầu, đàn tranh, đàn nguyệt. Thường ngày, bố em cứ chơi đàn, kéo nhị, thổi sao, em nghe dần dần rồi thấy thấm và bắt đầu thích.
Em nhớ nhất có một lần, bạn của bố cũng là một nhạc công chơi đàn nguyệt tới nhà chơi, em nghe thấy chú đánh một vài bài đàn nguyệt. Không hiểu sao lúc đó nghe, em cảm thấy rất yêu thích cây đàn này. Tiếng đàn rất có hồn và đúng với tâm trạng, cảm xúc lúc đó của em. Cho nên một thời gian sau, em xin bố mẹ cho thi vào trường để học nhạc và đàn nguyệt theo con đường chuyên nghiệp ».
Năm 2016 đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp của Trung Lương khi giành giải Á quân trong cuộc thi Tìm kiếm Tài năng Việt Nam. Thành công đó thay đổi cuộc sống và sự nghiệp của Trung Lương như nào ?
« Sau năm đó, gần như cuộc sống của em cũng thay đổi rất nhiều vì mình có một lượng khán giả cũng chú ý hơn nên khi làm một sản phẩm mới, em cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm của mọi người. Từ đó, em đọc những bình luận của mọi người để thay đổi phong cách âm nhạc và tiếp thu ý kiến từ tất cả mọi người ».
Mong ước từng được Trung Lương bày tỏ trong cuộc thi Tìm kiếm Tài năng Việt Nam năm 2016 là mang đàn nguyệt giới thiệu với bạn bè thế giới đã được phần nào toại nguyện. Trên kênh YouTube của Trung Lương, rất nhiều bình luận bằng tiếng nước ngoài cho thấy họ ngạc nhiên khám phá một nhạc cụ dân tộc của Việt Nam và khả năng điêu luyện, sự độc đáo của nghệ sĩ trẻ khi cover những bản hit. Trung Lương, cũng như những nghệ sĩ trẻ dám nghĩ, sáng tạo, đã chứng minh được rằng đàn nguyệt, cũng như nhạc cụ dân tộc, không chỉ còn gắn với mỗi hình thức văn nghệ cổ, tuồng, chèo hay cải lương.
Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí
Đăng ký
Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế