Nhà khoa học trọn đời phụng sự đất nước

QĐND – Từ một trí thức được đào tạo ở các trường đại học nổi tiếng tại Pháp, Anh… trở về nước dạy học rồi tham gia cách mạng, Giáo sư Tạ Quang Bửu được giao nhiều trọng trách: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VI… Trong cuộc đời rất nhiều sự kiện của ông, có thể thấy di sản mà ông để lại là một tấm gương sáng về nghị lực, nhân cách, một trí tuệ uyên bác trong nhiều lĩnh vực…

Nhà trí thức yêu nước

Giáo sư Tạ Quang Bửu sinh năm 1910, trong một gia đình có truyền thống hiếu học tại thôn Hoành Sơn, xã Nam Hoành (nay là xã Khánh Sơn), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ngay từ nhỏ, ông đã nổi tiếng thông minh, học giỏi. Ông từng học các trường nổi tiếng nhất trong nước như: Quốc học Huế, Trường Bưởi trước khi nhận được học bổng du học tại Pháp năm 1929. Khi đến Pa-ri, ông thi đỗ vào trường Sorbonne-trường đại học danh tiếng nhất của Pháp. Tại đây, Tạ Quang Bửu theo học và đỗ cử nhân toán. Sau đó, ông xuống Bordeaux để học thêm về Cơ học. Chưa dừng lại ở đó, ông theo học ngành Vật lý và nhận được học bổng của Trường Đại học Oxford tại Anh-trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học nổi tiếng thế giới.

Giáo sư Tạ Quang Bửu giảng bài tại Trường Đại học Bách khoa, Hà Nội.

Sau thời gian học tập tại nước ngoài, năm 1934 trở về nước, Tạ Quang Bửu từ chối lời mời ra làm quan mà làm nghề dạy học tại Trường tư thục Phú Xuân, sau là Trường Thiên Hựu ở Thừa Thiên-Huế.

Tháng 8-1945, ông cùng luật sư Phan Anh ra Hà Nội để liên hệ với lãnh đạo Việt Minh rồi tham gia Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được giao chức vụ Tham nghị trưởng Bộ Ngoại giao trong Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trong cuộc bầu cử đầu tiên của nước ta, ông được bầu là đại biểu Quốc hội và giữ nhiều trọng trách trong bộ máy chính quyền cách mạng non trẻ. Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (1947-1948), rồi Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (1949-1961), trong núi rừng Việt Bắc, ông đã cùng Giáo sư Trần Đại Nghĩa, lúc đó là Cục trưởng Cục Quân giới chỉ đạo cán bộ chuyên môn kỹ thuật, đạn dược… tăng cường sức chiến đấu cho bộ đội. Sau thắng lợi của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, ông là người đại diện Quân đội ta ký với Pháp văn bản quân sự của Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Năm 1965, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp được thành lập, Giáo sư Tạ Quang Bửu được giao trọng trách Bộ trưởng. Với tầm nhìn chiến lược của nhà quản lý, ông đã đề xuất cải tiến nội dung giảng dạy theo yêu cầu: “Dạy những điều cơ bản nhất, hiện đại nhất và sát hợp với điều kiện Việt Nam nhất”. Đầu thập niên 1970, ông đề ra chủ trương thi tuyển vào các trường đại học, thi chọn học sinh, nghiên cứu sinh đi học tập và nghiên cứu ở các nước xã hội chủ nghĩa. Từ đó, mỗi năm có hàng nghìn sinh viên giỏi, cán bộ ưu tú được gửi đi đào tạo ở nước ngoài.

Ngoài công tác giáo dục, Giáo sư Tạ Quang Bửu vẫn tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật quân sự và có những cống hiến xuất sắc cho quốc phòng. Ông trực tiếp chỉ đạo nhóm nghiên cứu kỹ thuật phát thanh do Giáo sư Bùi Minh Tiêu phụ trách phối hợp cùng cán bộ, công nhân Đài Tiếng nói Việt Nam nghiên cứu các phương án dự phòng khi đài bị địch đánh phá. Vì vậy, khi đài Mễ Trì bị bom Mỹ đánh trúng, chỉ ít phút sau, Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn dõng dạc vang lên thông báo với toàn thế giới ý chí bất khuất của nhân dân Việt Nam. Mùa hè năm 1972, Mỹ thả thủy lôi trên sông, biển và phong tỏa cảng Hải Phòng, ông đã trực tiếp chỉ đạo một tổ nghiên cứu thiết kế, chế tạo khí tài phá thủy lôi để chống lại thủy lôi chiến lược MK52 của Mỹ và khí tài phá bom từ trường do Tiến sĩ Vũ Đình Cự làm tổ trưởng.

Nhà khoa học không ngừng học

Theo ông Hoàng Xuân Tùy, nguyên Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, sở dĩ Giáo sư Tạ Quang Bửu có kiến thức uyên bác trên nhiều lĩnh vực như vậy, bởi ông ham học, ham hiểu biết. Ông không chỉ là nhà khoa học tự nhiên lỗi lạc mà còn là người am hiểu nghệ thuật kiến trúc, hội họa, âm nhạc… Ít người biết rằng, ngoài thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, Giáo sư Tạ Quang Bửu còn sử dụng được tiếng Đức, tiếng Nga và vốn Hán ngữ hoàn hảo. Giáo sư, nhà toán học Lê Văn Thiêm từng nói: “Bửu tại một ngôi nhà lá dùng làm trụ sở của Cơ quan Bộ Quốc phòng giữa rừng Tuyên Quang, tôi kinh ngạc và thú vị khi thấy, tuy chìm ngập trong công việc, anh vẫn dành thời gian đọc sách báo nổi tiếng qua tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức…”. Với sức làm việc và niềm say mê nghiên cứu khoa học không mệt mỏi, ngay trong những năm đầu chống Pháp vô cùng khó khăn, ông vẫn liên tiếp cho ra mắt nhiều cuốn sách như: “Thống kê thường thức”, “Vật lý cương yếu”, “Nguyên tử-Hạt nhân-Vũ trụ tuyến” và “Sống”…

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (tháng 7-1954). Ảnh do gia đình Giáo sư Tạ Quang Bửu cung cấp.

Khi ở cương vị lãnh đạo cao, dù bận trăm công nghìn việc, ông vẫn đều đặn đến thư viện chọn sách mượn về đọc. Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Duy Quý kể rằng, có một câu chuyện ít người biết, đó là Bộ trưởng Tạ Quang Bửu hay ghé thăm Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Mỗi lần đến trường, ông đều muốn vào thư viện của trường xem có vấn đề nào mới về khoa học, nên Bộ trưởng dặn thầy Hiệu trưởng Ngụy Như Kon Tum: Nếu Bộ trưởng xuống làm việc với lãnh đạo nhà trường thì có lịch hẹn trước, nếu không có hẹn mà thấy xe Bộ trưởng đến là ông vào thư viện.

Cho đến những năm cuối đời, Giáo sư Tạ Quang Bửu bị bệnh thoát vị đĩa đệm, ngồi rất khó khăn, gia đình đóng cho ông một chiếc bàn ngang ngực, kê bên cửa sổ trong phòng làm việc, để ông có thể đứng làm việc, đọc sách và ghi chép.

Một đời giản dị, khiêm nhường

Đọc những bài viết và hồi ký về Giáo sư Tạ Quang Bửu của những người may mắn được gần gũi ông, đều có cảm nhận là con người tài năng, uyên bác ấy luôn có tác phong giản dị, gần gũi. Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Xuân Sính nhớ lại: “Làm Bộ trưởng nhưng anh không làm “quan thượng thư” mà là “đầy tớ” của nhân dân. Anh rất quý anh chị em làm khoa học. Anh cho phép chúng tôi vào thẳng phòng Bộ trưởng mà không phải xin lịch hẹn hay qua thư ký. Và khi nói chuyện với anh thì có thể nói thoải mái… Trong bao nhiêu năm, tôi chưa hề thấy anh chê hay nói xấu ai bao giờ. Cái cười hồn nhiên, chân thật của anh là cái cười của nhà khoa học lớn, bao dung, độ lượng, biết yêu quý con người”.

Với những cống hiến lớn lao đối với đất nước và nhân dân, Giáo sư Tạ Quang Bửu đã được Đảng, Nhà nước, quân đội tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và các huân, huy chương cao quý khác. Năm 1996, Giáo sư Tạ Quang Bửu được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 về khoa học và công nghệ với “Tập hợp các công trình giới thiệu khoa học kỹ thuật hiện đại sau năm 1945, chỉ đạo các nhiệm vụ kỹ thuật quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”. Tên của ông được đặt cho gần 30 con phố, trường học, thư viện, công trình ở các tỉnh, thành phố trên cả nước. Từ năm 2014, có một giải thưởng mang tên Giáo sư Tạ Quang Bửu. Đây là giải thưởng hằng năm của Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu khoa học cơ bản.

 

Trong căn phòng lưu niệm Giáo sư Tạ Quang Bửu tại gia đình, con trai ông, Thiếu tướng Tạ Quang Chính tâm sự: “Trong ký ức của anh em chúng tôi, hầu như thời gian của cha tôi luôn dành cho công việc. Về nhà, ông vẫn luôn đeo kính và tay thường không rời cuốn sách. Khi anh em tôi đi học xa nhà, thỉnh thoảng lắm ông mới viết thư mà cũng viết rất ngắn, chỉ hỏi thăm sức khỏe, tình hình học tập. Còn chúng tôi có viết thư về cũng chỉ biên thư cho mẹ vì sợ ông bận công việc, không có thời gian đọc, có gì thì bà sẽ nói lại với ông. Bù lại, cha tôi luôn thương yêu vợ con hết lòng. Chúng tôi hầu như không thấy ông nặng lời với con cái bao giờ. Tuy không có một lời nào giáo huấn nhưng ông đã dạy chúng tôi gián tiếp qua cách sống mẫu mực, cách quan hệ, cách nhìn nhận và giải quyết vấn đề và sức làm việc tận tụy của mình.

Bố tôi sống một cuộc đời thanh bạch, không bao giờ tư lợi. Khi ông đang công tác hay khi ông về nghỉ hưu, gia đình chúng tôi vẫn sống đạm bạc. Để bố tôi yên tâm công tác và con cái ăn học, mẹ tôi xoay xở làm thêm đủ nghề. Bố tôi luôn ngại làm phiền đến người khác. Người quen, bạn bè, cả học trò của ông nhiều người là giáo sư, bác sĩ đầu ngành nhưng mỗi khi ông ốm đau, phải vào bệnh viện, ông vẫn điều trị theo điều hành của bệnh viện. Ngay cả khi lâm bệnh nặng, ông cũng không bao giờ đòi hỏi chế độ chăm sóc đặc biệt.

Tài sản cha tôi để lại là toàn bộ 16 giá sách, sau vì phải di chuyển nhiều và nhà chật nên mẹ tôi thu gọn số tủ sách lại. Về sau, chúng tôi soạn lại để làm phòng lưu niệm của ông thì thấy hoàn toàn là sách, tài liệu ghi chép, các công trình khoa học, bài giảng của ông, không có dòng nào ông viết về bản thân mình. Sau này, các ban ngành, địa phương có đặt vấn đề làm Nhà tưởng niệm cha tôi, nhưng gia đình rất băn khoăn vì sợ làm vậy có trái ý hoặc không hợp với bản tính khiêm nhường của ông”.

Giáo sư Tạ Quang Bửu qua đời ngày 21-8-1986, thọ 76 tuổi. Trọn đời ông đã sống theo phương châm ông từng khẳng định trong cuốn sách viết giữa núi rừng Việt Bắc những ngày đầu kháng chiến: “Điều cốt yếu không phải sống là gì? Điều cốt yếu nhất là làm gì trong lúc sống?”.

VÂN HƯƠNG